Chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp ở Yên Bái - Bài 2: Khó khăn cần giải quyết

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/12/2018 | 8:02:55 AM

YBĐT - Việc thu hút lao động vào làm việc trong các ngành phi nông nghiệp còn khó khăn do số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ít, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, nhu cầu sử dụng lao động thấp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng, giao thông....

Lao động Công ty cổ phần Yên Thành trong dây chuyền sản xuất măng xuất khẩu.
Lao động Công ty cổ phần Yên Thành trong dây chuyền sản xuất măng xuất khẩu.


Năm 2019, toàn tỉnh Yên Bái phấn đấu tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp giảm 1,6% so với năm 2018, tương ứng 4.367 người; cơ cấu lao động làm việc trong các lĩnh vực: nông nghiệp chiếm 63,33%, phi nông nghiệp chiếm 36,67%; phấn đấu đào tạo nghề cho 16.000 người; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 57%.

Để đạt được những chỉ tiêu chủ yếu này, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh phải giải quyết cơ bản những khó khăn trong thực hiện việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Sau khi đưa chúng tôi thăm quan các dây chuyền sản xuất của Công ty, ông Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành, Yên Bình tâm sự: "Công ty cổ phần Yên Thành không ngại sử dụng lao động nông nghiệp, không lo phải đào tạo chuyên môn cho những lao động này, nhưng điều chúng tôi lo nhất là sự ổn định trong lao động của họ. Bởi thực tế, mặc dù có nhiều lao động đã gắn bó với doanh nghiệp từ khi thành lập nhưng trong quá trình lao động họ vẫn xin nghỉ làm vào những thời điểm như mùa cấy, mùa gặt, mùa thu hoạch sắn… ảnh hưởng phần nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”. 

Với Yên Bái hiện nay, việc thu hút lao động vào làm việc trong các ngành phi nông nghiệp còn khó khăn do số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ít, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, nhu cầu sử dụng lao động thấp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng, giao thông; nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc tuyển dụng và đào tạo nhân lực, chủ yếu sử dụng lao động phổ thông. 

Mặt khác, các dự án đầu tư khi triển khai thực hiện chưa xác định rõ quy mô sử dụng lao động theo từng giai đoạn của dự án; các doanh nghiệp đang hoạt động cũng chưa dự báo được nhu cầu sử dụng lao động, lao động qua đào tạo dẫn đến việc cập nhật thông tin thị trường lao động trên địa bàn tỉnh chưa được đầy đủ, kịp thời. 

Hoạt động đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp còn ít, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh còn khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, khó khăn trong tuyển sinh dạy nghề ở trình độ cao đẳng, tổ chức dạy nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn theo Đề án 1956. 

Đồng chí Đỗ Duy Thái - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái cho biết: "Là đơn vị đào tạo nghề công lập duy nhất trên địa bàn tỉnh, cơ sở vật chất đầy đủ nhưng trong công tác tuyển sinh nhà trường vẫn gặp khó khăn. Một mặt, do người học trình độ cao đẳng phải đóng học phí. Mặt khác, đối tượng tuyển sinh là thanh niên, học sinh tốt nghiệp THCS, THPT không muốn học nghề. Trong khi việc tuyển dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp trên địa bàn còn ít”.

Người lao động chưa tích cực chuyển đổi việc làm từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp là một thực tế mà hầu hết các địa phương từ vùng thấp đến vùng cao của tỉnh gặp phải. Với thị xã Nghĩa Lộ, ngoài việc thu hút phát triển sản xuất, kinh doanh theo ngành nghề gắn với tạo việc làm cho lao động còn hạn chế, chưa thực sự hấp dẫn do vấn đề thu nhập. 

Rõ ràng nhất là trường hợp của Nhà máy May Chiến Thắng. Mặc dù có nhu cầu lớn về lao động nhưng vì nhiều lý do khác nhau trong đó có vấn đề thu nhập nên hiện nay nhà máy này chỉ còn trên 100 lao động. Các dịch vụ khác như nhà hàng, khách sạn, du lịch cộng đồng chủ yếu quy mô hộ gia đình, chưa có sự kết nối tour du lịch nhằm thu hút nhiều lao động. 

Với huyện vùng cao như Trạm Tấu, khó khăn căn bản nhất vẫn là trên địa bàn không có nhiều doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất, kinh doanh để người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm. Bà Lê Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu bộc bạch: "Việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp trên địa bàn còn nhiều khó khăn do trình độ cán bộ cấp xã không đồng đều, trình độ dân trí thấp chỉ là một vấn đề. Rất ít doanh nghiệp trong tỉnh đến Trạm Tấu tuyển dụng lao động. Đặc biệt là không có doanh nghiệp cam kết tạo việc làm sau đào tạo cho lao động học các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp của địa phương…”. 

Mặc dù các địa phương đã xây dựng được kế hoạch về chuyển dịch cơ cấu lao động nhưng lại chưa xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ về thu hút lao động, giải quyết việc làm theo từng lĩnh vực, ngành nghề gắn với định hướng phát triển của địa phương, theo nhóm đối tượng cho phù hợp, cơ cấu đào tạo nghề cho lao động nông thôn (theo Đề án 1956, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước) chưa phù hợp, nhóm nghề phi nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng thấp từ 30-35%, dẫn đến khó khăn trong việc thu hút lao động chuyển dịch sang làm việc ở lĩnh vực phi nông nghiệp.

Không chỉ tại các địa phương, mà hầu hết các ngành của tỉnh hiện cũng chưa xác định được hiện trạng lao động và nhu cầu sử dụng lao động thuộc lĩnh vực ngành quản lý đến năm 2020. Thực tế mới có ngành công thương xác định được nhu cầu tuyển mới lao động thuộc lĩnh vực công nghiệp và thương mại, dịch vụ, còn các ngành xây dựng, giao thông, du lịch chưa xác định được hiện trạng lao động cũng như nhu cầu tuyển dụng lao động giai đoạn 2018-2020 theo định hướng phát triển của ngành, gắn với triển khai thực hiện quy hoạch, đề án, dự án thuộc lĩnh vực ngành quản lý. 

Một số ngành còn chưa thực sự quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo Đề án "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, chưa xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch 159/KH-UBND ngày 21/8/2018 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án; chưa có văn bản chỉ đạo đối với các phòng chuyên môn thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức thực hiện như: xác định nhu cầu sử dụng lao động, định hướng ngành nghề đào tạo, giải quyết việc làm sau đào tạo… 

Vì vậy, có thể nói ở cấp địa phương, các ngành chưa thực sự vào cuộc trong việc phối hợp với ngành lao động - thương binh và xã hội để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp của năm 2019 và những năm tiếp theo, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Đề án "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” với nhiều hình thức phù hợp, nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền các cấp và của hệ thống chính trị, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp trong tuyển dụng, đào tạo nghề cho người lao động ở lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nâng cao nhận thức của người lao động trong việc chuyển đổi việc làm, học nghề để có nhiều cơ hội việc làm trên thị trường lao động. 

Đổi mới hoạt động đào tạo nghề của các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh theo hướng thực hiện đào tạo nghề theo đặt hàng của UBND tỉnh, gắn với đảm bảo chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp. 

Cần tăng cường thông tin thị trường lao động trong tỉnh và thông tin thị trường lao động của cả nước, tổ chức các phiên giao dịch việc làm theo định kỳ, khảo sát cung - cầu lao động và xác định nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương nhằm thực hiện tốt mục tiêu hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS, THPT tham gia học nghề; hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng lao động nhằm cung ứng kịp thời lao động theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trên địa bàn; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các loại hình doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất, kinh doanh nhằm thu hút, tạo việc làm cho lao động ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch. 

Đặc biệt, tỉnh cần xây dựng và ban hành chính sách đặc thù của địa phương nhằm khuyến khích chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp; đầu tư phát triển nông thôn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ở nông thôn, sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển các loại hình dịch vụ trong nông thôn, đẩy mạnh các loại hình liên kết trong nông nghiệp nhằm thu hút giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nông nghiệp.

Để phát huy nguồn nhân lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân nông thôn, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cần quyết liệt vào cuộc thực hiện với kết quả cao, bền vững công tác chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp - một xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới và hội nhập hiện nay.

Thành Trung

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục