Trả đúng giá trị cho chè Shan Phình Hồ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/1/2013 | 2:28:57 PM

YBĐT - Chè ở Phình Hồ cũng là giống chè Shan tuyết như Suối Giàng nhưng lại không có nhánh đan cài vào nhau mà mọc thẳng, tạo thành rừng cây tự nhiên.

Cây chè Shan Phình Hồ sinh trưởng và phát triển hoàn toàn tự nhiên.
Cây chè Shan Phình Hồ sinh trưởng và phát triển hoàn toàn tự nhiên.

"Đứng đây, các anh cứ nhìn thấy cây nào có gốc xám trắng, vằn vèo như da con trăn thì đó là cây chè Shan Phình Hồ" - anh Sùng A Rua - Phó chủ tịch UBND xã Phình Hồ cho hay.

Cũng là chè Shan tuyết nhưng cây chè ở xã Phình Hồ (Trạm Tấu) không cổ thụ, không có các nhánh đan cài vào nhau như ở Suối Giàng (Văn Chấn). Cây chè ở đây mọc thẳng và tạo thành những rừng cây tự nhiên, có lá to, dày và xanh ngắt. Không chỉ có vậy, chè nơi đây hấp dẫn bởi giá trị thực tế từ tỷ lệ đường, cafein nhiều hơn, tỷ lệ tanin ít hơn so với chè trồng nơi khác và khả năng chống hạn, chịu rét, kháng sâu bệnh tốt nên người dân không bao giờ bón phân, phun thuốc sâu.

Cho đến tận bây giờ, lên Phình Hồ, hỏi những bậc cao niên cũng không ai biết rõ cây chè có ở đất này từ bao giờ. Có người thì bảo ít cũng đã 100 năm, người lại nói là từ đời ông cha họ đã phải trèo lên những cây chè để hái. Chè được trồng nhiều nhất là từ thập niên 70, 80 của thế kỷ trước.

Mục đích ban đầu không phải để thu hoạch mà trồng để thành rừng, để chống xói mòn đất, để điều hòa khí hậu. Chè ở Phình Hồ cũng là giống chè Shan tuyết như Suối Giàng nhưng lại không có nhánh đan cài vào nhau mà mọc thẳng, tạo thành rừng cây tự nhiên.

Trước đây, thấy chè tốt, một số hộ dân thi thoảng lên rừng hái về sao sấy để uống. Chè ngon, thơm, nước pha ra vàng như mật ong, nhấp ngụm đầu tiên chỉ thấy vị chan chát, nuốt đến họng lại cảm nhận được vị ngọt đọng lại mãi nơi đầu lưỡi. Điều quý giá là trong cái thời người tiêu dùng luôn phải đặt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu thì chè Phình Hồ lại sạch tuyệt đối, không bón phân, không phun thuốc hóa học bởi nguyên sơ là tự nhiên, chắt lọc những tinh túy của sương, của mây, của núi.

Anh Sùng A Páo - dân tộc Mông ở thôn Phình Hồ nói: "Chè ở đây mỗi năm chỉ thu hái 3 đến 4 lần, tiền bán chè chẳng đủ ăn thì ai mà bón phân, chăm sóc được. Chè mọc như cây rừng, suốt ngày mây giăng, chẳng sâu nào sống nổi đâu".

Trung tâm xã Phình Hồ. (Ảnh Quang Thiều)

Từ trụ sở UBND xã Phình Hồ ngước mắt nhìn lên, những "rừng chè" chạy tít tắp lên đỉnh núi. "Đứng đây, các anh cứ nhìn thấy cây nào có gốc xám trắng, vằn vèo như da con trăn thì đó là cây chè Shan Phình Hồ" - anh Sùng A Rua - Phó chủ tịch UBND xã Phình Hồ cho hay.

Phình Hồ là xã thuộc huyện Trạm Tấu nhưng nằm cách trung tâm huyện hàng ngày đường đi bộ và toàn đường mòn song lại chỉ cách trung tâm huyện lỵ Văn Chấn 10km. Tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, tỉnh Yên Bái đã mở chiến dịch và huy động các lực lượng cùng với các nguồn lực để mở đường từ Văn Chấn lên Phình Hồ. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, 10km đường đã được thông suốt.

Đặc biệt, từ khi có Chương trình 135 của Chính phủ đầu tư, toàn bộ tuyến đường này đã được bê tông hóa. Đường đi lại thuận lợi, kinh tế - xã hội của địa phương phát triển khá mạnh, chè thu hái đến đâu được các doanh nghiệp, các tư thương thu mua hết đến đó. Khai thác và phát huy tốt hiệu quả cây chè Shan tuyết Phình Hồ, huyện Trạm Tấu đã có những cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hộ cá thể đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến tại xã Phình Hồ. Thế là một nhà máy chế biến chè xanh mi ni mọc lên giữa rừng xanh đại ngàn, chè thu hái của người dân được thu mua với giá khá ổn định.

Phó chủ tịch UBND xã Phình Hồ - Sùng A Rua cho biết: "Toàn xã có 226 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu, sống ở thôn Phình Hồ, Tà Chử, Chí Lư và Suối Xuân thì có quá nửa người dân làm chè. Tổng diện tích chè của xã là 80ha nhưng do chưa có sự đầu tư chăm sóc nên năng suất, sản lượng chè đạt rất thấp. Năm 2012, nhân dân thu hái được trên 100 tấn chè búp tươi, bán giá bình quân 6.000 - 7.000 đồng/kg, thu hơn 600 triệu đồng. Số tiền thu được từ cây chè tuy không nhiều nhưng cũng đã góp phần xóa đói giảm nghèo. Nếu chúng ta biết khai thác tốt thì có thể làm giàu từ cây chè Shan tuyết".

Quả vậy, diện tích chè ở Phình Hồ cũng không phải là nhỏ, chè mọc quanh nhà, chè chạy mãi lên đỉnh núi cao và còn có thể mở rộng diện tích ra hàng trăm héc-ta. Hơn nữa, khí hậu, đất đai nơi này rất phù hợp với cây chè Shan tuyết. Đặc biệt, tuy không phải vùng chè và cũng không có thâm niên sản xuất, kinh doanh chè nhưng đã bốn năm nay, 104 hộ dân làm chè đã tự nguyện thành lập Câu lạc bộ (CLB) sản xuất chè hữu cơ.

Từ đồi chè Shan nhìn xuống thôn Phình Hồ. (Ảnh: Quang Thiều)

Anh Giàng A Lầu - một trong những thành viên của CLB nói về chè cứ như một kỹ sư: "Chè này sinh trưởng tự nhiên, đặc tính chịu hạn, chịu lạnh tốt, kháng sâu bệnh cao. Muốn có chè ngon thì thu hái vào sáng sớm, khi những giọt sương còn đọng trên nõn chè rồi đưa vào chế biến ngay thì chẳng có chè nào sánh nổi. Chè chất lượng là thế nhưng giá thu mua thấp quá, bình quân chỉ 5.000 - 6.000 đồng một cân nên đời sống người dân vẫn chưa khấm khá lên được. Chúng tôi rất muốn có doanh nghiệp nào đó đủ tiềm lực tài chính, đầu tư dây chuyền hiện đại để sản xuất chè xanh chất lượng cao và xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết Phình Hồ".

Thời gian trước, có những doanh nghiệp đến thu mua chè Phình Hồ để sản xuất chè xanh và xuất khẩu sang các nước châu Âu với giá 50 - 60 USD/kg. Công việc kinh doanh đang phát triển tốt thì chạy theo lợi nhuận trước mắt, doanh nghiệp đã trà trộn các loại chè khác để bán, khi đối tác xét nghiệm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phải dừng hợp đồng. Không bán được chè, giá thu mua nguyên liệu cũng giảm. Người dân lại bán cho các tư thương sản xuất thủ công song hay bị ép giá. Vì cuộc sống mưu sinh nên dù giá có thấp, bà con vẫn thu hái, vẫn bán nhưng tâm lý chán nản, thu hái không theo quy trình kỹ thuật, năng suất thấp, cây ngày một cằn cỗi.

Chia tay Phình Hồ trong chiều chạng vạng, dọc đường về, từng đám sương bay lảng bảng, bồng bềnh tựa một Đà Lạt mộng mơ. Phình Hồ sẽ đẹp hơn, giàu hơn nếu biết khai thác thế mạnh của cây chè Shan tuyết. Điều đó không phải là không có cơ sở nhưng thực tế, người dân đang thiếu kiến thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và nhất là thiếu một đầu ra ổn định cho sản phẩm. Một loại chè ngon, chè sạch nhưng người dân Phình Hồ đang đơn độc giữa thị trường, với tư thương và cuối cùng vẫn phải chấp nhận bán với một giá rẻ không đúng giá trị thực của nó. Giá một cân chè búp không mua nổi nửa cân gạo ngon, trong khi chỉ 5kg búp sẽ chế biến được 1kg chè khô có giá bán cả trăm ngàn đồng.

Nhiều chuyên gia lên Phình Hồ được xem, được chứng kiến người dân nơi đây làm chè theo cách "nguyên thủy" đã không khỏi xót xa cho chè, cho số phận người làm chè. Hiện tại, thật khó để doanh nghiệp đầu tư một nhà máy hiện đại ở đây. Vì vậy, trước hết, người dân nên liên kết lại với nhau thành các nhóm hộ tự sản xuất, tự chế biến thủ công và nội tiêu. Với nguyên liệu tốt như vậy và trang bị thêm kiến thức về chế biến, giá 1kg chè khô từ 150.000 - 200.000 đồng chắc chắn sẽ được thị trường, người tiêu dùng chấp nhận.

"Cái khó ló cái khôn", đây cũng là xu thế ở vùng thấp đã và đang hình thành các nhóm hộ liên kết với nhau tự sản xuất, tự xây dựng thương hiệu thành công.

Thanh Phúc

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục