Chuyện "lúa gặt non" ở Xuân Tầm

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/10/2014 | 8:11:12 AM

YBĐT - 18 tuổi. Đặng Thị On đã làm mẹ của hai đứa trẻ. Tuy thế, On chưa một lần được mặc áo cô dâu vì xã chưa công nhận về mặt pháp lý. Còn Triệu Thị Sếnh thì bị "nhà trai" kiện do đã tự ý bỏ trốn vì không thấy "thích" người yêu nữa.

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2014, Xuân Tầm đã có 4 cặp tảo hôn trẻ nhất sinh năm 1998. (Ảnh: Bà mẹ “nhí” Đặng Thị On và 2 đứa con nhỏ).
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2014, Xuân Tầm đã có 4 cặp tảo hôn trẻ nhất sinh năm 1998. (Ảnh: Bà mẹ “nhí” Đặng Thị On và 2 đứa con nhỏ).

Gái hai con... tuổi 18

18 là tuổi đẹp nhất của đời người con gái, ấy thế nhưng Đặng Thị On ở thôn Khe Lép 1, xã Xuân Tầm (huyện Văn Yên) đã là mẹ của 2 đứa con nhỏ. Câu chuyện ấy khiến nhiều người ở Xuân Tầm cảm thấy xót xa, tiếc cho một cô bé xinh xắn dễ thương sớm làm mẹ khi còn đang ở cái tuổi ăn tuổi lớn. Dọc theo con đường chính của trung tâm xã Xuân Tầm, chị Triệu Thị Thuấn - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã dẫn chúng tôi đến nhà anh Đặng Tòn Son - thôn Khe Chung 1, chính là gia đình chồng của On. Tới ngã ba một con dốc cao thẳng đứng, thấy có một em gái bế đứa nhỏ, chị Thuấn dừng lại: "On đấy!". Em gái gật đầu chào cười ngượng nghịu. Tôi giật mình! Ôi! Sao con bé trẻ xinh thế này mà đã có hai con rồi sao? "Thế đứa bé này là..." - tôi chỉ đứa nhỏ đang trên tay của On. Vẫn sự ngượng ngùng, e thẹn đúng của cô gái tuổi 18: "Là đứa lớn nhà em".

Trên đường lên nhà On, tôi hỏi chuyện: "Đứa này mấy tuổi?". On đáp: "Dạ! 2 tuổi rồi ạ". "Lấy chồng sớm thế". On chỉ cười và nụ cười ấy vẫn còn thơ ngây lắm. Chị Thuấn - Chủ tịch Hội Phụ nữ trả lời hộ On: "Con bé xinh như một bông hoa rừng thế này, thằng Son không chịu được nên dù bố mẹ không cho lấy vợ sớm nhưng nó cứ đến nhà vợ, rồi chửa rồi đẻ thì ông bà ấy cũng phải chịu".

Hóa ra vậy, lâu nay chúng ta lại cứ quen hiểu tảo hôn là do tập tục lạc hậu của đồng bào nên cha mẹ bắt con cái lấy chồng lấy vợ sớm. Nhưng ở Xuân Tầm thì không hẳn vậy, như trường hợp của On và Son là do các bạn trẻ ấy tự tìm đến với nhau, không kiềm chế được bản năng, không có kiến thức sức khỏe sinh sản đã dẫn đến buộc người lớn phải chấp nhận việc “thích thì cưới” của mình. Son - người đàn ông trụ cột trong gia đình vợ chồng "trẻ con" ấy, dù mới 20 tuổi nhưng cũng tỏ ra khá chững chạc. Chị Thuấn hỏi thăm: "Giờ hai vợ chồng làm gì?". "Vợ chồng cháu vẫn vậy, ruộng nương có tí".

Rồi chị Thuấn quay sang chúng tôi kể: "Cái thằng này vì người yêu xinh quá không chịu nổi nên bỏ học về nhà". Hóa ra vậy, đang học lớp 10 ở Trường Dân tộc nội trú của huyện nhưng từ khi yêu cô bé On ở thôn Khe Lép 1, Son thường xuyên bỏ học về nhà đòi cưới vợ. Vợ chồng ông Lý - bố Son vốn tiến bộ nên không đồng ý.

Ông Lý đã nhiều lần đuổi đánh Son, đưa cậu về trường nhưng nửa đêm Son lại trốn về, rồi ở riết bên nhà vợ, rồi "bầu bí", rồi đẻ. Đến nước ấy thì ông bà Lý đành phải chấp nhận đón con dâu về nhà. Hai năm sau, On tiếp tục sinh đứa thứ 2 dù vẫn chưa đủ tuổi kết hôn. Sinh con khi cơ thể chưa "lớn" hết, lại hai lần sinh mổ liên tiếp, sức khỏe của On rồi sau sẽ ra sao? Suy nghĩ ấy không khỏi khiến tôi cảm thấy xót xa. Tôi quay sang: "Thế có đẻ nữa không?". On vẫn ngượng ngùng: "Không ạ".

Chị Thuấn tiếp vào: "Mổ đẻ cháu thứ hai, bác sĩ thắt ống dẫn trứng luôn rồi". Đã sinh nở hai lần, lại thắt ống dẫn trứng nhưng On chưa một lần được mặc áo cô dâu. Bởi em đâu được tổ chức cưới mà chỉ đón nhau về, thủ tục pháp lý ở xã cũng còn chưa được công nhận. Cô bé On thiệt thòi đủ đường chỉ vì cái suy nghĩ muốn được làm người lớn sớm.

Kiện cô dâu... bỏ trốn

Câu chuyện gái hai con ở tuổi 18 của On để lại trong chúng tôi những nỗi niềm xót xa. Tạm biệt ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng "trẻ con", tôi cùng chị Thuấn đi bộ dọc đường làng để cảm nhận hương lúa mới đang ngào ngạt dưới ruộng đồng kia, rồi cứ luẩn quẩn cái ý nghĩ trong đầu về câu nói của các cụ ngày xưa: "Lúa đang thì con gái", ấy là lúc bông lúa trông đẹp nhất nhưng lại chưa thể gặt. Và những cô dâu nhỏ tuổi ấy chỉ như lúa bắt đầu trổ bông, cây chưa đủ lớn thì làm sao có thể làm thóc giống? Chị Thuấn cắt ngang suy nghĩ của tôi: "Câu chuyện tảo hôn ở Xuân Tầm cũng lắm chuyện cười ra nước mắt". Tôi thắc mắc: "Như thế nào cơ ạ?".

Chị chép miệng: "Mấy hôm trước, gia đình thằng bé Triệu Tòn Khe ở thôn Khe Lép đã lên Ủy ban nhân dân xã kiện gia đình con bé Triệu Thị Sếnh cùng thôn, đòi trả tiền tổ chức đám cưới, đám hỏi và sính lễ vì sau khi bố mẹ hỏi cưới cho được 3 ngày thì con bé bỏ trốn khỏi nhà chồng. Tìm mãi rồi mới biết con bé bỏ về tận chỗ họ hàng ở Hà Nội. Vận động gia đình tìm cách đưa cháu về để giải quyết thì con bé bảo nó không yêu nên nó không lấy nữa". Tôi bật cười: "Thế sao lúc người ta hỏi lại đồng ý?". Chị Thuấn lắc đầu: "Thì thế, trẻ con mà, đã biết gì đâu nên lúc nhà trai hỏi thấy thinh thích thì đồng ý thôi". "Vụ việc ấy xã giải quyết như thế nào ạ?". "Bởi đây là cặp tảo hôn mà chúng tôi đã vận động rất nhiều nhưng gia đình nhất quyết cưới; xử lý phạt hành chính thì gia đình chịu nộp phạt chứ không chịu hoãn cưới, thế nên xã đã trả lời dứt khoát rằng vì gia đình không chịu làm theo pháp luật nên vụ việc đó xã không đứng ra để giải quyết. Chúng tôi cũng lấy câu chuyện đó để tuyên truyền cho người dân nếu tuân thủ theo pháp luật thì sẽ được pháp luật bảo vệ".

Tôi gật đầu với chị bởi những việc thật người thật sẽ là minh chứng rõ ràng nhất, dễ hiểu nhất cho người dân hiểu và thực hiện theo đúng pháp luật. Và cũng đủ thấy rằng, những đứa trẻ chưa đủ lớn, chưa làm chủ được ý thức, hành vi của mình nên khi người lớn quyết định hộ hay chính chúng quyết định những việc liên quan tới cả cuộc đời thì rất dễ rơi vào tình trạng dở khóc dở cười hoặc xa hơn là những hậu quả đáng tiếc khiến cả cuộc đời sẽ ân hận và vi phạm pháp luật.

Bà mẹ trẻ tìm hiểu kiến thức chăm sóc trẻ nhỏ.

"Thanh niên tiến bộ" - hạt nhân tuyên truyền

"Nhưng không phải thanh niên nào cũng chậm tiến" - chị Thuấn khẳng định khi chúng tôi quay trở lại trụ sở xã. Đúng vậy nhưng đâu sẽ là những gương sáng để cho các bạn trẻ ở Xuân Tầm nhìn thấy hằng ngày để học tập, để nhận thức? Không quá khó để tìm thấy một trong những người như thế. Triệu Thị Mương - cán bộ Hội Chữ thập đỏ của xã là một thanh niên tiên tiến với nhận thức tiến bộ trong hôn nhân, gia đình cũng như chăm sóc con cái.

Mương chia sẻ rằng: "Em và chồng yêu nhau 5 năm, cả hai đứa hứa với nhau cùng học xong rồi cưới. Nhiều người ở thôn bảo em lấy chồng muộn nhưng em nghĩ đủ tuổi cưới cho đàng hoàng, vả lại mình phải học hành xong rồi mới xây dựng gia đình và phải thực hiện theo đúng pháp luật nữa chứ. Kể cả nuôi con cũng vậy, em học hỏi những cách nuôi con khoa học thì nhiều người bảo em vẽ chuyện nhưng con em không hay ốm đau thì ai nói gì cũng không sao".

Lúc Mương kết hôn, em 22 tuổi, còn chồng 25 tuổi, nhiều người ở đây coi thế là muộn nhưng với Mương vậy hạnh phúc mới có nền tảng bảo đảm. Chồng của Mương sau khi học xong trung cấp cảnh sát hiện đang làm công an xã. Mỗi tháng, lương hai vợ chồng cũng được hơn 8 triệu đồng, đủ để lo cho đứa con trai 3 tuổi ăn học và một cuộc sống không quá vất vả.

Mương chia sẻ: "Em mong muốn các bạn trẻ đừng vội lập gia đình sớm mà hãy chuẩn bị tốt các điều kiện cho cuộc sống hôn nhân đã. Hãy quyết tâm đi học, hoặc làm kinh tế từ chính đồi nương quê hương mình, từ chính đôi tay của mình, chứ nhìn thấy mấy em tảo hôn mà em thương lắm". Mương không phải là trường hợp tiến bộ hiếm hoi ở Xuân Tầm, câu chuyện cô giáo Đặng Thị Tam ở Trường THCS Xuân Tầm cũng là một tấm gương để các bạn trẻ noi theo. Tam quyết tâm đi học và đỗ vào trường đại học sư phạm.

Sau 4 năm đèn sách, Tam về phục vụ cho chính mảnh đất đã nuôi dưỡng mình. Cuộc sống ổn định, Tam mới lập gia đình. Hiện nay, cuộc sống gia đình của Tam và chồng là cán bộ Trạm Y tế xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên) cùng cô con gái 2 tuổi rất hạnh phúc khiến ai cũng ngưỡng mộ. Chắc chắn rằng ở Xuân Tâm không ít những thanh niên tiến bộ như Mương, như Tam và những thanh niên này chính là những hạt nhân tuyên truyền hiệu quả nhất.

Những cách làm để ngăn chặn tình trạng tảo hôn ở vùng cao như Xuân Tầm hay nhiều xã vùng cao, vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh đã và đang áp dụng không mấy khác nhau. Cũng thực hiện quy định cán bộ, đảng viên không được tham dự lễ cưới của các cặp tảo hôn; phạt tiền đối với gia đình tổ chức cưới cho con khi chưa đủ tuổi; tuyên truyền, răn đe... và đưa vào nghị quyết của Đảng bộ xã. Vấn đề ở đây là mỗi địa phương cần tìm cho mình những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Lấy chính những thanh niên tiến bộ là nòng cốt tuyên truyền vận động là một cách làm hay ở vùng cao Xuân Tầm.

Thanh Ba

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục