Các dự án định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số:

Cần kịp thời điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/10/2016 | 7:17:43 AM

YBĐT - Chỉ vài tháng nữa là tròn 10 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 33/QĐ-TTg về chính sách định canh định cư (ĐCĐC) cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Mốc thời gian được Chính phủ cho phép kéo dài việc thực hiện Quyết định cũng sắp đi qua gần 1 năm nữa, nhưng xem ra việc triển khai chính sách này cũng còn nhiều dang dở.

Còn có gia đình khó khăn, nhà cửa tạm bợ, chưa chăm chỉ làm ăn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của chính quyền cơ sở và cả cộng đồng.
Còn có gia đình khó khăn, nhà cửa tạm bợ, chưa chăm chỉ làm ăn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của chính quyền cơ sở và cả cộng đồng.

Định cư  nhưng chưa an cư

Có lẽ trong số 72 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh thì giờ đây đi đến xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên) lại gian nan nhất tỉnh. Từ xã, thêm hơn 5 cây số mới đến được thôn 5 Khe Mạ - nơi được triển khai dự án ĐCĐC tập trung theo Quyết định 33 của Chính phủ. Ở đây nhà nọ tiếp nhà kia, tín hiệu sung túc đây đó hiển hiện ở một số ngôi nhà ngay đầu đường vào khu định cư tập trung. Chưa có nhà xây, song có nhiều ngôi nhà gỗ vững chãi, mái lợp tấm phibrô ximăng, nền lát gạch men, hoặc láng nền đảm bảo kín trên, bền dưới.

Gia đình anh Đặng Tòn Liều trước đây ở mãi trên khu vực đầu nguồn dòng suối Khe Mạ. Năm 2013, nhà anh được cấp mảnh đất chiều sâu 12 m, rộng theo đường đi 17 m. Với sự trợ giúp của họ hàng và được Nhà nước hỗ trợ 17 triệu đồng, Tòn Liều đã cố gắng dựng được ngôi nhà gỗ 3 gian, 2 chái chắc chắn.

 “Ở đây đi lại thuận tiện, có điện sáng hơn ở chỗ cũ, lại có nước sạch để dùng, mà con nhà mình lại đi học gần hơn” - Tòn Liều phấn khởi cho biết. Là người năng động, chịu khó làm ăn nên đến nơi ở mới, Liều mượn vốn liếng mở hiệu bán tạp hóa. Đồng thời, anh làm đại lý thu mua quế của bà con bán cho tư thương, cuộc sống của gia đình nhờ đó đã nhanh chóng ổn định.

Được biết, Dự án ĐCĐC thôn Khe Mạ, xã Phong Dụ Thượng được triển khai với mục tiêu tạo chỗ ở cho 69 hộ ở rải rác, xa trung tâm thôn. Đến nay, Dự án đã hoàn thành san tạo mặt bằng dân cư, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, xây dựng công trình giao thông…

Nhà Văn hóa cộng đồng thôn Khe Mạ vừa mới hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Theo ông Siều Ngọc Tân - Bí thư Đảng ủy xã Phong Dụ Thượng trao đổi: “Dự án hoàn thành đã chuyển ba nhóm dân cư ở các khu vực xa trung tâm thôn Khe Mạ  như khu vực giáp ranh xã Sùng Đô (Văn Chấn) cách cả ngày đường đi bộ, giáp xã Nậm Có (Mù Cang Chải) và một nhóm từ đầu nguồn Khe Mạ về chung sống”.

112 hộ của Khe Mạ, tất cả đều là đồng bào Dao giờ đã cùng quần tụ, việc quản lý nhân dân của xã thuận lợi, các sinh hoạt chung cũng như những cuộc họp thôn dễ tổ chức; con em đồng bào Dao đến lớp đầy đủ chẳng lo mỗi khi mưa nắng. Tuy nhiên, không phải hộ nào về sinh sống ở điểm định cư tập trung Khe Mạ cũng được như gia đình Đặng Tòn Liều. Có hộ chỉ về dựng cái nhà tạm bợ rồi trở về đất cũ để trồng cấy.

Quả thật, với chừng 200 m2 đất, hộ nào biết tính toán khi dựng nhà, làm bếp thì cũng chỉ dành ra được ít đất trồng rau, làm chuồng nuôi con lợn, con gà. Thế nhưng thực tế vẫn còn có hộ vô tư thong dong. Rẽ vào thăm nhà của anh Đặng Toàn Chày, chỉ lướt qua ai cũng biết ngay đây là một hộ khó. Ngôi nhà gỗ tềnh toàng, mái cọ, cửa giả trống hoác có lẽ được làm nhờ số tiền 17 triệu đồng được hỗ trợ theo chính sách. Thấy nhà luộm thuộm, chẳng có gì đáng giá, mấy anh cán bộ xã chẳng giấu được vẻ thất vọng.

Nghe ra, cái “nếp ngồi chơi xơi nước” của người đàn ông dân tộc Dao này còn gắn chặt với chủ nhân ngôi nhà. Tất nhiên, thiếu đất, thiếu vốn, thiếu cây con giống cũng là một lẽ bởi Dự án đến giờ mới hoàn thành thì việc hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất chắc còn phải chờ lâu nữa! Những hộ chuyển về từ địa bàn xa cả ngày đường như Khe Niểng thì gần như chưa có chỗ “bấu víu”.

Có hộ được vận động về sống tập trung trong thôn dăm bảy năm nay mà ngôi nhà mới kín trên, xung quanh vẫn thông thống gió sương. Hộ ông Triệu Tiến An là một trường hợp như vậy. Chuyển về thôn ở xen ghép với những hộ cũ, 5 nhân khẩu trong ngôi nhà gỗ quây bạt dứa. Đồi quế của gia đình ở mãi gần Sùng Đô đi cả ngày đường, họ đã bán dần để có tiền trang trải và trả lại diện tích cho địa phương phát triển rừng phòng hộ. Mảnh ruộng trồng lúa, trồng ngô cách nhà 4 - 5 cây số, diện tích không nhiều, việc đi lại, trông coi của gia đình cũng nhiều trở ngại. Trong câu chuyện, vợ chồng ông An mong muốn được Nhà nước hỗ trợ con trâu, con lợn giống để nuôi.

Khu định canh, định cư thôn Khe Mạ, xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên) có 69 hộ, 477 khẩu về sống tập trung.

Dù định cư tập trung hay chung sống xen ghép, đồng bào Dao ở Khe Mạ đã có nơi ở ổn định. Nhưng giải quyết về đất sản xuất ra sao, san sẻ những khó khăn về vốn, về cây con giống bằng cách nào, công trình hợp vệ sinh của hộ dân ở khu định cư tập trung cũng là câu chuyện đặt ra đối với môi trường sống... Lời giải cho bài toán phải tiếp tục từ sự thay đổi nhận thức và cố gắng của mỗi người dân, song cũng đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể phải vào cuộc tích cực. Gánh nặng sẽ càng nặng thêm đối với những xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn và phải triển khai Dự án như Phong Dụ Thượng.

Chính sách còn dang dở

Tháng 3 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33/QĐ-TTg Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS giai đoạn 2007 - 2010 với mục tiêu tạo điều kiện cho hộ đồng bào DTTS còn du canh, du cư có nơi ở ổn định, có đủ điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, xóa đói, giảm nghèo; góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương. Tháng 8/ 2009, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1342/QĐ-TTg Phê duyệt Kế hoạch ĐCĐC cho đồng bào DTTS du canh, du cư đến năm 2012.

Thực hiện quyết định của Chính phủ, ở Yên Bái đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện của tỉnh, của các huyện, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực. Cuối năm 2008, tỉnh kiện toàn ban chỉ đạo giao cho Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan thường trực. Các địa phương đã tổ chức tốt việc tuyên truyền, vận động người dân; tiến hành điều tra, khảo sát, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện ĐCĐC cho đồng bào DTTS giai đoạn 2007 - 2010 trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái, từ năm 2009 đến tháng 6/2016, tổng số vốn được phân bổ để thực hiện các dự án ĐCĐC là 83,5 tỷ đồng, trong đó gần 82 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương (56,9 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, trên 25 tỷ đồng vốn sự nghiệp), 1 tỷ 600 triệu đồng từ vốn ngân sách địa phương. Tỉnh Yên Bái đã thực hiện 23 dự án, di chuyển được 434 hộ dân đến điểm định canh định cư, mới đạt 37,64% so với số hộ theo dự án được phê duyệt. Cùng đó, 7 dự án ĐCĐC tập trung triển khai ở các huyện Văn Yên, Lục Yên, Văn Chấn và Mù Cang Chải được phê duyệt với mục tiêu tạo chỗ ở mới cho 362 hộ gồm 2.162 nhân khẩu.

Đến nay, đã thực hiện xây dựng 20 hạng mục công trình, gồm: 7 công trình thủy lợi, 5 công trình đường, 4 công trình cấp nước sinh hoạt, 2 nhà lớp học và nhà ở giáo viên, 2 nhà sinh hoạt cộng đồng, đạt giá trị trên 50,3 tỷ đồng. Trong đó, có 2 dự án cơ bản hoàn thành và thực hiện di chuyển dân đến sinh sống, đó là dự án ở thôn Khe Mạ (Văn Yên) 69 hộ 477 khẩu và dự án ở bản Táng Khờ 1, xã Cát Thịnh (Văn Chấn) có 45 hộ 259 khẩu.

Số còn lại đều dang dở trong xây dựng kết cấu hạ tầng do nguồn vốn đầu tư phát triển không được đáp ứng. Các dự án ĐCĐC xen ghép vào các khu vực đã có dân cư thì cũng gặp không ít khó khăn do thiếu mặt bằng, kết cấu hạ tầng hạn chế, mức hỗ trợ cho đồng bào thực hiện di chuyển thấp, công tác vận động chưa đạt kết quả mong muốn. Vì thế mới có 320 hộ, 1.337 khẩu được di dời đến nơi ở mới, đạt 44,7%; việc giải ngân các khoản hỗ trợ người dân theo chính sách vì thế không thực hiện được.

Theo thông báo, năm 2016 sẽ bổ sung 8 tỷ đồng cho tỉnh Yên Bái từ vốn sự nghiệp. Nhưng khả năng thực hiện giải ngân là không thể, rất cần sự điều chuyển sang vốn đầu tư cho các hạng mục kết cấu hạ tầng.

Cán bộ Phòng Dân tộc và lãnh đạo xã Phong Dụ Thượng thăm hỏi gia đình anh Đặng Tòn Liều về sinh sống ở điểm định canh, định cư tập trung.

Lời kết

Quyết định số 33 và Quyết định số 1342 của Chính phủ về Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện ĐCĐC cho đồng bào DTTS được thực hiện kéo dài từ năm 2007 đến 2012. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg kéo dài việc thực hiện chính sách đến năm 2015, nhưng đến nay kết quả thực hiện không đạt mục tiêu đề ra. Đã đến lúc cần phải có sự rà soát, điều chỉnh và bổ sung kịp thời nguồn vốn cho các dự án, tránh để tình trạng các dự án dang dở, gây lãng phí, trong khi người dân vùng cao, vùng đồng bào DTTS luôn mong mỏi được ổn định để cuộc sống chắc chắn đi lên.

Ông Đỗ Quang Vịnh - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái:

Năm 2007, tỉnh tiến hành rà soát và đề xuất các dự án, mãi đến năm 2010 mới có vốn để thực hiện. Trong quá trình triển khai, giá nguyên liệu, vật tư khi lập kế hoạch không lường hết, nên sau mấy năm giá thực tế đã vượt xa dự kiến trong các dự án quy hoạch. Sau gần chục năm thực hiện cũng cần có sự rà soát để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu ĐCĐC của đồng bào. Đồng thời, cấp trên cần xem xét và linh hoạt thực hiện điều chuyển nguồn vốn để chính sách của Chính phủ thực sự mang lại lợi ích đối với đồng bào vùng cao.

 Quang Tuấn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục