Theo dấu chân tình nguyện

Bên dòng Nậm Có

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/7/2011 | 9:04:30 AM

YBĐT - Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè của "Năm Thanh niên 2011" thực sự mang lại cho tôi niềm phấn khích lạ thường và gợi nhớ một thời sinh viên sôi nổi, trẻ trung với những mùa hè tình nguyện nơi vùng cao...

Đội viên Đội thanh niên tình nguyện số 3 cắt tóc cho các em nhỏ...
Đội viên Đội thanh niên tình nguyện số 3 cắt tóc cho các em nhỏ...

Chuyến xe khách chạy tuyến Yên Bái - Mù Cang Chải đưa Đội thanh niên tình nguyện số 3 xuất quân tại Trường Trung cấp Y tế Yên Bái vào lúc 6 giờ sáng ngày 8.7.2011. Gần 150 km đường đèo dốc quanh co không hề làm cho 9 thành viên mệt mỏi. Những lời ca, tiếng hát đầy hào hứng và ngân vang.

Ngoài anh Đàm Văn Đạt - cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn, Đội trưởng Đội thanh niên tình nguyện số 3, tôi thực sự ấn tượng với các đội viên. Họ là 7 trong số 62 đoàn viên, thanh niên trí thức trẻ tiêu biểu được lựa chọn từ gần 500 đơn đăng ký tham gia Chiến dịch tình nguyện hè 2011 đến từ Trường Cao đẳng Sư phạm, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật & Du lịch, Trường Cao đẳng Nghề, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật, Trường Trung cấpY tế... Các bạn đã được tập huấn, chuẩn bị kỹ lưỡng để trực tiếp tới các địa bàn khó khăn "ba cùng" với đồng bào.

Hơn 10 giờ trưa, chúng tôi có mặt tại địa điểm tập kết được phân công nhiệm vụ hoạt động - xã Nậm Có (Mù Cang Chải). Trời bất chợt đổ mưa lớn, nước lũ từ đầu nguồn cuồn cuộn đổ về khiến dòng Nậm Có dâng nhanh và ngầu đỏ. Con đường độc đạo từ quốc lộ 32C nối vào Nậm Có bị dòng suối Có chặn ngang, chìm sâu dưới lòng suối. Nào gạo, nào cá khô, nào mỳ tôm, mắm muối, lạc khô... được chúng tôi phủ áo mưa thật kỹ và được "trân trọng" đội lên đầu trong khi chờ nước rút. Sau hơn một giờ đồng hồ, với sự đón tiếp của đông đảo đoàn viên thanh niên xã Nậm Có, chúng tôi cùng nắm tay nhau vượt suối.

Đồng chí Hoàng Văn Nhất - Phó bí thư Đoàn xã niềm nở pha chút hóm hỉnh: "Nhiệt liệt chào đón sự có mặt của các bạn!".

Thời gian nghỉ ngơi nhanh chóng kết thúc, ngay đầu giờ chiều, đội tổ chức buổi làm việc đầu tiên để đặt vấn đề, thông báo lịch trình công tác với Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương. Kế hoạch hoạt động đã nhận được sự đồng thuận và nhất trí cao.

Đội được bố trí chỗ ăn, nghỉ tập trung tại khu nhà công vụ dành cho giáo viên của Trường Tiểu học Vừ A Dính ở bản Có Thái - trung tâm xã. Bữa cơm đầu tiên của cả đội vào buổi chiều hôm đó thực sự là một kỷ niệm khó quên. Thức ăn tuy chỉ toàn đồ khô nhưng ai cũng cảm thấy ngon miệng. Đêm Nậm Có, bầu trời không một ánh sao, không gian tĩnh lặng, thỉnh thoảng nghe tiếng rả rích của côn trùng. Cả đội có một đêm ngủ rất ngon mặc dù chưa ai quen ngay với khí hậu vùng cao.

 

Đào hố rác để giữ vệ sinh môi trường.

Khác hẳn với đêm, sáng sớm ở Nậm Có vô cùng ấn tượng. Mặt trời lấp ló trên đầu núi, ánh hồng rực rỡ rồi từ từ vượt đèo, tỏa sáng khắp thung lũng đang ngủ yên. Tiếng ầm ào của dòng Nậm Có, tiếng gù gù của những chú chim câu, tiếng ríu ran của bầy sẻ rừng... tạo nên bản giao hưởng vui tươi, tràn sức sống.

Công việc của đội bắt đầu. Có sự giúp sức của lực lượng đoàn viên địa phương và Chi đoàn giáo viên Trường Tiểu học Vừ A Dính, chúng tôi chia làm 3 tốp nhỏ, phân công nhiệm vụ rõ ràng: tốp đào hố rác, khơi thông dòng chảy, làm cỏ, quét dọn vệ sinh khu vực trung tâm xã và trường học; tốp tập hợp thiếu nhi để cắt tóc, gội đầu, cắt móng tay, tắm, làm vệ sinh cá nhân; tốp còn lại đi tuyên truyền tận các hộ gia đình về an toàn giao thông, phòng chống ma túy, sức khỏe sinh sản, sinh đẻ có kế hoạch...

Những hố rác chất đầy; hơn 40 lượt em nhỏ được cắt tóc, gội đầu; đến thăm, tặng quà gần chục gia đình thuộc diện chính sách, có công với cách mạng, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trên 100 đoàn viên thanh niên, người dân được phát tài liệu tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước... là khối lượng công việc lớn mà đội đã hoàn thành nhưng không ai cảm thấy mệt mỏi.

Giờ nghỉ giải lao, lời ca tiếng hát lại cất cao. Buổi tối, đội tổ chức cho các em nhỏ tập múa hát, chơi trò chơi và giải đố vui có thưởng. Phần thưởng chỉ có vài chiếc bánh, kẹo nhưng các em tham gia rất đông vui, nhiệt tình.

Đồng chí Nguyễn Thị Hà - Bí thư Chi đoàn Trường Nậm Có (gồm Trường Mầm non Hoa Hồng, Trường Tiểu học Vừ A Dính, Trường THCS Lý Tự Trọng) vui vẻ nói: "Sự có mặt của thanh niên tình nguyện đã mang đến niềm vui cho người dân nơi đây. Công việc mà các bạn đã, đang và sẽ tiếp tục làm thực sự có ý nghĩa. Chúng tôi sẽ sát cánh cùng các bạn để thực hiện thành công mọi nhiệm vụ được giao".

Hơn 4 ngày ở Nậm Có, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền cũng như rất nhiều tình cảm yêu mến của nhân dân địa phương. Đội thanh niên tình nguyện cũng đã thực hiện nhiệm vụ tại bản Tu Sang, Nậm Pẳng... Tại đây, công việc chính của đội là phối hợp tổ chức tuyên truyền với nhiều nội dung; vệ sinh môi trường sống, tu sửa đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh, chăm sóc sức khỏe, làm vệ sinh cá nhân cho các em nhỏ, thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng, người già cô đơn không nơi nương tựa, học sinh nghèo vượt khó...

Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2011 với chủ đề "Thanh niên Yên Bái tình nguyện vì an sinh xã hội" là đợt hoạt động cao điểm của "Năm Thanh niên 2011" với phương châm hành động "Mỗi thanh niên và cơ sở Đoàn có ít nhất một hoạt động tình nguyện, góp phần bảo đảm an sinh xã hội". Đội thanh niên tình nguyện số 3 chúng tôi đã, đang và sẽ góp sức mình "bảo đảm an sinh xã hội".

(Kỳ II: Những ngày trên bản "ba không")

Thiên Cầm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục