“Bông hoa” của núi rừng Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/6/2019 | 11:13:28 AM

YênBái - Xinh xắn, hiền lành, thông minh và tràn đầy năng lượng là những điều dễ dàng cảm nhận về cô gái Thào Thanh Dung, sinh năm 1995, dân tộc Mông ở huyện Mù Cang Chải.

Nữ sinh viên Thào Thanh Dung (thứ ba từ phải sang) tại Lễ bảo vệ Khóa luận tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
Nữ sinh viên Thào Thanh Dung (thứ ba từ phải sang) tại Lễ bảo vệ Khóa luận tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương loại giỏi, Dung tiếp tục sự học và hiện đang là học viên năm 2, K7 cao học Quản lý văn hóa - Khoa sau đại học tại Trường. Thanh Dung là nữ sinh viên người dân tộc Mông đầu tiên của huyện vùng cao đặc biệt khó khăn Mù Cang Chải "chinh phục” tấm bằng thạc sỹ. 

Đam mê nghiên cứu văn hóa cùng ước mơ được trở về quê hương công tác của Thanh Dung thực sự là tấm gương tiêu biểu học và làm theo Bác để các bạn trẻ vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Yên Bái cùng noi theo.

Khi tình cờ biết được thông tin về sinh viên Thào Thanh Dung, tôi đã vô cùng tò mò và mong muốn được gặp gỡ. Tuy nhiên, do đang tất bật ôn thi, chuẩn bị bảo vệ đề tài tốt nghiệp nên Dung chưa thể về Yên Bái. Vậy là, chẳng chút đắn đo, tôi quyết định xuống Hà Nội gặp bằng được cô gái người Mông đầy nghị lực. 

Quả thực, càng lắng nghe, càng tâm sự với Dung, tôi càng hiểu và thêm khâm phục những nỗ lực và ý chí vươn lên trong học tập của cô gái trẻ này. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Mù Cang Chải, cả bố và mẹ đều là người dân tộc Mông nên sự yêu thích, đam mê nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông như đã "ăn sâu” vào tiềm thức của Thào Thanh Dung. Bố của Dung hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mù Cang Chải, còn mẹ là cấp dưỡng tại một trường cấp II của huyện. Từ nhỏ, dưới sự bảo ban, dạy dỗ, định hướng của bố mẹ, Dung đã thích học và rất tự giác học tập. Khi lớn hơn, Dung bắt đầu đam mê tìm tòi, nghiên cứu về văn hóa. 

Ngày nhận được giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cũng là ngày hạnh phúc vỡ òa khi Dung chính thức bước chân vào hành trình thực hiện ước mơ của mình. 

Thanh Dung chia sẻ: "Không ít lần nhìn các bạn ngày càng học lên cao em đã nghĩ, tại sao mình không cố gắng để làm được như các bạn? Sau khi tốt nghiệp đại học, em bày tỏ với bố mẹ về nguyện vọng học lên cao học, gia đình em cũng không phải quá dư giả, bản thân cũng làm thêm gia sư nhưng đồng lương chẳng đáng kể trong khi việc học cao học rất tốn kém nên em cũng khá lo lắng. Nhưng không ngờ, bố mẹ em lại hết sức ủng hộ, luôn động viên và cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để em hoàn thành ước mơ của mình. Vì thế em lại càng quyết tâm để không phụ sự kỳ vọng của bố mẹ”.

Nhắc đến niềm đam mê nghiên cứu văn hóa, ấn tượng nhất phải kể đến là đề tài tốt nghiệp đại học của Thào Thanh Dung. Đó là năm thứ 3 đại học, khi cô giáo chủ nhiệm hỏi tất cả các bạn sinh viên trong lớp có ai muốn tham gia nghiên cứu khoa học không, Dung thấy đây là cơ hội cho mình và đăng ký ngay. 

Sau một thời gian suy nghĩ, tìm hiểu Dung quyết định lựa chọn đề tài "Bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống trang phục nữ Mông Hoa - Mù Cang Chải” - đề tài vừa gần gũi, vừa mới lạ đối với Dung. 

Gần gũi là bởi từ nhỏ Dung đã quen thuộc với nếp sống, văn hóa của đồng bào mình. Còn mới lạ là bởi việc tìm hiểu sâu về trang phục nữ người Mông Hoa theo nghiên cứu khoa học sẽ đòi hỏi sự tìm tòi, sáng tạo và tư duy thực tế nhiều hơn. 

Trang phục truyền thống của người phụ nữ Mông hoa Mù Cang Chải gồm: váy xếp nếp với phần cạp chiết lại vừa vặn với vòng bụng, còn phần thân và gấu váy thì xòe rộng, chu vi tới 5m, số nếp gấp có thể đếm được lên tới hơn 300 nếp; áo mặc của phụ nữ Mông hoa có hai loại là áo mặc ngày thường và áo mặc trong dịp hội hè với các hình thêu, họa tiết, màu sắc khác biệt cùng nhiều phụ kiện khác như: đai lưng, khăn, xà cạp, đồ trang sức...

Trang phục truyền thống của nữ Mông hoa Mù Cang Chải lưu giữ được vẻ mộc mạc, được làm bằng tay qua nhiều công đoạn từ nhuộm chàm, tạo họa tiết bằng sáp ong cho đến những hình thêu xoáy ốc, con bướm... 

Ngày nay, do ảnh hưởng của công nghiệp hóa, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội khiến cho các bộ trang phục truyền thống dần bị thay đổi, pha tạp...

 Vì vậy, với mục đích nghiên cứu, tìm hiểu giá trị trang phục truyền thống, những biến đổi trong trang phục hiện nay, từ đó, xem xét những vấn đề đặt ra cho việc phát triển và giữ gìn nét văn hóa độc đáo trong trang phục nữ Mông hoa Mù Cang Chải nói riêng và người Mông nói chung gắn với bảo tồn và phát triển du lịch, Dung đã lựa chọn thực hiện đề tài này. 

"Người Mông đánh giá tài năng, vẻ đẹp và đức hạnh của người phụ nữ qua khả năng thêu, dệt và bộ trang phục mặc trong ngày hội: "Muốn biết người tốt thì xem gác bếp, muốn hay người đẹp thì xem áo quần”. Người phụ nữ giỏi may thêu được cả cộng đồng đề cao, tôn trọng và thêu dệt như một nghề bắt buộc được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bản thân em là một người con gái dân tộc Mông, thực hiện đề tài khoa học cũng chính là để em nêu cao tinh thần dân tộc, thêm yêu và trân trọng nguồn gốc của dân tộc mình” - Dung tự hào. 

Thực hiện đề tài khoa học một mình, suốt hơn một năm Dung phải nhiều lần đi lại giữa Mù Cang Chải và Hà Nội. Về quê, cứ có thời gian là Dung đi đến từng thôn, bản xa xôi để gặp những người phụ nữ trưởng thành, người già hỏi chuyện, chụp ảnh, ghi chép… 

Càng làm, Dung càng say mê, càng có thêm nhiều kiến thức, càng quyết tâm thực hiện thật tốt đề tài của mình. Bảo vệ Đề tài nghiên cứu khoa học "Bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống trang phục nữ Mông Hoa - Mù Cang Chải” một tháng trước khi tốt nghiệp đã giúp Dung có được thành tích xuất sắc trong năm học cuối cũng như góp phần giúp Dung giành được tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi. 

Tiếp đó, năm 2017, Thào Thanh Dung là sinh viên duy nhất của Khoa Quản lý văn hóa - Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương tiến hành thực hiện khóa luận tốt nghiệp với Đề tài "Quản lý Lễ hội Ruộng bậc thang Mù Cang Chải”, góp phần giúp các sinh viên ngành Quản lý văn hóa tại Trường có thêm kiến thức, tài liệu tham khảo. 

Được biết, cuối tháng 6 này, Thào Thanh Dung sẽ chính thức tốt nghiệp cao học Quản lý văn hóa tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. 

Đồng chí Giàng A Ly - Phó Bí thư Huyện đoàn Mù Cang Chải cho biết: "Thào Thanh Dung là nữ sinh viên người dân tộc Mông đầu tiên ở Mù Cang Chải đang theo học cao học. Đây thực sự là niềm vui, niềm tự hào đối với huyện vùng cao Mù Cang Chải nói riêng và các đoàn viên thanh niên các dân tộc Mông nói chung”. 

Nhìn vào những thành tích học tập tại Trường hay trong cuộc sống đời thường, tất cả niềm yêu thích, đam mê sáng tạo của Dung đều dành cho văn hóa, du lịch và con người Mù Cang Chải. Điều đó đủ để chứng minh tình yêu quê hương, nguồn cội trong con người Thào Thanh Dung lớn lao đến nhường nào. 

Ngọn lửa nhiệt huyết cùng những khát khao cháy bỏng được cống hiến cho quê hương vùng cao của Thào Thanh Dung chắc chắn sẽ mang đến cho nữ thạc sĩ Quản lý văn hóa tương lai - "bông hoa” của núi rừng Mù Cang Chải nhiều thành công hơn nữa trên con đường mà em đã chọn.

Mai Linh

Tags Mù Cang Chải đề tài trang phục người Mông

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục