Lặng thầm “vì lợi ích trăm năm”

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/11/2014 | 8:28:48 AM

YBĐT - Nhờ chính sách ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, thu hút giáo viên... của Đảng, Nhà nước nên sự nghiệp giáo dục ở vùng cao Yên Bái nói chung và huyện Trạm Tấu những năm gần đây thực sự khởi sắc.

Cô giáo Hà Ngọc Yến ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Làng Nhì sau giờ lên lớp thường gần gũi cùng học trò thêu thùa, may vá.
Cô giáo Hà Ngọc Yến ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Làng Nhì sau giờ lên lớp thường gần gũi cùng học trò thêu thùa, may vá.

Thành tựu nổi bật là tỷ lệ huy động trẻ em ra lớp, tỷ lệ chuyên cần đạt từ 95% trở lên, chất lượng giáo dục đang từng bước được cải thiện. Phía sau những thành công ấy, có sự đóng góp lớn lao của những thầy, cô giáo đang thầm lặng chịu đựng gian khổ “Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người, như lời Bác đã dạy”.

Làng Nhì là xã xa nhất tính từ trung tâm huyện Trạm Tấu vì phải đi xuống thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn) rồi qua xã Phình Hồ mới đến. Trước đây, đường ô tô chưa lên tới trung tâm xã, từ chân dốc Phình Hồ, thầy cô đi bộ phải mất quá nửa ngày mới tới. Nay đi ô tô, xe máy cũng còn mất tới mấy tiếng đồng hồ bởi đường dốc, nước mưa xoáy rãnh dọc ngang, trơn trượt, gập ghềnh đá nên chuyện thầy cô ngã xe, bị thương tích không hiếm.

Khu trường học ở trung tâm xã có trường mầm non, có trường tiểu học, có trường trung học cơ sở bán trú tựa lưng vào núi, phía trước không xa là vực sâu hun hút. Ngày trời quang, mây tạnh, trông bốn bề thấy núi. Mùa đông, ngay ở sân trường mà thầy, trò phải căng mắt nhìn mới thấy nhau bởi bịt bùng sương núi. Đã vậy, quanh trường không có nhà dân, hàng quán thì lèo tèo vài thứ.

Hỏi ra mới biết, các bản đều ở trên núi nên trường phải đặt ở vị trí chung chiêng như thế thì học sinh ở các bản đi xuống mới tiện. Ỏ nơi không chợ, không quán, xa dân, mọi thứ sinh hoạt của thầy, cô cơ bản mang từ nhà lên. Cái khó nhất là mua thức ăn cho mấy trăm học sinh một ngày vì rau, thịt hầu hết phải mua của dân mang xuống.

Khó khăn, gian khổ nhưng biết bao thầy, cô vẫn bám trụ nơi này và dồn hết tình yêu cho những em bé người Mông đang khao khát được học chữ. Nhiều thầy, cô dạy học có thâm niên cả chục năm nhưng vẫn ở chung nhau trong căn phòng tập thể giường tầng như thuở sinh viên. Ỏ mãi cũng quen vì đông vui, vì học sinh tíu tít bên trường nhưng khuya về, khi những con chim rừng gọi bạn thảng thốt trong đêm thì bao nỗi niềm lại ùa tới... Nhiều cô nhớ con nhỏ da diết đang phải gửi cha mẹ già trông giúp hoặc một tay chồng ở quê chăm bẵm như cô Tạ Thị Nhung dạy ở Phình Hồ. Cô Hà Ngọc Yến, khi bạn bè cùng trang lứa ở nhà đã yên bề gia thất thì mình vẫn còn đơn chiếc và đang dạy hợp đồng. Có thầy giáo cứ mãi đằng đẵng ở vùng cao khiến người yêu dưới xuôi không chờ đợi nổi... Thế mà không thấy một ai kêu khó, kêu khổ mà họ còn bảo rằng: “Chúng em ở đây là sướng rồi! Các bạn cắm bản còn khó khăn hơn”.

Sau giờ lên lớp, các thầy, cô giáo nơi vùng cao Trạm Tấu cùng học sinh tăng gia sản xuất cải thiện bữa ăn.

Nơi cắm bản phải đi bộ thêm hơn 1 giờ nữa mới tới. Có chuyện,  hai cô giáo cùng cắm bản, sống chung một gian phòng. Đến lúc, một cô lấy chồng, dân bản phải dựng cho cô giáo chưa chồng một gian bên cạnh. Bên xã Bản Mù cũng có 2 cô cắm bản xa trung tâm đến cả chục cây số, đường mòn dốc đứng. Nghỉ cuối tuần, các cô gửi xe tại trường trung tâm, hết tuần lại xuống lấy xe về nhà. Nhưng nếu gặp tháng mưa dầm thì cả tháng không về vì không thể đi bộ được.

Dạy học ở vùng cao còn nhiều chuyện lạ lắm! Học sinh lớp 1 vùng cao học bán trú cả tuần đã khiến người miền xuôi ngạc nhiên nhưng ở Trạm Tấu, nhiều xã còn có cả một, hai chục cháu học mầm non từ 3 đến 5 tuổi ở bán trú. Các em bé phải ở lại, ăn, ngủ cùng cô cả tuần vì từ nhà đến trường khá xa, cha mẹ bận việc rẫy nương nên không thể đưa đón trong ngày. Mấy cô giáo tuổi đôi mươi mới lên công tác tại Bản Mù thật vui tính đùa rằng: “Chúng em chưa chồng nhưng lại đông con anh ạ! Thú thật, nếu không có bọn trẻ ở cùng thì chúng em cũng buồn lắm! Bé tí thế thôi nhưng ngoan lắm, chẳng đứa nào quấy khóc về đêm. Ở với cô được chăm tốt hơn ở nhà, thạo tiếng Kinh thì mai này vào học lớp 1 sẽ thuận lợi hơn nhiều”.

Khó khăn là thế nhưng người cũ vẫn bám trụ, người mới vẫn cứ lên. Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Làng Nhì, có cô Trần Thị Thanh Huyền đang dạy học ở xã Trạm Tấu rất thuận lợi nhưng khi lên thăm chồng, chứng kiến những khó khăn chốn này và với tấm lòng yêu trẻ đã tình nguyện lên “chia lửa” với chồng. Lê Thị Tố Uyên, 23 tuổi, quê xã Hoàng Thắng (Văn Yên) đang dạy hợp đồng tại thành phố Yên Bái nhưng khi biết Trạm Tấu cần giáo viên cũng đã tình nguyện lên đây.

Ở xã Tà Xi Láng, trường học cũng nằm ngang đỉnh núi cao như bên Làng Nhì nhưng thuận lợi hơn là đi xe máy từ Nghĩa Lộ lên chỉ mất hơn tiếng đồng hồ ngược núi. Thế nên nhiều cô giáo có con nhỏ vẫn sáng đi, tối về. Hôm trời nắng còn đỡ chứ gặp mưa rét kéo dài, sương mù thì độ đường ấy cũng hơi khiếp ngay cả với cánh mày râu. Thiển nghĩ, các thầy cô cứ ngày ngày đều đặn trên con đường ấy thì chắc chắn chỉ có tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề, mến trẻ mới nâng bước chân họ nhẹ nhàng đến thế!

Dạy học nơi khó khăn, các thầy cô giáo đã cống hiến bằng sự lặng thầm hy sinh những lợi ích cá nhân. Dạy học nơi thuận lợi hơn, sự cống hiến bằng nhiệt huyết của các thầy cô giáo mang lại cho các em thơ vùng cao những điều tốt đẹp nhất. Thầy giáo Nguyễn Duy Tiến - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú xã Trạm Tấu chia sẻ: “Cơ sở vật chất, điều kiện đi lại thuận lợi, tỷ lệ học sinh chuyên cần cao nên nhà trường quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục”.

Điều thầy Tiến còn trăn trở là bà con người Mông trong xã đang gửi hàng trăm con em về bán trú tại trường thì phải làm sao cho phụ huynh thật sự yên tâm. Hơn nữa, nhà trường còn có trách nhiệm để chăm lo cho các em khỏe mạnh, phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ. Từ trăn trở ấy, nhà trường đã nghĩ mọi cách để các em được ăn ngon bằng việc thường xuyên đổi món và tuyệt đối coi trọng an toàn vệ sinh thực phẩm. Thầy Tiến cho biết thêm, trước kia, chế độ ăn uống của các em chỉ có trên 400.000 đồng/tháng, nay được cấp thêm gạo thì các em càng có điều kiện để ăn ngon. Vừa rồi, nhà trường đã tìm được nguồn tài trợ để sắm kệ đựng dụng cụ nấu ăn, đồ đựng thức ăn cho học sinh toàn bằng i-nốc chống rỉ sét.

Cô và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Phình Hồ trong giờ học.

Ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú xã Bản Công, thầy Hiệu trưởng Trần Văn Cường cũng chung suy nghĩ như thầy Tiến. Ai đã từng đến thăm trường đều có thể thấy hình ảnh một người thầy ngày nào cũng thế, cứ hết giờ hành chính lại cùng học trò cuốc đất, chăm sóc rau xanh. Thầy Nguyễn Văn Thanh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú xã Túc Đán biết học trò người Mông thường ăn măng ớt nên nhiều cháu phải lấy từ nhà mang đi. Vậy là thầy chỉ đạo bộ phận nấu ăn mua măng ngâm tại trường để đến bữa, cháu nào cũng được ăn. Và còn nhiều lắm những tấm gương thầy, cô tận tụy với nghiệp “trồng người” như thế nơi vùng cao Trạm Tấu!

Nhà trường, thầy cô, học trò vùng cao thực sự là cầu nối gần nhất, bền vững nhất giữa lòng dân, ý Đảng. Em Trang Thị Phính - học sinh lớp 9 ở Làng Nhì nói rằng: “Có trường bán trú, em được đi học, thích lắm! Nếu không được đi học thì ở nhà, em sợ bố mẹ muốn mình lấy chồng sớm. Em muốn học cao hơn nữa để được làm cô giáo”. Còn với mỗi người dân có con học bán trú, nhất là những nhà có tới hai đến ba con, cháu đi học thì họ vô cùng phấn khởi. Nhiều người chung suy nghĩ rằng: “Cảm ơn Chính phủ lắm vì con cháu mình được đi học mà còn sướng hơn ở nhà! Còn mình thì không phải trông con nữa, cứ thế mà làm ăn thôi!”.

Có niềm tin, niềm vui ấy từ nơi dân, công lớn thuộc về những thầy, cô giáo đã hết lòng với vùng cao. Họ xứng đáng là những người anh hùng thầm lặng cống hiến trên mặt trận “Vì lợi ích trăm năm trồng người”!

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục