Trạm Tấu xây dựng đội ngũ “công bộc”: Vững chuyên môn, tận tụy với công việc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/8/2014 | 2:40:40 PM

YBĐT - Ở một huyện vùng cao đa số là đồng bào Mông, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, dân trí thấp như huyện Trạm Tấu thì mọi chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Đảng, Nhà nước đến với cơ sở đều là sự bỡ ngỡ với bà con. Bởi thế, đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn, tận tụy với công việc sẽ là điều kiện tiên quyết đưa các chủ trương, chính sách đi vào thực tế đời sống.

Bí thư Huyện ủy Vũ Quỳnh Khánh tham gia khai hoang ruộng nước cùng đoàn viên thanh niên phục vụ bà con thôn Tà Chử, xã Bản Công trong Năm thanh niên tình nguyện 2014.
Bí thư Huyện ủy Vũ Quỳnh Khánh tham gia khai hoang ruộng nước cùng đoàn viên thanh niên phục vụ bà con thôn Tà Chử, xã Bản Công trong Năm thanh niên tình nguyện 2014.

Lên công tác lần này đúng dịp Bí thư Huyện ủy Vũ Quỳnh Khánh cùng Ban Thường vụ Huyện ủy tất bật với những chuyến công tác ở các xã để nắm bắt tình hình kinh tế, xã hội; việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khi nhiệm kỳ 2010 - 2015 sắp kết thúc và công tác chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ mới… Bao công việc bộn bề như thế nhưng đồng chí Bí thư Huyện ủy vẫn dành thời gian chia sẻ với chúng tôi bao trăn trở ở huyện vùng cao này, trong đó có rất nhiều suy tư về công tác cán bộ.

Bí thư Khánh tâm sự, thấm thoắt đã 7- 8 năm anh gắn bó với huyện vùng cao này. Anh lên đây khi đời sống của bà con người Mông vẫn còn đang trong tình trạng thiếu đói triền miên. Đến nay, thật vui Trạm Tấu đã có bình quân lương thực đầu người thuộc hàng cao nhất tỉnh và đang từng bước tiếp cận sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Tình trạng đói kinh niên được đẩy lùi, bộ mặt nông thôn cũng thay đổi rõ rệt về cơ sở hạ tầng; đời sống tinh thần của nhân dân ngày được cải thiện, nhất là người dân vùng cao đã coi trọng việc học hành của con em mình.

Những đổi thay bước đầu ấy, Bí thư Vũ Quỳnh Khánh cho rằng, công lớn là từ sức lực, lòng nhiệt tình của đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Bởi vì làm cán bộ cơ sở ở một huyện mà trình độ dân trí còn hạn chế, kinh tế khó khăn, địa hình phức tạp mới thấy khác hẳn với làm cán bộ ở vùng thấp.

Mỗi một chủ trương, chính sách, mỗi mô hình kinh tế đến với vùng cao đều là một sự bỡ ngỡ với bà con. Cho nên, cán bộ cơ sở  ở Trạm Tấu không chỉ là người thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo mà họ còn trực tiếp bám địa bàn, vận động nhân dân đồng lòng đưa các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội đi vào thực tế cơ sở. Nhiều khi, họ còn giữ vai trò như những nông dân gương mẫu vận dụng các chủ trương, chính sách cũng như các mô hình kinh tế để mọi người dân nhìn thấy và làm theo.

Không chỉ góp phần tạo nên những đổi thay về kinh tế, mấy năm nay, Trạm Tấu còn đột phá trong đẩy lùi hủ tục mà cụ thể là thành công trong việc vận động đồng bào Mông ăn chung một tết Nguyên đán. Việc thách cưới nay người dân thống nhất đưa vào quy ước, hương ước thôn bản, quy định nhà gái chỉ được nhận lễ cưới của nhà trai từ 5 đến 7 triệu đồng. Người chết hầu hết được đưa vào quan tài rồi mới tổ chức đám tang, không để trong nhà quá 48 tiếng và đã quy hoạch được nghĩa địa chung trong hầu hết các thôn bản. Những thành công ấy càng thêm khẳng định cho sự tận tụy của những “công bộc” ở vùng cao.

Vậy làm gì để có được đội ngũ cán bộ cơ sở vừa có năng lực vừa có tinh thần tận tụy? Nhiều năm trước, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xác định muốn đột phá về kinh tế, xã hội thì phải thực hiện đồng bộ, đột phá về công tác cán bộ. Bởi vậy, huyện đặt trọng tâm vào việc làm tốt công tác rà soát cán bộ. Việc này sẽ giúp huyện phát hiện được nhân tố để xây dựng nguồn lực cán bộ. Việc rà soát cán bộ được đổi mới bằng cách vừa thông qua phản ánh từ cơ sở nhưng lãnh đạo huyện đã tăng cường tiếp xúc với đội ngũ cán bộ, công chức xã để tìm hiểu năng lực của từng người.

Đặc biệt, trong các cuộc họp với cơ sở, lãnh đạo huyện không chỉ nghe cấp dưới báo cáo mà phải chủ động hướng các cuộc họp thành chương trình thảo luận để cán bộ cơ sở nêu được nhiều ý kiến, thảo luận sôi nổi, đề xuất giải pháp tốt, cách làm hay. Đây cũng là một cách để cán bộ cơ sở bộc lộ năng lực, tầm bao quát, ý thức nắm bắt tình hình thực tế ở cơ sở, khả năng xử lý công việc. Thậm chí, lãnh đạo huyện còn phải gặp gỡ trực tiếp từng cán bộ để lắng nghe tâm tư cũng như kiểm tra năng lực thực sự của từng người.

Khi đã phát hiện, xây dựng được đội ngũ cán bộ, huyện tăng cường mở các lớp bồi dưỡng để cán bộ cơ sở nâng cao kỹ năng làm việc; tạo điều kiện để cán bộ được đi học nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn. Vì vậy, cán bộ các xã: Bản Công, Hát Lừu, Xà Hồ, Trạm Tấu hầu hết cán bộ xã có bằng chuyên môn từ trung cấp trở lên, đặc biệt như xã Xà Hồ hiện có tới 16 cán bộ có bằng đại học và đây cũng là những xã dẫn đầu về phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Đội ngũ trưởng thôn bản, bí thư, phó bí thư chi bộ cũng đã và đang được chú trọng kiện toàn và hướng vào việc đề bạt những người có trình độ văn hóa cao, độ tuổi còn trẻ nhưng phải là người làm kinh tế giỏi. Người làm kinh tế giỏi thường là người có sự năng động, gương mẫu và có uy tín trong cộng đồng.  

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở được chú trọng theo hướng trẻ hóa theo chiến lược cán bộ nhưng không cứng nhắc vì đặc thù ở vùng cao, vùng dân tộc thì yếu tố kinh nghiệm, uy tín của cán bộ cũng là lợi thế rất lớn trong công tác lãnh đạo. Bí thư Đảng ủy xã Trạm Tấu Giàng A Hành là một thí dụ. Về bằng cấp chuyên môn, anh Hành có thể không bằng lớp cán bộ trẻ của xã nhưng từ khi làm Chủ tịch UBND xã rồi là Bí thư Đảng ủy, mọi hoạt động kinh tế, xã hội của Trạm Tấu luôn dẫn đầu các xã người Mông. Xã được ví như nơi thí điểm các mô hình kinh tế để nhân ra toàn huyện.

 

Sản xuất ngô hàng hóa ở xã Trạm Tấu. (Ảnh: Thu Hằng)

Cùng với việc xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở, cán bộ các phòng, ban chuyên môn cũng được củng cố. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc đề bạt trưởng, phó các ban, ngành phải bảo đảm tính kế thừa và đáp ứng được tiêu chí vững vàng chuyên môn, có năng lực điều hành công việc, có uy tín, có khả năng đoàn kết nội bộ và phát huy sức mạnh tập thể; tập trung theo dõi, tuyển chọn con em người Mông có thành tích học giỏi trong các trường đại học để bố trí công tác trong các cơ quan huyện. Việc làm này vừa bảo đảm về chính sách cán bộ vừa xây dựng được nguồn lực cán bộ tại chỗ đồng thời phát huy được lợi thế chuyên môn với hiểu biết ngôn ngữ, phong tục, tập quán…

Về công tác chuyên môn, huyện coi trọng chỉ đạo thay đổi lề lối làm việc theo hướng bám sát cơ sở, nắm vững và phân tích được yếu tố thuận lợi, khó khăn theo lĩnh vực chuyên ngành, đề xuất được giải pháp và làm tốt công tác tham mưu với cấp trên; khắc phục nghiêm túc tình trạng cấp trên “tham mưu” cho cấp dưới như trước đây.

Công tác đánh giá chất lượng cán bộ là yếu tố cốt lõi trong xây dựng đội ngũ cán bộ. Việc đánh giá đều được thông qua hình thức bỏ phiếu kín để bảo đảm tính khách quan. Nhờ đánh giá chất lượng cán bộ nghiêm túc mà cấp trên kịp thời phát hiện những cán bộ chưa bảo đảm uy tín trong công việc, thiếu sự tận tụy với cơ sở để có sự điều chỉnh hợp lý, nhất là đối với những cán bộ huyện luân chuyển về xã. Thậm chí, huyện đã xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ vi phạm quy định của Nhà nước trong thực thi nhiệm vụ.

Bí thư Huyện ủy Vũ Quỳnh Khánh cho biết, nhờ làm tốt việc xây dựng đội ngũ cán bộ nên đến nay, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như tinh thần tận tụy với công việc của đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở được cải thiện rõ rệt. Phấn khởi nhất ở hai lĩnh vực lớn là sản xuất nông - lâm nghiệp, giáo dục là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh, nâng cao dân trí thì đội ngũ cán bộ cơ bản đáp ứng tốt nhiệm vụ. Ngành giáo dục hiện có khá nhiều thầy cô giáo trẻ tuổi đời còn rất trẻ đã được đề bạt hiệu trưởng, hiệu phó.

Thầy giáo Nguyễn Duy Tiến - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở xã Trạm Tấu, thầy Nguyễn Văn Thanh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở xã Túc Đán, thầy Trần Văn Cường - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở xã Bản Công là những người được bà con người Mông hết lòng tin yêu vì sự tận tụy chăm lo cho học sinh bán trú. Khuyến nông viên Hà Sông Thao tuổi đời còn rất trẻ nhưng được phân công về cơ sở đã rất thành công với nhiều mô hình sản xuất nông - lâm ở xã Trạm Tấu và được đề bạt làm Trạm phó Trạm Khuyến nông huyện. Khuyến nông viên Đinh Văn Cường đã ngày đêm bám địa bàn để đưa Tà Xi Láng nhanh chóng trở thành xã trọng điểm sản xuất ngô hàng hóa của huyện.

Đặc biệt, anh đã giúp trên 80 hộ dân ở thôn Làng Mảnh hầu hết là hộ đói sau 3 năm thâm canh ngô giống mới, chuyển đổi đất lúa nương, ruộng bậc thang kém hiệu quả sang trồng ngô nên giờ hầu như không còn đói. Đó chỉ là số ít những tấm gương minh chứng cho những thành công từ công tác xây dựng đội ngũ cán bộ theo hướng vững vàng chuyên môn, tận tụy với công việc ở huyện vùng cao Trạm Tấu.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục