Thương nhớ áo chàm

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/5/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Những ngôi nhà sàn xinh xắn; các thiếu nữ Tày xúng xính trong trang phục áo chàm, cổ đeo vòng bạc, thắt lưng xà tích, đầu vấn khăn đen, má ửng hồng say trong làn điệu hát khắp, hát coọi đã theo tôi suốt trong những năm tháng tuổi thơ trên quê hương Lục Yên. Vậy mà hôm nay trở lại, những bản làng của người Tày vẫn con người ấy, cảnh vật ấy mà "hương rừng, gió núi" đã "bay đi rất nhiều"; áo chàm sắp chỉ còn là "niềm thương nhớ"!

Cô dâu và phù dâu trong trang phục áo chàm.
Cô dâu và phù dâu trong trang phục áo chàm.

Áo chàm, nết người

Bà Hoàng Thị Hằng, dân tộc Tày, 70 tuổi ở thôn Gia Tự, xã Lâm Thượng (Lục Yên) nâng niu bộ trang phục chàm của phụ nữ Tày tâm sự: "Áo, váy chàm của người Tày có từ bao giờ mình cũng không biết nữa vì khi lớn lên đã thấy nó rồi. Nhưng nét đẹp văn hoá của áo chàm không chỉ ở bên ngoài, nó ẩn chứa bên trong sự thùy mị, nết na, khéo léo của người con gái". Luật bất thành văn, người con gái Tày trước khi lấy chồng ai cũng phải biết làm trang phục áo chàm, phụ trợ là khăn truyền thống, dệt mặt chăn, dây dao bằng thổ cẩm. Nhà nào cũng có khung cửi.

Ngoài ra phụ nữ Tày còn phải biết đan giỏ, đan ngọc xúc cá; đan rổ, rá và biết xay gạo, dần sàng; biết nhổ mạ, cấy cày làm nương rẫy. Người con gái trước khi về nhà chồng cùng với trang phục quần áo tự làm phải có chục cái mặt chăn, cùng dây dao, dây nón thổ cẩm tự dệt cho vào một cái níp (cái hòm bằng tre) mang theo về nhà chồng. Chiếc dây dao thổ cẩm ấy sẽ được thắt vào chiếc vỏ dao cùng chuôi dao rất đẹp làm bằng những chiếc rễ xoan có nhiều chun, vân được đánh bằng mỡ gà láng bóng.

Để có được những bộ áo chàm, khăn vấn đầu, các cô gái Tày mua vải tấm từ xuôi mang lên tự cắt khâu thành bộ áo váy nữ và áo dài nam. Tiếp đó, phải lên rừng tìm cây chàm ngâm nước cho ra màu xanh đen rồi cho vôi vào khoắng để bột chàm lắng xuống đáy chậu. Khi ấy, người ta lấy bột này khoắng với tro bếp đến khi nước chàm lên men đỏ mới nhúng vải vào nhuộm rồi mang ra phơi, hôm sau lại nhúng phơi khô tiếp liên tục 4 đến 5 ngày cho đến khi trang phục có màu đen nhánh là được.

Vải chàm khi ấy sẽ gấp gọn gàng xếp vào hòm, ướp lá hắc hương cho thơm. Còn để có được những mặt chăn, dây dao, thắt lưng thổ cẩm đường nét hoa văn cầu kỳ, sặc sỡ với các hình như: con rồng, con nhện, con én, quả trám, cái cày, rùa, nhện, mặt trời, hoa…, các thiếu nữ Tày phải trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, xe sợi ngâm cũng hoàn toàn bằng chàm tạo ra các màu sắc khác biệt. Lõi chăn bông cũng tự tay các cô gái trồng bông làm lấy.

Chiếc nón của người Tày cũng rất đặc biệt; chỉ với hai tàu lá cọ non phơi khô úp lên một lớp nan tre nhỏ, mảnh được trau chuốt cầu kỳ đan theo hình nón với các mắt hình lục giác bên trong và thắt dây thổ cẩm tạo nên nét riêng có. Khi yêu, các chàng trai Tày thường hay trộm nón để có cớ gặp nhau. Có một điểm đặc biệt thể hiện trong cách đội nón là các cô gái Tày chưa lấy chồng thường để quai đằng trước, các cô đã có chồng để quai ra đằng sau.

Người Tày còn có áo mớ ba, nón ba tầm tựa như nón của liền chị quan họ, chỉ vào các ngày rằm, hay lễ tết mới mang ra mặc. Các cô gái thể hiện tình cảm bằng tặng dây dao cho người mình yêu mến.

Cô dâu trình họ trong đám cưới của người Tày.

Mai một bản sắc

Tôi từng tới các xã có đông đồng bào Tày sinh sống như: Đại Lịch, Chấn Thịnh, Bình Thuận, Thượng Bằng La (Văn Chấn); các xã vùng Đông hồ (Yên Bình) và nhiều xã ở Trấn Yên, Văn Yên…Điều đáng buồn là trang phục của người Tày, dân tộc chiếm 17% đứng thứ 2 ở Yên Bái đã không còn gắn bó với những nếp nhà sàn nữa. Lục Yên vốn là nơi có đông đồng bào Tày sinh sống (chiếm 52% dân số toàn huyện).

Xã vùng cao Lâm Thượng lại chiếm tới 97% là dân tộc Tày. Bà Hoàng Thị Hằng cho biết, trước đây áo chàm là trang phục sinh hoạt hàng ngày của người Tày. Nhắc lại chuyện thời bà còn trẻ, ở xã Lâm Thượng này có đình Làng Trang. Ngày ấy cứ tết đến, bà lại cùng các thiếu nữ mặc áo mớ ba, đầu đội nón ba tầm từ các thôn, bản đổ về dự hội đình ném còn, đánh yến thật vui.

Nhưng giờ thì đình không còn và hội cũng không! Đặc biệt, sau này vào những năm 1966 do làm ruộng đồng, nương rẫy vướng víu, các cô gái Tày chuyển sang mặc áo cỏm và váy ngắn. Bởi vậy đến bây giờ Lâm Thượng thiếu nữ Tày không còn biết làm áo chàm, dệt mặt chăn, dây dao thổ cẩm, làm nón, đan lát và mặc áo cỏm, váy ngắn, đầu đội nón truyền thống nữa. Thiếu nữ Tày ra khỏi làng đều đã mặc quần bò, áo bó.

Áo cỏm và váy ngắn chỉ còn dành cho người già và trung tuổi. Hỏi vì sao không mặc đồ truyền thống, các cô đều trả lời "hồn nhiên": Vì không hợp mốt, vì mất thời gian…

Chị Triệu Thị Tám ở bản Hin Lạn A tâm sự: "Mình nghĩ sau này chắc cũng mất hết bản sắc. Vì hiện nay, chỉ đám cưới cô dâu, chú rể người cùng xã mới mặc trang phục truyền thống của người Tày, con gái trong xã lấy chồng ở huyện hoặc xã khác toàn mặc áo tân thời và áo cưới như ở dưới xuôi. Bọn trẻ bây giờ nghe đài, xem ti vi nhiều đua đòi theo mốt lắm! Mình có hai đứa con gái, chẳng đứa nào chịu mặc trang phục dân tộc mình. Mà chúng cũng không biết mặc, phải mặc hộ chúng. Đứa thứ hai giờ đang học lớp 11 đòi hết quần bò, áo phông lại ép tóc nữa chứ, chỉ khổ bố mẹ thôi! Mình còn đang lo chỉ đến đời cháu mình thôi, nó còn không biết nói tiếng Tày chứ đừng nói gì đến áo Tày !".

Xin giữ áo chàm

Thật đáng quí và trân trọng khi ở Lâm Thượng hay những vùng quê của người Tày hôm nay còn những con người như bà Hoàng Thị Hằng ngày ngày gìn giữ, nâng niu các giá trị văn hoá truyền thống. Từng là đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái các khoá 4, 5 từ 1971 đến 1976, bà không khỏi tự hào với bộ trang phục chàm của dân tộc mình mỗi lần đi tham gia quyết định những vấn đề lớn của quốc gia, dân tộc ở thủ đô Hà Nội. Nét đẹp của bộ trang phục đã từng hút mắt các phóng viên báo chí trong và ngoài nước hướng ống kính chụp ảnh, phỏng vấn bà.

Với bộ trang phục ấy, bà được chụp ảnh lưu niệm cùng cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng. Tự hào lắm chứ! Bản sắc dân tộc, những nét đẹp riêng có ấy không thể không gìn giữ. Nhìn sang tỉnh bạn, mảnh đất Bắc Hà (Lào Cai) dập dìu du khách bởi nơi đây vẫn còn những cô gái Mông đong đưa váy, áo đến chợ phiên bán những sản vật của núi rừng.

 

Bà Hoàng Thị Hằng (phải) đang giới thiệu về cách làm mặt chăn thổ cẩm và áo chàm.

Áo chàm, áo cỏm của đồng bào Tày sẽ gắn liền với những nếp nhà sàn truyền thống. Giờ tuổi đã cao, hàng ngày bà Hằng vẫn mặc áo cỏm; vào ngày lễ, tết bà mặc áo chàm mớ ba vấn khăn. Bà nhắc nhở con cháu gắng giữ gìn bản sắc. Con trai bà trưởng thành công tác tại huyện có cô con gái đi lấy chồng, bà vẫn nhắc cháu mặc áo chàm mớ ba, đầu đội nón ba tầm về nhà chồng.

Chị Vi Thị Hoa, cũng ở thôn Gia Tự, có 3 con gái lấy chồng vẫn làm đồ cưới và mặc trang phục dân tộc về nhà chồng. Để giữ trang phục truyền thống, bản sắc dân tộc Tày, ông Hoàng Văn Thành - Phó chủ tịch UBND xã Lâm Thượng cho rằng: "Thời gian tới bên cạnh tập trung tuyên truyền sâu rộng tới từng hộ gia đình thông qua các chi bộ, trưởng thôn, bản về nét đẹp của trang phục truyền thống, khuyến khích gìn giữ và phát huy, xã sẽ chuẩn bị tốt cho hội thi trang phục dân tộc ở huyện. Thông qua Hội Phụ nữ, xã tổ chức tiếp các hội diễn văn nghệ, cho diễn viên mặc trang phục áo chàm truyền thống hát khắp, hát coọi".

Tôi rời Lâm Thượng với hy vọng một ngày không xa trở lại, đình Làng Trang sẽ được tôn tạo. Ngày lễ, ngày tết thấy lại hình ảnh các cô gái Tày trong trang phục áo chàm ném còn, đánh yến hút hồn khách phương xa. Và những vần thơ "Áo chàm đưa buổi phân ly/ Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay!" trong bài Việt Bắc của Tố Hữu không còn là hình ảnh của "thời xa vắng"!

M.Đ

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục