"Rốn nghèo" của Xuân Long

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/9/2011 | 8:53:35 AM

YBĐT - Xã Xuân Long, huyện Yên Bình (Yên Bái) là xã đặc biệt khó khăn, trong đó thôn 11 là cái “rốn” của sự đói nghèo và thiếu thốn. Không điện, không đường, không trường, không nước sạch…, đời sống của người dân nơi đây vô cùng khốn khó.

Đường vào trong làng bắt buộc phải qua con suối lớn này.
Đường vào trong làng bắt buộc phải qua con suối lớn này.

Khốn khó trăm bề

Từ lời nhận xét của đồng chí Phó chủ tịch UBND xã Xuân Long -Hoàng Minh Xuân, chúng tôi đã tới thăm thôn 11 vào một buổi sáng. Con đường độc đạo dẫn vào làng là một con suối lớn, do không có đường nên đành lội bộ. Đi cùng tôi là anh Thang Văn Kiên người tình nguyện dẫn đường. Cũng vì ngăn sông cách núi nên 43 hộ dân nơi đây từ lâu đã trở thành biệt lập trong thung lũng sâu này. Nhìn hình ảnh cụ bà Nông Thị Ngọc 63 tuổi, lội bộ gánh hàng ra chợ xã với đôi chân chai sạn mà chúng tôi gặp trên đường vào khiến ai cũng phải chạnh lòng, đó cũng là hình ảnh chung của gần 200 người dân từ già đến trẻ nơi đây.

“Nhà tôi có hai đứa, đứa lớn học lớp 1, đứa nhỏ học mẫu giáo. Ngày nào cũng vậy tôi phải dậy từ 5 giờ sáng để cõng hai đứa đi học, đến 3h chiều lại đi đón chúng. Mỗi lần cả đi cả về mất hơn 3 tiếng đấy khổ lắm chú ạ. Mùa đông thì lạnh, mùa lũ nước to nên tôi cho chúng nó nghỉ học thường xuyên, làm sao mà đưa được mãi…” Bà mẹ người Dao - Đặng Thị Thanh than thở.

Được biết, chẳng riêng gì chị mà tất cả những hộ gia đình nơi đây có con nhỏ đi học đều chịu chung nỗi cực nhọc này, chính vì thế mà nhiều người đùa rằng “thôn này là thôn đặc biệt nhất vì cả mẹ lẫn con cùng đi học”. Có lẽ cũng vì giao thông đi lại khó khăn mà chuyện học sinh nơi đây bỏ học xảy ra như cơm bữa. “Ở đây khó khăn quá, không ai nghĩ đến chuyện đi học đâu. Đến nay cả thôn mới vinh dự có được một học sinh học lên đến cấp III, nhưng chưa chắc đã theo hết. Đời bố mẹ đã thất học cũng mong con cháu học cái chữ lắm, nhưng đành lực bất tòng tâm…” - Trưởng thôn Lê Quảng Bình giọng đầy tiếc nuối.

Đường đã vậy mà điện ở đây cũng không có. Với người dân nơi đây thì điện như một giấc mơ xa xỉ. “Sống dầu đèn, chết kèn trống” thôi. Tôi gần đất rồi chỉ mong sao con cái sau này được có điện, được xem cái tivi …”, cụ ông Hoàng Văn Lược nói.

Không điện thắp sáng, cuộc sống của họ cứ mãi tăm tối trong núi rừng sâu thẳm vì mù thông tin. Cuộc sống hàng ngày đã vậy, nhưng khi đau ốm việc lo chỗ khám chữa bệnh cũng thật gian nan. Ở đây bất kể ốm đau bệnh tật hay sinh đẻ người dân đều phó mặc cho ông trời và những bài thuốc nam gia truyền, thậm chí phó mặc số phận cho thầy bói, thầy cúng trong làng… Chẳng thế mà đã có biết bao cái chết oan nghiệt do không được cứu chữa kịp thời. Ở đây chẳng có ai không biết đến cái chết của bà Hoàng Thị Môn, Hoàng Thị Ái hay cái chết trẻ của cậu con trai Trưởng thôn, chỉ là bị cảm nhưng do đường quá xa khi đưa ra đến trạm y tế xã thì đã quá muộn. Cũng không còn ai nhớ nổi những lần “thừa sống thiếu chết” trên đường ra trạm y tế của người dân trong bản.

Thứ có thể coi là giàu có nhất mà người dân nơi đây có được là nước uống vì nhà nào cũng có một vòi nước tự chảy được lấy về từ các con suối. Thế nhưng, có tận mắt chứng kiến cảnh từng đàn trâu thi nhau đằm và “bậy” ngay giữa dòng nước mới thấy được nguồn nước họ đang có và được sử dụng thoải mái nhất đang tiềm ẩn nguy cơ về bệnh tật. Đó là chưa kể đến việc cả bản không có nổi một nhà vệ sinh mà thay vào đó là việc đi vệ sinh bừa bãi vào các bụi rậm gần suối hay chính dòng nước mà họ đang dùng.

Nhà nông có câu “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, thế nhưng nhiều hộ gia đình trong bản 11 này vẫn chưa có nổi một con nghé con để mà cày cấy như bao gia đình làm nông nghiệp khác. Không trâu, không bò, người làm nông nghiệp ở đây như mất đi đôi tay, nghèo đói cứ nối tiếp đói nghèo.

 

Trưởng thôn Lê Quảng Bình ngao ngán cầm cuốn sổ kê tên hộ nghèo.

 

Gỗ rừng bị khai thác bừa bãi để bán lấy tiền đong gạo.

Đi tìm lời giải

“Cả thôn có 43 hộ thì có tới 27 hộ nghèo, còn lại là không nghèo nhưng xét cho cùng cũng như nhau, vì thật khó có thể so sánh sự chênh lệch ở đây khi mà người dân cùng chung cảnh khốn khó” - Phó chủ tịch xã - Hoàng Minh Xuân phân trần. Cả thôn chỉ có hơn hai mẫu ruộng một vụ, năm được, năm không chia ra mỗi hộ không nổi một sào. Nhà nào làm may mắn lắm thì mỗi năm cũng chỉ thu về tạ thóc từng đó chỉ đủ cho một người ăn dè  trong vòng hơn tháng. Không có cái ăn nên nhà nhà thi nhau vào rừng chặt gỗ đem bán. Ngay trên con đường dẫn vào làng chúng tôi đã chứng kiến hàng chục đống gỗ to nhỏ đủ loại được người dân kéo ra từ trong rừng chuẩn bị đem bán để đổi lấy gạo.

Về một số giải pháp thoát nghèo, theo ông Xuân, trước đây đã có dự án xây dựng công trình nước sạch nằm trong nguồn hỗ trợ của Chương trình 135 nhưng do người dân sống không tập trung và địa hình quá phức tạp nên dự án này đã không thành. Hiện nay, xã đang triển khai dự án mở đường vào thôn với nguồn vốn 135, nhưng cũng khó có thể hoàn thành bởi tuyến đường quá dài và địa hình đồi núi rất phức tạp. Trao đổi với ông Xuân về các dự án khác như điện, trường học, thì ông lắc đầu bởi chưa có dự án nào đủ kinh phí để có thể đầu tư vào.

Chia tay xóm nghèo cùng với bao ước vọng, làm sao để có đường, có điện, và trường học, làm sao để thoát nghèo thật sự đang là một bài toán rất cần lời giải của các cấp, các ngành chức năng huyện Yên Bình.

Triệu Tiến Minh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục