Yên Bái hướng về biển đảo thiêng liêng

Luôn sẵn sàng khi Tổ quốc gọi tên

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/3/2019 | 1:52:02 PM

YênBái - Giữa những ngày tháng Ba lịch sử này, tôi đã được hiểu thêm cuộc sống, sinh hoạt ngày biển lặng cũng như khi biển động, về tinh thần bám đảo, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vùng trời, vùng biển Tổ quốc của các anh - những người con ưu tú quê tôi…

Hai anh Nguyễn Khắc Đông (trái) và Nguyễn Thạc Sơn (phải) chụp ảnh chung tại Lữ đoàn Vùng 4 Cam Ranh trước ngày ra nhận nhiệm vụ Đảo trưởng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Hai anh Nguyễn Khắc Đông (trái) và Nguyễn Thạc Sơn (phải) chụp ảnh chung tại Lữ đoàn Vùng 4 Cam Ranh trước ngày ra nhận nhiệm vụ Đảo trưởng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Dẫu chưa lần đặt chân tới Trường Sa, chưa chứng kiến sự hy sinh thầm lặng cùng bão giông nơi đầu sóng để sẻ chia niềm vui, nỗi buồn với người lính đảo. Song, giữa những ngày tháng Ba lịch sử này, tôi đã được hiểu thêm cuộc sống, sinh hoạt ngày biển lặng cũng như khi biển động, về tinh thần bám đảo, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vùng trời, vùng biển Tổ quốc của các anh - những người con ưu tú quê tôi…

Lính Trường Sa người Yên Bái hả, nhiều chứ: anh Giang giờ là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hợp Minh này, anh Lợi, Chỉ huy phó Thành đội này, anh Chiến – Hoa đang ở gần Trường Quân sự tỉnh này, anh Viềng ở Cảm Nhân này, anh Sơn ở gần cầu ông Phó Hoan này…, Thượng tá Nguyễn Khắc Đông – Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Trấn Yên mở đầu câu chuyện bằng giọng nói trầm ấm, chân tình, cởi mở của người Đảo trưởng đảo Len Đao 20 năm về trước. 

Len Đao là đảo chìm thuộc cụm đảo Sinh Tồn, gồm: Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma của quần đảo Trường Sa, cách bán đảo Cam Ranh 313 hải lý. Ba hòn đảo này nổi lên như ba cạnh của một tam giác, có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm đường tiếp tế của Hải quân Việt Nam cho các điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa. Đây chính là thử thách to lớn, là nghĩa vụ thiêng liêng và trách nhiệm cao cả với Tổ quốc, với nhân dân của những người lính đã và đang làm nhiệm vụ canh giữ đảo.

- Vì vậy, phải những người lính ưu tú nhất mới được ra bảo vệ hòn đảo này? - tôi hỏi Thượng tá Nguyễn Khắc Đông.

- Đó là quy định bắt buộc trước mỗi đợt thay quân của Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân. 

- Với vai trò Đảo trưởng đảo Len Đao, anh và đồng đội đã khắc phục khó khăn ra sao để hoàn thành nhiệm vụ?

- Chúng tôi sống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau như anh em một nhà và luôn sẵn sàng chiến đấu với một tinh thần thép để bảo vệ biển đảo quê hương. Quả thực, thời gian ở đảo đã giúp cán bộ chiến sỹ trưởng thành hơn rất nhiều. 

Nói rồi, anh Đông cho tôi xem bức ảnh chụp cùng đồng đội duy nhất trong ngày đầu tiên ra đảo mà mỗi chiến sỹ là một câu chuyện đời, chuyện lính thật giản dị mà gần gũi, tự hào. Sinh ra, lớn lên trên quê hương Yên Bái, theo tiếng gọi của Tổ quốc, tháng 3/1987, chàng thanh niên 20 tuổi Nguyễn Khắc Đông hăng hái lên đường nhập ngũ và đóng quân ở Trung đoàn 819, Mường Khương. 

Năm 1988, anh thi đỗ vào Trường Sĩ quan Lục quân I, được kết nạp Đảng trong nhà trường rồi về Sư đoàn 355 công tác. Năm 1994, anh được điều động vào Quân chủng Hải quân Vùng 4 Cam Ranh, Khánh Hòa, đến tháng 7/1997, sang Lữ đoàn 146 anh hùng với vai trò Điểm trưởng Điểm C, đảo Thuyền Chài – một trong những đảo chìm của huyện đảo Trường Sa. Tháng 7/1999, được về phép thăm gia đình, cũng là lần đầu tiên trông thấy mặt cậu con trai 2 tuổi, anh Đông lại tiếp tục ra Trường Sa nhận nhiệm vụ Đảo trưởng đảo Len Đao.

Len Đao - cái tên gắn liền với sự kiện bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng trận chiến oanh liệt ngày 14/3/1988 của Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng. 31 năm đã trôi qua, hôm nay - vết dấu của trận chiến bi hùng ấy được hòa tan cùng sóng biển, nhưng từ nơi sâu thẳm trái tim mỗi người lính đảo và hàng chục triệu người Việt Nam yêu nước, yêu hòa bình - đó thực sự là trang sử  bằng máu chẳng thể phai mờ. 

Hơn 30 năm ấy, để đối phó với những âm mưu, tham vọng của kẻ thù, cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 146 anh hùng đã phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ghi dấu tiếp những chiến công oanh liệt lên lá cờ đỏ sao vàng để Len Đao hôm nay thêm hiên ngang, vững chãi. Ý thức được vai trò của người đứng đầu trên đảo, cùng với công tác huấn luyện, anh Đông luôn đổi mới, sáng tạo trong phương pháp giáo dục truyền thống và nâng cao ý thức chính trị cho cán bộ chiến sỹ qua các buổi sinh hoạt chi bộ và vui chơi tập thể. 

Anh tâm sự: "Tết đến, chúng tôi cùng nhau cắt những mảnh xốp rồi sơn màu xanh, gắn vào làm chuối, nhặt vỏ ốc làm hoa đào, hoa mai, nhiều chiến sĩ gói bánh chưng rất khéo tay. Không có điện, chúng tôi dùng máy phát để nghe thư chúc tết của Chủ tịch nước, của Thủ trưởng Lữ đoàn; báo cáo tình hình ngoài đảo và chúc tết các thủ trưởng trong đất liền. 

Sau đó là các tiết mục thi hái hoa dân chủ, thi hát rất vui vẻ để anh em xua đi cảm giác nhớ nhà, nhớ gia đình, người thân”. Sau 20 tháng ở Len Đao, anh Đông tiếp tục ra đảo Đá Lát làm nhiệm vụ trực huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của người Đảo trưởng. 

Dưới sự lãnh đạo của Lữ đoàn, Quân chủng, anh cùng đồng đội khéo léo áp dụng các đối sách xử lý hàng trăm tình huống trên biển an toàn, hiệu quả, đặc biệt đối với các tàu cá nước ngoài xâm nhập lãnh hải của ta. 

Cũng như Thuyền Chài và Len Đao, Đá Lát là đảo chìm nên toàn bộ nước sinh hoạt của cán bộ chiến sỹ trên đảo phải khai thác từ nước mưa và mang từ đất liền ra. Anh Đông đã cùng đồng đội cải tiến các dụng cụ chứa nước, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả nên luôn chủ động được nguồn nước sinh hoạt cho cán bộ chiến sỹ và tăng gia sản xuất, hỗ trợ ngư dân bám biển. 

Sau bốn cái tết ngoài Trường Sa, tháng 3/2003, anh được điều về Ban Chỉ huy Quân sự huyện Yên Bình, rồi lên vùng cao Trạm Tấu và Văn Yên. Từ tháng 7/2017 đến nay, anh giữ vai trò Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Trấn Yên. Ở tất cả các vị trí, địa phương đóng quân, anh Đông luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ với vai trò trách nhiệm cao nhất. 

Là lính đảo, cùng quê Yên Bái, cũng như anh Đông, anh Nguyễn Thạc Sơn sinh năm 1961 gắn bó với Lữ đoàn 146 anh hùng gần chục năm, trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên các đảo: Tiên Nữ, Đá Lớn, Đá Thị. 

Trong đó, Tiên Nữ và Đá Thị là 2 đảo xa nhất trong tổng số các đảo của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Tuy nhỏ hơn các đảo khác, song đảo Đá Thị có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện và ngăn chặn những hoạt động của tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam. 

Anh Sơn tâm sự: "Gia đình tôi có 5 anh em thì có 2 chị gái, còn 3 anh em trai đều là lính”. Năm 1994, anh Sơn được điều động vào Lữ đoàn 146 Vùng 4 làm nhiệm vụ bảo vệ và cung cấp quân tư trang ra tất cả các đảo của ta ở Trường Sa. 

Từ năm 1997 – 2003, anh trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại các đảo: Tiên Nữ, Đá Lớn và Đá Thị, sau đó về công tác tại Thành đội và Tỉnh đội Yên Bái. 31 năm tuổi quân, 9 năm công tác nơi đảo xa cũng là 9 năm anh Sơn ăn tết xa nhà. 

Vì vậy, năm 2001 và 2002, khi bố mẹ mất, anh không nhận được tin, cũng không thể về bởi thông tin khi đó chưa thuận lợi như bây giờ. Khó khăn, thiếu thốn, vất vả là thế, song anh Sơn luôn xứng đáng với vai trò người Đảo trưởng gương mẫu, cùng đồng đội giữ yên biển trời Tổ quốc. 

Anh tâm sự: "Là lính, chúng tôi luôn sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc gọi tên”. Phải chăng, đó là chất lính, là tinh thần thép, là ý chí và quyết tâm của những người lính đi đầu ưu tú nhất? Ý chí ấy, tinh thần ấy đã, đang và sẽ gắn kết tình quân dân trên khắp miền Tổ quốc để Trường Sa hôm qua, hôm nay và cả mai sau luôn là bầu máu nóng trong trái tim mỗi người con đất Việt. 

Thanh Hương

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục