Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái: Công trình hiện đại được vận hành như thế nào?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/10/2016 | 8:39:54 AM

YBĐT - Đầu tháng 9/2016, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tại địa điểm mới (xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái) đã khánh thành, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám và điều trị bệnh của nhân dân. Tuy nhiên, ít người biết rằng, để vận hành công trình hiện đại, quy mô lớn này tốn rất nhiều tiền...

Công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh có tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.
Công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh có tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.

Công trình hiện đại...

Công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh với quy mô 500 giường mới hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Công trình gồm khối nhà chính với thiết kế 8 tầng nổi và một tầng hầm; tổng diện tích trên 35.000 m2. Trong khu nhà chính có thiết kế riêng biệt cho từng bộ phận. Khối điều trị nội trú gồm: nội tổng hợp, nội tim mạch, lao thần kinh, nhi. Khối kỹ thuật nghiệp vụ, gồm: cấp cứu, gây mê hồi sức, vật lý trị liệu, nội soi, chống nhiễm khuẩn và khối hành chính quản trị.

Cùng với cơ sở vật chất đồ sộ, Bệnh viện được đầu tư rất nhiều trang thiết bị y tế hiện đại như: máy chụp CT 64 dãy, máy chụp cộng hưởng từ, 5 dàn máy phẫu thuật nội soi tiêu hóa, nội soi khớp gối, máy tán sỏi ngoài cơ thể, máy chụp CAM, 30 máy thở… Hệ thống phần mềm quản lý, hệ thống cấp điện, nước cũng được đầu tư theo hướng tự động hóa cao.

Có dịp đến thăm Bệnh viện Đa khoa tỉnh mới, ai ai cũng phải trầm trồ trước sự đồ sộ của công trình; hai thang máy cuốn từ sảnh chính đưa người bệnh lên lầu, 12 thang máy đứng, trong đó có những cái lớn lên hết các tầng, giúp cho việc đi lại, nhất là vận chuyển bệnh nhân rất thuận tiện. Tại các phòng bệnh, hệ thống điều hòa, thông gió làm việc 24/24 giờ, đồ dùng như giường, đệm, cửa kính, tủ để đồ… mới tinh và bóng loáng, khiến bệnh nhân và người thân không còn cảm giác đang sống trong bệnh viện.

Ban đêm, hệ thống đèn điện với hàng nghìn bóng công suất lớn chiếu sáng sân, đường, khu để xe, khuôn viên… rộng thênh thang càng tôn vẻ bề thế, quy mô của công trình nghìn tỷ này.

Để phát huy tối đa công năng của trang thiết bị mới hiện đại, hơn 2 năm qua, Bệnh viện đã liên tục cử 62 cán bộ đi đào tạo dài hạn (nghiên cứu sinh, chuyên khoa I, chuyên khoa II, cao học) và 93 cán bộ học ngắn hạn từ 3 - 6 tháng, 21 cán bộ tham gia đào tạo lớp quản lý bệnh viện… Chính nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng này mà việc chuyển nơi khám và điều trị từ địa điểm cũ, sang địa điểm mới diễn ra đúng kế hoạch, không ảnh hưởng đến công tác khám và chữa bệnh liên tục.

Phát biểu với báo chí, bà Trần Lan Anh - Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Bệnh viện đã đề xuất với UBND tỉnh và Sở Y tế tiếp tục cho phép đơn vị thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh (hiện nay, Bệnh viện là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai)".

Là vệ tinh của một loạt bệnh viện đầu ngành sẽ giúp đội ngũ thầy thuốc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh nâng cao trình độ chuyên môn, thông qua các lớp tập huấn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Bên cạnh đó là Đề án xã hội hóa (mở các phòng khám chất lượng cao do các chuyên gia đầu ngành từ bệnh viện trung ương về khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Đây được xem là chủ trương hết sức đúng đắn nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân; giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt chi phí cho người bệnh (không cần lên tuyến trên vẫn được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao).

... chi phí vận hành lớn

Không nhiều người biết rằng, để vận hành Bệnh viện phải tốn nguồn kinh phí rất lớn và đội ngũ nhân lực đông đảo. Đứng đầu trong các khoản chi để vận hành tòa nhà là tiền điện. Theo tính toán của nhà tư vấn xây dựng, tổng sản lượng điện tiêu thụ của Bệnh viện lên đến hơn 2 triệu KWh mỗi tháng và giá mỗi KWh là 1.400 đồng thì số tiền đã lên tới hơn 3 tỷ đồng và một năm vào khoảng 40 tỷ đồng (gấp gần 20 lần tiền điện tại cơ sở cũ).

Trong tình huống mất điện lưới, hai máy phát công suất lớn (mỗi máy 1.600 KW) tự động vận hành để bảo đảm các thiết bị điện hoạt động liên tục. Mỗi máy phát tiêu thụ 350 lít dầu diezel/giờ. Được biết, ngay trong tuần đầu đi vào hoạt động, khu vực Bệnh viện đã xảy ra cả chục lần mất điện, rất may chưa có đợt nào kéo dài cả ngày vì mỗi giờ chạy máy phát, tiền mua dầu đã lên tới 10 triệu đồng. Sau tiền điện là tiền nước, trong khi tại cơ sở cũ (trên đường Yên Ninh), mỗi tháng chỉ phải chi phí tiền nước là 80 triệu đồng thì con số này ở cơ sở mới vào khoảng 250 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Học - Trưởng phòng Hành chính Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Số tiền khoảng 250 triệu đồng tiền nước mỗi tháng là tính riêng khoản chi trả cho phía đơn vị cấp nước. Ngoài số tiền đó, Bệnh viện phải chi trả một khoản kinh phí rất lớn khác cho việc vận hành hệ thống nước nóng để cung cấp đến tất cả các buồng bệnh. Thiết bị làm nóng nước chạy bằng dầu diezel, công suất 175 lít/giờ, hoạt động 24/24 giờ, riêng lúc khởi động mất 5 giờ mới có đủ nước nóng đi đến tất cả các buồng bệnh”.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh mới gồm 3 tòa nhà, trong đó có 1 tòa nhà chính gồm 1 tầng âm và 8 tầng nổi, nằm trên diện tích 16,2 ha. Quy mô lớn như vậy nên đòi hỏi phải có một lực lượng đông đảo làm công tác bảo đảm an ninh trật tự, làm vệ sinh, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải y tế; chăm sóc vườn hoa, cây cảnh…

 

Nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều khiển hệ thống điều hòa tổng.

Trong tháng đầu đi vào hoạt động, các phần việc này đã được tiến hành nhưng mới ở giai đoạn thử nghiệm để đánh giá trước khi đưa ra mức khoán hợp lý. Tuy nhiên, chi phí mỗi khoản tăng ít nhất 4 lần so với chi phí tại cơ sở cũ. Chỉ tính riêng lực lượng vệ sỹ làm công tác bảo đảm an ninh trật tự đã là 31 người, trong khi tại cơ sở cũ là 7 người. Tổng chi phí cho các mục bảo vệ, vệ sinh công nghiệp, thu gom, chế biến rác… mỗi tháng đã vào khoảng nửa tỷ đồng!

Để người dân được chăm sóc sức khỏe trong một công trình mới, khang trang và hiện đại như Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì Nhà nước đã phải đầu tư cả nghìn tỷ đồng; hàng chục tỷ đồng khác cho việc chi trả lương cho đội ngũ cán bộ, y bác sỹ mỗi năm, chưa kể hàng trăm tỷ đồng cho việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men, vật tư tiêu hao…, riêng kinh phí cho việc vận hành, bảo trì, bảo dưỡng tòa nhà đã lên tới mấy chục tỷ đồng mỗi năm. Để công trình vận hành hiệu quả thì cần một khoản kinh phí rất lớn, số tiền ấy lấy từ ngân sách Nhà nước, từ quỹ bảo hiểm y tế và nguồn thu viện phí.

Trong bối cảnh nguồn ngân sách khó khăn, quỹ bảo hiểm y tế đang có nguy cơ vỡ như hiện nay đòi hỏi Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cần có những giải pháp chi tiêu hợp lý và lấy thu để bù chi. Mỗi ngày có cả nghìn người ra vào Bệnh viện nên việc tổ chức tốt các dịch vụ trông giữ xe, ăn uống, cung cấp các dịch vụ khác và xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh, vận chuyển bệnh nhân… sẽ tạo ra nguồn thu rất lớn; bên cạnh đó, cần có những giải pháp tiết kiệm điện, nước trong quá trình vận hành.

Có mặt tại Bệnh viện mới thấy một lượng quá đông người nhà bệnh nhân tự do ra vào các khoa, phòng bất kỳ giờ giấc nào; lượng người nườm nượp đã khiến 12 thang máy đứng làm việc liên tục, chưa kể người không có nhiệm vụ ra vào ảnh hưởng để công tác giữ gìn trật tự, bảo đảm vệ sinh, sử dụng thêm lượng nước, tốn thêm năng lượng điện… Chuyện nhỏ như công viên xây trên ngọn đồi trong khuôn viên Bệnh viện, công trình to đẹp thật nhưng để điện sáng rực cả đêm, kể cả những ngày mưa bão là không cần thiết và rất lãng phí. Mỗi thiết bị, mỗi công trình có một sự bất hợp lý, một sự lãng phí nhỏ sẽ dẫn đến sự bất hợp lý và lãng phí lớn, đây là vấn đề rất cần được đội ngũ lãnh đạo Bệnh viện lưu tâm vì sự nghiệp chung.

Hàng nghìn tỷ đồng cho một công trình phúc lợi xã hội, mỗi năm chi phí cả trăm tỷ đồng nữa, đưa ra những con số ấy để thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và tỉnh đã dành cho công tác khám, chữa bệnh nói riêng và chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung. Từ đó, người dân cần phải có trách nhiệm hơn với việc bảo vệ sức khỏe bản thân, tích cực tham gia bảo hiểm y tế theo quy định - đây được xem là nguồn tài chính quan trọng nhất cho công tác khám và chữa bệnh.

Lê Phiên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục