Hãy cứu lấy nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà!

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/8/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Không chỉ có tiềm năng về thuỷ điện và du lịch, hồ Thác Bà còn có tiềm năng rất lớn về thuỷ sản. Nhiều năm qua, nguồn thuỷ sản này đã nuôi sống hàng nghìn hộ dân ven hồ, nhưng thật đáng buồn là theo thời gian mà tiềm năng này giờ đang cạn kiệt!

Hàng năm, tỉnh vẫn thả hàng triệu cá giống bổ sung xuống hồ Thác Bà nhưng do không quản lý được phương thức khai thác thủy sản nên cá trên hồ vẫn cạn kiệt.
Hàng năm, tỉnh vẫn thả hàng triệu cá giống bổ sung xuống hồ Thác Bà nhưng do không quản lý được phương thức khai thác thủy sản nên cá trên hồ vẫn cạn kiệt.

Bao giờ cho đến ngày xưa?

Đối với nhiều người đã từng biết hoặc gắn bó với hồ Thác, ngày xưa Thác Bà đều là những kỷ niệm đẹp. “Thời bao cấp, hồ là nơi cung cấp thuỷ sản cho cả tỉnh. Ngày đó, khoắng xuống nước là có cá. Vào mùa cá chép vật đẻ, ùm ùm như trâu đằm. Có lần thuyền đi đúng vào luồng cá, động, cá nhảy cả lên thuyền. Vì vậy, có mẻ lưới chúng tôi đánh được cả chục tấn cá, toàn cá to”, ông Phùng Văn Sơn – Đội phó đội kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Trung tâm Thuỷ sản Yên Bái, người có gần 40 năm gắn bó với hồ Thác, bồi hồi nhớ lại.

Với tôi, thời thơ ấu đã gắn bó với hồ Thác Bà, không chỉ bởi nhà tôi gần hồ mà lũ bạn tôi toàn con em công nhân thuỷ sản. Sáng sáng, chúng tôi dậy sớm để ngắm nhìn những tàu đánh cá rộn rã ra đi. Chiều chiều, chúng tôi lại chạy theo xe đông lạnh của Công ty Thương nghiệp tỉnh vào  cảng lấy cá. Mỗi khi tàu đánh cá cập bến, những sọt cá được người công nhân kìn kìn chuyển lên bờ, nào cá măng, chép, cá mè hoa, nhiều nhất là cá trôi, ngão, chầy, trắm, diếc...

Thời gian trôi nhanh, những kỷ niệm đẹp về hồ Thác Bà giờ chỉ còn là ký ức. Giờ đây, thi thoảng có bạn bè tỉnh khác đến chơi, chúng tôi thường đưa đi du lịch hồ. Dù chịu khó để ý nhưng chẳng bao giờ tôi thấy hình tôm, tăm cá. Hồ nước mênh mông giờ đây chỉ còn mầu xanh rờn rợn và không còn cảnh  những đoàn thuyền tấp nập cập bến với nét mặt hân hoan của ngư dân trên hồ. Thay vào đó là  những khuôn mặt khắc khổ; những ánh mắt buồn của họ sau cả ngày vất vả và sản phẩm chỉ là đôi ba cân tôm tép hay cá nhỏ.

Một trăm lẻ một kiểu đánh bắt cá

“Nếu cứ đánh bắt bình thường thì cá hồ Thác Bà không bao giờ cạn kiệt”, ông Mai Văn Trạm - cán bộ Trung tâm Thuỷ sản, người gắn bó với hồ Thác từ những năm 70 của thế kỉ trước khẳng định.

“Vì sao hồ Thác trước đây nhiều cá? Đó là do hồ mới đắp, môi trường trong sạch, nhiều sinh vật phù du sinh sống là nguồn thức ăn là điều kiện tốt để cá phát triển. Nhưng quan trọng hơn đó là do công tác nuôi trồng, quản lý được thực hiện tốt. Lúc đó, hồ do Công ty Thuỷ sản quản lý, bây giờ là hồ công cộng, mặc dù vẫn có quy định phải có đăng ký mới được đánh bắt, tuy nhiên  chẳng ai chấp hành, quản lý lỏng lẻo, mạnh ai nấy bắt. Dân dùng mìn, lưới vét, kích điện và thuốc độc thì cá nào còn!” - ông Trạm đau xót nói.

Theo chỉ dẫn, chúng tôi có mặt tại bến cảng Km 11 – thị trấn Yên Bình, nơi tập trung đánh bắt của nhiều “ cá tặc”. Vừa đổ dầu vào động cơ, Kh. một  “ quái kiệt” trong nghề đánh bắt cá khoe: “ Loại kích giàn ngày của em, người cũng chết chứ không nói là cá”. Để kiếm sống, người ta có thể áp dụng các phương tiện tiên tiến nhất mà bất chấp hậu quả. Trước đây, dân đi hồ thường đánh điện bằng bình ắc quy, tuy nhiên loại này nhẹ, phạm vi sát thương không lớn nên vài năm gần đây, khi những động cơ Trung Quốc nhập về nhiều, đánh điện bằng bình ắc quy đã được nâng cấp bằng máy kích điện. Chỉ cần đầu tư trên dưới 10 triệu đồng, mua một máy nổ, một máy phát điện và vài thứ lặt vặt khác là “ cá tặc” đã có một máy diệt cá “ hoàn hảo”. Đầu máy vừa là động cơ chạy thuyền vừa phát điện qua một cục kích điện. Dòng điện một chiều được đưa xuống nước qua hai cây tre dài 4 – 5 mét chĩa sang hai bên như con xiến tóc và thuyền  vừa chạy, điện xung quanh thuyền bán kính tới hàng trăm mét vuông, chẳng cá nào chạy thoát.

Lân la hỏi thăm, Kh. cho biết: “Kích điện săn cá cũng “ác” nhưng cao thủ diệt nhiều cá hơn thì phải dùng... mìn. Cá lớn, cá bé, to nhỏ... chết tất”. Nhưng không phải đánh bừa bãi như trước, dễ bị phát hiện mà phải nhử cá vào một điểm, dân hồ thường gọi là “ỏi cá”. Bằng cách dùng ngô, sắn... thả xuống  nước, đánh dấu, cá quen ăn vào là... chết. Mìn dùng đánh “ỏi” chỉ cần 1, 2 lạng, nhưng nếu có kinh nghiệm, biết hướng di chuyển của đàn cá, dùng tới 5, 6 lạng thuốc, may mắn có thể được hàng tạ. Ở hồ, kiếm mìn không khó vì có nhiều công trường khai thác đá, vài chục nghìn đồng là có ngay!

Cách đánh cá thông dụng nhất trên hồ là lưới, nhưng giờ đây, lưới đánh cá trên hồ cũng đã “ nâng cấp” lên rất nhiều, đó là lưới vét mắt nhỏ, rộng 4 – 5 mét, dài 140 mét. Đối với loại này, ngày thì dùng thuyền kéo và đêm thì chăng sau đó dùng đèn soi để bắt cá hướng quang - loại cá thấy ánh sáng là tìm đến. Với loại lưới vét này, có thể bắt từ đòng đong, cân cấn, tép dầu..., những loại cá nhỏ nhất.

Trên mặt hồ đã vậy, trên bờ người dân lại dùng phương pháp “ác liệt” hơn, đó là “ruốc cá”. Do hồ Thác là nơi hợp lưu của hàng nghìn dòng suối lớn nhỏ, do đó dân ven hồ cũng có một trăm lẻ một cách “hạ độc” cá. Họ dùng các loại củ cây, lá... có độc tính như: lá hoắt, lá dòng, hạt thàn mát... thả vào các dòng suối. Cá bị đầu độc ngất hoặc chết nổi lên hàng loạt, chỉ cần vớt đem về.

Phương tiện đánh bắt hiện đại tàn sát, tuy nhiên cuộc sống của hàng nghìn hộ ngư dân của gần 30 xã ven hồ của hai huyện Yên Bình và Lục Yên vẫn vậy, không nói là ngày càng lụi bại đi bởi nguồn lợi thuỷ sản không còn. Nhiều cao thủ trong nghề cá phải rửa tay, gác kiếm” bỏ đi nơi khác kiếm ăn!

Cần cứu lấy hồ Thác Bà!

Bị đánh bắt như một hồ vô chủ nhưng trên thực tế, hồ Thác vẫn có chủ bởi vẫn được một đơn vị quản lý đó là Trung tâm Thuỷ sản Yên Bái. Được tỉnh giao nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trên hồ, hàng năm, theo kế hoạch, Trung tâm vẫn ươm và thả một lượng cá giống  không nhỏ xuống hồ, đồng thời tổ chức chuyển giao KHKT về nuôi trồng thuỷ sản cho người dân. Nhưng, thả mà không bảo vệ được thì cũng bằng không!

Ông Phùng Văn Sơn - Đội phó đội Kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho biết: “Từ trước đến nay, tỉnh mới chỉ có một quy chế quản lý khai thác nuôi trồng thuỷ sản được xây dựng từ năm 1997. Hơn thế, từ năm 2007 đến nay, do có việc chuyển đổi về bộ máy nên hoạt động của kiểm soát bảo vệ rất khó khăn”.

Tìm hiểu được biết, năm 2007, khi Chính phủ có chủ trương sáp nhập thuỷ sản về ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn nên tổ chức bộ máy, chức năng của ngành thuỷ sản có nhiều thay đổi. Trung tâm Thuỷ sản Yên Bái vẫn còn nhiệm vụ bảo vệ trên hồ, nhưng công tác này gặp rất nhiều khó khăn do trước đây, đội kiểm soát hoạt động theo quy chế hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi, tỉnh không thành lập chi cục thuỷ sản, do đó không có lực lượng thanh tra.

“ Biết vi phạm Luật Thuỷ sản đấy nhưng khó xử lý vì  cán bộ Trung tâm không còn thẩm quyền xử phạt hành chính” - ông Sơn cho biết thêm. Cụ thể, trong khi tuần tra, phát hiện việc dùng mìn đánh cá, đối tượng vẫn có thể chối bỏ tội vì thẩm quyền của đội không có quyền kiểm tra, giữ người... Hơn thế, đối với các vi phạm, dù có bắt được, Đội chỉ lập biên bản để giao cho  chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng xử lý. Mà để xử lý được một vi phạm hành chính rất phức tạp, rất nhiêu khê vì nhiều khi: “Địa phương và cơ quan chức năng cũng không hiểu hết những vi phạm trong lĩnh vực thuỷ sản này” . Trên thực tế, vẫn kiểm tra và nhắc nhở là chính, nếu xử lý, chẳng khác nào “ mua dây buộc mình”.

Mười chín ngàn ha mặt nước mà không đem lại nguồn lợi thuỷ sản, không nuôi sống được dân ven hồ quả đang là một lãng phí lớn! Từ thực tế đã đặt ra một bài toán cần có lời giải. Đó là những chính sách khuyến khích đầu tư nuôi trồng thuỷ sản trên hồ để thu hút các các tổ chức, cá nhân tham gia. Hơn hết, hồ Thác cần một cơ chế quản lý hữu hiệu, trong đó cần quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân, đơn vị, các cấp, các ngành và địa phương, đặc biệt là đối với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ quản lý nguồn lợi thuỷ sản trên hồ Thác...

Với  sự đầu tư như hiện nay, chỉ cần quản lý tốt, trong vài ba năm  cá trên hồ sẽ sinh sôi, hồ Thác Bà sẽ lại như trước - nhiều người lạc quan như vậy.

Nguyễn Đình

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục