Nghiệp Khèn

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/2/2014 | 9:05:06 AM

YBĐT - Tiếng khèn réo rắt đưa tôi về bản Mông Si, xã Bản Mù. Tiếng khèn lúc rộn ràng khúc xuân vui khi trầm buồn dìu dặt, vọng vào vách núi lay động ngàn xanh. Người đàn ông tấu lên khúc nhạc kì bí ấy là Mùa A Lồng - người có tiếng ở đất Bản Mù và cũng là một trong hai người Mông ở Trạm Tấu còn giữ được bí quyết làm khèn truyền đời của dòng tộc.

Nghệ nhân Giàng A Su đang truyền dạy bí quyết làm khèn cho cha con Mùa A Lồng.
Nghệ nhân Giàng A Su đang truyền dạy bí quyết làm khèn cho cha con Mùa A Lồng.

Cha - con kế nghiệp

Là cháu đời thứ 4 được giao trọng trách kế nghiệp tổ tiên gìn giữ bí quyết chế tác khèn bè, Mùa A Lồng tự hào lắm. Chẳng biết cây khèn bè chứa đựng điều thần bí gì mà khiến chàng trai người Mông ấy mê mẩn đến vậy. 13, 14 tuổi, A Lồng đã biết thổi khèn. Duyên nợ với cây khèn ngấm vào máu khiến tiếng khèn của chàng trai có đôi mắt tinh như con chim rừng ấy trở nên đầy ma lực, hút hồn trai làng, gái bản mỗi mùa hội xuân. Càng khẳng định mình là người con trai tài giỏi nhất vùng khi A Lồng học được cách làm khèn bè do chính người bác ruột - nghệ nhân Giàng A Su truyền dạy.

A Lồng tâm sự: “Làm được cây khèn bè rất khó nhưng làm được để thổi cho hay thì chẳng những khó mà còn phải mất rất nhiều công. Bản Mông mình con trai có nhiều nhưng người biết cách làm khèn không có mấy. Cây khèn là linh hồn sống của người Mông mình. Gia đình nào khi có việc cũng phải cần đến tiếng khèn để làm các nghi lễ tâm linh nên không thể thiếu nó. Người con trai được coi là tài giỏi bây giờ thì phải biết học được nhiều chữ để đi công tác xã hội giúp đỡ cho dân bản, còn ngày trước thì phải biết chơi khèn, chơi sáo, biết làm được các nhạc cụ của dân tộc mình. Dòng họ mình có người biết làm khèn nên tự hào lắm. Biết làm rồi thì phải làm cho giỏi để còn dạy cho con trai mình, cháu trai mình biết làm, thế mới không mất nghề của tổ tiên truyền lại”.

Hơn 20 năm gắn bó với trọng trách giữ nghề của dòng họ, A Lồng không thể nhớ mình đã làm ra được bao nhiều cây khèn. Nhìn người đàn ông tuổi ngoại tứ tuần ấy trầm tĩnh cẩn trọng, với những công đoạn thủ công hết sức thô sơ, đòi hỏi sự kiên trì nhẫn nại đến kinh ngạc khiến tôi cảm phục. Bàn tay thô ráp nhưng khéo léo của ông thoăn thoắt gọt đẽo, tôi luyện từ mẩu đồng phế liệu đến những ống tre, ống trúc trên rừng... trở thành thứ nhạc cụ dân tộc vô cùng độc đáo.

Nhạc cụ ấy trở nên huyền bí khi ông thổi cả hồn mình cùng bao đam mê và tâm huyết gửi gắm trong từng thanh trầm, âm bổng. Hỏi chuyện bí quyết làm khèn, A Lồng cười hiền : “Cây khèn đối với người Mông mình rất quý. Người con trai biết thổi khèn thì được nhiều người thích, được nhiều con gái theo. Ở Trạm Tấu này có nhiều người biết thổi khèn thổi sáo đấy nhưng không có nhiều người biết làm khèn, làm sáo đâu. Bác Su dạy cho mình cách làm khèn làm sáo, giờ mình lại dạy lại cho con trai làm.

Nhiều người mua lắm, có người Mông Trạm Tấu, ở Mù Cang Chải mua, lại có người Mông ở Sơn La, Lạng Sơn, người Mông ở vùng khác cũng tìm sang mua. Bán được tiền nên cứ làm quanh năm thôi. Người Mông mình chuyện vui, chuyện buồn đều dùng đến chiếc khèn nên phải làm để giữ nó”.

Tài là nói được rất ít tiếng phổ thông và chưa từng biết đến cái chữ, nhưng mỗi chi tiết trên cây khèn đều được A Lồng tính toán đạt đến độ chính xác cao. Niềm đam mê chơi và chế tác khèn bè của ông đã ngấm vào tâm hồn phóng khoáng đầy chất nghệ sỹ của người con trai lớn Mùa A Vàng như thể duyên nghiệp và hồng phúc của dòng họ. A Vàng rất tự hào về người cha của mình, anh bộc bạch: “Người Mông các nơi thích mua khèn của bố mình làm ra. Bán được tiền lắm, có chiếc được một triệu, có chiếc được hai triệu đồng, làm được người ta đến mua hết ngay.

Chế tác khèn đã trở thành nghề tay trái mưu sinh của hai cha con

A Vàng đã chế tác thành thục được cả 2 loại nhạc cụ dân tộc

Ngày mùa thì làm ruộng, làm nương, còn hết việc thì hai bố con lại làm khèn, làm sáo để bán...”.  32 tuổi, A Vàng chẳng những thổi sáo hay, chơi khèn giỏi mà đã kế nghiệp cha chế tác thành thục được cả hai loại nhạc cụ dân tộc ấy. Nghiệp khèn đã trở cái thành nghề mưu sinh của cha con người nghệ nhân tài hoa đất núi này.

Nặng lòng với nghề

Đã qua cái tuổi “xưa nay hiếm”, nghệ nhân Giàng A Su không nhớ rõ bí quyết làm khèn được truyền dạy trong dòng họ mình tự bao giờ. Chỉ biết rằng, từ đời cụ, đời bố ông rồi đến ông là đời thứ 3 nắm giữ bí quyết này. Cái tâm đau đáu giữ hồn dân tộc qua chiếc khèn bè, thứ nhạc cụ mang đậm màu sắc tâm linh là linh hồn sống của người Mông khiến ông luôn canh cánh trọng trách truyền nghề và giữ nghề.

Mùa A Lồng là người cháu được ông chọn gửi trách nhiệm ấy. Mỗi bí quyết làm nên linh hồn của cây khèn thiêng được ông truyền dạy tỉ mỉ. Đã có một thời gian gần năm, ông đưa hai cha con Mùa A Lồng xuống thị trấn mở lò rèn chế tác khèn, sáo Mông với mong muốn đưa nhạc cụ này trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương. Thế nhưng, dường như cái linh thiêng của thứ nhạc cụ tâm linh sử dụng trong các nghi thức cúng tế của người Mông cần tới cái tâm chay tịnh của chủ nhân tạo nên nó. Vì vậy, giữa ồn ào phố xá, tiếng khèn như thiếu đi sự khoáng đạt của đại ngàn bất tận.

Nghệ nhân Giàng A Su tâm sự: “Ngày còn đang làm Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu, tôi rất trăn trở khi thấy bản sắc dân tộc mình cứ dần bị mai một đi, từ trang phục bị lai tạp đến các lễ hội, nhạc cụ dân tộc càng ngày càng ít người biết. Tôi làm dự án xin mở lò rèn dưới chợ huyện cốt để gìn giữ nghề rèn, cũng là để có thêm nhiều người biết đến nghề chế tác dụng cụ sản xuất, đặc biệt là việc chế tác khèn Mông, sáo Mông. Nghĩ sâu hơn là quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhạc cụ của dân tộc mình để nhiều người biết và mua. Nghề này phát triển bà con mình cũng có thêm thu nhập.

Nhưng làm hai việc này cùng một nơi thì không hợp, vì nghề rèn lúc nào cũng inh inh đe búa, còn làm khèn, làm sáo lại cần không gian yên tĩnh nên dự án đã thất bại. Cha con nhà A Lồng thông minh, lại rất có khiếu nên truyền dạy được cho người cháu này mình cũng yên tâm”.

Linh thiêng thành kính trong các nghi lễ tâm linh được tấu lên cùng vòng đời sinh tử của một kiếp người; hay phóng túng, rộn ràng trong vũ điệu xuân vui, vũ điệu của tiếng lòng thổn thức yêu đương, cây khèn bè nghiễm nhiên mang trong nó những giá trị tinh thần bất tử mà không một loại nhạc cụ nào có thể thay thế. Hiểu được điều thần bí ấy bằng uy tín của mình, ông cứ âm thầm truyền dạy, san sẻ niềm đam mê, tâm huyết cho lớp trẻ.

A Vàng dạy thổi khèn cho các bạn trẻ ngay tại nhà mình mỗi buổi tối

Ông Su tự hào là Nghệ nhân dân gian được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng năm 2004

Gặp đám cưới, hội nghị hay các cuộc hội họp đoàn thể, ông tỉ tê trò chuyện, động viên các con các cháu, nhất là học sinh các trường phải học để biết thổi khèn, làm khèn. Ông bảo: “Lớp trẻ không học, người già cứ thế mà già đi không còn nữa. Người Mông mình dù già hay trẻ, khi tắt thở cũng phải có cây khèn. Bài khèn ấy như là một bài điếu văn tóm tắt tiểu sử của một đời người, kết thúc một đời người, nên thiếu cây khèn thì không thể làm ma được.  Rồi khi đã trở thành ma khô cũng phải dùng khèn vào tận nơi an nghỉ mời người quá cố về làm ma, cho nên nhất thiết phải biết và phải giữ cho bằng được nghề làm khèn”.

Có khi đến nhà người quen chơi, thấy có cái khèn ông lại lấy thổi một, hai bài. Mọi người hiểu ý ông muốn nói, muốn khuyên nhủ động viên con cháu mình cố gắng giữ gìn tiếng khèn, giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa của dân tộc. Hiểu được tâm nguyện ấy của ông, mấy năm nay, cha con Mùa A Lồng phối hợp với Đoàn thanh niên xã Bản Mù tập hợp được trên 30 đoàn viên thanh niên mở lớp dạy thổi khèn và chế tác nhạc cụ dân tộc. 

Chia tay cha con Mùa A Lồng và người nghệ nhân một đời nặng lòng truyền giữ hồn khèn, tôi nhớ như in câu nói của ông S: “Mình muốn làm nhiều việc lắm. Ngày còn trẻ nghĩ được nhưng làm được chưa nhiều. Giờ mình già thế này rồi không biết liệu có còn đủ sức để thực hiện những điều đã định làm hay không, nhưng chỉ cần còn khỏe, tôi tin mình sẽ làm được”. Khẳng định chắc chắn ấy của nghệ nhân Giàng A Su và lửa nhiệt thành rực sáng trong đôi mắt cha con Mùa A Lồng, tôi không tin thời gian, tuổi tác và những bộn bề lo toan của cuộc sống thường nhật sẽ chiến thắng nhiệt huyết giữ gìn văn hóa dân tộc của những  người trai trong dòng tộc mấy đời chuyên tâm truyền giữ hồn khèn cho mảnh đất vùng cao Trạm Tấu...

Phạm Minh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục