Công trình đầu tư của Nhà nước phải được bảo vệ

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/6/2012 | 9:30:10 AM

YBĐT - Khai thác khoáng sản (KTKS) và những hệ luỵ của nó đang trở thành mối quan tâm đặc biệt của chính quyền và nhân dân ở một số địa phương.

Bùn đất bồi đầy đập thủy lợi Khe Bát, trước đó là đập nước sâu mà giờ có thể đi lại dễ dàng thế này.
Bùn đất bồi đầy đập thủy lợi Khe Bát, trước đó là đập nước sâu mà giờ có thể đi lại dễ dàng thế này.

Đó là: môi trường bị ô nhiễm nặng nề (nhất là bụi, ô nhiễm nguồn nước), đường giao thông xuống cấp ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Đáng quan tâm hơn, đã có những công trình an sinh xã hội do Nhà nước đầu tư với nguồn vốn cả tỷ đồng đang bị “đe doạ”.

Trong bài viết này chỉ xin đặt vấn về hoạt động KTKS của Công ty cổ phần Khoáng sản Hòa Yên (gọi tắt là Công ty Hòa Yên) tại điểm mỏ tuyển quặng sắt trên địa bàn thôn Kim Bình, xã Hưng Thịnh giáp ranh xã Việt Cường ảnh hưởng tới đập thủy lợi Khe Bát ở thôn Khe Bát, xã Lương Thịnh (Trấn Yên) xây dựng bằng nguồn vốn WB có trị giá 1,6 tỷ đồng và công trình cấp nước sinh hoạt cho đồng bào ở thôn Kim Bình, xã Hưng Thịnh (Trấn Yên) được xây dựng bằng nguồn vốn Chương trình 134 trị giá trên 700 triệu đồng.

Những công trình có nguy cơ “chết yểu”

Thôn Khe Bát xã Lương Thịnh (Trấn Yên) có 74 hộ thì 56 hộ là đồng bào dân tộc Dao. Đồng bào kể, dăm mười năm về trước nhà nào cũng đói, cơm độn sắn, giáp hạt đứt bữa là chuyện thường. Nguyên nhân cũng bởi do ruộng đất ít, việc cấy cày trông vào nước trời nên mỗi năm chỉ trồng một vụ lúa. Nhưng từ năm 2007, Nhà nước đầu tư công trình đập thuỷ lợi Khe Bát trị giá 1,6 tỷ đồng từ nguồn vốn WB, bà con tích cực khai hoang ruộng nước, cấy lúa hai vụ, nhờ đó mà đủ ăn.

Đi dọc mương nước dẫn về thôn từ đập Khe Bát, chúng tôi hiểu ý nghĩa quan trọng của con đập này đối với đời sống và sản xuất của đồng bào. Mương nước dẫn từ đập về dài 4km, đôi đoạn vào mùa mưa lũ có nguy cơ lở bờ vào thân mương, chính quyền xã đã kịp thời đầu tư xây kè chống xói lở. Được biết, cả thôn Khe Bát có 16ha lúa thì đều lấy nước từ đập Khe Bát để gieo cấy. Hai năm đầu, nước khe về trong, sạch và mát rượi nên không chỉ lấy nước cho sản xuất mà bà con vẫn dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, Khe Bát còn phong phú nguồn lợi thủy sản, người dân thường vào đánh bắt cá.

Bùn theo nước chảy vào ruộng lắng đọng khóm lúa bị bó rễ, khó phát triển.

Trưởng thôn Triệu Tài Trấn nhớ: “Trước chỉ cần “đôi tay” lưới vào Khe Bát một loáng đã có bữa cá tươi cải thiện. Nước đầu nguồn về lúc nào cũng mát lạnh, thậm chí ngày hè cũng chẳng thể tắm lâu”.

Còn Bí thư Đảng ủy xã Đinh Khắc Huyên thì cho biết: “Từ khi có công trình đập thủy lợi dẫn nước về đồng, bà con trong thôn ai cũng phấn khởi, chẳng những cấy hết diện tích lúa hai vụ mà còn tích cực khai hoang mở rộng diện tích”. Trưởng thôn Triệu Tài Trấn khẳng định thêm: “Bà con đã khai hoang thêm được 1,8ha ruộng để canh tác, không còn phá rừng nữa. Nhờ đó, cái đói cái nghèo cũng giảm dần, giờ Khe Bát chỉ còn  6 hộ nghèo”...

Những điều đó khẳng định đây là một công trình kinh tế - dân sinh hết sức thiết thực góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào người Dao ở Khe Bát. Nhưng rồi một ngày nước Khe Bát ngầu đỏ, cả dòng bùn đất chảy từ nguồn về. Nhất là ngày mưa to, nước lớn, dòng suối Khe Bát như lũ bùn cuồn cuộn. Cứ thế, lâu dần theo thời gian, bùn lên lưng lòng suối và bồi đầy con đập quý giá.

Đập thủy lợi Khe Bát có thiết kế lòng trữ nước sâu 4m. Nước ăm ắp là thế giờ đã bị lấp đầy, bùn đất ngang bằng mặt đập. Trưởng thôn Triệu Tài Trấn đi ra giữa lòng đập như đi trên bãi đất trống, trong khi trước đó nó vốn là mặt nước. Thậm chí bùn còn lấp cả cửa mương, rồi theo dòng nước chảy vào lòng mương, lắng đọng, nâng lòng mương lên, nước không chảy được. Bà con lại phải đào bới, nạo vét, khơi dòng mất bao thời gian và công sức. Chưa kể, một phần bùn theo mương nước vào ruộng lắng đọng chân ruộng, bó rễ lúa khiến lúa khó phát triển. Cũng từ đó, suối Khe Bát không còn trong, còn mát; cá không còn hang, con lạch mà ở.

Rời Khe Bát chúng tôi đến thôn Kim Bình, xã Hưng Thịnh (Trấn Yên). Kim Bình có 111 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày. Năm 2008, người dân vui mừng đón nhận công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình 134, trị giá trên 700 triệu đồng. Đường ống dẫn nước từ nguồn về tận hộ gia đình, mọi sinh hoạt cũng nhờ đó mà thuận lợi hơn. Ngoài hơn một trăm hộ dân trong thôn được hưởng thụ, công trình còn cấp nước cho hai trường học nằm trên địa bàn.

Để quản lý, sử dụng hiệu quả công trình này, Ban quản lý công trình nước sinh hoạt của thôn được thành lập và được đi tập huấn ở tỉnh. Nhưng rồi cũng giống như công trình đập thủy lợi Khe Bát ở Lương Thịnh, một ngày người dân bỗng phát hiện nước chảy về cứ đục dần. Vào những ngày mưa to, nước đục đến mức đỏ ngầu không thể sử dụng được. Thời gian sử dụng đường nước từ công trình chỉ tính bằng tháng.

Nguồn nước chảy vào công trình cấp nước sinh hoạt mưa xuống đục ngầu bùn đất. (Ngược nguồn nước này lên đỉnh buốc là vị trí điểm mỏ của Công ty Hòa Yên).

Chúng tôi theo chân Trưởng thôn Hà Văn Thơ lên công trình cấp nước sinh hoạt Kim Bình. Đập đầu mối nằm cách khu dân cư không xa. Khe nước cạn, đục và đầy bùn. Trưởng thôn Hà Văn Thơ cho biết: “Cuối năm 2008, công trình được bàn giao đưa vào sử dụng nhưng rồi chỉ sử dụng được vài tháng là nước đã có hiện tượng đục, sau thì mất hẳn. Con khe lấy nguồn nước trước trong sạch là thế mà sau mang theo đầy bùn đất đã chảy vào đập đầu mối và keo lắng lại trong đó khiến nước không chảy được”.

Được biết, đã có nhiều biện pháp để khắc phục, thậm chí đập đầu mối kiên cố là thế cũng đã được “bật” cả lên để thau rửa bùn đất trong các ngăn lọc. Bể chứa cũng chịu chung số phận. Nhưng chẳng được bao lâu, bùn đất lại theo dòng nước mà chảy vào đập đầu mối, lại lắng đọng không cấp được nước về bể chứa. Công trình “chết yểu” từ đấy!

Tai họa từ đầu nguồn nước

Dù là đập thủy lợi Khe Bát hay công trình nước sinh hoạt Kim Bình thì nguyên nhân cũng đều bắt đầu từ sự việc liên quan đến đầu nguồn nước. Năm 2009, UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác quặng sắt tại điểm mỏ nằm trên địa bàn thôn Kim Bình cho Công ty Linh Thành và sau này là Công ty cổ phần Khoáng sản Hòa Yên. Điểm khai thác nằm trên đồi cao mà người dân vẫn gọi là đỉnh Buốc. Đây là địa bàn giáp ranh của cả 3 xã Hưng Thịnh, Việt Cường, Việt Hồng.

Vốn là mỏ lộ thiên, nằm trên địa hình cao, quá trình khai thác là múc lấy đất có quặng rồi sàng tuyển, bởi vậy, cả quả đồi lớn đất đá trơ ra cùng với đất thải đã qua sàng tuyển, mỗi khi có mưa bùn đất lại theo dòng nước đổ xuống khe suối đầu nguồn rồi đổ về trong dân, trong đó có suối Khe Bát bắt nguồn từ Việt Cường. Bởi vậy, mới có chuyện bùn đất về đầy suối Khe Bát và lấp dần đập thủy lợi Khe Bát ở Lương Thịnh.

“Con” khe ở Kim Bình là nguồn nước dẫn về công trình nước sinh hoạt Kim Bình cũng cùng chung cảnh ngộ. Bùn đất theo nguồn nước đổ về khiến công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã không thể sử dụng được. Nặng nề hơn, ở Kim Bình đã hai mùa mưa lũ năm 2010 và 2011 một số diện tích ruộng đang canh tác của nhân dân bị bùn đất vùi lấp mất trắng. Nhất là từ đầu năm 2011 khi Công ty cổ phần Khoáng sản Tây Bắc tiếp tục được cấp phép khai thác quặng sắt ở khu vực thôn Kim Bình...

Ngọc Tú (Còn nữa)

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục