Nghĩa Lộ, những đảng viên đi trước

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/3/2015 | 3:26:21 PM

YBĐT - Nghĩa Lộ, nơi thực dân Pháp lập ra Căng giam cầm các chiến sĩ cách mạng, là lò lửa sục sôi trước khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra. Nơi đây vốn nổi tiếng là Đường Nghĩa, các dân tộc giàu lòng yêu nước, sẵn sàng hiến thân vì nghĩa lớn, vì sự tồn vong của dân tộc.

Với những điều cơ bản có được ấy, khi thời cơ đến, nhiều người đã hăng hái tham gia. Người ủng hộ tiền, mua súng. Khi tù chính trị tới Căng Nghĩa Lộ, nhiều người bí mật giúp đỡ thuốc men, áo ấm, tiền gạo, giúp giấy mực để in báo Đường Nghĩa… Nhiều người trực tiếp tham gia cách mạng, là những đảng viên, là cán bộ trung kiên… Trong bài, chỉ xin viết mấy tấm gương đảng viên ưu tú.

Người đi tiên phong

Đó là ông Nguyễn Đăng Long, nhà gần gốc đa đầu phố Nghĩa Lộ. Việc ông bí mật tham gia cách mạng nhiều người biết, vẫn kể cho con cháu. Một nhân chứng, ông Trần Mạnh kể lại, ông Nguyễn Đăng Long đã bí mật theo cách mạng ở Chiến khu Vần từ lâu, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tết năm Ất Dậu (1945), ông về ăn tết ở nhà anh trai là ông Nguyễn Đăng Kỳ (dân phố vẫn gọi là Cả Nho). Tranh thủ ngày tết, ông Long gặp gỡ nhiều người thân tin cẩn, bí mật tuyên truyền về Việt Nam Độc lập Đồng Minh Hội.

Sau tết ít ngày, ông Long lại về Nghĩa Lộ, cùng vào còn có ông Nguyễn Tiến Phúc, người Hiền Lương. Ông Long nhờ em cậu là Văn, bí mật đi báo ông Giáo An, bà Thông, bà Khuê vợ ông Xuân, ông Ngạc, ông Bùi Vị, ông Trần Mạnh, ông Luân, ông Hiệt… là những người đã được ông Long giác ngộ, đến nhà bà Đội Khôi - nhà ở riêng biệt, bên ngoài đình Thổ có tường xây kín đáo - để có cuộc họp kín. Trong đêm tối, mọi người túm tụm gần nhau, ông Nguyễn Tiến Phúc nhẹ nhàng phổ biến tôn chỉ, mục đích của Việt Nam Độc lập Đồng Minh Hội là đánh Tây, đuổi Nhật, giành lại quyền độc lập cho đất nước. Mọi người nghe thấy đúng ý, hợp lòng, đều hăng hái xin gia nhập Hội. Như vậy, từ ông Nguyễn Đăng Long tuyên truyền, kết nối, phố Nghĩa Lộ đã có tổ chức cách mạng từ hôm ấy.

Đó là vào tháng 3 năm 1945. Sau khi vào hội, các hội viên đã nhanh chóng tuyên truyền, giác ngộ, phát triển hội viên, mở rộng xuống Bản Hẻo, Sơn A, lên Hạnh Sơn… Các hội viên còn tự nguyện góp tiền mua súng chờ thời cơ, tổ chức rải truyền đơn cách mạng. Thấy tình hình bất ổn, Tri phủ Đặng Phạm Lộc đưa vợ con về quê. Ông Nguyễn Côn là hội viên, cũng là người giúp việc của quan Thừa phái trong phủ, nắm được tình hình đã bí mật báo lại. Hội viên đã bàn nhau tổ chức phục bắt quan Tri phủ tại Đèo Ách. Việc không thành công hoàn toàn nhưng tạo tiếng vang lớn, kẻ thù hoang mang, tạo điều kiện ta sớm giành chính quyền.

Từ kết quả giành chính quyền ở Nghĩa Lộ, Ban Cán sự Phú Yên có chủ trương: nơi nào giành được chính quyền thì đẩy mạnh phát triển Đảng vào các thành phần trung kiên để làm nòng cốt cho phong trào cách mạng. Ban Cán sự quyết định kếp nạp hai đảng viên mới là người Văn Chấn. Đó là ông Nguyễn Đăng Long, Đặng Văn Tám, đều là người phố Nghĩa Lộ và thành lập Chi bộ do ông Phạm Văn Toán làm Bí thư (sơ thảo lịch sử Đảng bộ huyện Văn Chấn, xuất bản 1986).

Theo ông Đào Xuân Thái, nguyên là liên lạc của đồng chí Nguyễn Minh Đăng, việc cách mạng đưa người bơi đò sang Dinh Tuần phủ Yên Bái, lấy súng vào đêm 15/7/1945 có ông Nguyễn Đăng Long, An Văn Bùi, Nguyễn Hữu Phước… (sự việc lịch sử của tỉnh đã có). Việc bị lộ, địch nổ súng. Anh An Văn Bùi hy sinh, anh Nguyễn Hữu Phước bị thương, còn Nguyễn Đăng Long đã nhảy xuống sông, bơi về báo cáo. Khi giành chính quyền ở thị xã Yên Bái vào ngày 17/8/1945, quân cách mạng có 3 trung đội vượt sông Hồng. Trong đó, Phân đội 1 do ông Đoàn Đăng Cự chỉ huy đã sang chiếm đài khí tượng rồi đánh lên đồn cao. Phân đội thứ 2 do ông Nguyễn Đăng Long chỉ huy, vượt sông sang chiếm nhà ga Yên Bái… Sau này, trong cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm, người đảng viên, người chiến sĩ cách mạng tài năng ấy đã hiến thân mình cho Tổ quốc.

Bí mật, không khéo trong lòng địch

Trong lớp đảng viên đi đầu, ngoài đảng viên Nguyễn Đăng Long, Nghĩa Lộ còn có đảng viên Đặng Văn Tám, đảng viên Nguyễn Ngọc Côn (tức Nguyễn Liêm, sau là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn)… Bài này xin viết tiếp về đảng viên Nguyễn Trọng Thơ. Ông quê ở xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ông Thơ lên Nghĩa Lộ từ năm 1932, khi mới 11 tuổi. Sau này, lớn lên, giác ngộ cách mạng, ông vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc do đồng chí Phan Đạo Xích phụ trách. Khi tù chính trị từ Căng Bá Vân chuyển lên "an trí" tại Căng Nghĩa Lộ, ông bí mật làm liên lạc giữa cơ sở bên ngoài với chiến sỹ trong Căng. Ông nhận tài liệu, báo Đường Nghĩa từ trong Căng, đưa ra bí mật phân phát. Ngày tù chính trị nổi dậy phá Căng, ông Thơ đã đưa đường cho một số chiến sĩ về Chiến khu Vần.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, thực dân Pháp quay lại chiếm đóng Nghĩa Lộ, ông Nguyễn Trọng Thơ tham gia đội vũ trang của huyện Văn Chấn. Khi Huyện ủy lập tổ công tác địch hậu, ông được điều sang làm Tổ trưởng. Ngày đó, mọi thứ còn thiếu thốn, tổ trưởng chỉ được phát một quả lựu đạn và con dao găm. Bà Én, một người vợ hiền yêu nước, thương chồng đã tháo đôi mấm vàng, kỷ niệm ngày cưới, bán, nhờ người mua của địch khẩu súng lục ổ quay, nhãn hiệu Smit wason với 5 viên đạn, trao cho ông. Quá cảm động, ông chỉ còn biết ngầm hứa với Tổ quốc, tổ tiên "hết lòng, hết sức phục vụ cho cuộc kháng chiến thành công, đáp lại tấm lòng của vợ".

Tổ địch hậu bí mật luồn rừng sâu vào vùng Mường Lò hoạt động. Ông dựa vào sự quen biết từ trước, dựa vào đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Kinh và giáo dân trong vùng. Do địch về chiếm đất, kìm kẹp, đói khổ, bị bắt bớ giết hại, dân hướng theo Chính phủ kháng chiến nên ông được nuôi, được dân che chở, có điều kiện nắm được tình hình địch, báo ra cho tổ chức. Ông còn vận động được ông Đào Văn Bút, giáo dân Bản Hẻo đào hầm trong vườn, dùng cột cho dây trầu không leo làm ống thông hơi, làm nơi cho bộ đội vào hoạt động ẩn nấp. Ông liên hệ được với linh mục ở Nhà thờ Bản Hẻo là Đỗ Văn Sáng dùng nhà thờ làm nơi nuôi giấu cán bộ ta vào hoạt động. Đến năm 1950, ông Thơ còn liên lạc, móc nối được với 5 lính địch trong Đồn Nghĩa Lộ, vận động được họ bí mật hoạt động cho kháng chiến. Trong số này, có anh Quy là cơ yếu mật mã của Pháp. Nhờ anh Quy, bộ đội ta biết được khóa mật mã của địch, biết được địch đi càn vùng nào, ngày giờ nào để tổ chức cho dân phòng tránh hoặc bố trí lực lượng đánh. Ông còn gặp, vận động được Chánh tổng Sơn A Sa Văn Bút theo ta. Ông Bút nhận phương án của ta: cứ làm Chánh tổng nhưng bí mật làm việc cho kháng chiến. Ông Bút còn trao cả bằng, cả triện cho tổ công tác địch hậu...

Thời kỳ địch khủng bố gắt gao, Tỉnh bộ Việt Minh Yên Bái phát động phong trào"Trừ gian, diệt ác" để làm giảm sự tàn ác của địch. Tết năm 1950, ông Thơ được giao nhiệm vụ diệt tên Piềng là Việt gian có nhiều tội ác với dân, nhà ở bản Ao Luông. Đợi trời tối, bản vắng người, ông bí mật đến nhà tên Piềng. Dù là đêm ngày tết, tên Piềng vẫn vắng nhà. Ông Thơ nghĩ đến nhà Chánh tổng Sa Văn Bút. Đến nơi, không có tên Piềng, lại tình cờ thấy tên Quan hai Pháp đang bày cách chống phá kháng chiến. Vượt mức yêu cầu, ông Thơ bí mật lên đạn khẩu súng, tiến lại gần. Không ngờ, nó cũng phát hiện ra, vội rút khẩu súng ngắn "Sết - xoát - xắng - xanh" ra bắn. Ông Thơ né người tránh đạn, lập tức bắn lại. Nó đổ kềnh xuống sàn nhà như khúc gỗ. Ông nhanh chóng tước khẩu súng, cả chiếc máy ảnh hắn đeo bên người. Từ đó, địch giảm hung hăng, không ngông nghênh vào bản cướp bóc, bắt bớ dân như trước.

Khi Đại đoàn 308 cử một đơn vị vào trinh sát Đồn Nghĩa Lộ, ông Thơ đã liên hệ với cha Sáng tạo chỗ nghỉ ngơi cho vài chiến sĩ ốm đau. Cha Sáng còn để cho các chiến sĩ ta đóng giả làm người của nhà chung Bản Hẻo vào đồn lĩnh hàng hóa giữa ban ngày. Công tác trinh sát đồn địch được thuận lợi. Rồi ông Thơ được giao nhiệm vụ chuẩn bị lương thực cho một đại đội đủ ăn trong 1 tháng. Nhận nhiệm vụ này, ông lo thực sự. Mình phải dựa vào dân để sống mà hoạt động. Mà dân trong vùng có tập quán cấy lúa có 1 vụ mùa trong năm. Địch thì ra sức vơ vét, cướp thóc gạo, trâu, bò của dân. Lúc này, lúa ngoài đồng chưa chắc hạt, dân thì đang bị đói, không còn thóc gạo ăn, biết lấy ở đâu? Tính đi tính lại, cuối cùng, vì trách nhiệm trước việc quân sự lớn lao, ngay trong đêm, ông vào Nhà thờ Bản Hẻo, gặp cha Sáng. Nghe ông Thơ trình bày, cha Sáng trầm ngâm suy nghĩ rồi nói: "Thôi được, cha sẽ có cách!". Ngay đêm ấy, cha Sáng cho xuất kho của nhà chung 1 tấn thóc, chia cho các hộ giáo dân đem về xay giã. Sáng hôm sau, ông Thơ đã có đủ gạo giao cho bộ đội. Những ngày chiến dịch nổ ra, Bản Hẻo là hậu phương trực tiếp, là nơi đón tiếp thương binh. Chính cha Sáng còn đưa những hộp sữa đến ủng hộ…

Ngày máy bay Mỹ đánh phá, người viết bài này là phóng viên của Đài Truyền thanh tỉnh Nghĩa Lộ. Có lần, tôi xuống Huyện ủy Văn Chấn công tác. Tình cờ, tại nơi làm việc là gầm sàn nhà dân, người tiếp tôi là ông Nguyễn Trọng Thơ, Phó bí thư Huyện ủy. Dù quen biết nhưng theo nguyên tắc, tôi vẫn đưa giấy giới thiệu, xin làm việc. Ông nhìn tôi, mắt có vẻ u uất, ưu tư. Ánh mắt ấy làm tôi áy náy, băn khoăn. Mãi sau này tôi mới hiểu ra, ông là bạn của bố tôi từ thời trai trẻ. Nay bố tôi có đủ mặt con trai, con gái. Còn ông, hai ông bà vẫn bên nhau như ngày mới cưới. Tôi hiểu ra, những tháng năm hoạt động hậu địch, ông phải sống xa gia đình, luồn rừng, ngủ búi, thiếu thốn, ác liệt, thức đêm, muỗi vắt, sốt rét liên miên… Tất cả đã cùng làm ông kiệt sức, không thể có con… Hiểu mà tôi càng quý trọng, kính phục người đảng viên cộng sản, lớp người đi trước đã quên mình vì đất nước, quê hương. Bây giờ, ông đã đi xa, thế hệ đảng viên với ông hầu hết cũng vậy, nghĩ về lớp người đi trước mà càng thêm tự hào, quý trọng, mong làm sao gìn giữ được truyền thống tốt đẹp ấy của dân tộc này, của Đảng quang vinh này…

Trần Cao Đàm

Các tin khác
Chi bộ Trường Mầm non Hoa Lan, thị trấn Mù Cang Chải tổ chức lễ kết nạp đảng viên

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 về công tác phát triển đảng viên, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải đã kết nạp được 561/550 đảng viên, đạt 102% chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Đồng chí Trịnh Văn Xuê - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trạm Tấu tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KTGS trong Đảng bộ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025”.

Ngay trong quý I năm 2024, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Trạm Tấu đã chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cho 2 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và chuẩn bị hồ sơ kiểm tra 2 tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.

Đảng viên mới được bồi dưỡng lý luận chính trị tại Trung tâm Chính trị huyện Lục Yên.

Trong quý I/2024, Đảng bộ huyện Lục Yên đã quyết định kết nạp 88 quần chúng ưu tú vào Đảng, đạt 40,9% kế hoạch; chuyển đảng chính thức cho 72 đảng viên dự bị.

Mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đã khẳng định rõ vai trò của Đảng bộ trong công tác lãnh đạo phát triển kinh tế địa phương.

Những năm qua, Đảng bộ thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên tích cực đổi mới lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, sâu sát, cụ thể, lấy kết quả là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Đảng bộ, cán bộ và đảng viên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục