Sơn tra ký sự

Bài 1: Đã qua một hành trình “chua chát”

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/11/2014 | 8:59:46 AM

YBĐT - Những quả sơn tra cuối cùng đã rời non, xuống thị, về thành. Những rừng sơn tra hoa bung trắng lúc Giêng, Hai; lúc lỉu quả vàng tháng Chín, tháng Mười. Giờ sang đông, lá, cành bàng bạc lặng lẽ tích nhựa cho hoa trái mùa sau. Những rừng sơn tra đan nhau như thành lũy trên cao nguyên sau mùa trĩu quả vẫn rì rầm chuyện về một hành trình “chua chát” đã qua cùng bao khấp khởi, lo toan cho một hành trình mới của thứ cây, thứ quả đang trở thành một trong những sinh kế thoát nghèo...

Đồng bào Mông xã Nậm Khắt (Mù Cang Chải) thu hái sơn tra. (Ảnh: Thanh Miền)
Đồng bào Mông xã Nậm Khắt (Mù Cang Chải) thu hái sơn tra. (Ảnh: Thanh Miền)

Tôi chỉ có thể trả lời cô gái mãi đất mũi Cà Mau ra Bắc, lên du ngoạn Mù Cang Chải đang thưởng thức miếng táo ngọt thơm rằng, sơn tra là tên khoa học, tuzis là gọi theo tiếng Mông, táo mèo là gọi theo kiểu “nơi sinh sống”, chua chát là tả vị, còn cái tích nguồn của thứ cây, thứ quả này tôi nói đại với cô là quả tình yêu trời ban riêng cho người Mông đó. Cô tin lắm.

Khi lên bản Tu San rồi Lùng Cúng ở xã Nậm Có (Mù Cang Chải) nghe ông Thào Súa Rùa kể thấy mình nói đại mà đúng. Ông Rùa chuyện theo lối “tháng Một rồi đến tháng Hai”, mãi mới hết một năm nhưng gọn rằng: vì thương cảm tình yêu của đôi trai gái người Mông nọ, trời đã ban cho quả tuzis - sơn tra - táo mèo. Từ quả thơm ngon trời ban ấy, qua bao đời đã thành những rừng táo trên khắp những bản người Mông.

Tôi tò mò hỏi cây táo tổ ấy ở đâu. Ông Rùa ngơ ngác. Tôi lại hỏi có phải ở Nậm Khắt vì ở xã có cây táo cổ thụ mà theo người già, đã trên ba trăm năm. Cụ Rùa đáp không biết có phải không. Mấy cụ già ở Nậm Khắt thì bảo phải. Tôi “cãi” chưa phải vì theo câu chuyện tình yêu kia cây táo tổ phải hàng ngàn năm tuổi. Các cụ cười gần gật. Cũng gần gật như ông già người Mông ở bản Chế Cu Nha, xã Chế Cu Nha đáp chuyện tôi mà tay không ngơi giã táo tươi trong cối gỗ. Ông không rõ tiếng phổ thông.

Anh Lâm ở Phòng Văn hóa - Thể thao huyện dịch rằng, cụ bảo giã táo lấy nước uống cho khỏe người. Xin hỏi tuổi, cụ đáp “mới tám mươi tư” - bấy giờ là năm 1992. Mùa sơn tra chín, quả rụng đầy trên núi. Cái tên “chua chát” bấy giờ phổ biến hơn sơn tra nhờ các bà, các chị nhóp túi lấy hai, ba trăm đồng mua gọn cả cân gọt ăn chơi ngay những mẹt hàng ven đường thị trấn, thị xã. Ngoài các bà, các chị gọt ăn chơi, chỉ có Công ty Dược phẩm Yên Bái mua sơn tra về làm vị thuốc đông y. Vào vụ sơn tra, công nhân thái lát quả tươi, phơi kín sân, tràn ra cả hè đường Yên Ninh (thành phố Yên Bái) bấy giờ còn chưa bê tông hóa.

 

Người Mông ở Mù Cang Chải đã quan tâm chăm sóc rừng sơn tra lấy quả.

Sơn tra không chỉ có ăn chơi hay làm vị thuốc đông y, những năm này, ở thị xã Yên Bái có kỹ sư Vũ Quý Duân - cán bộ của Công ty Chế biến Lâm nông sản - Thực phẩm lặn lội lên Mù Cang Chải thực địa vùng nguyên liệu để chế biến sơn tra - thứ quả cực kỳ bổ ích cho sức khỏe, nếu chế biến thành sản phẩm hàng hóa sẽ có giá trị và hiệu quả kinh tế cao, không chỉ lợi cho doanh nghiệp mà góp phần giải quyết một vấn đề kinh tế - xã hội rất lớn, lớn tới tận hôm nay là việc làm, ổn định đời sống cho đồng bào Mông.

Hơn hai mươi năm, ông Duân đã nghỉ hưu. Tôi tìm đến nhà ông ở tổ 28, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái. Ông mời rượu sơn tra do ông cất lấy. Ông điện thoại cho cô Tân, chỗ anh chị em một thời làm rượu, si rô sơn tra Yên Bái. Ai cũng hồ hởi, nhưng chẳng ai còn giữ được một chai hay một nhãn rượu vang, si rô sơn tra Yên Bái thuở nào.

Chuyện lắng, chuyện trầm, tôi cũng biết trong Thư viện quốc gia Việt Nam vẫn lưu giữ một tài liệu nghiên cứu của Pháp về công dụng, chế biến quả sơn tra Yên Bái. Ông Duân đã tìm cách chụp lại nội dung những trang tư liệu này và cùng anh em thực địa, nghiên cứu đề tài cấp tỉnh về chế biến sơn tra. Tỉnh đồng ý ngay, đề tài được phê duyệt và cấp trên đã chi ba chục triệu đồng triển khai đề tài sau đó.

Năm 1994, sản phẩm rượu vang sơn tra Yên Bái ra đời và Yên Bái là nơi đầu tiên sản xuất rượu vang sơn tra ở Việt Nam. Lô rượu đầu khoảng một ngàn lít không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Sau làm đến bảy, tám chục ngàn lít/năm bán cũng chẳng thừa một chai. Vang sơn tra Yên Bái ghi danh trên thị trường, sản phẩm si rô sơn tra Yên Bái tiêu thụ cũng “chóng mặt”. Một công ty rượu ở Gia Lâm, một nhà máy rượu tên Thăng Long (Hà Nội) “ăn” hàng rất khỏe. Họ mua si rô sơn tra Yên Bái về để sản xuất rượu vang thay nho. Sau này, Yên Bái không sản xuất si rô sơn tra nữa thì mấy công ty này thu mua sơn tra mãi đâu về chế biến không rõ.

“Thực lòng tôi, tôi và anh em rất tiếc, rất tiếc” - ông Duân trầm lắng. Tôi cũng mang máng chuyện, kể thì dài nhưng đại thể công ty bấy giờ có “chuyện”, nhân sự có đổi thay, sản phẩm rượu vang và si rô cốt cũng mai một sau đó. Một đề tài khoa học, một hướng làm ăn đang cho hiệu quả kinh tế - xã hội cao rã tan một cách... bình yên.

Không chỉ ông Duân tiếc, anh em tiếc, bạn hàng - thị trường tiếc, mà tiếc nhất - buồn nhất là những người Mông nghèo khó đang có thêm tiền, thêm việc từ thu hái, bán sơn tra bỗng dưng phải “nhịn”. Những quả sơn tra không còn hây hây, kiêu kỳ lên xe, tiếp nối về nhà máy mà lại cô đơn trong những lù cở thờ ơ được chăng hay chớ xuống chợ ven đường; lại trong tay những bà, những chị chấm cháp cay cay cho hết vị chát chua bên vỉa hè phố thị...

Cho dù chua chát thế, nhưng sơn tra - tuzis - táo mèo vẫn cứ sinh sôi và mùa qua mùa vẫn trĩu quả. Những rừng sơn tra hoa bung trắng lúc Giêng Hai; lúc lỉu quả vàng tháng Chín, tháng Mười; sang đông, lá, cành bàng bạc vẫn lặng lẽ tích nhựa cho hoa trái mùa sau. Ra Giêng, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Mù Cang Chải Nguyễn Tiến Đức giục tôi lên đi xem hoa sơn tra nở ở Tu San, Lùng Cúng, Phình Ngài. Giữa tháng Chín, anh Giàng A Tông - Chủ tịch UBND huyện thúc tôi lên cho vừa mùa sơn tra chín.

 

Bí thư Đảng ủy xã La Pán Tẩn - Giàng Chứ Ly (thứ hai, trái sang) trao đổi với bà con bản Trống Tông về quản lý và bảo vệ cây sơn tra.

Tôi đi qua những rừng sơn tra ở Nậm Có, Nậm Khắt, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha... gặp vô số bà con người Mông, người Thái đang gùi, người Kinh đang chở sơn tra xuống núi. Đường đi dốc cao hơn đầu, gặp nhau chỉ thở và hỏi sơ mấy câu: Vụ này mua được nhiều không? Mua nương nhà nào? Giá bao nhiêu thế? Bán cho ai vậy?... Trả lời cũng mấy câu: Vụ này mua hơn vụ trước; Đặt nhà ông ấy, bà nọ chứ không mua trên nương; Giá hơn vụ trước khoảng ba, bốn ngàn đồng; Gom về bán cho Yên Bái, Hà Nội, Hải Phòng. Phải rồi, Lò Văn Toán, Sùng A Chơ, Lý Thị Dinh, Đỗ Văn Thân..., họ là những người gùi, chuyển sơn tra thuê cho những thương lái ở Tú Lệ (huyện Văn Chấn), ngã ba Kim (huyện Mù Cang Chải) nên chuyện trò chỉ vậy, phải đến dân mới rõ chuyện.

Ngày thứ Bảy, Chủ nhật, tôi đi Trống Tông (La Pán Tẩn - Mù Cang Chải). Ơi Trống Tông - đường như đi lên trời! Chiếc xe máy đem đi chỉ muốn đạp xuống vách núi, sau đành gửi lại nhà Hảng Tồng Chư - Bí thư Chi bộ bản Trống Tông mà leo bộ cho nhanh. Gần lưng bóng, mới gặp ông Lý Sấu Đế - một người Mông giàu có nhờ sơn tra. Ông dẫn chúng tôi sang rừng táo.

 “Nó trả bác mười ngàn đồng quả xấu, mười hai ngàn đồng quả tốt (một ki-lô-gam) cuối vụ. Tính cả mùa bác bán khoảng một trăm sáu chục triệu đồng” - ông Đế nói. Chúng tôi ngồi tính xem ở Mù Cang Chải này có những ai giàu có nhờ sơn tra như ông. Ông bấm tay: “La Pán Tẩn còn ông Hảng Súa Già, một vụ thu khoảng hai trăm triệu đồng (nhưng vừa rồi cũng mất “ăn” vì thương lái đặt cọc năm triệu đồng, trả giá cả nương hai trăm triệu đồng mà chẳng thấy lên mua). Bên Chế Tạo, ở Háng Gàng có Giàng Blề Rùa - sơn tra bán quả trên ba trăm triệu đồng. Mồ Dề có Hờ Súa Vàng bán sơn tra thu sáu chục triệu đồng. Nậm Có ở Lùng Cúng có cụ Thào Súa Rùa thu cũng thế....”. Ra dân “máu mặt” về sơn tra cũng biết nhau cả!

Mùa sơn tra, không gì thú bằng lên rừng hái quả. Những thanh niên người Mông leo cây, chuyền cành như con sóc mà hái, mà rung cho quả xuống. Sơn tra rừng lúc lỉu chẳng của riêng ai, cứ thế mà thu đem bán lấy tiền tươi rói. Phải rừng sơn tra tốt quả, một ngày hái cũng vài ba tạ, bán nhênh nhang cũng ba, bốn trăm ngàn đồng. Mù Cang Chải có trên một ngàn bảy trăm héc-ta sơn tra - quả rừng nên chưa ai tính chính xác mỗi vụ có bao nhiêu tấn thu về. Anh em ở huyện tính sơ sơ cũng gần hai ngàn tấn quả.

Nắng hanh rát mặt, bấm tính mỏi tay, ông Đế mời vào nhà thử rượu sơn tra ngâm ông trong bình nhựa trắng. Những bình rượu như thế này tôi thấy vô số ở những quầy hàng dưới thị xã, thành phố. Mùa này, hai trăm đến năm trăm ngàn đồng/bình. Một năm gần hai ngàn tấn quả sơn tra, chỉ đem ngâm rượu dễ dàng thế này bán rất chạy rồi chứ chưa tính làm những thứ khác. Giá bình quân mười đến hai mươi ngàn đồng/kg, tiền tươi thu về tạm tính hai chục tỷ đồng/năm, quy gạo tương đương hai chục ngàn tấn, thừa ăn cho cả huyện.

Bây giờ, không còn rượu vang sơn tra, si rô sơn tra Yên Bái một thuở nhưng danh tiếng sơn tra Mù Cang Chải nay đã đi xa lắm rồi, qua Yên Bái đến Hà Nội - Hải Phòng - Cần Thơ - Đà Nẵng - Huế - thành phố Hồ Chí Minh và xa hơn nữa rồi. Tôi vào Google gõ tìm sơn tra, táo mèo Mù Cang Chải thấy cho ra trên năm trăm bốn chục ngàn bản, chưa tính được trên báo in, phát thanh, truyền hình và facebook ... có thêm bao nhiêu nhưng đoán có thêm ngần đó nữa. Có phải đời sống đã nâng cao khiến người ta quan tâm hơn đến sức khỏe và thú du ngoạn ở vùng Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang này mà vài ba năm nay sơn tra đã trở thành đặc sản đúng nghĩa của Mù Cang Chải - Yên Bái; quả chua chát năm nào có phải đang dần dịu ngọt lại để trở thành thứ quả sinh kế đích thực cho cả vạn người dân ở vùng cao?...

Tuấn Anh
(Kỳ sau: Chia táo - táo rừng thành táo nhà)

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục