Ngút xanh rừng Nà Hẩu

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/8/2012 | 10:16:29 AM

YBĐT - Nà Hẩu với tôi, chẳng lạ gì. Nhiều năm trước, tôi đã từng xách dép, đeo máy ảnh, tướt mồ hôi, cứ chân trần vượt dốc Ba Khuy rậm rì cây lá và ngọt nức tiếng chim hót, cứ chân trần lội xuyên rừng già lầy thụt, vào Nà Hẩu. Bây giờ khác xưa rồi!...

Rừng nguyên sinh Nà Hẩu.
Rừng nguyên sinh Nà Hẩu.

Chớm thu. Mưa tưởng sập trời, tụt đất.

Khuya nằm nghe mưa đổ ào ào, ngại ngần quá chừng nhưng trót hẹn với Kiểm lâm Yên Bái sẽ đi Nà Hẩu, khổ rồi! Nào ngờ sớm mai mưa cuốn theo gió mất tăm tận phương trời nào. Không gian bỗng cao xanh thăm thẳm. Nắng hừng lên, rực rỡ.

Mấy cụm mây như hoa xoè, cứ bồng bềnh tít đỉnh núi xa mờ. Tôi cùng Hải Đường và Văn Hải- Báo Nhân dân, theo anh Nguyễn Tiến Thành nghiêng ngả mấy chục kilômét khấp khểnh đường Yên Bái - Văn Yên, qua miên man rừng quế Đại Sơn, vượt dốc Ba Khuy, rồi lượn quanh rừng già dưới chân núi Bốc, vào Nà Hẩu.

Nà Hẩu với tôi, chẳng lạ gì. Nhiều năm trước, tôi đã từng xách dép, đeo máy ảnh, tướt mồ hôi, cứ chân trần vượt dốc Ba Khuy rậm rì cây lá và ngọt nức tiếng chim hót, cứ chân trần lội xuyên rừng già lầy thụt, vào Nà Hẩu. Bây giờ khác xưa rồi! Ôtô rì rì bò trên đường xi măng tưởng như con thuyền bơi trên dòng sông, thoáng chốc đã tới trung tâm xã Nà Hẩu.

Chưa kịp nghỉ ngơi, Hải Đường trò chuyện ngay với Giàng A Châu - Bí thư Đảng uỷ và Giàng Chẩn Phử - Chủ tịch UBND xã. Văn Hải - nhà báo và là nghệ sỹ nhiếp ảnh, phóng ngay ra rừng, gặp phụ nữ Mông váy áo sặc sỡ, gặp cây đại thụ vút rừng già, là mê mải bấm máy.

Còn tôi lững thững ra đầu Nhà văn hoá xã, ngó nghiêng, dỏng tai nghe chim sơn ca hót tít rừng già. Ô kìa, mấy cây đại thụ - cây chò xanh, cây chò nâu, cây táu muối..., mấy cây mà tôi từng chụp ảnh đăng báo năm nào, vẫn vươn cao xùm xoà.

Ngắm nghía mãi mấy cây đại thụ như ngắm người thân lâu ngày gặp lại, rồi tôi ngó rộng ra xung quanh cánh đồng Nà Hẩu, gần kề bên cánh đồng xanh mướt lúa là chân rừng già. Ai dà! Tôi thốt lên. Nà Hẩu hay thế! Nhiều năm trước người Mông Nà Hẩu đã nghe chính quyền địa phương, nghe Chính Phủ, không phá rừng làm nương rẫy, không săn bắn thú rừng nữa, súng kíp nộp hết cho công an rồi, thế nên, từ năm 1986 - 1987 chuyển cư Bắc Hà về đây, người Mông đã biết giữ rừng cho chính mình. Bởi ông cha từng trải cuộc sống du canh du cư đói khổ lắm, nên người Mông Nà Hẩu quá thấu hiểu cuộc đời của mình phải gắn bó với rừng như máu thịt.

Mà người Mông chính là một thực thể của rừng. Mất rừng thì người Mông ở núi chẳng khác gì thần Đăng-tê bị nhấc chân lên khỏi mặt đất, chỉ còn đường chết! Bây giờ rừng cây quí giá của Nà Hẩu không chỉ người Mông Nà Hẩu coi giữ mà còn có cả lực lượng kiểm lâm huyện Văn Yên nữa. Là bởi, rừng cây quí Nà Hẩu đã được qui hoạch vào Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu.

Dọc đường, anh Nguyễn Tiến Thành - Trưởng phòng bảo tồn thiên nhiên Chi cục Kiểm lâm Yên Bái, nguyên Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên đã cho tôi biết, rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu được thành lập theo Quyết định số 512/QĐ-UB ngày 9/10/2006 của UBND tỉnh Yên Bái.

Tổng diện tích vùng lõi của khu bảo tồn là 16.950 ha/ 63.525 ha rừng tự nhiên thuộc địa phận bốn xã là Đại Sơn - Nà Hẩu - Mỏ Vàng - Phong Dụ Thượng. Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu nằm cuối dãy Hoàng Liên Sơn hùng vỹ, cách Thủ đô Hà Nội gần 260 km, ngự ở toạ độ địa lí khoảng 104023' - 104040' kinh độ Đông đến 21050' - 22001' vĩ độ Bắc, với những đỉnh cao từ 1.000m -  1.783 m và lượng mưa trung bình hàng năm đạt tới 1.547 mm - 2.126 mm.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu là nơi lưu giữ và bảo vệ nguồn gen của các loài động thực vật quí hiếm, bảo vệ môi trường sinh thái, là tiềm năng to lớn trong việc đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần xoá đói giảm  nghèo cho dân qua các chương trình dự án,v.v. Và tương lai khu bảo tồn còn là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của du khách bốn phương. Tôi hiểu, Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu được khai sinh là nhờ trí tuệ với bao công sức, bao ngày tháng làm việc gian khổ của các cán bộ kiểm lâm Yên Bái và bao người khác nữa.

Thì đấy- mưa rừng, suối lũ, nắng núi, sương sa, mây mù, dốc cao, rừng rậm, muỗi, vắt, rắn độc, có lúc chịu đói khát, mặc tất, các cán bộ kiểm lâm nhiệt huyết cùng với người dân Nà Hẩu, các nhà khoc học, các chuyên gia tư vấn về động vật rừng và đa dạng sinh học của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên ngày đêm tiến hành điều tra về sự đa dạng sinh học khắp núi cao rừng thẳm.

Kết quả đã phát hiện rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu chứa đựng một nguồn gen rất phong phú, đa dạng của gần 1.200 loài, trong đó 214 loài động thực vật quý hiếm trong 80 họ thuộc 23 bộ của 4 lớp chim thú. Cây rừng có nhiều loài cây gỗ quý, như: pơmu, chò nâu, sao hòn gai, táu muối, dổi xanh, dẻ, táu mặt quỉ, sâng, gội tía, kẹn đỏ, kháo vàng, phay sừng, vv.

Thú rừng có tới 31 loài quí hiếm, như: báo lửa, gấu ngựa, khỉ mặt đỏ, hoẵng, báo hoa mai, khỉ vàng, nai, lợn lòi, sơn dương, hổ vằn, cầy hương, sóc bay, rắn hổ mang chúa, nhím, dúi, rùa hộp trán vàng, rùa đất spenglơ, niệc cổ hung, gà lôi trắng, cú lợn lưng xám, chích choè lửa, bìm bịp, khướu bạc má, vành khuyên, vv.

Cả khu bảo tồn có 31 loài động vật quí hiếm thì 11 loài nằm trong danh mục đỏ của IUCN 2008 và Sách đỏ Việt Nam 2007, có 63 loài chim thì 8 loài nằm trong danh mục đỏ của IUCN 2008 và Sách đỏ Việt Nam 2007. Việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu với những căn cứ thực tế và rất khoa học, có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Yên Bái mà với cả nước.

Bởi có hạt phù sa nào bồi đắp cho châu thổ sông Hồng màu mỡ lại không ít nhiều bắt nguồn từ đất núi Nà Hẩu, có sóng nước nào nơi biển khơi lại không rí rách chảy từ nguồn suối Nà Hẩu, có ngọn gió trong lành nào nhập vào không gian bao la lại không thổi từ rừng già Nà Hẩu! Thế nên, tôi nghĩ cần phải ghi công lớn cho ngành kiểm lâm Yên Bái.

Nào, thử lên với Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu - Kho Vàng Xanh, xem rừng suối có khác với rừng suối xưa chưa được bảo tồn? Nắng chiều vàng mơ. Tôi cùng anh Thành, anh Đoàn- Chủ tịch huyện Văn Yên, với  mấy chàng trai Mông và mấy chàng kiểm lâm, dắt díu nhau ngược suối Đề Chơ Chua. Vừa gặp suối, tôi đã ngửa cổ, cuốn tay đưa lên miệng hú-hú-hú-ú-ú-ú... vang vọng núi rừng.

Tôi muốn hú lên cái sinh lực xửa xưa của người nguyên thuỷ. Dường như biết tôi vốn là đứa con của rừng nên núi rừng đáp lại tiếng hú của tôi. Ôi giời! Rì rào rì rào...ô ô, oa oa, oà ò-oà...! Suối Đề Chơ Chua hát lời muôn thuở của suối đá. Lao xao lao xao... vi vu, u u...! Cây rừng Đề Chơ Chua hát lời muôn thở của cây lá. Bỗng tiếng hót líu ríu của một chú chim khướu phượt sâu không gian rừng già khiến tôi nghiêng đầu ngơ ngẩn.

Tôi lại chân trần bấm ngón trên những tảng đá suối đen và rắn như những viên thiên thạch ngàn vạn năm, lại chân trần bước nhẹ trên tầng tầng lá mục êm như nhung. Tôi đang bước theo dấu chân con gấu, nai, con hoẵng từng qua đây. Tôi ôm siết mấy gốc cây cổ thụ xù xì vỏ nứt, ướt sượt địa y và rêu xanh. Cảm nhận cây nghiêng nghiêng cành lá chào.

Rồi gần như nuy, tôi nhào vào lòng suối Đề Chơ Chua, làm tung bọt trắng, làm vỡ oà tiếng hát muôn thuở của suối đá. Ôi! Âm vang và mát. Xanh và mát. Trong và mát! Mát lẹm. Mát lịm. Mát rười rượi từng tế bào, thấm tận tim gan. Hồn vía tôi đã nhập với suối, với rừng, với rì rào, với lao xao, với líu ríu.

Ô lạ! Không còn thiết gì ngoài kia nữa! Xa bụi trần. Xa níu kéo. Xa mưu đồ. Xa tham vọng. Xa tiền bạc. Xa buồn tê. Xa lằng nhằng. Tưởng như tôi chẳng là tôi nữa. Tôi thành người xửa xưa giữa hoang sơ, nguyên thuỷ. Khoảnh khắc trong veo.Thật sướng!

Mê mẩn với rừng suối mãi rồi tôi mới xuống Nhà cộng đồng - ngôi nhà sàn đẹp của các chàng kiểm lâm. Bốn chàng kiểm lâm trẻ, tên: Cảnh, Tùng, Công, Pao. Tôi mò xuống bếp, mở hết các vung nồi, tất cả đều sạch trơn. Tôi hiểu, các chàng đương sức ăn sức ngủ nhưng cũng đương thiếu thốn nhiều thứ.

Ở đây lại xa nhà, nơi thâm sơn cùng cốc vắng vẻ, u buồn, chắc hẳn nhớ nhà, nhớ người thân lắm. Ấy thế mà các chàng phải coi giữ cả một Kho Vàng Xanh sừng sững, ngút ngàn, mênh mông. Biết rằng, việc giữ Kho Vàng Xanh từ 2011 - 2015  ngân sách Nhà nước phải chi ra 31 tỷ 643 triệu 500 ngàn đồng để chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi, trồng mới rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến lâm, chi phí quản lí, phòng cháy chữa cháy rừng.

Còn lương tháng của các chàng chắc đương “còm” lắm. Khó khăn, thiếu thốn, buồn vắng- dĩ nhiên, nhưng tôi hiểu các chàng phải có tinh thần trách nhiệm cao, có một tình yêu thật sâu sắc với rừng núi quê hương. Thôi mà, dù sao các chàng còn có nhiều bạn Mông trai và gái ríu rít sớm chiều. Giàng A Gia đấy, tay đang cầm chiếc khèn.

Tôi gạ mua khèn của A Gia  làm kỉ niệm, chàng lắc đầu, không muốn bán. Ô, chiếc khèn đã đen nhẻm vệt mồ hôi của bàn tay lao động. Chiếc khèn chắc đã cùng A Gia bao đêm ra suối ra rừng đi tìm người yêu. Chắc hẳn lời tỏ tình mê đắm của A Gia những đêm theo bạn gái còn ngọt trong ống khèn, rằng: Đêm qua, sao lượn vòng đổi chỗ/ Ngày đã rạng lối đi sáng tỏ/ Ta lê bước về nhà/ Mà hồn như còn ngủ ở thắt lưng em/ Đêm qua, sao lượn vòng đổi chỗ/ Ngày đã rạng, đường đi sáng rõ/ Ta bám mây về nhà/ Mà hồn như còn ngủ trong tà áo em/... Tôi tán với A Gia thế. A Gia  không nói gì, nhưng chắc tôi nói trúng cái bụng của A Gia nên sướng quá chàng  cười ha ha.

Chợt nghĩ ra mẹo vui, tôi liền mượn khèn của A Gia, phồng má thổi, chẳng thành bài gì, tôi đành hát Bài ca trên núi, tiếng hát cẩm như tiếng thợ thổ, cứ ồ ồ: Ơ... thầu tề ứ dăng mù dăng chứ/ Mù tâu ơ mùa o tù/ Tù mông dâng cấu, tù mông dâng dúa/ Nờ sình tớ, ư chí, ư chí, ư nia/ Mù câu ứ mùa o tù to tù sinh đấng/... Tạm dịch là: Ơ... bầu trời có sao chiều sao sớm/ Đầu núi kia có ở hai người/ Dù đi cùng trời, dù đi khắp núi/ Trời chỉ có, chỉ có sao sớm sao chiều/ Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau/... Chẳng biết A Gia và các chàng trai Mông Nà Hẩu trong những đêm trăng mang khèn đi tìm bạn tình, có rủ các chàng kiểm lâm đang buồn nhớ người yêu tận phương trời xa cùng đi không nhỉ? Tôi hỏi phóng thế.

Rồi bảo, nếu mấy chàng kiểm lâm muốn theo các chàng trai Mông thì tôi mách cho mấy câu gầuplềnh- dân ca Mông, tuyệt hay, để làm vốn mà tán gái, có khi các chàng tìm được bạn tình người Mông thì hạnh phúc đấy. Nghe thế, cả mấy chàng kiểm lâm và mấy chàng trai Mông cùng cười ha hả. Vui thế! Nhân bạn bè chan hoà, tôi lại gạ A Gia bán khèn.

Chắc A Gia thấy tôi vui vẻ, lại hát tình ca về người Mông, sướng mà coi tôi là bạn nên chàng lẳng lặng về nhà lấy một chiếc khèn khác, cũng cũ kĩ và đen nhẻm vệt mồ hôi của bàn tay lao động, đưa tôi, mắt nhìn trìu mến. Tôi cầm chiếc khèn, rưng rưng khoé mắt.

Thoả mãn đắm mình vào thiên nhiên Nà Hẩu, lại có chiếc khèn Mông kỷ niệm rồi, chào Nà Hẩu thôi. Nhớ bạn Mông Nà Hẩu nhiều. Nhớ các chàng kiểm lâm gian lao, vất vả vì rừng, vì dân. Niềm riêng, tôi khẽ cất lên lời hát: Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về rừng cây/ Khi nghĩ về một rừng cây, tôi thường nhớ về nhiều người/ Trẻ trung như cụm hoa hồng/ Hồn nhiên như ngàn ánh lửa chiều hôm khi gió về/... Và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây/ Sống gần nhau thân mới thẳng/ Có một cây là có rừng/ Và rừng đã lên xanh/ Rừng giữ đất quê hương/... Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai/ Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình/ Phải đâu may nhờ, rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành/... Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người/... Lời hát bay ào gió núi, cuốn theo chiếc LanD CRUISEP trôi bồng bềnh quanh rừng già.

Sắp xuống dốc Ba Khuy, tôi ngoái lại, mắt biếc khung trời thẳm, vẫn ngun ngút xanh rừng Nà Hẩu. Nhớ lắm, từ nhỏ tôi vốn là đứa con nghịch ngợm của rừng, từng ăn của rừng, chơi với rừng, ngủ cùng rừng mà lớn lên thành người. Bởi vậy, tôi hiểu tình rừng với con người gắn bó máu thịt và bền chặt lắm, nên tôi mừng cho gần 14.000 người Kinh, người Tày, người Dao, người Mông sống trong Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu sẽ có một tương lai tốt lành.

Hoàng Thế Sinh
2012

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục