Giải pháp nào cho tình trạng tảo hôn?

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/4/2017 | 6:43:44 AM

YBĐT - Tảo hôn là vấn đề không mới, song chưa bao giờ hết “nóng”, nhất là vừa qua, lần đầu tiên có một bản báo cáo khá đầy đủ về thực trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái của Ban Dân tộc tỉnh, đã đưa ra những con số khá bất ngờ.

Cán bộ Trạm Y tế xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên hướng dẫn khám, chữa bệnh cho các “bà mẹ nhí”.
Cán bộ Trạm Y tế xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên hướng dẫn khám, chữa bệnh cho các “bà mẹ nhí”.

Theo thống kê năm 2015 - 2016, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, 4 dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao nhất gồm: Mông, Dao, Kinh, Tày; 8/9 huyện thị, thành phố đều có trường hợp tảo hôn, tỷ lệ tảo hôn không giảm, số cặp tảo hôn là người dân tộc Mông, Dao gia tăng, tỷ lệ người dân tộc Kinh tảo hôn cao. Tảo hôn không chỉ có ở vùng cao, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống mà ngay cả vùng thấp cũng xảy ra khá nhiều...

Trước thực trạng khá phức tạp này, đâu sẽ là giải pháp để giảm thiểu tình trạng tảo hôn ở Yên Bái?

Nguyên nhân sâu xa

Lâu nay, tình trạng tảo hôn được coi là vấn đề “nóng” ở những vùng trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao với những hủ tục kéo dài. Tuy vậy, hiện nay, đời sống của nhân dân đã được nâng lên, kinh tế phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm nhưng tình trạng tảo hôn lại vẫn còn khá cao và diễn ra không riêng chỉ vùng cao, không riêng của đồng bào dân tộc thiểu số.

Để tìm câu trả lời cho nghịch lý này, chúng tôi đã tìm về gia đình chị Đặng Thị N ở thôn Cò Cọi 2, xã Sơn A, huyện Văn Chấn - đây là 1 trong 2 gia đìnhcó con tảo hôn trong năm 2016 tại xã.

Dù đã qua cú sốc gần 2 năm nay, nhưng cho đến giờ vợ chồng chị Đặng Thị N vẫn còn xót xa mỗi lần ôm đứa cháu nội 15 tháng tuổi vào lòng: “Lúc sinh thằng bé, mẹ nó mới 17 tuổi, còn bố nó 18 tuổi. Bố nó vốn là đứa ngoan, học khá tại Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ. Bỗng năm học lớp 11 học sút, rồi đúp lại 1 năm và mải lo làm ăn nên vợ chồng tôi cũng không tìm hiểu nguyên nhân. Rồi đến giữa năm học lớp 11, nó đòi cưới vợ. Gia đình biết chưa đủ tuổi và cũng muốn cho chúng nó học xong, nên cấm. Nhưng chúng nó bỏ đi, gọi mãi, nịnh mãi mới về. Về thì con bé đã có bầu to rồi, thương con, thương cháu phải chấp nhận thôi. Mãi sau này, vợ chồng tôi mới biết, thằng bé cố tình đúp lớp để học cùng con bé”.

Vậy là, em Đặng Văn Đ sinh năm 1997 và em Đinh Thị T sinh năm 1999 đã kết thúc những tháng ngày đẹp nhất của tuổi thanh xuân, cuộc đời học sinh để làm cha, làm mẹ ở cái tuổi chưa đủ lớn. Đ đi làm mộc, nhưng do còn quá trẻ nên việc chăm con và lo kinh tế gia đình vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ.

Hậu quả về thể chất đứa trẻ hiện chưa có biểu hiện rõ ràng, song cả gia đình và cán bộ y tế thôn, bản đều nhận định cả chiều cao và cân nặng của em bé đều ít hơn so với tháng tuổi. Dù đã làm giấy khai sinh nhưng phần thông tin cha đứa bé hiện tại còn đang để trống và cặp vợ chồng trẻ con Đ - T cho đến nay vẫn chưa được pháp luật công nhận.

Ông Mã Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn A khẳng định: “Các trường hợp tảo hôn trên địa bàn xã không phải do tập quán văn hóa của người bản địa mà do tư tưởng của chính các cháu bị ảnh hưởng theo trào lưu học đòi yêu đương”.

Có thể thấy, tảo hôn không chỉ bắt nguồn từ phong tục tập quán như chúng ta thường quan niệm mà nguyên nhân sâu xa là do trình độ dân trí hay nói cách khác, tảo hôn chủ yếu là do điều kiện thiếu giáo dục.

Nỗ lực truyền thông

Từ năm 2010 đến năm 2015, mô hình “Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống góp phần nâng cao chất lượng dân số” do Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh chủ trì được triển khai tại 15 xã thuộc 4 huyện: Văn Yên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn với các hoạt động thiết thực như: sinh hoạt câu lạc bộ, tuyên truyền, tư vấn, vận động tại cộng đồng, tổ chức lớp tập huấn, cấp phát tài liệu…

Năm 2016, thực hiện Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 30/8/2016 của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020", Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai mô hình thí điểm giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Lâm Giang, huyện Văn Yên với các hoạt động tập huấn và cung cấp thông tin cho người dân tại thôn, xây dựng pa-nô, băng rôn tuyên truyền xây dựng các chương trình truyền thông phát thanh...

Đồng thời, phát tài liệu, sổ tay, tờ rơi song ngữ ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, với tình trạng tảo hôn xưa nay không tác động được bằng mệnh lệnh hành chính nên các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép trong các cuộc họp thôn, bản nhưng thông tin mới chỉ tới người lớn tổ chức cưới tảo hôn còn những nhân vật chính - những cô bé, cậu bé có nguy cơ trở thành những cặp vợ chồng trẻ con dường như thông tin chưa tới được. Vẫn biết giải pháp tối ưu nhất đến nay vẫn là truyền thông song hiện nay lại chưa thực sự hiệu quả.

Cùng với đó, lại thêm nhiều khó khăn như ông Mã Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn A nhận định: “Hiện nay, chưa có sự thống nhất trong quản lý, chỉ đạo, tổ chức nên dẫn tới không hiệu quả trong công tác tham mưu giúp cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về vấn đề này”.

Do vậy, kết quả công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian qua chưa được khả quan. Dù số cặp tảo hôn năm 2016 có giảm so với 2015, song tỷ lệ tảo hôn năm 2016 (5,6%) tăng so với năm 2015 (5,1%) và đặc biệt gia tăng ở một số vùng thấp và một số dân tộc như dân tộc Mông, Dao. Số liệu theo dõi thống kê giữa hai cơ quan dân số và Ban Dân tộc cũng chênh lệch.. 

Trẻ em gái cần được đến trường, phát huy tiếng nói và nâng cao quyền năng. (Trong ảnh: Các em học sinh người dân tộc Dao tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Búng, Văn Chấn).

Đề xuất giải pháp

Đến thời điểm này, chưa có giải pháp nào ngăn ngừa tảo hôn khả thi hơn truyền thông. Tuy vậy, cần xác định rõ hình thức, nội dung, đối tượng truyền thông.

Bà Nông Thị Kim Cúc - Phó ban Dân tộc tỉnh cho biết: "Công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh cần được sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của tất cả các cấp chính quyền, đoàn thể của tỉnh, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo và hành động. Coi trọng công tác tuyên truyền, nội dung cần phong phú, trực quan hơn. Tập trung tuyên truyền hậu quả của việc tảo hôn thông qua tờ rơi, tổ chức các buổi nói chuyện, trình chiếu những hình ảnh về hậu quả, hệ lụy của việc tảo hôn đối với thế hệ con cái, giảm tuổi thọ, suy giảm nòi giống, giảm cơ hội cuộc sống...".

"Nội dung tuyên truyền từng vùng khác nhau sao cho phù hợp với trình độ dân trí, nguyên nhân tảo hôn của từng vùng. Nhà trường, gia đình, đoàn thể cần quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa. Đặc biệt, cần định rõ đầu mối trong điều hành các hoạt động thực hiện giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh” - bà Cúc cho biết thêm.

Mặt khác, trẻ em gái - “mắt xích” quan trọng để tác động có thể làm thay đổi, phá vỡ vòng luẩn quẩn tảo hôn - đói nghèo cần được đến trường và phát huy được tiếng nói. Cần kết hợp nhiều biện pháp khác nhau chú trọng đến tiếng nói của trẻ em, nâng cao quyền năng của trẻ em gái đặc biệt ở vùng sâu, vùng cao, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Nên tập hợp các trẻ em gái đã tảo hôn để tham gia vào truyền thông, đây chính là những bằng chứng thuyết phục nhất về việc lấy chồng và sinh con quá sớm để lại hậu quả như thế nào, thiệt thòi ra sao, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng đặc biệt là những bé gái khác. Ngoài ra, đẩy mạnh giáo dục giới tính trong trường học; phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên trong tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp cho các em học sinh...

Không phải ai cũng đánh giá tảo hôn là vấn đề quan trọng và cấp thiết, do thông thường mọi người cho rằng không ảnh hưởng tới số đông. Tuy vậy, mục tiêu phát triển bền vững bảo đảm rằng, không ai bị bỏ lại đằng sau, cho dù là một cộng đồng nhỏ vì nếu như vậy vùng đó sẽ bị tụt hậu.

Và khi khoảng cách giữa các vùng miền trong phát triển quá lớn sẽ dẫn đến mất sự cân bằng và không có cơ hội để phát triển bền vững. Tỉnh Yên Bái muốn phát triển hơn nữa cần thúc đẩy sự phát triển bền vững, phát huy tiềm năng của các địa phương, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, từ đó sẽ giảm thiểu tình trạng tảo hôn.

Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh, năm 2015, toàn tỉnh có 377 trường hợp tảo hôn, trong đó có 121 trường hợp dân tộc Mông; 114 dân tộc Dao; 78 trường hợp dân tộc Kinh. Nhiều nhất là huyện Văn Chấn với 113 trường hợp; Văn Yên 100 trường hợp; Mù Cang Chải, Trạm Tấu cùng có 48 trường hợp. Năm 2016, toàn tỉnh có 340 trường hợp tảo hôn. Trong đó, có 163 dân tộc Mông; 115 dân tộc Dao; 34 dân tộc Kinh. Nhiều nhất là huyện Mù Cang Chải với 83 trường hợp; Văn Yên 76; Trạm Tấu 48.

Thanh Ba

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục