Trăn trở Suối Giàng

  • Cập nhật: Thứ năm, 31/1/2013 | 10:50:33 AM

YBĐT - Sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng đã được Hiệp hội Chè Việt Nam tôn vinh thương hiệu quốc gia chè Việt vào năm 2006. Tuy nhiên, đến nay, thương hiệu chè Suối Giàng đang dần tự đánh mất mình và có nguy cơ “đi vào dĩ vãng”...

Địa danh SUối Giàng nổi tiếng với những cây chè Shan tuyết cổ thụ cùng bản sắc độc đáo của đồng bào Mông địa phương thu hút sự quan tâm của du khách.
Địa danh SUối Giàng nổi tiếng với những cây chè Shan tuyết cổ thụ cùng bản sắc độc đáo của đồng bào Mông địa phương thu hút sự quan tâm của du khách.

Từ thương hiệu Đằng Trà…

Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy một thương hiệu Đằng Trà ở ngay trên mảnh đất Suối Giàng mà cũng chỉ cách trụ sở UBND xã chưa đầy 20m. Đằng Trà - ấy là sản phẩm chè của gia đình anh Giàng A Đằng - Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng (Văn Chấn). Đằng Trà ra đời từ nỗi niềm trắc ẩn của một người con sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất Suối Giàng.

Niềm trắc ẩn đau đáu trong anh khi nhìn những cây chè cổ thụ bị bứng cả bầu về xuôi rồi chè cổ thụ Suối Giàng bị trà trộn đã làm mất đi thương hiệu Suối Giàng nổi tiếng một thời.

Anh Đằng giải thích về tên sản phẩm chè của mình: “Mình là người gốc ở đây, chè được trồng trong chính ngôi vườn mà cha ông mình để lại rồi mình lại trực tiếp thu hái, chế biến nên đã lấy tên của mình đặt cho sản phẩm chè”. Đằng Trà mang hương vị đặc trưng của chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng. Hương chè ngan ngát tỏa bay, màu nước xanh vàng sánh, mới nhấm vào tưởng chát ngái nhưng chỉ lúc sau, dư vị ngọt thơm đọng mãi...

Đằng Trà - tên nhãn trà xanh bắt đầu tạo niềm tin về uy tín chất lượng được khách du lịch tới Suối Giàng tìm mua. Du khách đã thực sự được thưởng thức sản phẩm chè đặc sản của Suối Giàng do người Mông địa phương tự tay làm ra và ấp ủ tạo dựng thương hiệu. Anh Đằng hi vọng, đấy là cách mà anh có thể bảo vệ vùng chè, bảo vệ danh tiếng chè Suối Giàng, tạo ra sức hút du lịch đối với vùng chè, tăng nguồn thu nhập cho người dân nơi đây.

Anh Đằng cũng cho biết, chè của gia đình được bán với các mức giá khác nhau. Loại phổ thông bán giá 300.000 đồng/kg, đóng bao 0,5kg/gói; loại trung bình 0,2kg/gói, giá 200.000 đồng; loại đặc biệt đóng0,1kg/gói, giá 160.000 đồng. Khách hàng không chỉ người Yên Bái mà ở cả các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai...

 

Lễ cúng cây chè tổ trong lễ hội đầu xuân ở Suối Giàng.

… Đến thương hiệu Suối Giàng

Có một thực tế là thương hiệu Đằng Trà càng được nhiều người biết tới thì thương hiệu chè Suối Giàng ngày càng “nhạt”. Dù Đằng Trà cũng là sản phẩm được làm ra từ mảnh đất Suối Giàng nhưng cái tên ấy không mang được nhiều ý nghĩa như tên chè mang thương hiệu Suối Giàng - địa phương sinh ra thứ chè cổ thụ này. Bởi nhắc đến Suối Giàng, người ta nghĩ ngay đến cây chè. Người ta cũng biết đến chè Suối Giàng qua những thăng trầm của nó.

Chị Nguyễn Thị Thoa là chủ một doanh nghiệp đã hai mươi năm gắn bó với chè Suối Giàng không giấu nổi sự buồn bã khi chia sẻ về thương hiệu chè Suối Giàng. Chị Thoa lo lắng khi thấy một số cá nhân trà trộn những loại chè khác với chè Suối Giàng để bán kiếm lợi nhuận cao. Những người sản xuất chè chân chính luôn mong sẽ làm ra những sản phẩm chè mang tên Suối Giàng có chất lượng tốt nhất.

Không chỉ các đồng chí lãnh đạo xã, các doanh nghiệp mà nhiều người dân ở Suối Giàng như anh Giao, anh Páo, anh Tùng... đều có chung một mong muốn như vậy. Xây dựng, quy hoạch vùng nguyên liệu và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây chè Shan tuyết là việc làm cấp thiết để giữ thương hiệu chè Suối Giàng nổi tiếng.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, anh Giàng A Nủ - Chủ tịch UBND xã hiểu rõ về chè Suối Giàng. Anh cho hay, hiện nay, diện tích chè của xã khoảng 463ha, trong đó diện tích chè đang thu hái là 393ha với hàng nghìn gốc chè cổ thụ. Năng suất bình quân đạt 12 - 15 tạ/ha, giá bán chè búp tươi trung bình từ 10.000 - 15.000 đồng/kg đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, nhiều gia đình thoát nghèo bền vững.

Ngập ngừng đôi chút, anh nói tiếp: “Nhìn chung, năng suất và sản lượng chè còn thấp do một số nguyên nhân như cách đốn tỉa tạo tán chưa đúng kỹ thuật, cách thu hái cũng chưa đảm bảo. Đặc thù của vùng chè Shan tuyết không bón phân hóa học nhưng nhiều hộ không mấy quan tâm đến việc bón phân hữu cơ, phân vi sinh, phân xanh, phân chuồng hoai mục cho chè sau một chu kỳ thu hái làm cho năng suất ngày càng giảm. Bên cạnh đó, hầu hết diện tích chè kinh doanh của xã đang bị dịch mối xâm hại nên chè bị mất khoảng, sinh trưởng và phát triển kém, ảnh hưởng đến năng suất thu hái búp chè tươi”.

- Thế xã mình có nhiều cơ sở chế biến không anh? - tôi hỏi.

- Xã hiện có 6 cơ sở chế biến chè và Hợp tác xã Suối Giàng công suất đạt từ  1 tạ đến1 tấn chè/ngày. Hầu hết các cơ sở chưa có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, đều chế biến theo công nghệ thủ công hoặc bán thủ công, chủ yếu bằng lò quay sao mi ni. Các hộ đều gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, chưa có đơn đặt hàng lớn, mẫu mã bao bì còn nhiều hạn chế.

Những năm gần đây, các cơ sở chế biến và Hợp tác xã Suối Giàng gặp nhiều khó khăn trong thu mua nguyên liệu do các cơ sở từ nơi khác đổ về tranh mua nguyên liệu, do vậy nguyên liệu sản xuất thiếu ổn định.

Nói đến đây, giọng anh Nủ chùng hẳn, mắt hướng về những cây chè cổ thụ ngậm ngùi. Anh Nủ khẳng định: “Nếu xây dựng được thương hiệu thì chắc chắn, chè Suối Giàng sẽ được bán với giá cao hơn, thu nhập của nhân dân và những người làm chè sẽ khá hơn”.

 

Thạc sỹ Lê Viết Bảo - Trưởng khoa Trồng trọt, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Yên Bái kiểm tra hiện trạng cây chè bị mối xông.

Cần giải pháp đồng bộ

Sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng đã được Hiệp hội Chè Việt Nam tôn vinh thương hiệu quốc gia chè Việt năm 2006. Tuy nhiên, đến nay, thương hiệu chè Suối Giàng đang dần tự đánh mất mình và có nguy cơ “đi vào dĩ vãng” nếu không có những giải pháp đồng bộ từ tỉnh, từ huyện đến mỗi người làm chè, mỗi người dân.

Theo thạc sĩ Lê Viết Bảo - Trưởng khoa Trồng trọt, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Yên Bái, Chủ nhiệm đề tài khoa học “Nâng cao chất lượng chè Shan tuyết Suối Giàng”, cần tập trung thực hiện ba giải pháp lớn để nâng cao chất lượng chè Shan tuyết Suối Giàng là giải pháp về nông nghiệp, giải pháp về  chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giải pháp về cơ chế, chính sách theo Đề án phát triển chè của tỉnh giai đoạn 2013 - 2015.

Trong các giải pháp về nông nghiệp, cần tập trung rà soát và quy hoạch vùng nguyên liệu chè, tiến hành trồng dặm trên các diện tích chè bị mất khoảng, mở rộng và trồng mới diện tích chè Shan tuyết theo quy hoạch của tỉnh; xây dựng các vùng canh tác chè an toàn, chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap; khuyến khích người dân bán các sản phẩm chè tươi cho các cơ sở chế biến chè trực tiếp tại Suối Giàng.

Các ngành chức năng có cơ chế, chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ kích thích sản xuất tại chỗ để đảm bảo chất lượng và uy tín của sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng; tăng cường công tác hướng dẫn kỹ thuật và tuyên truyền, vận động người dân không dùng thuốc bảo vệ thực vật, thử nghiệm phân vi sinh, phân hữu cơ chăm sóc chè để tăng năng suất, chất lượng.

Bên cạnh đó, cần một nhà máy chế biến chè với công nghệ hiện đại, đủ năng lực bao tiêu vùng nguyên liệu, tuân thủ quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; kiên quyết đóng cửa các cơ sở chế biến không đảm bảo yêu cầu chất lượng, không đúng với hồ sơ đăng ký, chè búp tươi không đảm bảo quy cách và tiêu chuẩn.

Các đơn vị, cơ sở sản xuất đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường; kiểm soát chặt chẽ chất lượng chè Suối Giàng của các đơn vị kinh doanh, tạo dựng văn hóa ẩm thực chè Suối Giàng và tạo cầu nối chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu, nhà sản xuất, thị trường kết hợp với việc phát triển du lịch bền vững.

Điều quan trọng nhất để chè mang thương hiệu Suối Giàng giữ vững niềm tin với người tiêu dùng là chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Làm được điều đó rất cần sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, các doanh nghiệp và của chính những người dân!

Hoài Hà

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục