Tháng 7 về vùng dâu

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/7/2014 | 10:34:48 AM

YBĐT - Tháng 7 về, sông Hồng đón những cơn lũ đầu tiên của mùa mưa, nước dâng cao, đục ngầu. Nhưng cũng chính cái thứ màu nước giống như tên gọi của con sông ấy đang ngày đêm bồi đắp cho những ruộng lúa, bờ ngô thêm màu mỡ. Tháng 7 về, chúng tôi đến với Việt Thành - một vùng đất ven sông Hồng thơ mộng để được nghe câu chuyện về cây dâu, con tằm trên đất Trấn Yên.

Những giống dâu mới cho năng suất, chất lượng cao đã được đưa vào trồng ở Trấn Yên.
Những giống dâu mới cho năng suất, chất lượng cao đã được đưa vào trồng ở Trấn Yên.

Vất vả ngày xưa

Tháng 7 về, trời lúc nắng, lúc mưa bất chợt. Cũng chính cái sự đỏng đảnh của thời tiết khiến người ta cảm thấy khó chịu. Nhưng đứng trước một màu xanh mênh mông của ruộng dâu, cái bầu không khí oi nồng của mùa hè dường như dịu lại. Con đường bê tông nối thị trấn Cổ Phúc với xã Việt Thành như một dấu ấn trong bức tranh nông thôn mới. Con đường vắt ngang qua triền đê và uốn lượn qua những ruộng lúa đang bén rễ hồi xanh, những ruộng dâu đang chuẩn bị đốn để sẵn sàng  cho vụ thu.

Nếu như Việt Thành là xã đầu tiên của huyện Trấn Yên đưa cây dâu vào trồng thì ông Nguyễn Thế Ngữ - nguyên Trưởng thôn 10, xã Việt Thành là một trong những người đầu tiên trong xã nguyện gắn bó với nghề vất vả "ăn cơm đứng" này. Câu chuyện về những ruộng dâu đầu tiên đó đã bao nhiêu năm rồi nhưng ông vẫn còn nhớ như in… Lão nông sắp bước sang cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, mái đầu bạc trắng trầm ngâm bên chén trà xanh kể chuyện hơn chục năm trước mà cứ ngỡ như vừa diễn ra ngày hôm qua.

Trước những năm 2000, lũ từ trên nguồn đổ về, sông Hồng đưa cát vào nhiều, bãi bồi rộng mấy chục héc-ta là thế mà trồng cây gì cũng không hiệu quả. Nông dân Việt Thành chịu thương, chịu khó, lam lũ sớm hôm là vậy mà vẫn nghèo lắm. Không thể mãi như vậy, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với bà con trong thôn lăn lộn, tìm kiếm lời giải cho bài toán chuyển đổi cây trồng, trồng cây gì cho hợp với đồng đất và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

"Sau nhiều lần chuyển đổi, huyện quyết định thử nghiệm đến cây dâu. Thôn tôi được chọn làm thí điểm đầu tiên. Lo lắng lắm, nếu không làm được, dân sẽ không tin. "Trăm nghe không bằng một thấy", tôi cùng với mấy người nữa trong thôn được đi tham quan các vùng trồng nhiều dâu, nuôi nhiều tằm của miền Bắc như Ba Vì (Hà Nội), Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Rồi cả Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương cũng được mời lên khảo sát chất đất, khí hậu.

Vị Giám đốc lúc đó của Trung tâm là Giáo sư Hà Phúc cũng phải thốt lên: "Đúng là trời phú cho Yên Bái có một vùng bãi bồi ven sông rộng lớn lại có thứ đất đặc biệt cho việc trồng dâu!". Những lời động viên ấy càng khiến cho cấp ủy, chính quyền do đồng chí Lê Văn Tạo -Phó chủ tịch HĐND tỉnh, khi đó là Bí thư Huyện ủy và đồng chí Trần Đức Lâm - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi đó là Chủ tịch UBND huyện càng quyết tâm đưa cây dâu lên đất Trấn Yên" - giọng ông Ngữ vẫn trầm ấm, đều đều kể xen lẫn tiếng mưa rơi lộp bộp bên hiên nhà.

Hẳn là cây dâu được trồng trên vùng bãi đất bồi trời phú ấy: tơi xốp, chắt chiu những dinh dưỡng từ phù sa nên cho năng suất cao, lá to, xanh mướt, mỡ màng. Những con tằm giống Lưỡng Quảng (Trung Quốc) cứ thế mà ăn ngon, chóng lớn, cho kén lớn, sợi tơ dài. Chất lượng tơ tằm của Yên Bái không thua kém so với các vùng dâu nổi tiếng khác, thậm chí còn có phần vượt trội.

Ông Ngữ còn nhớ lắm, 10 năm trước, ông cùng với một số nông dân khác đã đưa những kén tằm trắng muốt của quê hương về tham dự Hội chợ toàn quốc về nông nghiệp tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội). Thật tự hào khi sản phẩm kén tằm của Yên Bái đã đạt 1.056m tơ/kén trong khi của vùng dâu lớn nhất nước tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) lúc đó cũng chỉ đạt 900m.

Từ những hộ đầu tiên như ông Ngữ làm thành công, sau đó nhiều hộ khác cũng bắt tay vào làm. 14 năm trên mảnh đất này cũng là ngần ấy năm, con tằm thăng trầm cùng với bà con. Người Việt Thành bảo nhau, cái nghề trồng dâu nuôi tằm vui nhanh, buồn cũng nhanh. Vui nhanh vì vòng đời của con tằm ngắn, mấy chục ngày chăm sóc là có tiền tươi, thóc thật nhưng cũng buồn nhanh là lúc bán kén không được giá và còn nhiều khó khăn lắm thì cũng đâu thể nào vui.

Người xưa bảo: "Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng", có làm rồi mới thấu hiểu hết nỗi nhọc nhằn. Không giống như các loại vật nuôi khác, con tằm đặc biệt mẫn cảm với thời tiết. Những lúc trái gió trở trời, độ ẩm quá thấp, nhiệt độ quá cao đều khiến tằm "khó ở". Vì vậy, lúc đầu chưa có kinh nghiệm, tằm hay bị dịch bệnh. Ruộng dâu trồng gần ruộng lúa, ruộng rau, chỉ không may nhiễm một ít thuốc bảo vệ thực vật thôi là cũng đủ giết chết con tằm. Hay lúc đầu, hiệu quả kinh tế chưa thực sự rõ ràng, người dân cũng chưa chú tâm đầu tư vào con tằm, ngày nắng ăn no, ngày mưa ăn đói, vậy là chất lượng kén thấp, giá bán thấp, lòng người càng chán nản, nhiều lúc tưởng như không giữ được nghề.

No ấm ngày nay

Từ những bỡ ngỡ ban đầu ấy, giờ những nông dân ở đây không chỉ chuyên tay cày, tay cuốc mà đã thành thục nghề tằm tang không khác gì tại những làng nghề cổ truyền lâu đời. Người dân ở đây đã thuộc nằm lòng, từ khi trứng nở đến khi tằm đóng kén mùa hè mất 23 ngày, mùa đông mất 30 ngày. Thuần thục cả cách chăm sóc tằm qua từng lứa tuổi, cho ăn thế nào để tằm vừa no vừa không lãng phí lá dâu và làm "bác sỹ" trị bệnh mỗi khi con tằm "trái gió, trở trời". Không phụ công người, hiệu quả kinh tế mang lại thật rõ ràng.

Là một trong những hộ trồng dâu đầu tiên của hơn chục năm về trước, ông Trần Văn Việt ở thôn 9 cho biết: "Cây dâu thực sự là loại cây xóa được đói, giảm được nghèo cho nông dân Trấn Yên. Cũng đất ấy, người ấy, công sức lao động như thế nhưng trồng dâu nuôi tằm cho giá trị cao hơn gấp mấy lần trồng lúa. Chả thế mà tôi mới có tiền nuôi con ăn học và làm nhà cửa. Hơn một mẫu đất, tôi chuyển hết sang trồng dâu, có tháng quay vòng nuôi 3 lứa liền, mỗi năm cũng thu về được 70, 80 triệu đồng".

Gia đình ông Trần Văn Việt, thôn 9, xã Việt Thành là một trong những hộ nuôi tằm đầu tiên của xã.

Không chỉ có gia đình ông Ngữ, ông Việt mà cả 130 hộ ở Việt Thành và hàng nghìn hộ trồng dâu nuôi tằm ở Trấn Yên đều có cuộc sống no ấm nhờ con tằm. Những ngôi nhà lá tranh tre vách nứa ngày xưa được thay bằng những ngôi nhà mới khang trang, xây theo kiểu hiện đại, mang dáng dấp của phố thị. Dân vùng dâu giờ có thể mua sắm những tiện nghi đắt tiền như: xe máy, tủ lạnh, ti vi đời mới mà không cần đắn đo nhiều. Ngay cả những con đường lầy lội khi xưa giờ cũng đã được thay bằng đường bê tông sạch sẽ. Một vùng quê trù phú ngày một thay da đổi thịt và vững bước trên con đường xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Nguyễn Quốc Tưởng - Phó chủ tịch UBND xã Việt Thành cho biết: "Với 46ha trồng dâu, mỗi năm cho 40 tấn kén đang là nguồn thu quan trọng của nhân dân trong xã. Việt Thành xác định, cây dâu vẫn là cây quan trọng trong cơ cấu cây trồng. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ kết hợp cùng với các ngành chuyên môn đưa các giống dâu mới vào trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật, thành lập các tổ sản xuất, nâng cao năng suất lao động và giá trị sản phẩm".

Người Việt Thành làm được khiến người Báo Đáp, người Tân Đồng và nhiều xã khác cũng tìm tòi, học hỏi, phát triển nghề tằm tơ. Đến giờ, Trấn Yên có tới 7 xã trồng dâu nuôi tằm. Cùng với cây chè, tre măng Bát Độ, cây dâu đã được đưa vào Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX như một loại cây trồng mũi nhọn. Mỗi năm, Trấn Yên duy trì ổn định diện tích dâu 170ha. Với "một nong tằm là ba nong kén, ba nong kén là chín nén tơ", cứ thế mà nhân lên, gần một vạn vòng trứng tằm cho sản lượng kén mỗi năm 150 tấn. Nếu tính mỗi ki-lô-gam kén có giá 110.000 đồng thì người dân Trấn Yên đã thu về 16 tỷ đồng - một con số không nhỏ với những vùng đất thuần nông.

 Sau cơn mưa, trời lại sáng, mặt trời rọi những tia nắng hồng xuống những ruộng dâu non xanh mỡ màng. Cơn gió nhẹ từ sông Hồng đưa vào khiến cánh đồng dâu mênh mông đung đưa theo chiều gió. Vùng dâu đang khoác lên mình chiếc áo mới, hy vọng chiếc áo này sẽ ngày một hoàn thiện và đẹp đẽ hơn.

Hồng Khanh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục