Nắng ở bên kia hồ

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/11/2010 | 10:00:24 AM

YBĐT - “Chuyện làm ăn không có gì to tát, quá sức, đều là những cái mà Mỹ Gia đã có, đang có. Khó không bó khôn, ý chí của lãnh đạo địa phương cũng là ham muốn của bà con các dân tộc!”.

Sớm mai trên hồ Thác Bà.
Sớm mai trên hồ Thác Bà.

Bỗng dưng tôi thấy Mỹ Gia tựa ngôi nhà đẹp! Trên bến dưới thuyền. Hồ xanh. Núi xanh. Rừng xanh. Tôi cũng thấy nắng thu Mỹ Gia quyến rũ như cái nắng mật ở miền Tây. Non hai mươi năm trước, chưa có đường Đông hồ bây giờ nhộn nhịp người xe, về Mỹ Gia người ta thường lên tầu khách của Công ty Vận tải thuỷ bộ Yên Bái. Từ bến Hương Lý, ngồi tầu hứng gió hồ chừng hai, ba tiếng là cập. Tầu neo lại Cẩm Nhân cho lái tầu, thuyền viên ăn nghỉ, đón chờ khách ra Yên Bình, Yên Bái.

Bí thư Đảng ủy Hoàng Thế Dương bấy giờ là Phó bí thư Thường trực Đảng ủy. Anh là người dân tộc Tày, con trai cán bộ lão thành cách mạng Hoàng Đức Tình và là cháu nội cụ Hoàng Đức Toàn - một trong những người lãnh đạo giành chính quyền ở Mỹ Gia, thành lập Đảng bộ xã (1948) và là Bí thư Liên chi bộ, Chủ tịch Việt Minh lâm thời của xã Đức Thịnh bấy giờ thuộc tổng Đức Thành, gồm: Mỹ Gia, Cẩm Nhân, Xuân Lai. Non hai mươi năm, giờ nhắc lại đã thành xửa xưa. Anh Dương còn nhớ, khi ấy mấy anh em báo chí về cồng kềnh máy móc, đồ đạc, ai cũng tóc dài dài, người gầy gầy, hao hao như  nhau cả. Thuốc lá pha thuốc lào, đi khắp vùng hồ, vùng rừng, đêm về chuyện thâu trên sàn nhà, nhâm nhi rượu hoẵng.

Thực ra, Mỹ Gia cũng như mấy xã phía Đông hồ Thác Bà mới được quảng bá ra ngoài từ khi tỉnh đầu tư xây dựng đường Vĩnh Kiên - Yên Thế. Trước đó, đường nhỏ hẹp, gồ ghề, đi đến khổ. Đường khai thông, kể như là một sự đổi đời với đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu... Có đường, Mỹ Gia gần hơn với huyện, với tỉnh. Các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội về xã nhiều hơn. Rồi một ngày, Mỹ Gia có điện. Điện sáng từ Gò Xoan, Pắc Pó, Khuẩy Thảo tới Đồng Tâm, Phú Mỹ, Trung Tâm. Nhà nước quan tâm đầu tư khá đồng bộ cho xã cơ sở hạ tầng kinh tế dân sinh: trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc của Đảng uỷ - HĐND - UBND, thuỷ lợi...

Về diện mạo thì thế nhưng Mỹ Gia vẫn chưa bứt lên được. Bí thư Đảng uỷ Hoàng Thế Dương xòe hai lòng bàn tay: “Anh xem, 18 cây số vuông diện tích thì mặt hồ đã chiếm 198 ha, rừng tự nhiên trên 74 ha, đất trồng rừng sản xuất non 100 ha, đất lúa chòng chọc 22,7 ha, còn lại là... núi đá!”. Nhìn sang đất Xuân Lai, Vĩnh Kiên, Phúc An và sát kề là Cẩm Nhân thì mới thấy anh có lý. Đi qua Phúc An, tôi ghé thôn Đồng Tanh. Mặt hồ - những bè cá lồng san sát, tiếp nhau tận chân rừng trên đảo.

Mỹ Gia cũng có mặt nước hồ nhưng sát bờ, độ dốc lòng hồ lớn nên có chuyện bà con làm lồng nuôi cá, nửa mùa nước cạn đành bắt cá lên bán non, chẳng nhằm nhò gì. Lợi thế mặt nước hồ đành để như bức tranh chơi. Núi đá, Mỹ Gia toàn núi đá. Mới rồi, UBND xã phải di dời mấy chục hộ dân vì sợ đá rơi đá sạt. Đất trồng rừng căng hết khoảng trăm ha, đâu mênh mông như mấy xã cùng dải ven hồ. Đất sản xuất nông nghiệp cho trên 1.300 nhân khẩu là 22 ha ruộng khe núi, đất trồng màu phập phù vì phụ thuộc vào sự lên xuống của nước hồ. Đất đai khó thế nên về Mỹ Gia thấy vắng bóng thanh niên, phần đa số thoát ly hoặc đi lao động kiếm sống ở ngoài.

Chuyện ngắn chuyện dài rồi tôi đi Phú Mỹ. Thì trên cao cũng toàn núi đá, dưới chân núi là hồ. Phú Mỹ ít nhà xây, chủ yếu là nhà sàn. Nhà dân bám chân núi, sát ven hồ. Chuyện chính vẫn là chuyện làm ăn. Anh Liêm -Trưởng thôn tra sổ sách: “36 hộ, 100% là người dân tộc Tày; đất canh tác tận dụng khoảng 60 ha, toàn đất ven hồ không thể cấy lúa”. Anh Liêm nói về về triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng phát triển kinh tế, khá dài nhưng đại ý: phát triển chăn nuôi, trồng lạc dưới cốt hồ. Tôi ghi rối mươi dòng rồi giục anh ra vùng màu dưới cốt. Trên đồng bãi là những đồng lạc mướt mắt. Đương mùa lạc chín. Những người đàn bà đang vén luống, chuyện bằng tiếng Tày, cười khinh khích. Trưởng thôn ới chào, rồi chúng tôi chân đã ngút trong đồng lạc.

Chị Lương Thị Nga nói vội: “Năm ngoái, gia đình trồng ba mẫu, giống lạc L14, thu về trên 40 triệu đồng. Năm nay, tính bình quân 8.000 đồng/kg củ tươi, ước thu về khoảng 45 triệu đồng. Chị Nông Thị Thìn thì nhanh nhảu: “Đất này trước bỏ không đấy anh! Nay bà con trồng lạc nên cũng khá lên, không thì gay lắm đấy!”. Thìn kể: “Trồng một mẫu nhưng chỗ nhà em tốt hơn nhà Nga, em thu được 20 triệu, thêm khá tiền cho con cái ăn học”.

Còi xe máy bim bim. Chủ tịch UBND Lân Trọng Huyên phóng xe ra. Chuyện trồng lạc dưới cốt sôi nổi hẳn lên. Anh Huyên cho biết, năm ngoái bà con trồng lạc thu 64 tấn củ tươi, thu về trên 500 triệu đồng. Trồng lạc dưới cốt hồ - đó là chủ trương đúng của Đảng ủy Mỹ Gia và là một thành công trong lãnh đạo sản xuất nông nghiệp. Nhưng về lâu dài, tiền thu từ lạc cũng chỉ phụ thêm để bà con trang trải cuộc sống chứ khá giầu thì khó. Chị Nga, chị Thìn, Trưởng thôn Liêm, Chủ tịch Huyến đều nhất trí cao. Nga cười: “Phải nuôi con trâu, con dê mới khá lên chứ!”. Thì mới biết, ngoài trồng lạc, gia đình chị được nhiều bà con trong thôn, xã đã đến học tập cách chăn nuôi. Mấy anh chị em tới nhà Nga.

Ngoài bãi, đàn trâu như mộng đang gặm cỏ. “Sáng thả trâu, chiều thả dê” - Nga nói vậy. Trước mắt tôi đàn dê 40 con vẻ ngứa ngáy muốn tháo tung then cài chuồng ùa ra đồng cỏ. Trừ chi phí, 40 triệu đồng thu từ trồng lạc cộng 50 triệu tiền bán dê thịt, vị chi gia đình thu lãi 90 triệu/năm. Thế thì gia đình nông dân ở đất núi đá này kém gì mấy anh trồng rừng triệu phú ở Phúc An, Vĩnh Kiên? Hoá ra, cái khó không bó được cái khôn. Chăn nuôi đã đem lại sự khấm khá cho người dân.

 Trong số các mô hình chăn nuôi có thể kể: Đàm Thanh Liêm, Đàm Văn Ngân, Nông Văn Vương... Riêng hộ ông Liêm thường xuyên có đàn trâu bò giống, sinh sản từ 20-25 con. Mỹ Gia không chỉ sôi nổi chuyện nuôi trâu bò, lợn, dê. Xã đã có 6 hộ nuôi nhím, bình quân mỗi hộ có 4 cặp giống. Đáng kể nhất là mô hình của anh Vũ Luật ở thôn Khuấy Thảo. Từ một cặp giống, nay anh đã có 4 cặp, năm ngoái đã hoàn gốc và thu lãi 200 triệu đồng. Mỹ Gia cũng đã có mô hình nuôi gia cầm theo hướng trang trại 1.000 con của gia đình anh Lý Minh Quân, Lâm Hoàng Hoàn - toàn chuyện làm ăn mới!

Người dân thôn Phú Mỹ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ trồng lạc dưới cốt hồ Thác Bà.

Mê mải Mỹ Gia, tôi đi một vòng qua Cẩm Nhân để về Đồng Tâm. Mênh mang là rừng, toàn keo lai thân mập như măng. Trưởng thôn Mã Văn Dương đưa tôi đi thăm rừng trên đảo. Gió hồ rười rượi. Rừng non từng lớp, từng lớp tung hứng với gió. Những người đi thăm rừng chào chúng tôi rồi quây lại để chuyện. “Đây là Mã Văn Quỳnh, đây là Mã Văn Giáp, đây là Hoàng Quốc Chính. Triệu phú rừng, còn Dương Văn Mươi, Nguyễn Thị Hiên... nữa” - anh Dương giới thiệu. Những nông dân chính hiệu này là những ông, bà chủ, ít nhất cũng có đồi rừng trị giá vài trăm triệu.

Anh Mã Văn Nghinh nói: “Không trồng rừng thì nhăn răng như xưa thôi. Cũng nhờ được sự quan tâm của Nhà nước, khuyến nông giúp đỡ nên bà con đã trồng rừng rất kinh tế”. Thực ra, đất trồng rừng của xã không nhiều. Trong số mươi triệu phú trồng rừng ở “rốn” rừng kinh tế của Mỹ Gia này thì diện tích khá nhất cũng chỉ trên chục ha. Vì thế, ngoài rừng bà con đã phát triển chăn nuôi để tăng thu nhập. Nuôi trâu bò có Mã Văn Quỳnh, Mã Văn Dương, Mã Văn Giáp; lợn thịt có Mã Văn Mươi, Mã Ngọc Tượng...Không quy mô như ở Phú Mỹ nhưng Đồng Tâm đã có nhiều hộ nuôi chục con trâu bò, 20 lợn nái, lợn thịt - đó là những mô hình đang phát huy hiệu quả kinh tế ở vùng “135” này.

Bên cạnh nỗ lực vươn lên của bà con, Đồng Tâm đã được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước. Chương trình 135 (giai đoạn 2) đã hỗ trợ công cụ sản xuất, vốn, con giống cho các hộ khó khăn; đường, điện đã thôn. Phấn khởi nhất là con em các hộ đi học đều được nhận tiền hỗ trợ. Như anh Mã Văn Nghinh - hộ nghèo đã được hỗ trợ vốn mua bò, hai con đi học được hỗ trợ tiền, nay một cháu học THPT, cháu kia đã học lên cao đẳng.

Ở trụ sở xã, các anh Hoàng Thế Dương-Bí thư Đảng ủy; Lân Trọng Huyên - Chủ tịch UBND; Hoàng Việt Hùng - Phó bí thư Thường trực Đảng uỷ cho biết, Chương trình 135 (giai đoạn 2) đã hỗ trợ nhiều tỷ đồng để xây dựng đường điện vào Phú Mỹ, Đồng Tâm, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ đời sống, đào tạo cán bộ... Mỹ Gia có thêm “cú hích” để vươn lên thoát nghèo. Đánh giá của BCH Đảng bộ lần thứ XX cho thấy: tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 5,2% so với đầu nhiệm kỳ, chỉ còn 9,8%; bình quân thu nhập trên 9 triệu đồng/người/năm; các chỉ tiêu văn hoá xã hội đều khá: xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, giáo dục đạt phổ cập ở mức độ 1...

 Hộ ông Đàm Thanh Liêm thường xuyên có đàn trâu bò sinh sản trên 20 con.

So với trước, Mỹ Gia đổi thay nhiều lắm. Tôi không nói về con đường Đông hồ khai sáng kia, về điện - trường - trạm, đổi thay lớn nhất mà tôi thấy chính là trong tư duy và hành động của lãnh đạo, cán bộ công chức và thôn bản. Đã ít đi những lời kêu khó, những đợi chờ, thay vào đó là tinh thần chủ động và một nội bộ đoàn kết hơn. Tôi nhớ lại lúc anh Dương xòe hai lòng bàn tay nói về cái thế tự nhiên rất khó của Mỹ Gia. Vậy làm thế nào để năm 2015 thu nhập bình quân/người/năm đạt 22 triệu đồng như  nghị quyết đề ra trong Đại hội Đảng bộ lần thứ XXI? Bí thư Hoàng Thế Dương trầm tĩnh nhưng quyết liệt: “Phải thay đổi mạnh mẽ tư duy trong lãnh đạo và thực hiện, từ cán bộ tới nhân dân. Mô hình đã có phải phát huy nhưng cũng phải xây dựng nhiều mô hình mới. Không có mô hình thì có nói tốt, hay tới mấy cũng khó vào dân”.

Chủ tịch UBND xã Lân Trọng Huyên thì ngắn gọn: “Nông nghiệp làm mạnh lạc dưới cốt hồ, trồng ngô hè thu và vụ đông. 5 năm tới đưa chăn nuôi chiếm 60% tỷ trọng sản xuất nông nghiệp bằng cách: cải tạo đàn trâu, Sind hoá đàn bò, trồng cỏ nuôi gia súc, nhân rộng mô hình nuôi nhím, nuôi thỏ. Lâm nghiệp thì trồng mạnh rừng kinh tế, trồng tre măng Bát Độ. Tập trung đầu tư cho hạ tầng cơ sở kinh tế và dân sinh”. Anh Hùng thì sâu sắc: “Chuyện làm ăn không có gì to tát, quá sức, đều là những cái mà Mỹ Gia đã có, đang có. Khó không bó khôn, ý chí của lãnh đạo địa phương cũng là ham muốn của bà con các dân tộc!”.

Tôi đem ý nghĩ về Mỹ Gia như ngôi nhà đẹp nói với lão thành cách mạng Hoàng Đức Tình. Ông chuyện một thôi về Đức Thịnh của tổng Đức Thành xưa và phấn chấn trước đổi thay ở vùng quê mà lớp cha anh và những người như ông cùng đồng bào các dân tộc dưới cờ Đảng đã đấu tranh, hy sinh giành lấy tự do - độc lập. Ông tin Mỹ Gia rồi sẽ thành nhà đẹp. Ngôi nhà ấy kết tinh của ý Đảng, lòng dân. Tôi cũng tin như vậy. Và hay chưa, nắng đã lên tươi sáng khắp vùng hồ!

T.A - Mỹ Gia tháng 10.2010

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục