Dư âm Ngày hội đại đoàn kết ở Dào Xa

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/12/2014 | 9:25:40 AM

YBĐT - Có lẽ chưa bao giờ bản Dào Xa lại đông vui đến thế! Cả bản vui mừng khi được chọn làm điểm của cả xã Lao Chải và huyện Mù Cang Chải để tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc nhân kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2014).

Dân bản Dào Xa tham gia trò chơi đi cầu giữ thăng bằng.
Dân bản Dào Xa tham gia trò chơi đi cầu giữ thăng bằng.

Với đồng bào, đó là một ngày được ghi nhớ không chỉ bởi không khí lễ hội, bởi được đón nhận sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện về thăm bản mà còn là một ngày tất thảy mọi người đều cảm thấy gắn bó, gần gũi nhau hơn trên tinh thần đại đoàn kết.

Mới sáng sớm mà tiếng nhạc, tiếng loa thông báo về Ngày hội đại đoàn kết ở bản đã vang động cả không gian. Mặc cho sương còn chưa tan, cái lạnh của buổi sớm mai trong ngày đầu đông ấy đã bắt đầu cảm thấy buốt giá nhưng mọi người vẫn ai vào việc nấy, gấp rút triển khai công việc chuẩn bị cho ngày hội. Tranh thủ trò chuyện với Thào A Khua - Trưởng ban Công tác Mặt trận Dào Xa, anh bảo: “Được chọn làm điểm tổ chức Ngày hội đại đoàn kết, bản mình phấn khởi lắm! Ai cũng ủng hộ hết. Tối qua, các anh ở ngành văn hóa huyện, các cô giáo, các em học sinh và cả đồng bào mình nữa biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ rất hay, bà con thích lắm! Mà không chỉ có bản mình đâu, các bản khác ở Tà Ghênh, Lao Chải... cũng đến xem đông lắm, vui lắm!”.

Còn Giàng A Tồng ở bản Cồ Dì Sang cho biết, mình cũng tham gia một tiết mục múa khèn Mông trong đêm giao lưu văn nghệ mừng Ngày hội đại đoàn kết của bản Dào Xa và cả xã Lao Chải của anh. A Tồng bảo: “Mình cũng thích được tổ chức Ngày hội đại đoàn kết ở bản Cồ Dì Sang của mình”. Điều mong ước đó của A Tồng chính là tinh thần chung, chủ trương chung của tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh về một ngày hội đại đoàn kết sẽ được tổ chức ở tất cả các khu dân cư để mọi người, mọi nhà cùng biết, cùng vui và để thắt chặt thêm sợi dây đoàn kết, nghĩa tình.

Nằm giữa trung tâm xã Lao Chải, bản Dào Xa có 145 hộ với 781 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Mông. Các đồng chí lãnh đạo xã bảo, đồng bào ở đây luôn tin tưởng và chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tích cực các cuộc vận động ở địa phương, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; thực hiện tốt quy ước, hương ước của bản, giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ở khu dân cư; 100% hộ dân đã thực hiện ăn chung một tết Nguyên đán với cả dân tộc. Đồng bào nơi đây đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. Bản hiện có hàng trăm con trâu, con bò; đàn dê, đàn lợn và gia cầm tương đối phát triển. Phụ nữ đã biết thêu trang phục truyền thống (váy áo phụ nữ Mông) bán ra thị trường như chị Giàng Thị Trú - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Dào Xa cho biết.

Quang cảnh Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở Dào Xa.

Ngày hội đại đoàn kết ở Dào Xa đã được tổ chức thật chu đáo! Phần lễ, đồng bào đã cùng được ôn lại truyền thống 84 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, sơ kết 1 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”...

Các gia đình văn hóa tiêu biểu, những người có ảnh hưởng tích cực, có vai trò tập hợp và gắn kết bà con trong cộng đồng được biểu dương, khen thưởng. 10 hộ nghèo của bản được nhận quà của tỉnh cũng là sự quan tâm, động viên tinh thần để bà con cùng khắc phục, vượt khó vươn lên trong cuộc sống và tích cực lao động, sản xuất để thoát nghèo. Đại diện cho bà con phát biểu tại buổi lễ, già làng uy tín Lý A Trừ của Dào Xa nói mộc mạc nhưng thật sâu sắc, ý nghĩa không chỉ với dân bản mà còn mang lại sự yên tâm, tin tưởng cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện.

Ông nói: “Bà con mình phải thực hiện tốt các quy định của Chính phủ, của Nhà nước, chấp hành pháp luật. Đấy cũng là để tốt cho bản thân mình, gia đình mình. Người chết không để 3 ngày, không thách cưới cao, không hút thuốc phiện. Bà con không được di cư bỏ quê quán mà đi. Đàn bà, con gái không nghe lời kẻ xấu sang Trung Quốc...”. Với uy tín của một già làng, những lời mộc mạc ấy chính là cách tuyên truyền hiệu quả nhất với đồng bào Mông nơi đây.

Kết thúc phần lễ, mọi người cùng hòa mình vào không khí của phần hội và tham gia các trò chơi dân gian. Lý A Chua - một trong những đứa trẻ chơi đánh quay mà tôi làm quen từ trước đó bảo: “Cứ có lễ hội là lại được chơi đánh quay, thích lắm! Đây là trò chơi truyền thống yêu thích của người Mông mà”. Đang mải ngắm nhìn các cô gái Mông trong trang phục truyền thống thật đẹp, thật độc đáo, tôi chợt thấy mọi người cùng đổ ra vây kín một thửa ruộng đã khô nước. Thì ra, ở đó, các chàng trai, cô gái Mông bắt đầu trò chơi ném pao. Con trai, con gái chia hai hàng, đứng thành từng cặp đôi. Mỗi cặp chung một quả pao rồi tung qua, tung lại, mang theo tiếng cười và ánh mắt tình tứ.

Ở một bãi đất rộng khác, chốc chốc lại rộ lên tiếng hò reo cổ vũ. Đó là các thanh niên trổ tài đi cầu giữ thăng bằng. Cầu là một cây tre, một đầu được buộc lơ lửng trên cao, một đầu kê một cục gỗ tròn lắc lư đầy thách đố. Phần thưởng động viên tinh thần khi chinh phục cây cầu ấy chỉ là một vài chiếc bánh, chiếc kẹo cho người thắng cuộc nhưng đã tạo được không khí vui vẻ, cuốn hút.

Trò chơi đòi hỏi người chơi phải giữ thăng bằng tốt đã thu hút những chàng trai mạnh mẽ, thích chinh phục. Mỗi khi có người chơi bị rơi xuống cầu hay qua cầu thành công thì tiếng hò reo, cổ vũ lại rộ lên vang vọng. Các chị em và lũ trẻ lại thích thú nhất với trò bịt mắt chinh phục mục tiêu. Người chơi phải bịt mắt và khéo léo ước bước chân mình đến và đập tay trúng vào những túi nước được treo thành hàng ngang cách đó chừng dăm mét. Khi người chơi bị bịt mắt, bước chân dò dẫm, ngơ ngác rồi đấm hụt mục tiêu, tất cả cùng nhau reo hò... Cứ thế, tất cả hòa thành một không gian rộn rã, tưng bừng như đánh thức, như giục gọi bản làng vùng cao vốn tĩnh lặng nơi này.

Chia tay với những trò chơi sôi động, hấp dẫn, mọi người lại ai vào việc nấy: cùng kê bàn ghế, cùng bày mâm sắp bát để cùng ngồi lại với nhau ăn bữa cơm đại đoàn kết. Cả mấy chục nắm xôi được chị em chuẩn bị sẵn đựng trong lù cở. Thức ăn đã được những người đàn ông trong bản chế biến... Tất cả cứ nhịp nhàng, tươm tất. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ cái cảm giác ngon miệng đến lạ kỳ! Có lẽ không chỉ bởi gia vị riêng có của thực phẩm mà quan trọng hơn là không khí của bữa cơm đại đoàn kết ấy. Những câu chuyện rôm rả bên mâm cơm, những cái bắt tay, những câu chào hỏi sau phút lạ thành quen... Thật đáng nhớ!

Những chủ trương của ủy ban mặt trận Tổ quốc các cấp, của các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh chắc chắn sẽ trở thành nếp quen với mỗi khu dân cư, mỗi bản làng và với mỗi người dân từ những hoạt động được tổ chức như thế ở Dào Xa và nhiều địa phương khác nữa. Hội tan, bà con lại trở về cuộc sống và công việc thường ngày nhưng họ đều mang theo một tinh thần phấn chấn, hăng say hơn trong trong lao động, sản xuất với quyết tâm đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu. Để rồi họ cùng hẹn gặp lại, cùng chung vui trong dịp tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc.

Ngọc Tú

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục