Sáng mãi tinh thần xung phong

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/5/2018 | 8:38:12 AM

YBĐT - Phát huy cao độ tinh thần "xung phong”, đoàn kết vượt khó vươn lên thoát nghèo, tích cực tham gia phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ bà Chiến, bà Ngà, mà trên địa bàn huyện Yên Bình hơn 41 hộ cựu TNXP đã xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. 

Cựu TNXP Hoàng Thị Ngà, thôn Phai Tung, xã Đại Minh giới thiệu mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình với Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Yên Bình Trịnh Văn Mỳ.
Cựu TNXP Hoàng Thị Ngà, thôn Phai Tung, xã Đại Minh giới thiệu mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình với Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Yên Bình Trịnh Văn Mỳ.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) luôn có mặt trên khắp các chiến trường ác liệt nhất. Bất chấp mưa bom, bão đạn của kẻ thù, họ đã hoàn thành tốt công việc tải đạn, cứu thương, mở đường, thu dọn chiến trường,  thậm chí cầm súng trực tiếp chiến đấu với một ý chí kiên cường, dũng cảm.
 
Nước nhà độc lập, trở về với quê hương, phát huy phẩm chất được tôi luyện trong chiến tranh, những cựu TNXP lại tiếp tục nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình, đóng góp cho xã hội, xứng đáng là tấm gương sáng để thế hệ trẻ hôm nay học tập, noi theo. Trong số đó có những cựu TNXP đang sinh sống trên mảnh đất Yên Bình.

Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Yên Bình Trịnh Văn Mỳ cùng chúng tôi vượt gần 30 km đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của cựu TNXP Nguyễn Thị Chiến, thôn 3, xã Hán Đà. Đó là người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi, tóc đã điểm những sợi bạc. Sau khi mời khách chén chè xanh và những trái cây từ vườn nhà, bà Chiến dẫn chúng tôi đi thăm mô hình kinh tế của gia đình. Quanh nhà là vườn bưởi gần chục năm tuổi rợp bóng, những gốc bưởi được vun xới, quét vôi trắng gốc, quả sai lúc lỉu đã thau tháu bằng nắm tay trẻ.

- Bưởi sai quá, năm nay được mùa to bà nhỉ? Tôi hỏi.

- Cũng chưa chắc cháu à! Để bưởi đậu trái nhiều và căng mọng còn phải chăm sóc nhiều - bà Chiến vừa kiểm tra kỹ từng cây vừa trả lời. Đi hết vườn bưởi là đồi chè rộng trên 1ha, đang vươn búp tua tủa, tít tắp là những rừng keo, bồ đề xanh ngát.

- Nhờ những lứa chè mà tôi nuôi được 5 đứa con khôn lớn trưởng thành. Giờ tuy chưa khá giả nhưng kinh tế đứa nào cũng vững và mừng hơn cả 9 đứa cháu tôi đều chăm ngoan học giỏi”. Bà Chiến phấn khởi khoe.
Đông con đông cháu vậy nhưng nhà giờ chỉ có hai ông bà vắng vẻ nhưng tôi thấy ấm cúng lạ thường. Có lẽ bởi ngôi nhà lưu giữ nào huân huy chương của ông bà, nào giấy khen của các cháu và cả những bức ảnh của đại gia đình.

- Tại sao con cái đã trưởng thành, ông bà không đi ở cùng ai mà vẫn "đóng đô” lại nơi này ạ? 

- Đây là nơi chúng tôi đã bỏ bao công sức làm nên, vả lại còn sức còn phải phấn đấu chứ cháu. Cũng là để làm gương cho các con, các cháu và cảm ơn những người đã ngã xuống, đem lại hòa bình cho mình”.

Sinh ra và lớn lên tại xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, năm 1963, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc cô gái Nguyễn Thị Chiến đã lên đường tham gia TNXP. Được phân công về đơn vị C442. P44 tại Trường Sơn làm nhiệm vụ mở đường và tải lương, bất cứ nhiệm vụ nào bà Chiến và đơn vị cũng đều hoàn thành xuất sắc. Năm 1972, được xuất ngũ về quê, bà xây dựng gia đình và theo chồng lên Yên Bái làm kinh tế.
 
Từ một người con gái bao năm sống ở vùng đồng bằng, trải qua những năm tháng "cơm vắt, ngủ rừng”, bà Chiến cùng gia đình lặn lội vào nơi rừng sâu để phát triển kinh tế. Không quản ngại khó khăn, bà cùng chồng bắt tay vào vỡ đất hoang thành ruộng để cấy lúa rồi đào ao thả cá. Đổ bao mồ hôi, công sức, gần 20 năm, kinh tế gia đình bà mới ổn định.
 
"Nhìn những cánh rừng lau lách ban đầu tôi cũng thấy nản. Nhưng càng làm tôi lại càng ham, ngày đêm hai vợ chồng tranh thủ phát dọn trồng cây, rồi đồi sắn xen lẫn bồ đề, bạch đàn tươi tốt cũng dần thay thế lau lách. Tận dụng những khe nước tôi vỡ ruộng cấy lúa. Thế là có đủ lúa gạo ăn. Rồi chúng tôi lại tiếp tục chọn những khoảng đồi thấp để phát triển cây chè. Thời điểm đó, chè là cây có giá trị lắm, lại dễ tiêu thụ. Tôi cũng đã học hỏi, tiếp thu kỹ thuật mới để làm hiệu quả. Các con tôi lớn dần, sáng thì đi học, chiều giúp mẹ trồng chè, nhờ đó đồi chè mỗi lúc một rộng ra. Sau này, tôi đầu tư thay thế dần những diện tích chè già cỗi bằng giống bưởi Đại Minh. Hiện, gia đình có trên 50 gốc bưởi đã cho thu hoạch, cùng với tiền chè cho thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm” - bà  kể.
 
Nghe người phụ nữ nhỏ bé kể lại những thành quả từ bàn tay lao động tôi thấy thật sự khâm phục. Tinh thần "Không có việc gì khó” của TNXP đã giúp ông bà biến đồi núi hoang vu thành những đồi chè, vườn bưởi mang màu xanh no ấm, trở thành tấm gương sáng về sự chịu thương chịu khó vươn lên chiến thắng đói nghèo để bà con học tập, làm theo.

Tạm biệt cựu TNXP Nguyễn Thị Chiến, chúng tôi tới thôn Phai Tung, xã Đại Minh để gặp cựu TNXP Hoàng Thị Ngà. Cùng với bao chàng trai, cô gái thời "mưa bom, bão đạn”, năm 1971, cô gái Hoàng Thị Ngà, quê xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình lên đường nhập ngũ, tham gia TNXP thuộc đơn vị N267. C2672. BT16.
 
Tham gia mở đường mòn Hồ Chí Minh góp phần cho ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1972, khi đang làm nhiệm vụ tại cầu Hàm Rồng thì bà bị một mảnh bom găm vào trán. Sau khi được dưỡng thương bà lại tiếp tục quay về chiến trường làm nhiệm vụ vận chuyển thương binh. Tại đây, rất nhiều thương binh đã được bà vận chuyển an toàn và trong đó có anh bộ đội Lưu Văn Chính người Yên Bái.



Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Chiến, thôn 3, xã Hán Đà chăm sóc vườn bưởi của gia đình.

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ TNXP tại chiến trường, bà Ngà lại trở về góp sức xây dựng quê hương tại Lâm trường Yên Bình, thuộc huyện Yên Bình. Tại đây bà đã gặp lại anh thương binh Lưu Văn Chính năm xưa, hai người nên duyên vợ chồng và có với nhau 4 người con 3 trai, 1 gái. Những năm tháng sau chiến tranh, trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước kinh tế gia đình bà Ngà cũng muôn vàn khó khăn. Khi về nghỉ chế độ, sẵn có kinh nghiệm, bà Ngà lại tiếp tục tham gia phát triển kinh tế đồi rừng tại thôn Phai Tung, xã Đại Minh, huyện Yên Bình.
 
Sau bao năm lao động vất vả, hiện gia đình bà đã có 3,5ha keo, bồ đề và trên 150 gốc bưởi Đại Minh, thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng. Không những tích cực phát triển kinh tế, nữ cựu TNXP Hoàng Thị Ngà còn tham gia tích cực trong công tác xã hội với vai trò là Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi của thôn. Bà tích cực tham gia tuyên truyền vận động, giúp đỡ thành viên trong Chi hội phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, phát huy vai trò của người cao tuổi trong việc nêu gương sáng để con cháu học tập, thực hiện mỗi gia đình hội viên đều đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa, "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”.
 
Cùng với đó, bà còn tích cực tham gia công tác từ thiện nhân đạo, sẵn sàng giúp đỡ những hộ khó khăn trong xã để họ vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Phát huy cao độ tinh thần "xung phong”, đoàn kết vượt khó vươn lên thoát nghèo, tích cực tham gia phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ bà Chiến, bà Ngà, mà trên địa bàn huyện Yên Bình hơn 41 hộ cựu TNXP đã xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Họ đã phấn đấu hết mình, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
 
Đồng thời cũng luôn chia sẻ, động viên giúp đỡ đồng đội còn khó khăn, đẩy mạnh Phong trào "Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo”, thúc đẩy các hoạt động "Nghĩa tình đồng đội” giúp đỡ hội viên khó khăn ổn định cuộc sống… Từ đó góp phần đưa Yên Bình trở thành một trong những huyện có nhiều nhất các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả do cựu TNXP làm chủ.

Chia tay những người cựu TNXP Yên Bình, tôi thầm mong các ông, các bà luôn mạnh khỏe, tiếp tục phát huy tinh thần xung phong, đoàn kết vượt khó, nêu gương sáng trên mặt trận phát triển kinh tế, thắp mãi ngọn lửa nhiệt huyết để thế hệ trẻ hôm nay học tập, noi theo.

Minh Huyền

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục