Suối Giàng cần chấm dứt khai thác đá cảnh trái phép

  • Cập nhật: Thứ hai, 31/10/2016 | 7:56:29 AM

YBĐT - Xã Suối Giàng nằm cách trung tâm huyện Văn Chấn khoảng 10 km nổi tiếng với cây chè Shan tuyết cổ thụ và các loại đá vân, đá cảnh. Mặc dù nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá này chưa được Nhà nước cấp phép cho bất kỳ một doanh nghiệp nào khai thác nhưng khoảng 10 năm nay, bất chấp nguy hiểm, người dân các nơi vẫn đổ về đào đá kiếm sống.

Hoạt động khai thác đá cảnh trái phép ở thôn Suối Lóp.
Hoạt động khai thác đá cảnh trái phép ở thôn Suối Lóp.

Dân làm thuê trên đất của mình

Bí thư Chi bộ thôn Suối Lóp - Hảng A Gia đón chúng tôi ở khu vực km7 đường lên xã Suối Giàng. Đường rẽ vào thôn Suối Lóp hơn 5 km, dốc ngược lưng núi nhưng chốc chốc, chúng tôi lại gặp người dân chở bằng xe máy những khối đá ước chừng 1 - 2 tạ, bất kể đường trơn trượt và nguy hiểm, một bên là núi, một bên là vực sâu để chuyển ra điểm tập kết hoặc mang xuống xã Sơn Thịnh bán cho các xưởng chế tác đá cảnh. Khu vực thôn Suối Lóp là một trong hai điểm có mỏ đá lớn nhất của xã Suối Giàng.

Mỏ đá Suối Lóp nằm ngay bên cạnh khu vực sinh sống, canh tác của người dân. Cả thôn có 60 hộ người Mông sinh sống chủ yếu dựa vào hơn 40 ha đất sản xuất. Thế nhưng, từ khi “phong trào” khai thác đá cảnh nổi lên, người dân ở đây đang bán dần đất sản xuất của mình cho những chủ thầu khai thác đá.

Nguồn tiền bán được đa phần dùng để mua sắm phương tiện như xe máy, ti vi. Khi cạn tiền, đất sản xuất không còn, để mưu sinh, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, họ lại lên núi đào đá hoặc làm thuê trên mảnh nương của mình trước đây. Ngay đầu thôn Suối Lóp cũng đang trở thành một công trường khai thác đá nhỏ với đầy đủ các loại phương tiện: máy xúc, máy mài, máy xẻ, máy khoan… đủ cả.

Hiểm nguy rình rập và hệ lụy về môi trường

Đường vào thôn Suối Lóp cũng bị cản trở bởi lòng đường đã trở thành công xưởng của những ông chủ đá. “Nhiều khi phải đợi cả tiếng đồng hồ mới đi qua được để về nhà”- Bí thư Hảng A Gia than thở. Tại mỏ Suối Lóp đang có hàng chục người dân ra sức ghì mũi khoan vào phiến đá. Họ chia thành từng nhóm từ 2 - 3 người, một người cầm mũi khoan, hai người còn lại hỗ trợ...

Chừng 30 phút, mỗi nhóm khoan được một khối đá kích thước khoảng 60 x 40 cm. Khoan xong, có khoảng 10 người đến khiêng lên xe máy chở đi. Thấy chúng tôi đi cùng Bí thư  Chi bộ thôn nên họ không để ý nhiều, chỉ quan sát vài phút rồi lại tập trung vào công việc. Câu chuyện với những phu đá trở nên cởi mở hơn.

Ông Hàng A Dơ là người bán mảnh nương của mình cho các chủ thầu khai thác thật thà: “Làm đá vất lắm, nguy hiểm nữa nhưng không làm lấy gì ăn”. Bí thư Hảng A Gia khẳng định: “Đã có người bị đá đè chết trong khi đào đá, còn bị thương hay gãy tay, gãy chân thì nhiều lắm”.

Được biết, toàn bộ các mảnh nương ở ven đường có đá cảnh đều đã được các chủ khai thác đá mua lại hết cả. Để lại sau đó là những vết thương lở loét đang ngày một ăn sâu vào lòng núi làm lộ ra những tảng đá cỡ lớn nham nhở và kỳ quái, trở thành mối nguy hiểm thường trực với người dân Suối Lóp khi đi lại qua con đường này.

Đặc biệt, trong mùa mưa bão, nước trên núi đổ về mang theo đất, đá sạt lở đe dọa tính mạng người dân, làm ách tắc giao thông và hư hỏng các công trình thủy lợi trong thôn. Tiếng máy xẻ, máy khoan ngày đêm, bụi đá phát tán ra xung quanh cũng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của người dân lấy từ đầu nguồn Suối Lóp đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Cần sự kiên quyết của chính quyền

Việc khai thác đá cảnh ở Suối Giàng đã diễn ra nhiều năm nay, không phải là lén lút nữa mà đang công khai thách thức chính quyền địa phương. Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, các mỏ đá ở Suối Giàng chưa được Nhà nước cấp phép cho bất kỳ một doanh nghiệp nào. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu huyện Văn Chấn kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan và huyện Văn Chấn cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, sau mỗi đợt kiểm tra, mọi hoạt động khai thác lại trở về bình thường như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Để bảo đảm an toàn tính mạng, đời sống sinh hoạt của người dân, thiết nghĩ các cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở cần vào cuộc quyết liệt và đồng bộ hơn để chấm dứt tình trạng khai thác đá cảnh nói trên, trả lại môi trường sinh thái cho khu du lịch Suối Giàng.

Anh Dũng

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục