Văn Yên nan giải chuyện ngộ độc

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/8/2016 | 8:43:50 AM

YBĐT - Chưa bao giờ vấn đề ngộ độc thực phẩm trên địa bàn huyện Văn Yên lại có những diễn biến phức tạp, khó lường như thời gian gần đây.

Chị Sính và cháu Tú xã Châu Quế Hạ được điều trị tại Khoa Hồi sức, cấp cứu - Nhi, Trung tâm Y tế huyện bị ngộ độc do ăn cóc, nhái.
Chị Sính và cháu Tú xã Châu Quế Hạ được điều trị tại Khoa Hồi sức, cấp cứu - Nhi, Trung tâm Y tế huyện bị ngộ độc do ăn cóc, nhái.

Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 6 trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm thì Văn Yên có tới 3 ca. Số vụ ngộ độc thực phẩm tập trung chủ yếu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số - nơi cuộc sống, tập tục sinh hoạt còn nhiều lạc hậu…

Chúng tôi có mặt tại phòng điều trị số 3 sau cấp cứu thuộc Khoa Hồi sức, cấp cứu - Nhi, Trung tâm Y tế huyện Văn Yên để tìm gặp nạn nhân của vụ ngộ độc xảy ra hôm 9/8. Sau hơn một ngày được các y, bác sỹ tận tình cứu chữa, hai mẹ con chị Lò Thị Sính 52 tuổi và cháu Phạm Văn Tú 7 tuổi ở thôn Phát, xã Châu Quế Hạ  đã qua cơn nguy kịch và dần phục hồi sức khỏe.

Chị Sính vẫn chưa hết bàng hoàng phân trần: “Thấy mọi người bảo ăn thịt cóc, nhái tốt cho sức khỏe của trẻ, mà trước đây gia đình tôi vẫn bắt về ăn có sao đâu. Nhưng lần này thì không ngờ…”.

Cũng qua lời kể của chị Sính và người thân, được biết vào khoảng 22 ngày 8/8, chị Sính, anh Tuân và cháu Tú đi bắt cóc, nhái về làm đồ ăn tối. Đến 23 giờ đêm, cả nhà cùng ăn cơm với món cóc, nhái do anh Tuân chế biến. Sau khi ăn xong, chừng 10 phút, anh Tuân có dấu hiệu mệt lả, nôn và tiêu chảy phân lỏng liên tục. Tiếp sau đó là chị Sính và cháu Tú cũng có triệu chứng tương tự. Gia đình nghĩ ngay đến ngộ độc cóc và được người nhà đưa đến Trạm Y tế xã Châu Quế Hạ. Tuy nhiên, do ngộ độc nặng, anh Tuân đã tử vong trên đường đến Trạm. Hai mẹ con chị Sính được khẩn trương đưa về Trung tâm Y tế huyện Văn Yên cấp cứu. Tại đây, được các y, bác sỹ tiến hành rửa dạ dày và điều trị thải độc tích cực, hai mẹ con chị Sính đã qua cơn nguy kịch.

Bác sỹ Đỗ Thị Huệ - Phó trưởng Khoa An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế huyện cho biết: “Vào khoảng 1 giờ 30 phút ngày 9/8, Bệnh viện tiếp nhận và cấp cứu cho 2 mẹ con chị Sính. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, đau bụng âm ỉ vùng thượng vị, tiêu chảy phân lỏng và nôn liên tục. Qua lời kể của nạn nhân và chuẩn đoán các bác sỹ đã xác định bệnh nhân bị ngộ độc do ăn cóc”. Nhìn cháu Tú gầy guộc đang truyền giải độc, bên cạnh là chị Sính những giọt nước vẫn dàn dụa trên má vì sự ra đi quá đột ngột của người thân khiến cho những người có mặt tại đây đều cảm thấy xót xa, thương cảm.

Đã qua chừng một tháng kể từ cái chết thương tâm của ông Nông Văn Thượng (59 tuổi) ở thôn Khe Chàm, xã Đông Cuông, nhưng người dân ở đây đều vẫn hoang mang, sợ hãi bởi thứ nước lá và rễ cây bao đời nay họ vẫn lên rừng lấy về nấu nước uống. Không chỉ ông Thượng tử vong mà 4 người thân trong gia đình cũng bị ngộ độc nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Trao đổi với người nhà nạn nhân được biết, vào khoảng 15 giờ ngày 7/7/2016, ông Thượng đun một ấm nước rễ cây để uống. Chừng 20 phút sau, ông thấy hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn.

Tiếp đó, con trai ông là anh Nông Văn Giang cùng vợ là Vũ Thị Oanh và bé Nông Duy Khánh gần 5 tuổi và người hàng xóm là anh Nguyễn Thanh Dương cũng có những biểu hiện giống như ông Thượng sau khi uống nước rễ cây. May mà những người hàng xóm phát hiện đã kịp thời đưa các nạn nhân ra Trạm Y tế xã Đông Cuông cấp cứu.

Tuy nhên, do quá nặng, ông Thượng đã tử vong ngay sau đó. Những người còn lại được chuyển về cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Văn Yên. Đây không phải trường hợp đầu tiên trên địa bàn huyện Văn Yên bị ngộ độc do lá và rễ cây rừng. Trước đó 24/1/2016, ở xã Phong Dụ Hạ đã xảy ra vụ ngộ độc rượu ngâm từ rễ cây rừng đã khiến anh Lê Văn Thắng, sinh năm 1963 ở thôn Lắc Mường tử vong và 6 người bị nguy hiểm đến tính mạng. Hay như trường hợp xảy ra ở xã Xuân Tầm cách đây hơn 1 tháng, một gia đình có 3 người cũng bị ngộ độc do ăn nấm hái từ trên rừng, nhưng do được cấp cứu kịp thời nên không có ca tử vong. Rồi vụ ngộ độc 5 người con của ông Nguyễn Minh Đức ở thôn Đầu Nối, xã Yên Hợp do uống rượu ngâm củ cây rừng hồi tháng 3/2016…

“Từ nay thì tôi xin chừa! Trước đây, gia đình cũng thường hay ngâm rượu bằng các loại rễ, củ cây rừng nhưng uống không sao. Không hiểu sao lần này lại thế? Nghĩ lại mà sợ, cả 5 đứa nó nôn ọe, đau bụng, đi ngoài… Chúng có mệnh hệ gì chắc tôi không thể sống nổi!” - ông Đức chia sẻ.

Vẫn theo lời bác sỹ Đỗ Thị Huệ -  Phó trưởng khoa An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế huyện Văn Yên, những trường hợp bị ngộ độc được đưa vào cấp cứu, qua xét nghiệm các mẫu nước và rượu có nguồn gốc từ rễ, củ cây rừng đều phát hiện ra có thành phần của lá ngón. Ngay sau đó, các mẫu bệnh phẩm cũng được Trung tâm Y tế huyện Văn Yên chuyển về Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia làm xét nghiệm. Kết quả, đã phát hiện thấy hợp chất Koumin trong mẫu cây rừng và mẫu nước cây rừng mà các trường hợp ngộ độc nêu trên đã sử dụng. Koumin là một Alkaloid độc có trong thành phần lá ngón - một loài cây cực độc.

Nếu cả năm 2015, trên địa bàn huyện Văn Yên xảy ra 8 ca ngộ độc thực phẩm do uống rượu ngâm cây rừng, ăn nấm, tiết canh lòng lợn, dưa hấu, sắn, quả lê và lòng bò xào đã khiến cho 28 nạn nhân bị ngộ độc, trong đó có 1 trường hợp tử vong, thì từ đầu năm 2016 đến nay đã ghi nhận 4 vụ ngộ độc thực phẩm do cóc, nhái rượu ngâm cây rừng, nấm, nước lá, rễ cây rừng đã làm cho 17 nạn nhân bị ngộ độc, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Đến thời điểm này, Văn Yên được biết đến là địa phương có số ca tử vong do ngộ độc thực phẩm cao nhất trong toàn tỉnh.

Người dân vùng cao hiện nay vẫn có thói quen đào rễ và lá cây rừng về làm nước uống

Bác sỹ Lê Đình Tiến - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Yên cho biết: “Các vụ ngộ độc thực phẩm thời gian qua trên địa bàn huyện chủ yếu xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số do ít tiếp cận thông tin đại chúng, trình độ dân trí còn rất hạn chế. Nhiều người được tuyên truyền kiến thức về các loại độc từ động thực vật, song sự coi thường nên đã để xảy ra những vụ ngộ độc đáng tiếc”.

Đồng chí Lê Minh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: “Nhằm hạn chế tới mức tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn huyện, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị chức năng, các xã, thị trấn tiếp tục phối hợp tốt với các ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn; trong đó chú trọng tuyên truyền trực tiếp tại các hộ gia đình. Trung tâm Y tế huyện làm tốt công tác tham mưu giúp UBND huyện xây dựng kế hoạch, thường xuyên chỉ đạo các hoạt động phòng chống ngộ độc thực phẩm; xử lý nhanh và hiệu quả nhất, hạn chế tối đa các tình trạng nguy hiểm đến tính mạng người dân theo Hướng dẫn số 761, ngày 4/8/2016 của Sở Y tế…”.

Những vụ ngộ độc thực phẩm ở Văn Yên đã gây hậu quả nhãn tiền, khiến cho ngành chức năng đau đầu. Song, do nhận thức, nhất là đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số đã và đang trở thành mối nguy hại khó kiểm soát. Chỉ khi những cái chết thương tâm xảy ra thì người ta mới muộn màng nhận thấy và ân hận gánh chịu những hậu quả đau lòng.

 Ngọc Sơn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục