Những người giữ rừng trên cao nguyên Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/9/2018 | 8:27:59 AM

YBĐT - Đi xe xuyên qua những cánh rừng thông vài chục năm tuổi, mới thấy được ý chí, quyết tâm của những cán bộ lâm nghiệp và người dân ở đây đã tham gia trồng, quản lý, bảo vệ để có được trên 13.604 ha rừng phòng hộ ở vùng cao xa xôi này.

Lãnh đạo Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải nắm bắt công tác BVR và PCCCR tại xã Dế Xu Phình.
Lãnh đạo Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải nắm bắt công tác BVR và PCCCR tại xã Dế Xu Phình.


Những ngày mùa thu tháng 9, chúng tôi có dịp cùng các cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) huyện vùng cao Mù Cang Chải xuống cơ sở tìm hiểu về công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR) và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) tại một số xã mà Ban chi trả tiền khoán BVR.

Như đã hẹn, anh Nguyễn Tư Khoa - Giám đốc Ban QLRPH huyện Mù Cang Chải chờ chúng tôi ở trụ sở để đưa xuống các bản gặp chủ nhóm hộ và cá nhân nhận khoán BVR với đơn vị. Sau khi chuẩn bị xong tư trang hành lý, mỗi anh em cưỡi một con "ngựa sắt” lên đường đến các bản của xã Dế Xu Phình. Đường từ quốc lộ 32 rẽ vào xã Dế Xu Phình đã được bê tông hóa bằng các nguồn vốn của Nhà nước ưu tiên phát triển giao thông vùng cao.
 
Đi xe xuyên qua những cánh rừng thông vài chục năm tuổi, mới thấy được ý chí, quyết tâm của những cán bộ lâm nghiệp và người dân ở đây đã tham gia trồng, quản lý, bảo vệ để có được trên 13.604 ha rừng phòng hộ ở vùng cao xa xôi này. Dừng lại trước dòng suối Nậm Kim nước trong xanh, mát mẻ bên rừng cánh thông, anh Khoa lên tiếng:

- Anh em mình đi xe máy qua cầu treo được, hôm nay mà đi ô tô, nước hơi to phải đi xe gầm cao, lái xe có kinh nghiệm, thuộc đường mới qua được con suối này.

- Xã Dế Xu Phình có bao nhiêu hộ dân nhận khoán quản lý, BVR với đơn vị mình? - tôi hỏi.

- Hầu như tất cả các hộ trong xã đều tham gia, vì người dân ở đây hộ nào cũng sống ở gần rừng, tý nữa đến nơi để lãnh đạo xã thông tin với các anh cho khách quan.

Anh Khoa ngừng lời, cả đoàn tiếp tục cho xe chạy vượt lên con dốc tiến về bản Dế Xu Phình A - nơi trụ sở xã đóng chân. Thật may, tuy không hẹn trước nhưng các anh lãnh đạo UBND xã đều có mặt ở trụ sở để tiếp đoàn công tác của huyện. Rót nước mời khách, anh Giàng A Sầu - Chủ tịch UBND xã trao đổi: "Hôm nay, chúng tôi hẹn làm việc với đoàn công tác của một số cơ quan của huyện, mời các anh uống nước xong, đồng chí Trang A Sồng - Phó Chủ tịch UBND xã dẫn các anh đi lên bản gặp dân, xem rừng...”.
 


Trưởng bản Dế Xu Phình B - Giàng A Lâu cùng người dân tuần tra, BVR phòng hộ.
 
Trên đường lên bản Dế Xu Phình B, vừa đi ngắm rừng anh Sồng vừa tranh thủ thông tin cho đoàn biết về công tác quản lý, BVR trên địa bàn xã những năm qua. Xã Dế Xu Phình có tổng diện tích rừng bảo vệ là 2.696,86 ha, trong đó rừng đặc dụng có 866,06 ha; rừng tự nhiên bảo vệ 481,8 ha; rừng trồng bảo vệ 1.212,2 ha. Xã có trên 438 hộ sinh sống ở 6 bản, trên 90% là đồng bào Mông sống ở gần rừng. Vì vậy, hầu hết các hộ đều tham gia BVR, trừ một số hộ mới chuyển đến ở làm ăn, buôn bán là không tham gia nhận khoán BVR.
 
Trước đây, kinh phí BVR thấp, người dân chưa chú trọng BVR và PCCCR, có hộ còn phát rừng sản xuất nương rẫy trái phép gây ra cháy rừng. Những năm gần đây, bà con dân bản rất phấn khởi vì nguồn chi trả khoán BVR đã tăng lên rất nhiều, Ban QLRPH huyện và Hạt Kiểm lâm huyện, phối hợp với UBND xã, chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các hộ, nhóm hộ đầy đủ, kịp thời nên ý thức BVR của các hộ dân đã nâng lên.
 
Năm 2016, tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các hộ dân trong xã bảo vệ tổng diện tích là 2.629,43 ha với tổng số tiền 2.589.748.206 đồng, trong đó Ban QLRPH huyện chi trả 1.529.794.000 đồng; Hạt Kiểm lâm huyện chi trả 1.059.954.206 đồng.
 
Năm 2017, Ban QLRPH huyện chi trả 1.152.783.000 đồng; Hạt Kiểm lâm huyện chi trả 774.686.000 đồng... Việc chi trả thường được thực hiện thành 2 đợt trước và sau tết Nguyên đán để các hộ dân có tiền chi phí trong dịp tết nên người dân rất phấn khởi tích cực hơn trong công tác BVR và PCCCR. Bà con mong muốn các cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện tiếp tục thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo lưu vực, đúng theo quy định của Chính phủ, tránh thiệt thòi cho các hộ dân nhận khoán BVR...
 
Những thông tin mà anh Sồng cung cấp cho đoàn còn dang dở thì chúng tôi đã tới bản Dế Xu Phình B. Nhà trưởng bản Giàng A Lâu tựa lưng vào rừng thông nhìn ra dòng suối Nậm Kim, xung quanh chủ yếu là diện tích rừng trồng phòng hộ, nhiều diện tích thông đã khoảng 40 - 50 tuổi. Hôm nay đúng lịch Trưởng bản Giàng A Lâu và một số hộ trong bản tổ chức đi tuần tra BVR.
 
Thấy chúng tôi có nhã ý muốn đi tuần tra cùng, anh Lâu vui vẻ mời đoàn cùng tham gia. Cả đoàn đi bộ vượt lên phía sau nhà trưởng bản Giàng A Lâu qua những cánh rừng trồng phòng hộ do nhóm của anh Lâu nhận khoán quản lý, bảo vệ. Dừng chân bên sườn dốc để mọi người nghỉ giải lao, Trưởng bản Giàng A Lâu chỉ tay về phía trước giới thiệu:

- Bản Dế Xu Phình B hiện có 86 hộ gia đình thì có 85 hộ tham gia quản lý, bảo vệ 147,16 ha rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải và 237,66 ha rừng phòng hộ tại xã Dế Xu Phình.

- Một tháng, các anh tổ chức được mấy lần đi tuần tra như thế này? - tôi hỏi.

- Tôi lên lịch phân công, mỗi tháng luân phiên cử 5 người của 5 hộ trong bản đi tuần tra từ 3 - 4 lần, còn vào những tháng cao điểm dễ xảy ra cháy rừng thì tổ chức tuần tra, canh gác 24/24 giờ hàng ngày để kịp thời ngăn chặn các trường hợp đốt nương rẫy vào ngày nắng nóng, hoặc đem theo lửa vào rừng.

- Trong quá trình đi tuần tra, các anh đã ngăn chặn, xử lý được vụ phá rừng nào chưa?

- Có chứ, mùa khô năm 2017, thời tiết khô hanh, nắng nóng, chúng tôi huy động lực lượng đi tu sửa 7,4 km đường băng cản lửa và kết hợp tuần tra phát hiện, lập biên bản xử lý hành chính 4 đối tượng chặt trộm gỗ thông ở khu vực này.

- Tiền chi trả khoán BVR hàng năm được chi trả cho các thành viên trong nhóm như thế nào?

- Hàng năm, đến gần tết Nguyên đán, Ban QLRPH, Hạt Kiểm lâm huyện mang tiền về UBND xã chi trả cho từng hộ theo danh sách, diện tích nhận khoán bảo vệ do tôi kê lên, có xác nhận của UBND xã. Các hộ ra xã tự nhận tiền, ai biết chữ thì ký tên, ai không biết chữ thì điểm chỉ rồi nhận tiền...

Việc nghiệm thu, chi trả kịp thời tiền khoán BVR cho các hộ dân ở xã Dế Xu Phình nói riêng và các xã, thị trấn trong huyện nói chung không chỉ giúp mỗi hộ gia đình ở đây có tiền chi phí trong dịp tết, mà còn tạo động lực cho các hộ dân tích cực tham gia vào công tác BVR và PCCCR tại các xã.
 
Nếu như năm 2012, trên địa bàn huyện mới có 6.979 hộ dân ký hợp đồng nhận khoán BVR với Ban QLRPH huyện, kinh phí do Ban QLRPH huyện quản lý chi trả là trên 8 tỷ 494 triệu đồng thì đến năm 2017, đã có 10.141 hộ ký hợp đồng nhận khoán BVR với Ban QLRPH huyện, kinh phí chi trả tiền khoán BVR được tăng lên trên 26 tỷ 178 triệu đồng (chưa tính nguồn chi trả do Hạt Kiểm lâm huyện quản lý).

Chia tay với các cán bộ Ban QLRPH huyện và những người dân đang tham gia trồng và BVR trên cao nguyên Mù Cang Chải, mới thấy được ý nghĩa về công việc họ đang làm, để tiếp bước thế hệ cha ông trồng được hàng nghìn héc-ta rừng thông phòng hộ và giữ được hàng nghìn héc-ta rừng đặc dụng, rừng tự nhiên hôm nay, góp phần gìn giữ môi trường sống cho cộng đồng tốt hơn.

Minh Hằng - Thạch Phong
(Bản Dế Xu Phình B, tháng 9/2018)

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục