Triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch tiêu chảy cấp

  • Cập nhật: Thứ bảy, 3/11/2007 | 12:00:00 AM

Ngày 2-11, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1638/CÐ-TTg gửi Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Huy động cả hệ thống chính trị tuyên truyền phòng, chống dịch; bao vây dập các ổ dịch trong thời gian sớm nhất; Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm nếu để dịch lan rộng trong địa bàn.

Theo Công điện, hiện nay trên địa bàn một số tỉnh, thành phố phía bắc như: Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Phú Thọ... do ảnh hưởng của lũ lụt, tạo điều kiện cho mầm bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm xuất hiện và lan rộng. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh là do ăn uống mất vệ sinh, đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, rau sống... Ðây là bệnh nguy hiểm, dễ lây lan rộng thành dịch, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ðể chủ động phòng, tránh và dập tắt dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất, Thủ tướng yêu cầu UBND các cấp, các bộ, ngành chức năng tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ sau:

1- Huy động cả hệ thống chính trị và các phương tiện thông tin đại chúng làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tiêu chảy cấp, trước hết là giữ vệ sinh ăn uống, sinh hoạt. Không ăn thức ăn tươi sống, uống nước chưa đun sôi, đặc biệt là không ăn các loại mắm, thực phẩm sống (tiết canh, gỏi hải sản, rau sống...)

2- Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trực tiếp chỉ đạo và giám sát UBND tuyến huyện, xã triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Tăng cường công tác kiểm tra, tổ chức giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng các ổ dịch tiêu chảy cấp, tập trung lực lượng xử lý triệt để ngay từ đầu, tuyệt đối không để lây lan. Ðặc biệt chú trọng việc khử khuẩn, khử trùng nước sinh hoạt, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn cho nguồn cung cấp nước sinh hoạt. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, hàng quán ăn uống, bếp ăn tập thể, dừng ngay việc mua bán, sử dụng mắm tôm hiện là nguồn lây truyền bệnh. Xử lý nghiêm khắc các cơ sở và cá nhân vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở điều trị chuẩn bị đầy đủ thuốc, dịch truyền để điều trị tích cực và hiệu quả ngay tại chỗ có người bệnh, thực hiện nghiêm túc việc phòng lây nhiễm bệnh trong bệnh viện, hạn chế chuyển tuyến điều trị. Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh lan rộng trong địa bàn phụ trách.

3- Bộ Y tế chỉ đạo hệ thống y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền việc tổ chức thực hiện và đôn đốc kiểm tra nhằm bảo đảm bao vây dập các ổ dịch tiêu chảy cấp trong thời gian sớm nhất. Ðịnh kỳ hằng ngày tổng hợp diễn biến tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4- Ðề nghị UBT.Ư MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí, truyền thông chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và tích cực tham gia công tác vận động, tuyên truyền phòng, chống bệnh tiêu chảy cấp.

Tại buổi họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm chiều 2-11, Bộ Y tế cho biết: Ðến ngày 2-11, chính thức có 50 trường hợp bị bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm. Như vậy, trong ngày 2-11, số người nhập viện cũng như chính thức được kết luận có bệnh đều tăng so với hôm trước. Thái Bình là địa phương thứ tám được xác định có người bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện nay số người nhiễm bệnh chưa có kết luận chính xác còn khá nhiều. Sở Y tế Hà Nội báo cáo có tới 273 trường hợp có các triệu chứng lâm sàng; Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia có tới 160 trường hợp nghi ngờ, trong đó qua soi kính hiển vi có tới 108 ca dương tính (những người này vẫn phải làm các xét nghiệm khác nữa mới có kết luận chính thức). Hiện nay các hoạt động phòng, chống dịch được Bộ Y tế cũng như ngành y tế các địa phương triển khai rất khẩn cấp.

* Tại cuộc họp, Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn nhận định, tình hình diễn biến của dịch tiêu chảy còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đây là bệnh có thể phòng, tránh và rất dễ phòng, tránh. Ðiều này phụ thuộc nhiều vào ý thức người dân. Do đó, hơn bao giờ hết, mỗi người dân hãy tự biết cách phòng, tránh cho mình và cộng đồng theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Ðó là ăn chín, uống sôi, không ăn mắm tôm, rau sống, gỏi... Cùng với các biện pháp ngành y tế đang triển khai, chắc chắn sẽ khống chế được dịch. Còn không dịch sẽ bùng phát mạnh.

Chiều tối qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cùng lãnh đạo các vụ, cục và Sở Y tế Hà Nội tiến hành kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là việc sử dụng mắm tôm  tại khu vực hàng ăn chín tại chợ Hôm - Ðức Viên, khu nhà hàng thịt chó ở phố Lê Văn Hưu và công tác dự phòng, tiếp nhận điều trị người bệnh tiêu chảy cấp tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Bộ trưởng đánh giá cao việc tuyên truyền cũng như chấp hành nghiêm việc buôn bán và sử dụng mắm tôm của người dân. Bộ trưởng đề nghị Bệnh viện Thanh Nhàn thực hiện tốt việc chăm sóc số người bệnh đang điều trị tại bệnh viện (65 trường hợp), đồng thời bảo đảm đủ thuốc, hóa chất, không để người bệnh tử vong.

Bộ Y tế cử 30 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tiêu chảy cấp và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa phương. Các bệnh nhân bị mắc bệnh tiêu chảy cấp đang điều trị tại các bệnh viện sẽ được điều trị miễn phí hoàn toàn. Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, huyện tuyên truyền rộng rãi bằng tờ rơi, khuyến cáo cho cộng đồng phòng, chống bệnh tiêu chảy cấp. Bảo đảm đủ thuốc và hóa chất cho công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế các tỉnh phía bắc về cách điều trị bệnh tiêu chảy cấp theo phác đồ điều trị mới. Khuyến khích người dân ở những vùng có dịch uống thuốc kháng sinh dự phòng bệnh tiêu chảy cấp.

Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc giám sát chặt chẽ ổ dịch, xử lý triệt để khu vực nguồn nước và môi trường chung quanh bằng chloramine B 5%, nhằm dập tắt dịch tiêu chảy cấp tại các tỉnh phía bắc.

Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) Hà Nội vừa thông báo khẩn đến Phòng GD-ÐT 14 quận, huyện và tất cả các trường học trên địa bàn Thủ đô, nơi tổ chức phục vụ căng-tin, tổ chức bếp ăn tập thể, bếp ăn bán trú, yêu cầu những nơi này phải thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) từ khâu nhập nguyên liệu đến khâu chế biến, bảo quản và tổ chức ăn tập thể. Trong đó, nguyên liệu phải có nguồn gốc, đã qua kiểm nghiệm. Phòng bếp, phòng ăn bảo đảm vệ sinh. Sở GD-ÐT Hà Nội yêu cầu Phòng GD-ÐT các quận, huyện, các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác giáo dục, phổ biến kiến thức và những quy định của Nhà nước, của UBND thành phố và ngành về ATVSTP. Tập trung tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đường tiêu hóa, bệnh lây truyền qua đường thực phẩm cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, học sinh...

Ngày 2-11, Sở Thương mại Hà Nội có công văn yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ trên địa bàn, tổ chức tổng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm toàn bộ các loại nông sản thực phẩm tại đơn vị mình, đặc biệt là các mặt hàng thủy hải sản tươi sống, thực phẩm chế biến, rau hoa quả. Nhất thiết phải loại bỏ những mặt hàng không bảo đảm các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sở Thương mại cũng yêu cầu các đơn vị đình chỉ ngay việc kinh doanh và sử dụng các mặt hàng như mắm tép, mắm tôm, nem chua, gỏi cá và các sản phẩm có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm cao, cho đến khi có lệnh của các cơ quan chức năng mới được phép tiếp tục kinh doanh và sử dụng. Các đơn vị phải thông báo với Trung tâm Y tế dự phòng các quận, huyện để xử lý tiêu hủy những mặt hàng trên theo đúng quy trình, không tự động tiêu hủy để tránh lây nhiễm mầm bệnh ra cộng đồng.

(Theo Nhân Dân)

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 27/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội (lần 2) đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện được Chính phủ gửi sang Quốc hội gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Công tác tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được thực hiện công phu, khoa học

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi làm việc với Bộ TN&MT và cơ quan liên quan về tổng hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân đối với Luật Đất đai (sửa đổi), chiều 4/4.

Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thời gian qua, việc triển khai lấy ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tỉnh Yên Bái triển khai tích cực, đã có 52.805 lượt ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục