Bạch Hà gạo trắng, nước trong

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/11/2014 | 8:51:50 AM

YBĐT - “Gạo Bạch Hà, gà Linh Môn” - nhắc đến những sản vật đặc sắc đó, người ta nhớ ngay tới miền quê trù phú bên dòng sông Chảy - nơi có ngọn Thác Ông, Thác Bà hùng vĩ ngày đêm tuôn chảy cho dòng điện sáng của đất nước.

Sản phẩm gạo Bạch Hà ra thị trường thành phố.
Sản phẩm gạo Bạch Hà ra thị trường thành phố.

Nằm gọn giữa ba dãy núi lớn gồm: núi Là cao 951m, núi Hàm Rồng cao 700m và núi Lẻn cao 400m so với mặt nước biển, từ năm 1953 trở về trước, Bạch Hà thuộc phủ Yên Bình của tỉnh Tuyên Quang. Năm 1967, xã được tách ra từ Vũ Linh và chia thành 8 thôn, bản là: Ngọn Ngòi, Hàm Rồng, Phai Thao, Gò Chùa, Hồ Sen, Ngòi Lẻ, Làng Minh và Ngòi Giàng - nơi sinh sống của hơn 900 hộ đồng bào các dân tộc: Kinh, Tày, Dao, Cao Lan...

Bạch Hà được thiên nhiên ưu đãi và ban tặng những điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi mà hiếm địa phương nào trong tỉnh có được như: nhiệt độ, khí hậu, độ ẩm kết hợp với nguồn nước mát ngọt, tinh khiết quý giá từ dãy núi Là cũng như các chất khoáng vi lượng của ba ngọn núi bao bọc rót xuống hàng năm cho cây lúa, củ khoai, ngọn măng, con cá và rất nhiều sản vật của nơi đây nức tiếng gần xa.

Về Bạch Hà hôm nay, người dân vẫn còn truyền nhau những câu chuyện kể nguồn gốc đặc sản quê mình như: ngọn núi Là giờ như vách ngăn giữa hai tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang song người dân hai tỉnh sống quanh chân núi vẫn chung nhau nguồn nước mát lịm và ngọn gió thiên nhiên xanh, sạch, thanh bình; đỉnh núi Là xưa có nhiều gỗ quý như: gụ, trám, lim, táu, sến, chò chỉ, đinh thối... đã có hộ làm cả ngôi nhà bằng gỗ của một cây sến, thậm chí xã cũng đã dùng một cây chò chỉ đường kính rộng hơn 1m, dài gần 40m để dựng hội trường mà vẫn còn dư gỗ; hạt gạo, cây lúa ở những thôn: Gò Chùa, Hàm Rồng, Ngọn Ngòi... sát chân núi Là vốn tốt tươi, xanh mướt quanh năm lại hưởng trọn nguồn nước ngọt núi Là chảy xuống càng ngạt ngào, dẻo thơm khi ăn với canh khoai, canh bí trồng bên sườn núi. Chúng tôi dành trọn một ngày đi vòng quanh xã, cùng thám hiểm ngọn núi Là và được thưởng thức sản vật "Gạo Bạch Hà, nấu nước núi Là" mới thấy thật tuyệt vời!

Xã chỉ có 155ha lúa hai vụ cấy chủ yếu là giống Chiêm Hương, HT1, Nàng Hương cho năng suất 180 - 230kg/sào và vụ ngô đông 50 - 55ha trồng ở chân ruộng lúa hai vụ nhưng diện tích cây ăn quả như bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ, chăn nuôi gà, dê, trâu, bò và đặc biệt là trồng rừng được cán bộ, bà con ở 8 thôn, bản rất chú trọng. Với 300/600ha rừng khoanh nuôi tái sinh có nhiều loại gỗ quý, mỗi năm, người dân trồng mới thêm từ 50 - 70ha rừng bạch đàn và keo lai để phủ xanh đất trống. Xen vào đó là 250ha sắn năng suất 20 tấn/ha được các hộ chế biến tại chỗ bằng những phân xưởng mini bảo đảm phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Năm 2014 này, thu nhập trung bình của một người dân địa phương bảo đảm đạt mức trên 20 triệu đồng, trong đó có trên 30% số hộ khá, giàu nhờ làm kinh tế giỏi đều có mức thu nhập từ 35 - 45 triệu đồng/người/năm như các hộ: Nguyễn Văn Hồng ở thôn Hồ Sen có vườn bưởi vừa thu hoạch bán trên 100 triệu đồng, có xưởng chế biến sắn thu trung bình 100 - 150 triệu đồng/năm; hộ anh Thôi Đức Lượng, dân tộc Cao Lan ở thôn Ngòi Giàng chăn nuôi hàng trăm lợn thịt; gia đình anh Lương Văn Bảo, dân tộc Tày ở thôn Hàm Rồng có vườn bưởi hơn 100 gốc, vụ vừa rồi cũng thu trên 70 triệu đồng, chưa kể chăn nuôi, trồng trọt; hộ anh Phạm Ngọc Kim, Hoàng Ngọc Dương ở thôn Phai Thao nuôi lợn nái, lợn thịt, trồng ngô, thả cá có thu nhập gần 40 triệu đồng/người/năm...

Sức sống mãnh liệt ở Bạch Hà có lẽ phải kể đến sự thay đổi và đi lên của 144 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao ở thôn xa nhất xã - thôn Ngọn Ngòi. Nhắc tới quá khứ đau lòng trước đây, nhiều hộ vẫn còn rưng rưng bởi do nghèo đói, lười lao động, phá rừng, chặt cây nên ngọn núi Là giận dữ lăn xuống bản những tảng đá khổng lồ trong mùa mưa lũ năm 2008 khiến 1 người chết, 4 người bị thương phải đi cấp cứu.

Anh Đặng Văn Lý - Trưởng thôn nhớ lại: "May mà trận đó là nước lũ ban ngày nên bà con còn chạy kịp chứ lũ về ban đêm thì có lẽ đã xóa sổ cả làng...". Hôm nay, rời những ngôi nhà bên suối, 18 hộ người Dao sinh sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao của bản đã cùng di dân về khu tái định cư mới sống vui vẻ với sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước giúp mỗi hộ 10 triệu đồng dựng nhà.

Cùng với việc xây sửa, tôn tạo đất đai trên nền móng mới, các hộ dân đã giúp công, giúp của dựng lên những ngôi nhà sàn cột bê tông, những ngôi nhà kiên cố hóa khang trang, sạch đẹp và tích cực chăn nuôi, trồng rừng, làm kinh tế. Vụ mùa vừa qua, với 23ha cấy giống lúa thơm, cả thôn đã có thu hoạch 56 tạ/ha. Mỗi năm, thay vì phá rừng làm nương, người dân đã trồng mới gần 30ha rừng và chăn nuôi đàn dê trên 600 con. Những hộ chăn nuôi giỏi của thôn như hộ ông Đặng Văn Kỷ, Đặng Văn Hai, Đặng Văn Càn, Lý Văn Thanh, Đặng Văn Quyền... thực sự đang là những tấm gương sáng cho bà con người Dao ở Ngọn Ngòi noi theo.

Chị Tướng Thị Giang, sinh năm 1982 ở khu định cư mới tâm sự: "Có Nhà nước giúp chuyển nhà lên đây, chúng tôi rất yên tâm! Hiện nay, cả 18 hộ di dân đều đã bảo đảm mỗi hộ có được 1 công trình nước sinh hoạt lấy từ núi Là xuống. Giờ thì dân sẽ trồng rừng nhiều để làm cho môi trường sống tốt hơn". Cũng như tâm nguyện của hàng trăm hộ dân khác trong thôn, chị Giang rất mong được Nhà nước hỗ trợ xi măng giúp dân làm đường bê tông để hoàn thành tuyến đường còn lại vào thôn sẽ giúp bà con đi lại thuận lợi. Được biết, năm 2013 vừa qua, người dân trong thôn, trong xã cũng đóng mỗi khẩu 300.000 đồng và công khai thác cát, sỏi, vật liệu để làm tuyến đường từ thôn Phai Thao lên Ngọn Ngòi, nâng tổng số chiều dài tuyến đường được bê tông hóa ở Bạch Hà lên trên 10km.

Phải công nhận đội ngũ cán bộ xã của Bạch Hà hôm nay rất xông xáo và năng động. Không đơn giản là đưa phóng viên lên núi thực tế mà các anh còn tranh thủ kiểm tra và đánh dấu những điểm có gỗ quý, cẩn thận tìm và nối lại những chiếc ống nước từ núi Là về bản của người dân bị rò rỉ hay bị hở. Họ nắm rõ và phân biệt rạch ròi mỗi đường ống dẫn nước của từng hộ dân. Tôi hỏi đồng chí Phó chủ tịch UBND xã Lại Đức Hạnh:

- Đây có phải đường ống Nhà nước hỗ trợ cho dân không anh?

Anh Hạnh hóm hỉnh:

- Chỉ có “nhà” thôi chứ không có “nước” chị ạ! Nhà nước hỗ trợ nhiều rồi, việc gì dân làm được thì cứ động viên dân làm. Những việc lớn như: điện, đường, trường, trạm thì Nhà nước mới phải hỗ trợ.

- Như thế thì sức lực và tiền của trong dân để làm đường ống nước từ núi Là phải rất lớn?

- Đúng thế! Chị cứ tính đơn giản, từ thôn Hàm Rồng lên đến ngọn thác lưng núi ta sắp tới kia là gần 20 cuộn ống nước, mỗi cuộn dài 200m chôn dưới đất, xếp đá lên để bảo vệ và đánh dấu thì biết.

Quả thật, để đưa được dòng chảy mát rượi từ núi Là về bản không đơn giản tí nào. Càng tới gần dòng thác thì cánh rừng phòng hộ của dãy núi Là càng mát lạnh. Dường như âm thanh ào ào của dòng nước giữa khu rừng âm u khiến cho tiết trời nóng nực cũng trở nên vô nghĩa.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Lập (đứng giữa) - Chủ tịch xã Bạch Hà trao đổi các hộ đồng bào dân tộc Dao thôn Ngọn Ngòi khi chuyển về khu tái định cư mới.

Nhớ lại lời đồng chí Chủ tịch UBND xã Bạch Hà - Nguyễn Văn Lập: "Nước núi Là nuôi người dân Bạch Hà khôn lớn, thông minh. Cây lúa Bạch Hà uống nước núi Là cho hạt gạo dẻo thơm, nay trở thành đặc sản nức tiếng của đất Yên Bình" mới thấy giá trị to lớn mà thiên nhiên đã trao tặng cho Bạch Hà. Giá trị ấy lớn đến nỗi ngay chính những người con Bạch Hà xa quê lâu ngày nay mới nhận ra để rồi trên lĩnh vực công tác, kinh doanh của mình đã dần đưa sản phẩm gạo Bạch Hà đến với khách hàng gần xa.

Đó cũng là tâm sự rất thật của chị Vi Thị Phương - nguyên là cán bộ của Sở Công thương Yên Bái có nhà hàng ăn uống nằm đối diện Cục Thuế tỉnh: "Xa quê công tác lâu ngày nhưng tết năm ngoái về quê, ăn gạo quê mình thấy ngon và dẻo quá nên tôi liền nghĩ phải lấy về phục vụ khách hàng. Thế là ăn cơm ở quán, khách hàng tận Hà Nội nay vẫn đặt mình gửi gạo Bạch Hà theo ô tô về thủ đô và thanh toán tiền qua tài khoản".

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, gạo Bạch Hà đã và đang khẳng định được vị trí và uy tín bởi chất lượng và thương hiệu. Những gia đình trẻ giàu lên nhờ thu mua và kinh doanh gạo đặc sản ở Bạch Hà hôm nay phải kể đến: Nguyễn Văn Quang, thôn Phai Thao, sinh năm 1975; Phạm Quốc Cường, thôn Hồ Sen, sinh năm 1975 đã đầu tư các loại máy móc kinh doanh như: máy xát thóc, máy lọc sạn, máy khâu tải, xe ô tô... với kho thóc vài chục tấn cung cấp sản phẩm gạo Bạch Hà ra thị trường Yên Bái thông qua hàng chục đại lý lớn nhỏ từ 150 - 200 tấn mỗi năm. Đặc biệt, cuối tháng 9 vừa qua  sản phẩm đặc sản gạo Bạch Hà của Hợp tác xã Bạch Hà đã được UBND tỉnh Yên Bái cấp giấy chứng nhận bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2014.

Chị Lê Thị Thu Hiền - chủ đại lý kinh doanh gạo đặc sản tại chợ Km6 thành phố Yên Bái từ năm 1990 khẳng định: "Trước khi nhận nguồn hàng từ anh Phạm Quốc Cường, em đã phải nấu thử gạo Bạch Hà và khi ăn thấy rất ngon, dẻo, thơm thì mới đồng ý làm đại lý cho sản phẩm. Về chất lượng gạo phải nói là tốt, sạch sẽ, nguyên chất, không có đánh bóng, bảo đảm có nhiều cám, đúng là sản phẩm gạo ngon. Giá bán vừa phải, dao động từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, đối tượng mua đa phần là những bà nội trợ có tuổi, có kinh nghiệm và tương đối kỹ tính. Tuy mới kinh doanh nhưng sản phẩm gạo Bạch Hà đã chiếm khoảng 30% thị phần và đang bước chân vào thị trường gạo một cách chắc chắn".

“Gạo Bạch Hà, gà Linh Môn” - câu thành ngữ ngày xưa của các cụ nay đang được lớp cháu con ở Bạch Hà, Yên Bình lưu danh và phát triển thành  những thương hiệu đặc sản nổi tiếng. Nhắc đến những sản vật đặc sắc đó, người ta nhớ ngay tới miền quê trù phú bên dòng sông Chảy - nơi có ngọn Thác Ông, Thác Bà hùng vĩ ngày đêm tuôn chảy cho dòng điện sáng của đất nước. Để sản phẩm gạo Bạch Hà có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh, UBND huyện Yên Bình đã phê duyệt Đề án phát triển vùng lúa chất lượng cao xã Bạch Hà giai đoạn 2013 - 2016 và những năm tiếp theo. Triển khai tại Bạch Hà, Đề án này đã nhận được sự ủng hộ tích cực của 461 hộ đồng bào các dân tộc ở 8/8 thôn, bản đăng ký tham gia với diện tích thực hiện trên 57ha. Đây chính là nền tảng quan trọng để  đặc sản gạo trắng Bạch Hà mang hương vị quê hương dưới chân núi Là sẽ vươn xa tới khắp mọi miền đất nước.

 Thanh Hương
Bạch Hà, tháng 10/2014

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục