Phát triển “Không gian văn hóa trà Suối Giàng” vươn tầm thế giới - Bài cuối: Bảo tồn gắn với phát triển du lịch

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/6/2021 | 7:45:54 AM

YênBái - Sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng được nhiều địa phương trong tỉnh, nhiều cơ quan Trung ương lựa chọn làm quà tặng. Đặc biệt, mới đây, những nghệ nhân nơi đây đã biểu diễn pha trà Shan tuyết để giao lưu với Hiệp hội Trà đạo Nhật Bản, được người thưởng trà trong, ngoài nước đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tặng sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ cho Đại sứ Nhật Bản.
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tặng sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ cho Đại sứ Nhật Bản.


Suối Giàng có 7 thôn và phân bố trên một phạm vi rộng ở độ cao từ 1.500 - 1.800 m so với mực nước biển. Người Mông, ngoài canh tác ruộng bậc thang và nương rẫy, còn sở hữu những diện tích chè Shan tuyết cổ thụ.

Ông Lường Công Tâm - Chủ tịch UBND xã cho biết: Suối Giàng hiện có 674 ha (521 ha chè kinh doanh; 153 ha chè kiến thiết cơ bản); trong đó, có 193 ha đất chè cổ thụ tập trung chủ yếu tại 4 thôn: Pang Cáng, Bản Mới, Giàng A, Giàng B; mật độ bình quân của diện tích chè cổ thụ từ 600 - 800 cây/ha; năng suất bình quân đạt 1,2 - 1,3 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt khoảng 600 tấn; hàng năm người làm chè thu về trên 12 tỷ đồng. 

Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về chè ở trong, ngoài nước, chè Suối Giàng rất đặc biệt bởi hương vị của nó nhờ khí hậu, thổ nhưỡng nên hương vị chè nơi đây khác hẳn so với nhiều nơi. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam khẳng định: "Chè Suối Giàng có sự chăm sóc đặc biệt của cộng đồng, dân cư trong vùng; do đó, quần thể chè cổ thụ hiện nay được đánh giá rất cao về giá trị nguồn gen, giá trị du lịch, giá trị tâm linh; trong đó, có giá trị bản sắc văn hóa, nhất là kiến thức bản địa của đồng bào Mông đã gìn giữ cho đến hôm nay”. 

Ông Nathalie Ha  - du khách Pháp: "Tôi đã đi đến rất nhiều nơi trên thế giới, nhưng Suối Giàng với tôi rất đặc biệt bởi phong cảnh rất hoang sơ, hùng vĩ. Những cây chè cổ thụ ẩn hiện trong sương mù, làm cho tôi có cảm giác như đang ở thiên đường vậy. Còn hương vị trà nơi đây rất tuyệt vời”. 



Chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng không chỉ có giá trị cao về nguồn gen mà còn có giá trị du lịch, ý nghĩa tâm linh gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Mông. 

Những cây chè cổ thụ đang là biểu tượng, là tài sản vô giá của đồng bào Mông nơi đây. Bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hóa, hàng chục năm qua, cây chè Suối Giàng là nguồn sống chính của đồng bào Mông. Vì thế, việc được công nhận là Cây di sản Việt Nam và trên địa bàn có nhiều cơ sở chế biến, sản xuất chè; đặc biệt là "Không gian văn hóa trà Suối Giàng” và đồng bào cùng dỡ bỏ hàng rào cùng làm du lịch… đã mở ra cơ hội mới rõ ràng hơn về mặt phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào. Ông Lường Công Tâm - Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh: "Hiện, chè Shan tuyết cổ thụ ở Suối Giàng là cây chủ lực mũi nhọn, cây du lịch trong phát triển kinh tế của địa phương”.

Tuy vậy, cùng với niềm tự hào đó, cũng đặt ra nhiều trăn trở cho chính quyền, người dân nơi đây trong việc bảo tồn, phát huy giá trị kinh tế du lịch của quần thể chè Shan tuyết Suối Giàng. Theo bà Lò Thị Thúy Nga - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn: "Những năm gần đây, vùng chè Shan tuyết Suối Giàng ngày càng được quan tâm đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển. Các ban quản lý vùng chè Shan tuyết Suối Giàng được thành lập từ cấp huyện đến xã để ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển cây chè cổ thụ ra khỏi địa bàn xã và tình trạng thu hái chè kém chất lượng. Đặc biệt, quản lý, sử dụng, phát triển có hiệu quả 100 cây đầu dòng, 400 cây chè di sản và nhãn hiệu chè Shan Suối Giàng”. 

Đến nay, những cây chè cổ thụ đã được vinh danh, không chỉ nhằm trực tiếp bảo vệ nguồn gen tiêu biểu, quý hiếm của cây chè Shan tuyết ở nước ta mà còn giới thiệu sự phong phú, đa dạng của hệ thực vật Việt Nam với bạn bè thế giới; quảng bá du lịch sinh thái Suối Giàng nói riêng cũng như các khu du lịch khác trên địa bàn huyện Văn Chấn và tỉnh Yên Bái nói chung. Vì vậy, hơn bao giờ hết, để phát huy và bảo tồn các giá trị về kinh tế, văn hóa, du lịch của quần thể chè Shan tuyết Suối Giàng, huyện Văn Chấn và xã Suối Giàng cùng với việc tập trung xây dựng phương án quy hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế xã Suối Giàng. Trong đó, nên quy hoạch và phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch khám phá, kết hợp các sản phẩm du lịch, lấy trọng tâm là quần thể cây chè Shan tuyết cổ thụ. 

Để thực hiện thành công mục tiêu, huyện Văn Chấn cùng với việc tăng cường lãnh chỉ đạo trong quản lý, sử dụng và phát triển có hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận Suối Giàng - Văn Chấn và tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý chè Shan tuyết Suối Giàng; thành lập Ban Quản lý vùng chè Shan tuyết Suối Giàng nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển cây chè thì cần làm tốt công tác quy hoạch trong chế biến, sản xuất, kinh doanh chè Shan tuyết Suối Giàng, đặc biệt là đối với các cơ sở quy mô hộ gia đình để nâng cao chất lượng sản phẩm.  

Bà Lò Thị Thúy Nga cho biết thêm: "Hiện tại, huyện đang tăng cường thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế cho người trồng chè; xây dựng, hình thành các vùng sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP, chè hữu cơ gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đồng thời, xây dựng các liên kết theo chuỗi giá trị trong tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp. Chỉ đạo xã Suối Giàng phối hợp và tạo điều kiện trong quá trình xây dựng các sản phẩm OCOP của HTX Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng để "Không gian văn hóa trà Suối Giàng” vừa là điểm đến thưởng thức trà và giới thiệu các sản phẩm được làm ra từ vùng chè cổ Shan tuyết Suối Giàng”.

Trong tương lai không xa, khách du lịch sẽ đến với Suối Giàng ngày càng nhiều nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Suối Giàng là những việc nên làm ngay để phục vụ du khách. Đồng thời, đó cũng là hướng đi phù hợp đúng với định hướng về Nghị quyết 28 của Tỉnh ủy Yên Bái về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn và trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, góp phần xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc, tạo nên hình ảnh và điểm đến đặc thù "Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc” với thương hiệu là "điểm đến an toàn, thân thiện, đặc sắc, hấp dẫn, ấn tượng”, mà quần thể cây chè Shan tuyết Suối Giàng không ngoại lệ. 
Văn Tuấn

Tags Yên Bái Không gian văn hóa trà Suối Giàng bảo tồn du lịch cây chè di sản

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục