Quả ngọt trên đất ngọc Lục Yên

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/1/2020 | 8:05:20 AM

YênBái - Trên triền đồi xanh ngát, những trái cam chín vàng như điểm tô hêm sắc màu cho mùa xuân nơi đất ngọc Lục Yên. Cam sành - loại cây trồng mũi nhọn mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân huyện Lục Yên rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng “đất ngọc” đã mang đến những mùa quả ngọt cho mảnh đất này.

Nông dân xã Khánh Hòa thu hoạch cam.
Nông dân xã Khánh Hòa thu hoạch cam.

Chúng tôi đến Khánh Hòa - địa phương được coi là "thủ phủ” cam sành của huyện Lục Yên vào những ngày cuối năm khi cái lạnh mùa đông đã tràn ngập khắp bản làng, xa xa lẫn trong màu xanh bạt ngàn của rừng núi là màu vàng của trái cam ngọt. 

Trên khắp các sườn đồi, những trái cam chín vàng hứa hẹn mang đến một mùa cam bội thu. Đi giữa những vạt đồi cam nối nhau trải dài như bất tận, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng quê này. 

Đến thăm đồi cam của anh Phạm Văn Hùng ở thôn Khe Pắn, xã Khánh Hòa - một trong những triệu phú cam của xã, được biết, anh Hùng có trên 3 ha cam hơn 10 năm tuổi, mỗi ha cho thu hoạch từ 30 đến 40 tấn, tổng sản lượng mỗi năm gần 100 tấn, thu lãi trên 400 triệu đồng. 

Là người chịu khó, ham học hỏi, từng trồng thử nghiệm rất nhiều loại cây trồng khác nhau để tìm cho mình một hướng làm giàu phù hợp, nhưng kể từ ngày "bén duyên” với cây cam thì cuộc sống của gia đình anh mới thật sự đổi thay. 

Anh Phạm Văn Hùng cho biết: "Cây cam sành thật sự rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Lục Yên nói chung và xã Khánh Hòa nói riêng, tuy nhiên người trồng cùng phải đầu tư chăm sóc thì cây mới cho sai quả, chất lượng cao và đảm bảo an toàn”.

Chia tay anh Hùng, chúng tôi đến thăm đồi cam của gia đình anh Nông Ngọc Bao, thôn Làng Chạp, xã Khánh Hòa. Sau 7 năm gắn bó với cây cam, hiện nay anh Bao đã có trong tay 3,4 ha cam sành. Nhờ áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, chăm sóc cam theo tiêu chuẩn VietGAP nên chất lượng, giá trị cam nhà anh Bao ngày càng nâng cao và được nhiều người biết đến, nên khi quả cam còn xanh đã có rất nhiều thương lái đến đặt thu mua cả vườn. 

Anh Bao chia sẻ: "Về hiệu quả kinh tế thì cây cam hơn hẳn so với những loại cây trồng khác. Tuy nhiên cần đầu tư chăm sóc để nâng cao chất lượng cam thì việc tiêu thụ mới dễ dàng hơn. Bởi vì nhiều nơi người nông dân quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”. 

Vùng đất Ngọc Lục Yên từng được coi là thủ phủ của cam sành, nhưng có thời gian cây cam đã gần như bị xóa sổ, đến nay mới được người dân trồng và phát triển trở lại. Khánh Hòa vốn là vùng đất có điều kiện tự nhiên rất phù hợp với cam nên những cây cam sành được trồng ở đây đều phát triển tốt, tán rộng, quả sai và to, có hình dạng cầu dẹt, bề mặt vỏ quả nhẵn với mầu vàng sáng bóng, tép cam có màu vàng tươi, mọng nước, vị ngọt thơm man mát nhưng không kém phần đậm đà. 

Hương vị của cam sành Lục Yên không chỉ có người dân nơi đây yêu thích mà còn được người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước ưa chuộng. Trong các giống cam được trồng trên đất Lục Yên như cam chanh, cam sành, cam Vinh... thì cam sành vẫn được người tiêu dùng ưa thích hơn cả bởi quả có màu vàng nâu không vàng khé như cam Cao Phong hay vàng rực như cam Hà Giang. Múi cam róc vỏ, không dính, tôm vàng rộm và rất mọng nước. Vị ngọt của cam Lục Yên đậm, không có vị chua, nhạt như cam ở các nơi khác. Do trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật nên vụ nào quả cũng sai trĩu cành. 

Xác định cam là cây trồng mũi nhọn mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua cùng với việc mở rộng diện tích, Lục Yên đã nỗ lực xây dựng thương hiệu. Hiện nay cam sành đang được tiếp tục tuyển chọn, nhân giống, thâm canh trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để quảng bá và cung ứng sản phẩm rộng rãi ra thị trường cả nước với chất lượng cam ngày càng cao hơn. 

Với gần 800 ha cam, trong đó riêng cam sành trên 400 ha, sản lượng khoảng 10 nghìn tấn/năm, đến nay, huyện Lục Yên có 2 giống cam chính được người dân lựa chọn trồng là cam sành và cam Vinh. Cam Vinh được thu hoạch vào khoảng tháng 8, tháng 9 dương lịch, cam sành chín và cho thu hoạch vào cuối năm âm lịch, đúng dịp phục vụ nhu cầu tết Nguyên đán của người dân.



Cam được trồng thành công ở xã vùng cao Tân Phượng. 

Để tìm hướng đi lâu dài và phát triển bền vững cho cây cam, UBND huyện đã thành lập Hợp tác xã Cam sành Lục Yên với nhiều chính sách hỗ trợ nông dân như vay vốn, đầu tư vườn ươm giống, tập huấn áp dụng khoa học, kỹ thuật vào thâm canh, cho ra đời sản phẩm nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu và tạo được niềm tin nơi khách hàng. Khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng không hiệu quả sang trồng cam. 

Cuối năm 2016, nhãn hiệu tập thể cam Lục Yên được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, đã trở thành động lực để người dân trên địa bàn huyện tiếp tục đầu tư thâm canh. Ngoài ra, để mở rộng thương hiệu, Hợp tác xã Cam sành Lục Yên còn tích cực tham gia các hội chợ nông sản giới thiệu sản phẩm cam sành đến người tiêu dùng trên khắp cả nước. Cam sành Lục Yên ngày càng được nhiều người biết đến, có mặt tại các siêu thị, các gian hàng hội chợ lớn. 

Bà Hoàng Thuyết Lập - Giám đốc Hợp tác xã Cam Lục Yên cho biết: "Giá cam năm nay cao hơn mọi năm, đầu ra ổn định, chủ yếu bán cho các đơn vị phân phối tại các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch và người tiêu dùng sành về Cam. Tuy nhiên, năm 2019 diện tích cam trên địa bàn huyện có sự biến động, một số xã có diện tích già cỗi đang vào giai đoạn thoái hóa và chết. Việc phục hồi và duy trì những diện tích cam lâu năm đòi hỏi phải có sự đầu tư, vào cuộc của chính quyền, các nhà khoa học”.

Mỗi dịp tết đến, xuân về, cam sành Lục Yên luôn là sự lựa chọn không thể thiếu trong mâm ngũ quả, túi quà tết của mọi gia đình như một sản vật đặc trưng cho vùng đất và con người nơi vùng cao này. Chia tay những đồi cam đầy trái ngọt chúng tôi vẫn không thể quên khung cảnh đẹp đẽ và nên thơ được nhuộm vàng bởi những trái cam chín mọng, tràn trề nhựa sống. Mùa xuân đối với những người trồng cam chắc hẳn sẽ là những mùa xuân của sự no ấm, đầy đủ và hạnh phúc.

Anh Dũng

Tags Khánh Hòa Cam sành Lục Yên VietGap

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục