Siết chặt quản lý vật liệu nổ trong khai thác khoáng sản

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/4/2018 | 7:38:41 AM

YBĐT - Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 40 cơ sở kinh doanh được cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để khai thác khoáng sản, thi công công trình. 

Lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh kiểm tra kho chứa vật liệu nổ công nghiệp.
Lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh kiểm tra kho chứa vật liệu nổ công nghiệp.

Vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) là một loại hàng hóa đặc biệt, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, là vật tư không thể thiếu trong khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, thi công công trình. Đồng thời, cũng có thể tác động, ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội nếu bị thất thoát.

Thượng tá Trần Ngọc Tuấn – Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết: "Những năm qua, Yên Bái là địa phương đẩy mạnh thu hút đầu tư. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã triển khai dự án khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong đó có khai thác và chế biến khoáng sản, đặc biệt là khai thác đá vôi trắng tại hai huyện Lục Yên và Yên Bình. Ngoài ra còn những điểm mỏ khai thác đá trong sản xuất vật liệu xây dựng ở Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên... Vì thế, việc sử dụng VLNCN trở thành nhu cầu tất yếu". 

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 40 cơ sở kinh doanh được cấp phép sử dụng VLNCN để khai thác khoáng sản, thi công công trình. Trung bình một năm, các cơ sở sử dụng khoảng hơn 200 tấn thuốc nổ cùng phụ kiện nổ. Trong quá trình hoạt động, nhìn chung các cơ sở chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo quản, sử dụng, vận chuyển VLNCN. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số doanh nghiệp vẫn để xảy ra tai nạn, sự cố, thất thoát....

Khai trường của Xí nghiệp Khai thác đá của Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái tại thôn Tân Minh, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình có quy mô tới cả chục héc-ta. Để có nguyên liệu cung cấp cho nhà máy sản xuất xi măng và các nhà máy chế biến bột đá trắng, mỗi tháng, xí nghiệp này sử dụng từ 2 đến 3 tấn thuốc nổ. 

Để bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng VLNCN, Công ty tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành, đặc biệt là quản lý chặt chẽ không để xảy ra thất thoát vật liệu nổ, xây dựng nhà kho đúng quy cách, có hàng rào, cổng cửa chắc chắn, lắp đặt hệ thống nội quy, biển báo và camera an ninh, duy trì canh phòng 24/24 giờ.
 
Phó Giám đốc Xí nghiệp Khai thác đá, ông Chu Văn Anh cho biết: "Quá trình nổ đều do những cán bộ kỹ thuật có trình độ và kinh nghiệm thực hiện, trước khi cho nổ phải báo cáo chính quyền địa phương, thực hiện phát còi ủ và thông báo trên hệ thống phát thanh... Nhờ đó, nhiều năm qua, tại điểm mỏ này không hề xảy ra tình trạng mất an toàn và thất thoát vật liệu nổ, những thiếu sót nhỏ đều được cán bộ làm công tác an toàn của Công ty hoặc cảnh sát quản lý hành chính nhắc nhở nên đã khắc phục kịp thời”.

Trong khi nhiều công ty luôn cố gắng chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng VLNCN thì vẫn còn không ít đơn vị khác vẫn để xảy ra vi phạm. 

Có thể kể ra hàng loạt vụ việc xảy ra tại các khu vực khai thác khoáng sản, điển hình như: ngày 5/5/2016, Hợp tác xã Khai thác chế biến đá vôi và vật liệu xây dựng Bó Luông, huyện Lục Yên trong quá trình sử dụng VLNCN nổ mìn, phá đá gây thiệt hại đến tài sản của 6 hộ dân xung quanh khu vực mỏ thuộc xã Tô Mậu, huyện Lục Yên. Nguyên nhân được xác định do đơn vị này sử dụng số lượng VLNCN cho mỗi đợt nổ vượt quá quy định cho phép.
 
Tiếp đó, ngày 17/6/2016, Doanh nghiệp tư nhân Thành Hương, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, do buông lỏng quản lý (không bố trí người canh gác, bảo vệ) nên kẻ gian đã lấy cắp 19.261 kíp nổ. 

Mới đây, ngày 13/1/2018, trong quá trình sử dụng VLNCN (dịch vụ nổ mìn) tại công trình thủy lợi xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, Công ty TNHH Đại Đồng Tiến, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn đã không bố trí người canh gác bảo vệ khu vực hoạt động VLNCN. Rất may, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh đã phát hiện kịp thời và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty này với mức phạt 7 triệu đồng, nộp ngân sách Nhà nước.
 

Khai trường khai thác đá trắng tại xã Mông Sơn, huyện Yên Bình.

Thực trạng kể trên đặt ra vấn đề cần siết chặt quản lý vật liệu nổ trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Thượng tá Trần Ngọc Tuấn cho biết thêm: "Để tăng cường công tác quản lý hoạt động VLNCN, ngành công an đã đề ra một số giải pháp như: tiếp tục nghiên cứu tham mưu, đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh VLNCN, tiền chất thuốc nổ, kinh doanh ngành, nghề có sử dụng VLNCN, dịch vụ nổ mìn đáp ứng tình hình thực tiễn hiện nay".

Chúng tôi sẽ hướng dẫn công an các địa phương nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với các cơ sở kinh doanh VLNCN, tiền chất thuốc nổ theo quy định tại Nghị định số 96 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh trật tự đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và việc vận chuyển VLNCN, tiền chất thuốc nổ.

Tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến VLNCN, tiền chất thuốc nổ; tập trung điều tra xử lý nghiêm các trường hợp mất, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép VLNCN, tiền chất thuốc nổ; phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và các sở, ban, ngành trong toàn tỉnh tuyên truyền pháp luật về công tác quản lý, xử lý đối với VLNCN, tiền chất thuốc nổ, nhất là đối với các khu vực địa bàn có các doanh nghiệp sản xuất, bảo quản, sử dụng VLNCN, tiền chất thuốc nổ.

Đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện những sai phạm, thiếu sót của các cơ sở kinh doanh VLNCN, tiền chất thuốc nổ, kinh doanh ngành, nghề có sử dụng VLNCN để chấn chỉnh, xử lý theo quy định của pháp luật”.

Có thể nói, lực lượng công an đã và đang tích cực để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với mặt hàng khá đặc biệt này. Tuy nhiên, cùng với việc tăng cường quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng thì bản thân các doanh nghiệp được cấp phép sử dụng VLNCN cần đề cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong quá trình bảo quản VLNCN cần tuân thủ đúng quy trình quy định. Đặc biệt, phải bố trí người canh phòng cẩn thận, không thể quá tin vào hàng rào và cái khóa mà lơ là, mất cảnh giác.
 
Quá trình sử dụng phải giám sát chặt chẽ, không để thất thoát thuốc mìn và kíp nổ (thực tiễn cho thấy, không ít lần công nhân kỹ thuật trực tiếp làm nhiệm vụ nổ mìn đã lợi dụng bớt xén vật liệu nổ để kiếm lời hoặc phục vụ mục đích... đánh cá). 

Mặc dù VLNCN là mặt hàng được quản lý nghiêm ngặt nhưng các ngành chức năng cũng luôn tạo điều kiện cấp phép theo quy định. Cùng với đó là giá trị của mặt hàng đặc biệt này không quá lớn nên các doanh nghiệp cũng không nên tham rẻ mà mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc về sử dụng, làm vậy không những vi phạm pháp luật mà còn tiếp tay cho những hành vi trộm cắp và mua bán trái phép vật liệu nổ.
 
Câu chuyện ở Hợp tác xã Khai thác chế biến đá vôi và vật liệu xây dựng Bó Luông năm 2016 cho thấy, có những doanh nghiệp đã bất chấp quy định về an toàn, dùng lượng thuốc nổ nhiều hơn số lượng cho phép trong mỗi lần sử dụng làm mất an toàn cho chính công nhân trong công ty và cả vùng lân cận. Đây cũng là lỗi phổ biến mà các đơn vị được cấp phép sử dụng VLNCN trong khai thác khoáng sản thường mắc phải.

Lê Phiên

Các tin khác
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia trồng khoai sọ nương cùng đồng bào Mông thôn Mù Thấp, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu.

Vào lúc 7 giờ sáng, hơn 100 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các phòng, ban, đơn vị của huyện Trạm Tấu đã có mặt đông đủ tại thôn Mù Thấp, xã Bản Mù để tham gia “Ngày cuối tuần cùng dân”.

Đến trung tuần tháng Giêng, Nhà máy Sắn Văn Yên mới chỉ đủ nguyên liệu cho một dây chuyền chế biến.

Mối "lương duyên” giữa Nhà máy Sắn và vùng nguyên liệu đang nảy sinh nhiều bất cập. Nếu không khắc phục được những bất cập này, chắc chắn sẽ phá vỡ mục tiêu mà Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái - đơn vị tiên phong theo đuổi trong nhiều năm qua...

Người dân huyện Văn Chấn trao đổi kỹ thuật thu hái chè Shan hữu cơ.

Sản phẩm đặc sản chứa đựng tiềm năng thương mại to lớn. Đặc biệt, trong xu thế tiêu dùng hướng về các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, mang bản sắc văn hóa vùng miền thì cơ hội để cho đặc sản trở thành hàng hóa càng rộng mở hơn bao giờ hết. Yên Bái đang có cơ hội như thế để chuyển từ khai thác tiềm năng thành những định hướng, hỗ trợ...

Huấn luyện chiến sỹ mới tại Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ I, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.

“Mỗi người có một ước mơ, hoài bão hay lựa chọn con đường đi cho riêng mình. Mọi quyết định đều đúng, miễn sao quyết định ấy không vi phạm pháp luật và có ích lợi cho bản thân, gia đình hay cộng đồng xã hội. Chúng tôi chọn con đường nhập ngũ để cầm súng bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Đời lính hẳn là gian nan, vất vả nhưng cũng nhờ đó mà mỗi chiến sĩ trưởng thành hơn. Đặc biệt, chúng tôi cảm thấy vui và tự hào khi trở thành chiến sĩ nghĩa vụ”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục