Liệt sỹ Hoàng Văn Vinh người anh hùng trong lòng dân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/7/2014 | 2:49:59 PM

YBĐT - Năm 1998, sau ngày công bố phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng cho xã Đại Lịch (Văn Chấn) và truy tặng danh hiệu Anh hùng cho liệt sỹ Hoàng Văn Thọ - du kích xã Đại Lịch thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhiều bậc cao niên nói với nhau: "Lẽ ra phải phong Anh hùng cho cả ông Hoàng Văn Vinh nữa, ông ấy cũng rất xứng đáng!". Cho đến hôm nay, lời các cụ ngày đó vẫn là tâm nguyện chung của người dân Đại Lịch.

Cụ bà Vũ Thị Vĩnh - vợ ông Hà Văn Đê - người lưu giữ chiếc cặp da của liệt sĩ Hoàng Văn Vinh.
Cụ bà Vũ Thị Vĩnh - vợ ông Hà Văn Đê - người lưu giữ chiếc cặp da của liệt sĩ Hoàng Văn Vinh.

Vậy Hoàng Văn Vinh là người như thế nào? Tác giả bài viết này giở lại hàng trang ghi chép lời kể của những người trong cuộc và của thân nhân liệt sỹ - ông Hoàng Văn Vinh từ ba mươi năm trước và cả những ngày qua.

Đầu tháng 10 năm 1947, từ Sơn La theo đường Phù Yên, thực dân Pháp ồ ạt đánh chiếm Văn Chấn. Chỉ trong vòng một tháng, toàn bộ Nghĩa Lộ và vùng ngoài Văn Chấn nằm trong tay Pháp. Chúng nhanh chóng lập các đồn ở những nơi án ngữ, nhất là từ Nghĩa Lộ ra Yên Bái. Giữa tháng 10 năm 1947, đồng chí Nguyễn Tấn Phúc - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái vào Đại Lịch kiểm tra tình hình và làm việc với lãnh đạo huyện Văn Chấn tại đình làng Khe Liền (lúc này Huyện ủy, Ủy ban Hành chính và Huyện bộ Việt Minh đã rút về cơ sở bí mật tại xã Đại Lịch).

Một trong những chủ trương lớn của Tỉnh ủy được nhanh chóng triển khai đến tận xã, làng là nắm giữ bằng được các hào lý, kỳ mục địa phương; phân loại họ, vận động họ đứng về phía Việt Minh (một tổ chức hoạt động công khai) bảo vệ dân và làm hạn chế tối đa các vụ càn quét, bắt bớ phá hoại của địch đồng thời phát hiện những mưu đồ "chia để trị" để cấp trên kịp thời có đối sách với Pháp.

Ông Hoàng Văn Vinh (sinh năm 1912) khi đó là đảng viên, Bí thư Đoàn thanh niên Cứu quốc của xã được giao việc gấp rút thành lập Đội Thiếu nhi Trung Kiên, Hoàng Văn Thọ được cử làm Đội trưởng (sau đổi tên là Đội Du kích thiếu nhi). Lập xong, Đội đang đi vào hoạt động thì Hoàng Văn Vinh được Chủ nhiệm Xã bộ Việt Minh Phạm Quang Tích (Hùng Sơn) gọi đến giao nhiệm vụ đặc biệt là công khai từ hết các chức sắc, trong đó có Bí thư Đoàn thanh niên Cứu quốc, Ủy viên Nông hội, tự phục chức Phó lý trưởng và ủy viên Hội đồng Kỳ mục (các chức mà ông có trước Cách mạng Tháng Tám). Cùng lo "việc làng" với ông Hoàng Văn Vinh còn có Phạm Văn Bằng (một đảng viên) giữ chân Thư ký.

Chủ nhiệm Xã bộ Việt Minh Phạm Quang Tích sau khi giao trọng trách cho hai "điệp viên" nói vui: "Từ nay trở đi, các đồng chí là người "xanh vỏ, đỏ lòng". Trong bữa "khao làng", Phó lý Hoàng Văn Vinh nói: "Tôi không theo Việt Minh mà vẫn giữ chân Phó lý là để lo việc làng". Ông Vinh có con trưởng là Hoàng Văn Thân, từ đây, dân làng trở lại gọi ông là Phó Thân theo tục người Tày.

Sau khi lập xong các đồn, trung tâm chỉ huy của Pháp ở Nghĩa Lộ ra lệnh mở các trận càn nhằm tạo uy thế đồng thời phá vỡ các cơ sở kháng chiến, lùng bắt cán bộ Việt Minh, cướp của cải. Xã Đại Lịch nằm kẹp giữa ba đồn Pháp trong thế chân kiềng: đồn Đồng Bồ (xã Chấn Thịnh), đồn Mỵ (xã Tân Thịnh), đồn Dọc (xã Việt Hồng). Đại Lịch lại là trung tâm hoạt động bí mật của Huyện bộ Văn Chấn. Các hương lý ở đây từ chối việc lập đồn.

Biết rõ điều đó, Pháp càng tăng cường lùng sục bất kể ngày đêm. Phó lý Hoàng Văn Vinh đến gặp cựu Chánh tổng Hoàng Hữu Hổ và cựu Chánh tổng Hoàng Văn Cừ đề nghị các ông đến gặp đại diện quan đồn Đồng Bồ, yêu cầu lính đồn không được bắt người dân đi phu, không được phá lúa, phá ngô giết hại trâu bò… Trước những phản ứng công khai của Hội đồng hương xã và Hội tề (các tổ chức do Việt Minh chủ trương khôi phục). Đồn trưởng Đồng Bồ phải hạn chế việc tổ chức càn quét mà chỉ cho các tốp lính "đi tuần tra" đến một số làng có dấu hiệu về sự hoạt động của Việt Minh.

Ông Đào Tiến Lộc (tức Dũng Tiến, lão thành cách mạng, nguyên Chủ nhiệm Huyện bộ Việt Minh Văn Chấn giai đoạn 1947 - 1950) nói: "Đây là khoảng thời gian ngắn chừng 20 ngày mà rất quý để xã bổ xung Đội Du kích võ trang, lập thêm các đội nữ du kích, lão du kích và là dịp để Huyện bộ - đóng tại làng Khe Liền, xã Đại Lịch - triển khai xây dựng các "làng kháng chiến" và phát động chiến tranh du kích trong toàn huyện".

Một người từ xã Chấn Thịnh báo đến ông Phó lý Vinh, Đồn trưởng Đồng Bồ đã bị đổi đi nơi khác, tên Quan ba Pháp về thay rất hung hăng. Ông Vinh đề xuất với Chủ nhiệm Xã bộ Phạm Quang Tích chuẩn bị điều kiện để nếu Pháp có mở cuộc càn sẽ đánh một trận thật mạnh nhằm cảnh cáo chúng. Chủ nhiệm Phạm Quang Tích đồng ý và giao việc này cho Hoàng Minh Lưu - Đội trưởng Đội Du kích vũ trang. Hoàng Minh Lưu cho người ra Yên Bái xin về ba quả địa lôi tự chế và học cách sử dụng. Vậy là ngoài mấy khẩu súng săn và các bàn chông tre, du kích võ trang có thêm địa lôi (một loại mìn đánh địch).

Trước sự uy hiếp của Pháp, hào lý địa phương bị chia rẽ. Có người âm thầm chuẩn bị "cờ trắng", có người dân sợ Pháp mà làm chỉ điểm cho Tây, được chúng thưởng tiền. Phó lý Hoàng Văn Vinh bí mật cung cấp thông tin đó cho Chủ nhiệm Huyện bộ Việt Minh Đào Tiến Lộc, một người cùng làng đang bí mật nằm vùng ở Khe Liền, để cấp trên chỉ đạo xử lý.

Đúng như dự đoán, cùng một lúc, Chủ nhiệm Xã bộ Việt Minh Phạm Văn Tích nhận được hai mật báo từ ông Ngai Tuấn - xã Chấn Thịnh và từ ông Hoàng Văn Vinh - Phó lý là khoảng 8 giờ sáng ngày 20 tháng 11 năm 1947, một trung đội lính do người Pháp chỉ huy sẽ từ đồn Dọc hành quân lên Đại Lịch, mục tiêu có thể là đánh úp khu vực Khe Bưởi rồi đánh thốc vào làng Khe Liền - nơi có các lán của nhiều cơ quan huyện. Phương án chống càn có vũ trang lập tức được triển khai. Trận đánh diễn ra ác liệt tại lưng đèo Din, tên Quan hai Pháp cùng 6 tên lính bị tiêu diệt. Trận càn lớn đầu tiên của Pháp bị ta bẻ gãy đã tạo ra bước ngoặt về chiến tranh du kích giữa lòng địch hậu trong kháng chiến chống Pháp ở Văn Chấn.

Trận Đèo Din, du kích Hoàng Văn Thọ - Đội trưởng Đội Thiếu nhi Trung Kiên bị địch bắn bị thương nặng khi anh nhảy xuống cướp khẩu súng tôm - xông trên tay tên Pháp. Giặc chặt đầu anh bêu lên gốc cây ven đường để phục bắt du kích và uy hiếp người dân. Sự hy sinh quả cảm của Hoàng Văn Thọ đã tạo nên một phong trào "cướp súng giặc đánh giặc" trong toàn huyện Văn Chấn và tỉnh Yên Bái. Rất tiếc, sau trận đèo Din, hoạt động bí mật của Phó lý Hoàng Văn Vinh bị Pháp nghi ngờ.

Một buổi chiều khi Hội tề họp xong, Hoàng Văn Vinh vừa bước xuống nhà sàn thì địch ập đến bắt. Ngay tiếp đó, chúng bắt Thư ký Hội tề Phạm Văn Bằng rồi đưa cả hai về giam ở đồn Dọc. Phó lý Vinh giam buồng riêng, đêm ấy ông Bằng trốn thoát. Tức tối, chúng đưa Phó lý Vinh ra đồn Vần cùm chân tay, nhốt dưới hầm đất.

Đồn Dọc có một người lính Thái tên là Don, quê anh ta ở Phù Yên. Ông Phạm Văn Bằng nói chuyện bằng tiếng Thái làm cho lính đồn có cảm tình. Đêm đó, anh ta để ngỏ trần nhà, ông Bằng dỡ mái trốn được. Don cũng tìm cách cứu Phó  Lý Vinh nhưng khóa buồng chặt cứng, đành chịu. Theo lời ông Hoàng Văn Hàm, người làng Vần, cán bộ tiền khởi nghĩa, năm 2002, kể lại: "Tôi gặp nhiều người làng đi về nói với nhau giặc vừa cắt cổ một du kích, sau mới biết là ông Phó Thân. Ông Phó Thân bị lôi từ dưới hầm đất lên, thân người xơ xác, máu tụ đầy mặt. Hôm đấy, trực tiếp thằng Pháp tra hỏi, ông Phó Thân vẫn một mực nói rằng ông đã rời bỏ Việt Minh, ông chỉ là Phó lý, ông không biết gì về nơi ở của Việt Minh. Đến trưa, thằng Tây nói một tràng tiếng Pháp rồi bọn lính lại đẩy ông Phó xuống hầm đất. Hai ngày sau, ông Phó bị giặc giết hại".

Giở lại bài viết tháng 1 năm 1980 (hiện lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh Yên Bái): "Quá trình hình thành Chi bộ Đảng Cộng sản xã Đại Lịch" của ông Hoàng Hữu Linh, người Đại Lịch, hoạt động cùng thời, nguyên Trưởng ty Giáo dục tỉnh Nghĩa Lộ, tại trang 11 ghi: "Sau trận đèo Din, địch trở mặt, bắt giết Phó lý Hoàng Văn Vinh, một "tề" hai mặt và là người trung kiên của ta".

Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Hoàng Văn Vinh.

Trước khi đặt bút viết bài này, tôi tìm đến bà Hà Thị Vi - con dâu trưởng và bà Hoàng Thị Mộc, cựu du kích - con gái của liệt sỹ Hoàng Văn Vinh. Ở  tuổi ngoài bát tuần (năm 2012), các bà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Bà Mộc nói: "Sau khi chặt đầu bố tôi, bọn giặc hất xác ông xuống một cái hố, lấp đất qua loa nhằm phi tang, còn đầu ông chúng đem lên đèo Din, treo gần nơi treo đầu anh Thọ (liệt sỹ Hoàng Văn Thọ) để phục bắt Việt Minh. Du kích tìm cách đưa được đầu ông về chôn cất, đến cuối năm 1954 mới tìm thấy phần thân thể ông ở làng Vần, xã Việt Hồng, sang cát đón về quy táng tại đồi nhà".

Bà Hà Thị Vi cho biết: "Tôi về làm dâu, vào lán Khe Liền trông nom bà nội, anh Thân (ông Hoàng Thân - chồng bà Vi - sau này là Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu) ở Đội du kích thiếu niên đi lấy xác ông (liệt sỹ Vinh) về chôn cất. Tôi nhớ hôm đó, sau khi xong, ông nội chồng tôi (liệt sỹ Hoàng Văn Sương) đứng lên cảm ơn dân làng, ông nói: "Giặc chặt đầu con tôi nhưng không thể nào chặt đầu dân cả xã Đại Lịch này". Nhưng rồi chỉ năm tháng sau, khoảng 4 giờ chiều, ông đang canh gác, địch vào làng, ông đánh mõ báo động, bọn giặc phát hiện, xả súng lên chòi gác…".  Người lão du kích - cụ Hoàng Văn Sương, thân phụ liệt sỹ Hoàng Văn Vinh - ngã xuống ngay chân đồi nhà quê mình.

Cha tôi - ông Hà Văn Đê, ngày đó (năm 1947) là Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã Đại Lịch - với ông Hoàng Văn Vinh là chỗ thân tình (thông gia). Có lẽ vì thế mà trước khi đi làm nhiệm vụ của một mật báo viên, ông Vinh giao lại cho cha tôi chiếc cặp da mà ông vẫn dùng đựng tài liệu của Đoàn thanh niên Cứu quốc với hàm ý: nếu chẳng may hy sinh thì ông vẫn luôn ở bên tổ chức và gia đình. Ý nghĩ "tiên đoán" định mệnh ấy đến với ông quá sớm. Rồi một sự lặp lại xót xa nữa: ngày 20 tháng 11 năm 1947, giặc chặt đầu du kích Hoàng Văn Thọ ngay tại trận địa và chỉ tháng sau, giặc Pháp lại chặt đầu điệp viên Hoàng Văn Vinh liền sau khi lập trò xử án. Cả hai liệt sỹ đều bị treo đầu cùng bên cây sâng đèo Din (nơi giáp ranh hai xã Đại Lịch và Việt Hồng).

Hai chiến sỹ du kích làng Thanh Tú: người là đảng viên cộng sản, Bí thư Đoàn thanh niên Cứu quốc; người là Văn thư Xã bộ, Đội trưởng Đội Thiếu nhi Trung Kiên cùng song hành ngay từ ngày đầu kháng chiến đến lúc hy sinh. Hai cái chết anh hùng. Các ông sẽ sống mãi cùng non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi người dân Đại Lịch, Văn Chấn.

Tháng 7 năm 2012
(Viết nhân 65 năm ngày
hy sinh của hai liệt sỹ)

Hà Lâm Kỳ

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục