Yên Bái xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh - Bài cuối: Tư duy mới, thành công mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/9/2021 | 7:55:35 AM

YênBái - Thời gian qua, nông nghiệp Yên Bái tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, là nền tảng, là trụ đỡ tạo đà phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sản xuất nông nghiệp vẫn giữ được nhịp độ phát triển, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, nền nông nghiệp từng bước chuyển đổi từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp".

Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản toàn tỉnh đạt 6.800 tấn, bằng gần 58% kế hoạch, tăng 1.800 tấn so với cùng kỳ. Trong ảnh: Người dân Yên Bình nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà. (Ảnh: K.T)
Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản toàn tỉnh đạt 6.800 tấn, bằng gần 58% kế hoạch, tăng 1.800 tấn so với cùng kỳ. Trong ảnh: Người dân Yên Bình nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà. (Ảnh: K.T)


Tư duy kinh tế nông nghiệp

Tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong nêu rõ, nếu sản xuất nông nghiệp chỉ lấy sản lượng làm mục tiêu, đó mới chỉ là "tư duy sản xuất nông nghiệp”. 

Tư duy đó hiện nay không còn phù hợp với xu hướng của thời đại. Thay vào đó, tư duy kinh tế thị trường, căn cứ vào quy luật cung - cầu với sự điều tiết hợp lý của Nhà nước, lấy thị trường làm định hướng sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với phát triển các liên kết ngang và liên kết dọc, đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, các mô hình mới trong sản xuất, kinh doanh, quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu người tiêu dùng, tạo ra thêm dịch vụ, trải nghiệm mới trên chính thửa ruộng, mảnh vườn, gia tăng thêm giá trị, đó mới là "tư duy kinh tế nông nghiệp", xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. 

Từ vấn đề mà đại biểu Lê Quốc Phong đưa ra, ngẫm về nông nghiệp Yên Bái mới thấy người nông dân Yên Bái đã có tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là sau khi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. 

Thực tế cho thấy, nông dân Yên Bái đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất theo nhu cầu của thị trường, biết áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với đầu ra của sản phẩm như: vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao 2.500 ha, vùng ngô trên 15.000 ha (có 3.000 ha được chuyển đổi từ đất trồng lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô), vùng chè 8.000 ha, vùng sắn cao sản 15.000 ha, tre măng Bát độ trên 3.500 ha, quế gần 50.000 ha, vùng cây nguyên liệu giấy trên 100.000 ha. Các hộ nông dân đã biết chia sẻ, hợp tác để cùng nhau làm giàu thông qua việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo ra nhiều sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết: đến hết năm 2020, toàn tỉnh có trên 300 hợp tác xã; trong đó, số hợp tác xã đã đăng ký, tổ chức lại và thành lập mới hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 là 276 hợp tác xã; số hợp tác xã hoạt động hiệu quả là 121 hợp tác xã (chiếm gần 40% tổng số hợp tác xã); số thành viên tham gia hợp tác xã là 7.894 người. Số tổ hợp tác nông nghiệp là 1.460 tổ hợp tác; số thành viên tham gia tổ hợp tác là 43.800 người. 

Cùng đó, Yên Bái đặc biệt quan tâm thu hút đầu tư, đưa công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ về vùng nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động tại chỗ từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Thu hút, phát triển một số doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông, lâm sản gắn với vùng nguyên liệu (chế biến gỗ rừng trồng, măng tre, sơn tra, tinh dầu quế, tơ tằm); thu hút, phát triển được các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nông thôn (may mặc, chế biến và sản xuất vật liệu xây dựng, các nghề thủ công truyền thống). 

Nhiều thị trấn, thị tứ, các trung tâm dịch vụ hàng hóa được xây dựng tạo mạng lưới rộng khắp trong toàn tỉnh, đáp ứng kịp thời việc mua, bán hàng hoá, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất và đời sống cho nông dân. Nhờ đó, kinh tế nông thôn tỉnh Yên Bái đã có bước chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có trên 520 cơ sở chế biến gỗ, 13 nhà máy và 120 cơ sở chế biến tinh dầu quế, hơn 64 cơ sở chế biến chè đang hoạt động, 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn... 

Yên Bái cũng là địa phương đẩy nhanh việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, tạo động lực cho sự phát triển sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh, liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cho các sản phẩm của địa phương; từng bước hình thành các vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tạo tiền đề xây dựng và phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, đã có 23 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản của tỉnh Yên Bái đã được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ; 16 sản phẩm khác đang tiếp tục đăng ký bảo hộ.

Xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), "tam nông” ở Yên Bái đã có nhiều khởi sắc, tạo diện mạo mới cho nông thôn miền núi phát triển. Tuy nhiên, kết quả sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, sản phẩm chưa tạo thành vùng hàng hóa, sản lượng cũng chưa nhiều. 

Chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao; phát triển chăn nuôi chưa gắn với xây dựng cơ sở giết mổ tập trung. Liên kết giữa "4 nhà” chưa chặt chẽ và các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu và thiếu bền vững… Việc ban hành cơ chế chính sách còn dàn trải, chưa có tính đột phá cao, đầu tư thiếu trọng tâm, trọng điểm nên thiếu nguồn lực thực hiện; do đó, hiệu quả không cao. 

Từ những nhận định trên, Yên Bái xác định trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn có tầm quan trọng rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh trên địa bàn toàn tỉnh. 

Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội phải thực hiện. Phát triển kinh tế - xã hội nông thôn phải gắn với xây dựng nông thôn mới với phương châm lấy nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực; phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tổ chức sản xuất, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. 

Yên Bái đặt mục tiêu phấn đấu: tốc độ tăng tổng sản phẩm nông lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2030 đạt 4,5%/năm; đến năm 2045, đạt trên 4,0%/năm; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất canh tác bình quân năm 2025 đạt trên 85 triệu đồng; đến năm 2030 đạt trên 100 triệu đồng; đến năm 2045 đạt 150 triệu đồng; thu nhập bình quân người dân nông thôn năm 2025 đạt trên 50 triệu đồng/người/năm và đạt trên 80 triệu đồng vào năm 2030 và đạt trên 100 triệu đồng vào năm 2045.



 Mô hình trồng hoa hồng của Hợp tác xã Hoa Nậm Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải đã mang lại thu nhập cao cho đồng bào Mông nơi đây. 

Để thực hiện được mục tiêu này, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đinh Đăng Luận: Yên Bái cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới tạo nền tảng ổn định phát triển kinh tế nông nghiệp gia tăng về giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nông sản. Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại. Gắn chặt sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm đặc sản, hữu cơ của tỉnh. 

Về giải pháp phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản, hữu cơ, tỉnh xác định tập trung theo hai hướng: sản xuất hàng hóa tập trung theo nhóm xuất khẩu: quế, sản phẩm gỗ chế biến, măng tre Bát độ, chè, dâu tằm, tinh bột sắn...

Sản xuất hàng hóa tập trung theo nhóm tiêu dùng nội địa: lương thực, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, gạo đặc sản nếp Tú Lệ, cây ăn quả, nguyên liệu gỗ công nghiệp trong nước. Phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thông minh tăng tỷ trọng chế biến sâu để giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm. 

Bên cạnh đó, tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh; ký kết giao thương với các siêu thị lớn hay tổ chức giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp trên các sàn giao dịch điện tử. 

Thành quả sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) tại Yên Bái cho thấy, nền nông nghiệp của tỉnh đã phát huy tốt nội lực và sức sáng tạo, từng bước chuyển đổi từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp" thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế thị trường. 

Đây là tiền đề quan trọng để Yên Bái hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã đề ra.   

Mạnh Cường

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục