Kỷ niệm 63 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2017)

Ấn tượng Mường Phăng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/5/2017 | 1:40:43 PM

YBĐT - Cách thành phố Điện Biên khoảng bốn chục cây số là Mường Phăng - Sở Chỉ huy của quân ta - nơi Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên đã nghiên cứu và đưa ra những chỉ thị đặc biệt quan trọng để đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên phủ của quân Pháp. 

Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cánh rừng Mường Phăng.
Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cánh rừng Mường Phăng.

Trong tiết trời mùa xuân, chúng tôi vượt đèo Lũng Lô rồi đi qua biết bao địa danh lịch sử để hướng về chiến trường Điện Biên năm xưa. Bên bát ngát những cánh rừng Tây Bắc, hoa ban cùng muôn loài hoa đua nhau khoe sắc, khiến chúng tôi cứ đắm vào hương đất hương trời mà mường tượng như đang hòa vào không khí đón mừng những đoàn quân chiến thắng trở về vang khúc khải hoàn:

Giải phóng Điện Biên
Bộ đội ta tiến quân trở về
Giữa mùa này hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui...

Và rồi, đi qua những địa danh khốc liệt một thời như đèo Bắc Yên, bến Tạ Khoa, ngã ba Cò Nòi, Hát Lót, Pha Đin... lại càng thêm cảm phục cha ông mình đã ra trận với đôi vai sắt, chân đồng. Lên đến thành phố Điện Biên, chắc chắn ai cũng có chung một mong muốn là phải đi ngay đến tận nơi, nhìn tận mắt những gì trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên phủ mà quân Pháp từng huênh hoang đó là pháo đài “bất khả chiến bại” với những cái tên: ddồi A1, đồi Độc Lập, đồi C1, sân bay Mường Thanh, hầm Đờ-cát, Bản Kéo, Him Lam... gắn với chiến công “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân ta.

Bên cạnh những địa danh ấy thì bất kỳ ai khi đến Điện Biên lại cũng đều không muốn đánh mất đi cơ hội để được đến với một địa danh cách thành phố Điện Biên khoảng bốn chục cây số, đó là Mường Phăng - Sở Chỉ huy của quân ta - nơi Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên đã nghiên cứu và đưa ra những chỉ thị đặc biệt quan trọng để đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên phủ của quân Pháp.

Đường vào Mường Phăng vẫn còn giữ được nét hoang sơ; vẫn thưa thưa những mái nhà sàn; vẫn xinh tươi những cô gái Thái áo cóm khăn piêu và những cánh rừng già tít tắp. Thung lũng Mường Phăng không lớn lắm, nhưng đó là địa bàn của cả xã Mường Phăng thuộc huyện Điện Biên đang từng ngày ngời lên nhịp sống mới.

Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch nằm ngay chân núi Pú Đồn - một cánh rừng nguyên sinh. Nơi đây cũng là đầu nguồn con suối Nặm Pá Hốc trong veo, tưới mát cho cả thung lũng Mường Phăng màu mỡ.

Trong những đoàn người nườm nượp đến Mường Phăng hôm nay, tôi nghe thấy đủ giọng nói từ khắp mọi miền Tổ quốc. Trong đó, có cả những đoàn cựu chiến binh mái tóc bạc phơ, ngực lấp lánh huân huy chương nhưng tinh thần của họ vẫn ngời lên nét trẻ trung, khí thế của người lính đôi mươi thuở nào hành quân ra chiến trận Điện Biên.

Hướng dẫn viên du lịch ở Mường Phăng đều là những cô gái Thái duyên dáng trong áo cóm, khăn piêu. Cà Thị Minh - cô gái có dáng người dong dỏng luôn tận tình hướng dẫn cho du khách. Cô cắt nghĩa cái tên Mường Phăng theo tiếng Thái nghĩa là “mường lạnh”, vì ở đây quanh năm mát lạnh, sương mù bao phủ. Mường Phăng được chọn làm nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch, cũng bởi sương mù và rừng cây để máy bay địch khó có thể phát hiện được căn cứ của ta.

Nhưng quan trọng hơn là từ đây theo đường chim bay đến cánh đồng Mường Thanh chỉ khoảng 10 cây số. Đứng ở trên núi Pú Đồn cao hơn 1.700 mét, mây lại thoáng đãng sẽ nhìn thấy toàn bộ cánh đồng Mường Thanh, sự di chuyển của quân Pháp giữa các cứ điểm và sân bay Mường Thanh...

Cà Thị Minh cũng giới thiệu tỷ mỷ từng di tích như hầm xuyên sơn có hội trường của Sở Chỉ huy Chiến dịch và nối với các khu vực làm việc của cơ quan đầu não: lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; hầm của Thiếu tướng Tham mưu trưởng Chiến dịch - Hoàng Văn Thái; lán của bộ phận thông tin, quân y, hậu cần, khu bếp Hoàng Cầm...

Bên cạnh các cô hướng dẫn viên, mỗi em nhỏ người Thái tầm 8 đến 10 tuổi hàng ngày vui chơi trong cánh rừng Mường Phăng cũng là những hướng dẫn viên thật cừ khôi. Các em được du khách quý mến mệnh danh là “những đứa trẻ lễ phép nhất Việt Nam”.

Bởi lẽ, gặp bất kỳ đoàn khách nào, các em cũng lễ phép khoanh tay đứng chào rồi đi theo và giới thiệu về di tích mà chẳng hề làm phiền du khách.

Tôi thực sự ấn tượng khi một vị khách đang đi trong cánh rừng Mường Phăng, khi nhìn thấy những thân cây cổ thụ đã bị đổ và chị hỏi rằng: “Sao không cắt để lấy gỗ mà để chúng mục đi thì phí quá?”. Cậu bé Lù Văn Lợi nhanh nhảu đáp rằng: "Không chặt đi đâu cô ạ! Vì một cây đổ xuống sẽ nuôi lớn biết bao cây nhỏ khác”.

Tất cả cùng ồ lên niềm cảm kích: "Thì ra, người Mường Phăng luôn trân trọng từng gốc cây, ngọn cỏ ở đây!". Đến với Mường Phăng, chúng tôi còn thấy mình thật sự là người may mắn khi gặp được nhân chứng lịch sử của Mường Phăng năm xưa, ấy là mế Lù Thị Đôi. Mế là nguyên mẫu trong bài hát "Em gái Mường Phăng".

Mế Đôi đã tròn trăm tuổi. Mế không nói được tiếng phổ thông, thế nhưng khi hỏi chuyện về căn cứ Mường Phăng thì mế luôn hào hứng. Mế bảo: thời ấy, Mường Phăng và cả đất Điện Biên này đâu đâu cũng khổ vì giặc Pháp. Bởi vậy, chồng mế đã vào bộ đội Việt Minh đi đánh trận tận bên Yên Bái. Cái năm bác Giáp đưa bộ đội về ở Mường Phăng để chỉ huy đánh Pháp thì dân làng ai cũng mừng vui vô kể. Mế Đôi lúc ấy đã ở tuổi bốn mươi và mới sinh người con thứ 3. Tuy vậy, mế đã hăng hái ngày đêm đi khắp các bản để vận động đồng bào đóng góp lương thực, thực phẩm cho bộ đội.

Cán bộ cơ quan báo Đảng các tỉnh phía Bắc thăm di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thấy mế tận tình như vậy, chính quyền, bộ đội đã giao cho mế làm tổ trưởng tổ vận động. Mế Đôi hồi tưởng: “Ngày đấy mới đẻ xong mà mế đi bộ giỏi thế! Cả ngày đi đường rừng đến các bản, các xã vận động. Tối về, mế lại vận động chị em trong bản ngồi đan rổ rá, thúng mủng, coóng khẩu đựng cơm, đan cót cho bộ đội nằm. Hơn 5 tháng bộ đội ở đây, dân Mường Phăng lúc ấy còn khổ lắm! nhưng mế đã vận động bà con ủng hộ cho bộ đội 5 con trâu, 10 tấn lúa và nhiều gà lợn lắm!”.

Cảm kích trước tinh thần cách mạng của mế Đôi, nên bộ đội ta càng thêm vững vàng tinh thần chiến đấu. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trân trọng nhận bà là em kết nghĩa.

Nghe mế Đôi, cô hướng dẫn viên Cà Thị Minh, bé Lù Văn Lợi nói về Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên ở Mường Phăng, tôi thấy ở trong họ một tinh thần tự hào mãnh liệt. Họ tự hào về Mường Phăng thuở nào nghèo đói nhưng đã góp công lớn cho chiến thắng lừng lẫy năm châu.

Tự hào về Mường Phăng thiên thời, địa lợi, nhân hòa được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bộ đội ta về đây kháng chiến. Và họ càng tự hào hơn khi cuộc chiến đã đi qua hơn sáu mươi năm, vậy mà, ngày ngày dưới bóng rừng Mường Phăng xanh tươi lúc nào cũng nườm nượp du khách về đây thăm căn cứ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên.

Với chúng tôi, khi đến Mường Phăng lại càng thấm thía hơn truyền thống và tinh thần quật cường của dân tộc Việt Nam khi đất nước có chiến tranh thì mỗi con người, cây cỏ đều hóa thành chiến sỹ. Chúng tôi, tự hào vì cha ông chúng ta chỉ có hầm đất, lán nứa lợp tranh nhưng đã bắt một thế lực có đủ đại bác, máy bay, xe tăng, công sự cốt thép bê tông... mà chúng tự coi là pháo đài bất khả chiến bại đã phải cúi đầu khuất phục.

Hơn thế nữa, cánh rừng Mường Phăng vẫn luôn gửi thông điệp cho thế hệ mai sau rằng, từ chính nơi này Đảng, Chính phủ và bộ đội ta dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những quyết định thể hiện tầm cao trí tuệ, nghệ thuật quân sự, tinh thần táo bạo, quyết đoán để đập tan sào huyệt cuối cùng của thực dân Pháp và thực sự chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của chúng không chỉ ở Việt Nam mà còn toàn cõi Đông Dương.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục