Vườn xuân căng nhựa đầu cành

  • Cập nhật: Chủ nhật, 18/2/2018 | 10:50:16 AM

YBĐT - Đại Minh đượm mướt bóng bưởi óng xanh sau bức mành mưa mỏng mảnh, trắng trong, mềm buông tựa sương tựa khói. Đón cơn mưa "vàng” đúng thời điểm thích hợp nhất, nhận tình cảm "vàng” từ người trồng cây...

Hộ ông Nguyễn Văn Đông, thôn Quyết Tiến 11 đã thu về 450 triệu đồng từ 100 cây bưởi đang trong thời kỳ kinh doanh.
Hộ ông Nguyễn Văn Đông, thôn Quyết Tiến 11 đã thu về 450 triệu đồng từ 100 cây bưởi đang trong thời kỳ kinh doanh.


Đi qua một mùa hái quả, không gian xã Đại Minh, huyện Yên Bình tĩnh mặc và ăm ắp xanh bóng bưởi. Chẳng đếm xuể những trái bưởi chín đã tới muôn nơi theo mọi nẻo đường xuôi ngược để dâng đời vị ngọt ngon, đón về niềm vui sung túc. Cứ tưởng tượng xem sao, chăm bẵm và gửi gắm, thổi căng tròn hy vọng cho trái bưởi như thả trái bóng vàng bay cao, hạnh phúc của người trồng bưởi là dõi theo tầm vươn…

Tháng Mười một năm 2017, lần đầu tiên huyện Yên Bình tổ chức Lễ hội Bưởi Đại Minh và đua thuyền trên hồ Thác Bà. Không thể diễn tả niềm hưng phấn ngời nụ cười, tươi ánh mắt, biểu cảm giọng nói… mà chỉ có thể cảm nhận trọn vẹn nhất, dễ hiểu nhất khi gặp gỡ ông Tạ Minh Tân ở thôn Quyết Tiến 11. 

Lễ hội ấy, ông tham gia một gian hàng và bán được nhiều bưởi nhất tại Hội chợ quê: 3.000 quả trong vòng ba ngày. Du khách nếm bưởi, thích rồi nên không chỉ mua tại gian hàng mà còn theo tận về nhà ông tham quan vườn bưởi, chọn mua tại gốc mình chọn. Mọi năm thường bán cả vườn cho thương lái từ khi bưởi còn non nhưng riêng năm nay, ông Tân quyết định để lại bán lẻ. Bưởi bán lẻ được cao giá hơn, vì thế hết vụ ông có hòm hòm 600 triệu đồng.

Nhà ông Tân có "2 nhất” là: nhiều nhất xã với 500 gốc bưởi Đại Minh đang cho thu hoạch trong độ tuổi từ 25 năm đến 50 năm; tiền bán bưởi hàng năm cũng cao nhất xã. Trưởng thôn Quyết Tiến 11 Nguyễn Văn Đức thêm chi tiết này: "Năm nay không có ai bán lẻ mà được cao đến giá 30.000 đồng mỗi quả bưởi như nhà ông Tân đâu đấy”. 

Thông tin của Trưởng thôn nhắc nhớ vụ bưởi năm 2017, nắng không quá nổi một tuần sau mỗi đợt mưa nên chất lượng bưởi có sụt giảm, kéo theo sụt giảm về giá bán lẫn thu nhập của người trồng bưởi. Vậy suy ra giá bưởi cao thì phải chất lượng, nghĩa là bưởi nhà ông Tân giữ vững cả "phong độ” lẫn "đẳng cấp” bởi giá bình quân bán lẻ vào quãng 15.000 đồng một quả mà thôi. 

Bí quyết nằm ở đâu? Ngoài yếu tố địa hình vườn cao, dễ thoát nước, vườn bưởi nhà ông không bị ảnh hưởng do mưa nhiều thì quan trọng nhất là kỹ thuật chăm sóc. Nhận về bạc tiền từ cây bưởi, quay lại đầu tư thật kỹ lưỡng cho cây bưởi thì lạ gì đâu là quan điểm của ông Tân. 

Ngôi nhà hai tầng kiểu dáng biệt thự của gia đình ông sẽ hoàn thiện để đón tết Mậu Tuất 2018 có thể bày vừa 10 mâm ăn trong phòng khách. Độ bốn vụ bưởi đủ xây ngôi nhà, ông nhẹ nhàng: "Là phấn đấu cả đời của vợ chồng tôi, cho con cháu có nơi sum vầy”. 

Bưởi đẹp, bưởi ngon, bưởi được giá liên tiếp sáu bảy mùa, niềm vui dài dài, người trồng bưởi Đại Minh khá giả thấy rõ. Không thể đếm quả, chẳng thể tính cân, phải thống kê lượng tiền người dân cầm tay cuối vụ. 

Anh Nguyễn Văn Quân - công chức Địa chính - Nông lâm xã Đại Minh rành rẽ: "Từ năm 2012, cây bưởi bắt đầu cho thu lớn, gần nhất năm 2015 là 30 tỷ đồng, năm 2016 là 42 tỷ đồng, năm 2017 đầu vụ dự ước là 50 tỷ đồng nhưng thực tế chắc cũng chỉ tương đương năm 2016 bởi mưa nhiều, chất lượng giảm, giá xuống thấp”. 

Là thế, chỉ một vụ ông trời ngỏng ngảnh tý thôi đã lại vơi vơi vị ngọt. Người trồng bưởi có buồn nhưng nhìn nhận nỗi buồn ấy theo một chiều hướng tích cực. Họ đã hoạch định tầm nhìn dài xa tới tương lai, tạo thế cân bằng sinh thái để cây bưởi phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả. 

Về Đại Thân 1 là về với thôn có nhiều nhất diện tích bưởi của Đại Minh. Cả thôn, 55 hộ trồng bưởi, 19 hộ không trồng, tổng diện tích hơn 32 ha ken xanh 9.000 gốc bưởi. 

Anh Phạm Anh Tuấn - Trưởng thôn Đại Thân 1 cho biết, vụ bưởi 2017, dân thôn cầm chắc 3 tỷ đồng, hầu hết đều bán cây, bán vườn. Xu hướng hiện nay, cùng bưởi Đại Minh, ở Đại Thân đã có thêm các giống bưởi khác để đa dạng sản phẩm, giảm rủi ro, mặt khác do nhiều hộ đầu tư trồng mới bài bản trong khi vốn chưa dồi dào mà cây bưởi Đại Minh đòi hỏi đầu tư lớn. 

Hộ anh Trần Kim Hiếu đang sở hữu khoảng 1.300 cây bưởi: Đại Minh có, Xuân Vân có và 500 gốc bưởi Diễn ghép vừa bói. "Tôi trồng thử các loại bưởi vì quan trọng nhất với người trồng bưởi không gì khác ngoài việc tiêu thụ thuận lợi, giá trị kinh tế cao, duy trì phát triển lâu dài”, anh Hiếu chia sẻ. 


Với 500 cây bưởi Diễn ghép trên gốc bưởi hột, lứa bói anh đã có được mức giá bình quân 15.000 đồng một quả. Bưởi Diễn ghép cho quả bói to hơn, sai quả hơn, mã đẹp hơn lại ngọt hơn những trái bưởi Đại Minh nhà anh trồng. Giữ một cây bưởi Diễn ghép trên gốc bưởi Đại Minh lâu năm để bán lẻ dịp tết này, anh Hiếu dự định phát giá mỗi quả 50.000 đồng.

Không tính lẻ tháng thì đã chẵn tròn năm, "Bưởi Đại Minh” được công nhận nhãn hiệu tập thể. Người dân Đại Minh mừng, cái lẽ đó không cần nói nhiều thêm nhưng nếu nói một cách đơn giản nhất, gần gũi nhất giống như đứa con của mình có tên với đời. Bóng xanh bưởi từ Cầu Mơ, Đồng Nếp, Phai Tung đến Khả Lĩnh, Minh Thân, Đại Thân… xấp xỉ 200 ha. 

Diện phủ rộng của cây bưởi đan niềm vui xen trăn trở. Họ nhận ra rằng sự định danh trên thị trường mới chỉ là yếu tố cần nhưng chưa đủ bởi tính cạnh tranh được xác định ngày càng mạnh mẽ khi ngày càng có nhiều sản phẩm bưởi của nhiều nơi góp mặt phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. 

Thế nên sự định vị trong lựa chọn của khách hàng mang tính lâu bền thì nhất thiết phải là chất lượng sản phẩm xét theo hai khía cạnh: vừa ngon vừa sạch. Nói về trình độ và mức độ đầu tư chăm sóc cây bưởi, khó có thôn nào "trên cơ” Quyết Tiến 11. Nói về kỹ thuật chăm sóc bưởi ở Quyết Tiến 11, không thể không nhắc tên ông Nguyễn Văn Đông. Hộ ông luôn thuộc tốp đầu thu nhập từ bưởi của xã. 

Năm 2017, tổng số 400 cây bưởi hiện có thì 100 cây bưởi đang kinh doanh cho ông đút két 450 triệu đồng, trong đó riêng 16 cây bưởi Đại Minh trên 60 năm tuổi đã được 250 triệu đồng theo hình thức bán cây. Không phải lần đầu tiên vì 16 cây bưởi Đại Minh này, vụ bưởi năm 2015 và 2016, mỗi vụ cũng đã cho ông cầm đúng 230 triệu đồng. 

Quả thật điều này rất khó tin, có vẻ như trong mơ hơn là đời thực! Ông đã tiếp đón bao người tìm đến vườn bưởi để mà ngắm nghía, để rõ ràng thực hư. Như khẳng định của ông Đông: "Không giống bưởi nào vượt qua nổi bưởi Đại Minh về độ ngọt nhưng bưởi Đại Minh cũng vô cùng cầu kỳ về đầu tư, chăm bón” bởi vườn nhà còn có 5 giống bưởi khác. 

Đưa về trồng nhiều loại bưởi nổi tiếng của các vùng miền, đủ biết sự mạnh dạn, dày công của ông ra sao. Đâu tự dưng niềm vui tìm đến: "Ai thờ ơ với cây bưởi thì chớ mong trái ngọt!”, ông Đông gan ruột. Bưởi mỗi mùa thêm ngọt, ông thêm mùa sâu nặng ân nghĩa với đất quê, với tình cây.  

Đại Minh đượm mướt bóng bưởi óng xanh sau bức mành mưa mỏng mảnh, trắng trong, mềm buông tựa sương tựa khói. Đón cơn mưa "vàng” đúng thời điểm thích hợp nhất, nhận tình cảm "vàng” từ người trồng cây, những gốc bưởi cả tơ trẻ, cả thanh xuân, cả lâu năm vẫn lặng thầm, mãnh liệt, chắt gom dưỡng chất cho sinh sôi mùa mới. 

Vườn xuân căng nhựa đầu cành, người Đại Minh hân hoan đoán định, hoa bưởi năm nay sẽ nở đẹp tiết Rằm tháng Giêng.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục