Khởi sắc nông thôn từ nông dân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/2/2015 | 2:49:54 PM

YBĐT - Khác với suy nghĩ của nhiều người khi hình dung về những vùng nông thôn miền núi Yên Bái, giờ đây, đến bất kỳ địa phương nào trên địa bàn tỉnh, chúng ta cũng có thể được nghe những câu chuyện làm giàu của những người nông dân thực thụ - những nông dân kiếm tiền bạc tỷ chỉ sau vài vụ thu hoạch…

Vườn cây ăn quả hàng năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng của gia đình anh Đặng Xuân Nghĩa ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ.
Vườn cây ăn quả hàng năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng của gia đình anh Đặng Xuân Nghĩa ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ.

Bằng đôi bàn tay, khối óc của mình, họ đã góp phần tạo nên diện mạo nông thôn miền núi Yên Bái thực sự khởi sắc.

Những vùng quê trù phú…

Trong tiết trời đầu xuân ấm áp, chạy xe dọc theo tỉnh lộ Yên Bái - Khe Sang, chúng tôi về thăm vùng đất quế Văn Yên. Đứng bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, ngắm nhìn những rừng quế bạt ngàn xanh ngắt một màu bao bọc lấy các dãy núi đồi, nghe lão nông Nguyễn Ngọc Thắm ở thôn làng Chẹo, xã An Thịnh (huyện Văn Yên) - "tỷ phú" nhờ trồng quế kể, chúng tôi mới hay cây quế ở Văn Yên đã gắn bó lâu đời nhưng trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao và diện tích trồng rộng nhất, nhì cả nước như hiện nay (15.000ha) thì mới chỉ hơn chục năm trở lại đây. Cây quế được nông dân Văn Yên trồng ở khắp mọi nơi, trong rừng, trên đồi, quanh nhà, trồng gối nhau liên tiếp nên rừng quế quanh năm cho thu hoạch. Quế hiện đã trở thành cây trồng mũi nhọn của huyện Văn Yên và là cây xóa đói, giảm nghèo, làm giàu của không ít gia đình, doanh nghiệp.

Với việc tận thu vỏ, thân, lá, cành, nhiều gia đình nông dân của huyện Văn Yên đã thu về vài trăm triệu đồng mỗi năm. Vùng nguyên liệu quế phát triển, gắn với đó là các cơ sở sản xuất, chế biến tinh dầu quế ra đời góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Sản phẩm quế Văn Yên trở thành thương hiệu có uy tín ở thị trường trong nước và quốc tế.

Chia tay những đồi quế xanh màu no ấm, đến với vùng cao Văn Chấn, trong sắc nắng vàng hòa vào màu xanh của chồi non lộc biếc, dẫn chúng tôi đi thăm những vườn cam vừa được mùa thắng lợi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Văn Chấn Nguyễn Ngọc Chiến không khỏi tự hào: "Văn Chấn xưa kia chỉ là vùng đồi núi trập trùng, hoang sơ nhưng nay đã trở thành "thủ phủ" của trái ngọt, chè thơm. Với diện tích cam, chè, xoài, nhãn rộng hàng ngàn héc - ta, trung bình mỗi năm, chỉ riêng từ tiền bán các loại sản vật nói trên, bà con nông dân cũng thu về vài trăm tỷ đồng".

Hiện, cùng với chú trọng phát triển các loại cây ăn quả, công nghiệp, nông dân huyện Văn Chấn bước đầu đã đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, các loại rau màu theo hướng sản xuất hàng hóa. Do đó, đời sống của người dân đã có sự thay đổi đáng kể. Không ít gia đình sắm được ô tô, xe máy đắt tiền, làm những ngôi nhà sang trọng, tiện nghi.

Nhắc đến Văn Chấn, Văn Yên là thế, song khi nói tới các huyện: Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình hay các huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải thì người dân những địa phương này cũng có quyền tự hào để nói về sự phát triển, đổi thay của quê hương mình. Cùng với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, bà con nông dân huyện Trấn Yên đã mở rộng quy mô sản xuất, hình thành vùng chuyên canh tre măng Bát Độ, dâu tằm, đao riềng; bà con huyện Yên Bình phát triển nghề nuôi cá lồng, trồng bưởi, thanh long cho thu nhập cao; bà con huyện Lục Yên phát triển nghề nuôi gà sống thiến, trồng cam, trồng chè; đồng bào Thái, Mông, Tày ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải trồng thảo quả, sơn tra, ngô đồi, nuôi ong mật giúp cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn.

... Bởi có những nông dân "ham" làm giàu

Với đặc thù là tỉnh miền núi, 70% dân số làm nông - lâm nghiệp thì những đổi thay trong "bức tranh" sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà hôm nay đã càng khẳng định rõ hơn vai trò chủ thể của những người nông dân. Họ là những người đã tạo nên "cái hồn" trong bước tranh đa sắc màu tươi mới đó. Trong 5 năm (từ 2009 - 2014), toàn tỉnh có 272.292 lượt hội viên nông dân đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và đã có 157.106 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Con số này đã phần nào nói lên sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của các gia đình hộ nông dân. Mồ hôi, công sức và niềm tin chiến thắng đói nghèo là động lực đã giúp họ vươn tới những thành công.

Từng là một trong những hộ thuộc diện khó khăn của thị trấn, song đến nay, gia đình anh Đặng Xuân Nghĩa ở tổ 4B (thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ) đã trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi được nhiều người biết đến. Anh Nghĩa tâm sự: "Qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, nhận thấy khí hậu trong vùng khá phù hợp để trồng các loại cây ăn quả, vì thế, tôi đã mạnh dạn cải tạo gần 3ha đất đồi để trồng vải, nhãn, xoài, hồng…

Những vụ đầu cũng gặp thất bại vì chưa có kinh nghiệm trồng và chăm sóc để cây ra nhiều hoa, đậu nhiều quả nhưng sau nhờ học hỏi thêm kiến thức khoa học - kỹ thuật từ những lớp tập huấn do Hội Nông dân thị trấn tổ chức, tôi đã biết trồng và chăm sóc cây đúng kỹ thuật; lai tạo và trồng mới nhiều giống cây cho năng suất, chất lượng cao, vì thế, vườn cây của gia đình năm nào cũng cho mùa bội thu". Trung bình với việc thu hái từ 20 - 25 tấn quả các loại, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Nghĩa thu về khoảng 300 triệu đồng mỗi năm. Khoản thu nhập này đã giúp gia đình anh ổn định cuộc sống và có điều kiện chăm lo cho con cái học hành.

Gửi trọn tình yêu vào đất, cũng như anh Nghĩa, sau khi tốt nghiệp THPT, không như nhiều thanh niên vội ra thành thị để tìm kiếm việc làm, anh Bồ Xuân Tân (34 tuổi) ở thôn 3b, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên đã quyết định ở lại quê hương lập thân, lập nghiệp từ nghề trồng rừng. Anh Tân chia sẻ: "Sinh ra gắn bó với rừng nên tôi quyết định chọn trồng rừng là hướng đi trong phát triển kinh tế gia đình. Làm nghề này tuy vất vả nhưng vui vì rừng không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường".

Thanh long ruột đỏ - một trong những loại cây ăn quả cho thu nhập cao của nông dân trong tỉnh.

Trải qua không ít những khó khăn, nhọc nhằn, đến nay, Tân đã sở hữu trong tay gần 30ha rừng. Trung bình mỗi năm, với việc khai thác bán tỉa từ 150 - 200 khối gỗ keo, mỡ, bạch đàn, gia đình anh thu về từ 100 - 120 triệu đồng; đối với những cây đủ tuổi khai thác thì sau 5 - 7 năm, gia đình anh có thể thu về hàng tỷ đồng.

Cùng với trồng rừng, tận dụng đất quanh nhà, anh Tân còn trồng thêm 200 gốc thanh long, 200 gốc cam và chanh, 100 gốc sấu siêu quả, phát triển chăn nuôi lợn thịt mỗi năm 3 lứa (mỗi lứa 50 con), sau khi trừ chi phí, các khoản nói trên cũng cho thu hàng trăm triệu đồng. Anh Tân hiện đang là thành viên Câu lạc bộ "Trang trại trẻ" của 11 tỉnh miền núi phía Bắc và là một trong những gương thanh niên điển hình ở nông thôn Yên Bái thời kỳ đổi mới.

Tích cực, chủ động, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế là những gì mà những người nông dân "ham" làm giàu như anh Nghĩa, anh Tân và hàng ngàn  nông dân khác trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng tỉnh nhà ngày phồn vinh, phát triển. Xuất phát từ một tỉnh kinh tế không có gì nổi bật, mỗi năm thiếu hàng chục ngàn tấn lương thực nhưng hôm nay bộ mặt nông thôn Yên Bái đã có nhiều khởi sắc khi trên địa bàn tỉnh đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa nông, lâm sản tập trung có quy mô lớn; có gần 500 mô hình trang trại, gia trại do người nông dân làm chủ; 476 mô hình nông dân liên kết sản xuất. Đây thực sự là tín hiệu vui, là yếu tố tạo đà để kinh tế nông nghiệp, nông thôn Yên Bái tiếp tục đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong giai đoạn phát triển tiếp theo, đặc biệt là trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Hồng Oanh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục