Sơn tra ký sự

Bài cuối: Không còn “lóc cóc” nữa, sơn tra!

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/11/2014 | 9:01:49 AM

YBĐT - Hai ngàn tấn quả tươi thu hái một năm, cộng cả táo ở vùng người Mông Trạm Tấu nữa ước gần 3.000 tấn, đấy là hiện tại chứ vụ sau, sau nữa sẽ còn cao hơn. Chỉ bán quả ngâm rượu bình nhựa như bây giờ cũng đã cho đồng bào vùng cao hàng chục tỷ đồng. Sẽ là gấp hai, gấp ba, bốn lần số ấy nếu Yên Bái mời gọi được doanh nghiệp lên vùng cao làm ăn.

Sản phẩm rượu, dấm sơn tra (táo mèo) được bày bán trong các cửa hàng, đại lý của thành phố Yên Bái. (Ảnh: Thanh Ba)
Sản phẩm rượu, dấm sơn tra (táo mèo) được bày bán trong các cửa hàng, đại lý của thành phố Yên Bái. (Ảnh: Thanh Ba)

Hai ngàn tấn quả tươi thu hái một năm, cộng cả táo ở vùng người Mông Trạm Tấu nữa ước gần 3.000 tấn, đấy là hiện tại chứ vụ sau, sau nữa sẽ còn cao hơn. Chỉ bán quả ngâm rượu bình nhựa như bây giờ cũng đã cho đồng bào vùng cao hàng chục tỷ đồng. Sẽ là gấp hai, gấp ba, bốn lần số ấy nếu Yên Bái mời gọi được doanh nghiệp lên vùng cao làm ăn. Làm sao biến cái danh tiếng đang lên ấy của sơn tra - táo mèo thành sự sung sướng cho đồng bào vùng cao một cách bền vững đang là chuyện của mấy "nhà" cộng lại...

Thực ra, loài cây đa tác dụng này ở vùng cao đã được tỉnh Yên Bái quan tâm khá sớm. Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đã nhiều năm qua định hướng phát triển cây sơn tra, cụ thể hóa thành kế hoạch thực hiện hàng năm, từng giai đoạn của ngành nông - lâm nghiệp và vùng cao như Mù Cang Chải.

Kỹ sư Lê Trọng Khang - Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, trước là Phó giám đốc Lâm trường Púng Luông từng đưa tôi đi thăm vùng sơn tra trong rừng tự nhiên phòng hộ ở Dế Xu Phình, Púng Luông và cả những diện tích sơn tra mới trồng của bà con quanh ngã ba Kim đang ngày một sầm uất.

Đúng là rất sớm, năm 1995, cây sơn tra đã được tỉnh đưa vào cơ cấu cây trồng rừng phòng hộ, Lâm trường Púng Luông đã trồng hỗn giao với thông, sa mộc, vối thuốc. Các dự án lâm nghiệp, chương trình đầu tư, hỗ trợ của tỉnh, Chính phủ khi đó và cả sau này đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển nhanh diện tích sơn tra trong rừng tự nhiên phòng hộ và hỗ trợ người dân trồng mới sơn tra để hôm nay Mù Cang Chải đã có trên một ngàn bảy trăm bảy chục héc-ta sơn tra – tuzis như đã đề cập, rừng đã thêm xanh, môi trường được cải thiện, đồng bào đã có thêm thu nhập.

Hôm lên Trống Tông (xã La Pán Tẩn), ông Lý Sấu Đế đưa tôi một nắm sơn tra quả xinh xinh. Tôi chọn một quả bổ làm tư rồi bất chợt nhớ những trái sơn tra to như cái chén vại và ngọt như lê mà tôi biết từ cái thời sơn tra còn "chua chát". Sơn tra bây giờ đang bé hơn thì phải, hậu quả của hái táo non hay cây, cành có chuyện? "Những quả này là quả con, quả cháu rồi, ngày xưa nó mới to chứ" -  ông Đế nói mà chẳng giải thích ra sao. Khi ngồi ở nhà ông Hảng Tồng Chư, tôi gợi chuyện, ông thủng thẳng: "Cây táo này sống lẫn cây rừng nó không tốt bằng táo sống với táo đâu".

Tôi hỏi anh kỹ sư ở Ban Quản lý Rừng phòng hộ, anh nói đơn giản, sống hỗn giao trong rừng, nhất là rừng thông cây bị chèn ép, thiếu ánh sáng nên quả nhiều nơi nhỏ, chất lượng giảm sút chứ không có chuyện táo rừng thông ngon hơn táo rừng trồng mà mấy chị buôn táo ở thành phố Yên Bái, cả đời chưa biết cây sơn tra ra sao nhưng khách mua cứ găng lên mà giải thích.

Trồng mới sơn tra là cách tốt nhất để nâng cao chất lượng quả và sản lượng nhưng trồng ở đâu, trồng bao nhiêu, giống thế nào là chuyện khá cấp thiết. Ông Chang Thế Sửu - Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt khoe, huyện đã có quy hoạch rồi: "Lùng Cúng, Phình Ngài, Làng Giàng, Tu San (xã Nậm Có) là một; các xã La Pán Tẩn, Nậm Khắt, Púng Luông là hai; Háng Gàng, Trống Khua ở xã Lao Chải là ba".

Ông Giàng A Lử - Chủ tịch UBND xã Nậm Có nói: "Cái giống nó cũng già quá rồi, muốn cây nó khỏe, quả nó to phải tính làm giống tốt cho dân thôi". Tôi biết, từ năm 1997, Lâm trường Púng Luông đã nghiên cứu thử nghiệm sản xuất cây giống sơn tra bằng phương pháp nhân vô tính. Mục đích là nhằm giữ gìn, bảo tồn nguồn gen quý, tạo cây giống có chất lượng tốt, rút ngắn thời gian sinh trưởng, tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, có chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho đồng bào. Lâm trường ươm gieo, cung ứng hàng vạn cây giống cho dân nhưng xem ra câu chuyện giống còn chưa quy củ. Tôi xem quy hoạch và hỏi lãnh đạo Ban rằng cái vùng rừng sơn tra “chuẩn” để làm giống tốt cho dân ấy ở đâu? Các anh nói, tới đây sẽ cho điều tra các chỉ tiêu lâm phần tuổi thành thục cây, chỉ tiêu sinh trưởng để thiết kế những vùng sơn tra có chất lượng, chuyển hóa làm rừng giống - thế là chậm. Còn có những yêu cầu khác để tạo ra vùng sơn tra chất lượng là kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản sau thu hái, vốn đầu tư hỗ trợ trồng mới và cả sự cấp bách của một văn bản cấp tỉnh quy định thống nhất, chặt chẽ về quản lý sản xuất, kinh doanh sơn tra trên địa bàn nữa.

"Trồng thì tốt rừng, tốt tiền cho dân đấy nhưng cứ chỉ ngâm quả trong rượu trắng không thì cũng phí. Làm thế nào để chế biến quả táo ra thành cái gì đấy thì mới tốt, cán bộ à?" - Chủ tịch UBND xã Nậm Có, ông Giàng A Lử nói như vậy. Quả thực, cái tư duy của cán bộ xã vùng cao bây giờ đã hơn xưa quá nhiều, chỉ bán táo, ngâm rượu trong những cái bình nhựa trắng cũng có tiền nhưng chưa thể làm cho đồng bào khấm khá lên được. Tây Bắc Việt Nam là vùng táo lớn nhất, Yên Bái là nơi táo nhiều và ngon nhất, Mù Cang Chải là đất táo đã lừng danh.

 

Nếu được đầu tư công nghệ chế biến, sơn tra sẽ còn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa. (Ảnh: Thanh Ba)

Tôi vào mạng Internet đọc được thông tin Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đặc sản sơn tra - táo mèo thuộc tốp 50 trái cây đặc sản nổi tiếng Việt Nam, liền điện cho kỹ sư nghỉ hưu Vũ Quý Duân xem đã tìm thấy một nhãn rượu vang hay si rô sơn tra Yên Bái một thuở như đã hẹn. Ông nói, vẫn đang tìm và mách rằng, nghe bên Bắc Yên (Sơn La) đã sản xuất rượu vang sơn tra, nước cốt sơn tra như Yên Bái hai mươi năm trước.

Chuyện này tôi có nghe và tin lại cho ông rằng, hai năm khi rượu vang và si rô sơn tra Yên Bái rã tan trong bình lặng thì vùng cao Bắc Yên kia với sự vào cuộc của UBND huyện, Sở Khoa học - Công nghệ, Viện Chế tạo máy nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã làm xưởng rượu vang sơn tra công suất chế biến 6.000 lít/năm. Năm 2003, Bộ Khoa học - Công nghệ hỗ trợ đầu tư dự án nâng công suất chế biến này lên 100.000 lít/năm. Năm 2004, chuyển giao cho tư nhân, ngoài rượu vang, nước sơn tra cốt, còn làm thêm sản phẩm trà sơn tra và nước giải khát sơn tra đóng chai.

Với sự giúp đỡ của Bộ Công thương, Tổ chức có tên gọi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Bắc Yên - Sơn La đã bán sản phẩm chế  biến từ sơn tra ra khắp thị trường trong nước. Chuyện ở Sơn La, còn bên Vân Nam (Trung Quốc) người ta đã làm ra liên hoàn sản phẩm từ quả sơn tra: rượu vang, si rô cốt, nước giải khát, bánh, kẹo, mứt sơn tra, vào xem trong những cửa hàng chỉ thấy thiếu cô bán hàng tên “sơn tra” nữa là đủ.

Tôi ngồi với anh bạn làm công tác nghiên cứu ở Hà Nội nhờ anh kiếm cho mấy tư liệu ở Thư viện Quốc gia Việt Nam về chế biến rượu và nước giải khát sơn tra mà người Pháp đã nghiên cứu để xem cho biết. Anh bảo: "Rượu vang sơn tra Yên Bái đã làm rồi, si rô cốt làm rồi, ông là nhà báo thì nghiên cứu làm gì?”. Nói thế nhưng anh cũng tìm cho tôi một báo cáo kết quả sản xuất thử nước giải khát sơn tra của Viện Khoa học kỹ thuật ông lâm nghiệp miền núi phía Bắc: cứ một cân quả sơn tra tươi phối chế được không phẩy bảy lít dịch quả; hai mươi tám cân quả tươi ép ra hai trăm lít nước dịch quả, sản xuất năm trăm chai nước giải khát. Giá thành mỗi chai nước giải khát lên men khoảng sáu đến bảy ngàn đồng, một lít nước đóng chai hơn mười lăm ngàn đồng, chỉ bán tám ngàn đồng đã thu lãi gần một ngàn tám trăm đồng/chai.

Nói chuyện làm sơn tra, ngay cả kỹ sư làm rượu nghỉ hưu như ông Vũ Quý Duân vẫn còn máu me lắm. Ông bảo, hạch toán gì thì hạch toán, làm rượu vang, làm nước ép, làm cốt sơn tra dứt khoát lãi. Dân làm ăn nói chuyện kinh doanh đều tính ra lỗ, lãi, nhưng cứ giả như kéo được doanh nghiệp lên làm sơn tra, thì chắc chắn Mù Cang Chải - Yên Bái sẽ có những điều kiện thuận lợi hơn để ổn định kinh tế - xã hội vùng cao nhờ việc làm, thu nhập của đồng bào được bảo đảm.

 

Dây chuyền Nhà máy sản xuất nước ép sơn tra ở Sơn La. (Ảnh: K.T)

Còn say sưa lắm với sơn tra, với Mù Cang Chải nhưng xem công lệnh Tổng biên tập ký đã báo ngày về. Trên đường xuôi thành phố, tôi dừng ở Púng Luông ngó tìm xem xưởng chế biến sơn tra quả mà một doanh nghiệp tư nhân lập dự án đầu tư hàng tỷ đồng hai ba năm trước ra sao nhưng tìm mãi không thấy. Hỏi ra mới biết dự án không thành, chưa rõ vì sao. Nhưng xem ra, cái chính có lẽ là thiếu sự liên kết, vào cuộc tích cực của mấy “nhà”. Hai ngàn tấn quả tươi thu hái một năm, cộng cả táo ở vùng người Mông Trạm Tấu nữa ước gần 3.000 tấn, đấy là hiện tại chứ vụ sau, sau nữa sẽ còn cao hơn. Chỉ bán quả ngâm rượu bình nhựa như bây giờ cũng đã cho đồng bào vùng cao thu hàng chục tỷ đồng. Sẽ là gấp hai, gấp ba, bốn lần số ấy nếu Yên Bái mời gọi được doanh nghiệp lên vùng cao làm ăn.

 "Tôi mà là doanh nhân nhất định sẽ đầu tư chế biến sơn tra ở Mù Cang Chải. Hai tiếng đồng hồ đường cao tốc Hà Nội lên Yên Bái, Yên Bái lên Mù Cang Chải đường nhựa áp-phan phẳng lỳ, nhân công rẻ, táo nhiều, nguồn nước trong lành, làm rượu vang, làm nước ép sơn tra thì lãi to. Lên đây làm ăn, chắc chắn sẽ được huyện, tỉnh, Chính phủ quan tâm bằng những cơ chế, chính sách vùng “30a” rồi. Lãi!" - anh Sang phiên dịch cho đoàn du khách Phần Lan lên thưởng ngoạn Danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải quả quyết với tôi và mấy anh chị em người Mông bán sơn tra như thế.

Với tôi, Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang này không thể thiếu đi những rừng, những trái sơn tra thơm lừng lựng kia. Sơn tra - tuzis - táo mèo - một hành trình "chua chát" đã qua nhưng làm sao cho trái táo không còn “lóc cóc”, đơn côi nữa, rõ là trách nhiệm của chính quyền, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp với đồng bào vùng cao. Tôi tin, danh tiếng sơn tra - tuzis - táo mèo Mù Cang Chải - Yên Bái còn đi xa nữa và những doanh nhân có tầm sẽ chớp lấy cơ hội làm ăn tốt đẹp này  sẽ chỉ trong nay mai.

Tuấn Anh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục