Có một Trường Sa nơi non cao Nà Hẩu

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/1/2017 | 1:52:31 PM

YBĐT - Có một Trường Sa hiện hữu nơi non cao Nà Hẩu - xã vùng sâu chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, sinh sống thuộc huyện Văn Yên. Đó là công trình của tuổi trẻ Báo Yên Bái tặng xã phụ trách đầu năm học 2014- 2015. Đó cũng là ý tưởng đẹp và nhân văn của những người làm Báo Yên Bái trong những ngày biển Đông “dậy sóng”. 

Buổi học ngoại khóa của cô và trò Trường Tiểu học và THCS Nà Hẩu bên cột cờ chủ quyền Trường Sa.
Buổi học ngoại khóa của cô và trò Trường Tiểu học và THCS Nà Hẩu bên cột cờ chủ quyền Trường Sa.

Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng xuân sớm trên vùng cao Nà Hẩu. Cô giáo Hoàng Thị Thu Hường đang cùng các học trò quây quần bên cột cờ chủ quyền Trường Sa kể chuyện về biển đảo, về những người lính gan dạ, kiên trung đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc...

Vâng! Có một Trường Sa hiện hữu nơi non cao Nà Hẩu - xã vùng sâu chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, sinh sống thuộc huyện Văn Yên. Tôi đang chăm chú ngắm công trình của tuổi trẻ Báo Yên Bái tặng xã phụ trách thì cô giáo Hường và các em học sinh đang ùa lại:

- Chào nhà báo Ngọc Sơn! Cô Hương hồ hởi, thân thiện bắt tay tôi.

- Chào cô giáo, chào các bạn nhỏ. Thì ra mọi người vẫn chưa quên mình nhỉ!

- Quên sao được anh! Hơn hai năm rồi, nhưng mọi người vẫn nhắc các anh, các chị suốt!

Vâng, hồi ấy, chúng tôi những đoàn viên thanh niên của Chi đoàn Báo Yên Bái đã cùng lăn lộn ở đây, trực tiếp tham gia xây dựng công trình cột cờ chủ quyền Trường Sa này. Chia sẻ của cô giáo Hường khiến chúng tôi đặc biệt xúc động và kỷ niệm của những ngày nắng, mưa cùng anh em công nhân bên công trình tình nguyện để hoàn thành đúng dịp Lễ khai giảng năm học mới 2014 - 2015 lại ùa về trong tôi.

Nói như nhà báo Minh Tuấn - Phó Bí thư Chi đoàn Báo Yên Bái: “Đoàn viên, thanh niên Chi đoàn Báo Yên Bái đã thuộc từng phiến đá, viên sỏi trên đường lên Nà Hẩu cũng không quan trọng bằng việc sẽ có rất nhiều thế hệ học sinh Nà Hẩu thuộc lòng bài học về chủ quyền biển đảo Việt Nam". Để Nà Hẩu có một “Trường Sa trên núi” như hôm nay, chính là ý tưởng đẹp và nhân văn của người làm Báo Yên Bái trong những ngày biển Đông “dậy sóng”.

Cách đây hơn 2 năm, khi đó, chúng tôi đang chuẩn bị cho hành trình thiện nguyện đến với xã vùng cao Nà Hẩu nhân dịp năm học mới, đồng chí Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Yên Bái đã triệu tập Ban Chấp hành Chi đoàn và chỉ đạo: “Làm thiện nguyện, tặng quà cho các em học sinh đồng bào Mông ở Nà Hẩu nhân dịp đầu năm học mới rất ý nghĩa, tôi ủng hộ. Nhưng tôi hy vọng, các đồng chí có hoạt động ý nghĩa hơn và thể hiện rõ tinh thần người làm báo Đảng”.

 Rồi đồng chí gợi ý: “Trong lúc biển đảo đang có những diễn biến phức tạp và triệu triệu người dân Việt Nam cùng hướng về biển đảo thiêng liêng thì việc xây dựng cột cờ chủ quyền Trường Sa tại Trường Tiểu học và THCS Nà Hẩu sẽ rất ý nghĩa. Qua đó sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, hiểu biết hơn về chủ quyền biển đảo của Việt Nam cho học trò vùng cao”. Và ý tưởng về một cột cờ “Trường Sa trên núi” được các đồng chí lãnh đạo huyện Văn Yên và xã Nà Hẩu hết sức hoan nghênh, ủng hộ.

Vậy là, mọi việc được triển khai, từ tìm hiểu về mẫu, kích thước, hình ảnh cột cờ chủ quyền Trường Sa đến bản vẽ thiết kế, liên hệ nhà thầu xây dựng, lập dự trù kinh phí... Kế hoạch của Chi đoàn về xây dựng cột cờ chủ quyền Trường Sa cũng được trình bày tại cuộc họp giao ban tháng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Đảng ủy, Ban Biên tập, lãnh đạo các phòng chuyên môn và đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên toàn cơ quan. Chi đoàn thanh niên là lực lượng chủ lực được Đảng ủy, Ban Biên tập giao trực tiếp tổ chức triển khai công trình.

Đó là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm vô cùng to lớn của tuổi trẻ cơ quan. Ngay sau đó, Ban Chấp hành Chi đoàn đã tổ chức họp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phân đoàn và đoàn viên thanh niên. Sau gần một tháng dầm mưa, dãi nắng, không quản gian nan vất vả của các nhà báo trẻ, mô hình cột cờ chủ quyền biển đảo Trường Sa với thiết kế đúng khuôn mẫu chính trên đảo Trường Sa Lớn đã hiên ngang hiện hữu trên non cao Nà Hẩu trong sự hân hoan, chào đón của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã.

Đúng dịp Lễ khai giảng năm học mới 2014 - 2015, Báo Yên Bái đã cắt băng khánh thành trao tặng cột cờ chủ quyền Trường Sa cho nhân dân xã Nà Hẩu. Nếu như trước đây, người Mông ở Nà Hẩu chưa một lần được đến Trường Sa, chỉ nhìn thấy cột mốc Trường Sa thiêng liêng ấy trên ti vi, trong sách báo thì hôm nay, cột cờ chủ quyền biển đảo Trường Sa đã hiên ngang, kiêu hãnh căng cờ Tổ quốc ngay trên sân trường của các em học sinh.

Cũng kể từ đó, học sinh vùng cao Nà Hẩu được chào cờ ngay bên cột cờ chủ quyền Trường Sa ghi dấu ấn đậm nét "Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam". “Đây thực sự là biểu tượng lịch sử vô giá để chúng tôi giáo dục truyền thống, ý chí cách mạng của cha anh đi trước, giáo dục lý tưởng cách mạng cho các em học sinh vùng cao. Từ đó, giúp các em hiểu hơn về lãnh thổ Việt Nam ngoài “rừng vàng” còn có vùng biển rộng lớn cần các em học tập tốt để góp phần bảo vệ, dựng xây Tổ quốc.

Đặc biệt hơn, từ khi cột cờ chủ quyền Trường Sa được xây dựng ở đây, các bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đến Nà Hẩu tham quan nhiều hơn. Đây chính là cơ hội để thầy, trò nhà trường nói riêng, nhân dân trong xã nói chung có cơ hội giao lưu, mở rộng hiểu biết về văn hóa của các vùng miền” - thầy Lê Mã Lượng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Nà Hẩu chia sẻ.

Còn em Sùng Thị Sông, học sinh lớp 9, Trường Tiểu học và THCS xã Nà Hẩu thì hào hứng cho biết: “Tuy chưa từng được đặt chân đến với Trường Sa, nhưng cột cờ này đã giúp chúng em thấy gần gũi, thêm yêu Tổ quốc mình”. “Mỗi lần đi tập huấn dưới tỉnh, huyện hay đi công tác ở các tỉnh, thành khác, thấy mọi người hỏi: Nà Hẩu có cột cờ chủ quyền Trường Sa phải không? Nhất định phải đến tham quan một lần cho biết, khiến tôi thấy rất vui và tự hào! Cảm ơn Báo Yên Bái đã cho chúng tôi cơ hội gần với Trường Sa” - cô giáo Hoàng Thị Thu Hường bộc bạch.

Cột cờ chủ quyền Trường Sa được xây dựng tại Nà Hẩu đã khiến cho đoạn đường từ khu rừng già đến trung tâm UBND xã Nà Hẩu dài hơn 3 km trước đây chúng tôi phải mất gần 1 tiếng đồng hồ mới đến nay bỗng gần hơn bởi đã được bê tông hóa. Đặc biệt, từ khi có cột cờ chủ quyền Trường Sa, các thầy cô giáo nhà trường đã chủ động quy hoạch, láng nền xi măng, trồng cây và tạo cảnh quan, khuôn viên xanh, sạch, đẹp hơn rất nhiều.

Ngoài ra, từ nguồn Quỹ xây dựng trường học vùng cao do Đại đức, Thích Quảng Tú - Phó Ban Hoằng Pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, Chủ tịch Quỹ xây trường vùng cao đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện đã giúp xây dựng thêm 10 lớp học và thư viện mới cho Trường Tiểu học và THCS xã Nà Hẩu.

Nhờ đó, toàn bộ khuôn viên nhà hiệu bộ và khu vực cột cờ Trường Sa hiện nay dần trở thành điểm đến và dừng chân lý tưởng của du khách khi tới tham quan rừng nguyên sinh và  cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp ở Nà Hẩu.

Chia tay Nà Hẩu khi trăng thượng tuần đang lấp ló sau cột cờ chủ quyền Trường Sa, màn sương mỏng rắc nhẹ trên những cánh rừng quế thơm ngát, lòng tôi như vỡ òa cảm xúc.

Giữa núi rừng trùng điệp của vùng cao, bất chợt chúng tôi nghe vang lên lời bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sỹ Thế Song với những ca từ lay động lòng người: Vâng! “Không xa đâu Trường Sa ơi” Trường Sa không xa, Trường Sa đang gần lắm ở nơi non cao này! 

Ngọc Sơn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục