Lớp học đặc biệt của người thầy bán thân bất toại

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/7/2013 | 9:19:52 AM

YBĐT - Đã mấy năm nay, mỗi ngày cứ 3 ca đều đặn, người "thầy" bị bán thân bất toại vẫn truyền đạt kiến thức cho những đứa bé nghèo ở vùng quê đầy khó khăn mà không hề toan tính chuyện tiền bạc. Người "thầy" đó đang vượt lên trên cả nỗi đau của bản thân để "gieo" những con chữ cho các học sinh nghèo này là anh Lý Xuân Tuyến ở thôn Phạ 3, xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình.

Lớp học tiếng Anh đặc biệt của thầy giáo Tuyến.
Lớp học tiếng Anh đặc biệt của thầy giáo Tuyến.

Vượt lên tuyệt vọng

Ngôi nhà tranh nép bên con đường nhỏ, lớp học tiếng Anh đơn sơ của Tuyến rộn rã tiếng trẻ trong thôn học bài. Hình ảnh người "thầy giáo" Tuyến bị liệt 3/4 cơ thể (chỉ cử động được hai cánh tay và cái đầu) nhưng hàng ngày anh vẫn miệt mài truyền đạt kiến thức cho các em bé nghèo ở vùng Đông hồ thật cảm động.

Sinh năm 1975, như bao bạn cùng trang lứa, Lý Xuân Tuyến học giỏi, thi đỗ và tốt nghiệp Đại học Thái Nguyên chuyên ngành trồng trọt. Ra trường, anh được Trạm Khuyến nông huyện Bát Xát (Lào Cai) nhận về công tác. Mọi chuyện đang đẹp như mơ với chàng trai nhiều hoài bão nhưng nghiệt ngã thay sau cái đêm định mệnh vào tháng 1 năm 2006 khi trên đường về quê thăm gia đình, anh bị tai nạn xe máy chấn thương phần cột sống. Sau 3 năm chữa trị ở nhiều cơ sở y tế có tiếng trong và ngoài nước nhưng chấn thương của anh quá nặng dẫn đến liệt 3/4 cơ thể.

Lý Xuân Tuyến đã khóc cạn nước mắt vì tuyệt vọng. "Đến giờ tôi vẫn không thể tin được mình không bị liệt nhưng đó là sự thật. Từ một con người bình thường, bỗng trong chốc lát bị bán thân bất toại, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ hai bàn tay già nua của bố mẹ. Nhưng may thay, bị liệt nhưng cái đầu của mình vẫn tỉnh táo, minh mẫn nên mình quyết định truyền đạt kiến thức cho các em học sinh ở đây", anh Tuyến tâm sự.

Gieo chữ từ tâm

Trở về nhà trong bệnh tật, hàng ngày Lý Xuân Tuyến làm bạn với mấy cuốn sách để quên đi nỗi buồn và những cơn đau hành hạ anh. Biết Tuyến là người có học thức và trình độ, nhiều người dân trong thôn đã đến nhờ tư vấn trong nhiều lĩnh vực đời sống và xã hội. Đặc biệt, khi thấy những trẻ em trong thôn nghèo còn thiếu kiến thức về ngoại ngữ (tiếng Anh), Tuyến nghĩ mình phải làm một điều gì đó để giúp các em có cơ hội phát triển.

Anh kể lại: "Lúc đầu mình chỉ dạy bổ trợ kiến thức tiếng Anh cho các cháu trong nhà và con em các bạn nhưng càng về sau thấy mình dạy đơn giản, học sinh tiếp thu nhanh, các em ở các vùng lân cận đến học ngày càng đông. Nhiều lúc mệt mỏi nhưng đổi lại thấy vui vì mình đã giúp cho trẻ em quê mình có kiến thức, để cùng với kiến thức học từ nhà trường, sau này em sẽ là những người có ích cho xã hội".

Lớp học của Tuyến thật đơn sơ với hai chiếc bàn và một ti vi trong không gian khoảng 25m2 và thầy giáo đặc biệt này nằm liệt trên giường để giảng bài. Lớp học đơn sơ nhưng tấm lòng của Tuyến thật cao cả khi hàng ngày phải vật lộn với bệnh tật nhưng anh vẫn thoải mái, vui vẻ để truyền tải kiến thức cho học sinh.

Em Nguyễn Thanh Bình - học sinh lớp 6, Trường THCS Cảm Nhân bảo rằng: "Ngoài giờ học chính khóa, em đến nhà anh Tuyến để học thêm tiếng Anh. Sau hai năm theo học, em hiểu ra rất nhiều điều. Cách dạy của anh Tuyến đơn giản, có hình ảnh minh họa qua ti vi nên rất dễ hiểu. Kết thúc năm học vừa qua em đạt học sinh giỏi, trong đó môn tiếng Anh tổng kết trên 9 điểm phẩy".

Anh Phạm Công Lợi, bố của em Phạm Công Minh - học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Mỹ Gia cho biết: "Nhà mình cách nhà Tuyến 6km nhưng hàng ngày mình vẫn cho cháu đến học. Không biết cách dạy của anh Tuyến như thế nào nhưng cháu thích học lắm".

Khi được hỏi, động cơ nào để mở lớp dạy học cho bọn trẻ trong thôn, Lý Xuân Tuyến cười tươi nói: "So với học sinh vùng thành phố, thị trấn thì học sinh con em người dân tộc trên này khổ lắm. Ngoài giờ học trên lớp, chúng chẳng biết học thêm ở đâu, hơn nữa học tiếng Anh mà không có cơ hội giao tiếp thì học cũng bằng thừa. Thương bọn trẻ nên mình quyết định bổ trợ thêm kiến thức cho chúng. Nhiều người cũng đề cập đến chuyện tiền nong nhưng mình không lấy. Thương mình, một số phụ huynh đã đóng góp tiền mua bàn ghế, ti vi cho các cháu học".

Nhiều người đặt câu hỏi, anh Tuyến tốt nghiệp chuyên ngành trồng trọt mà sao dạy tiếng Anh giỏi vậy. Hỏi ra mới biết, những ngày còn ngồi trên giảng đường đại học, Tuyến đã học thêm một văn bằng ngoại ngữ nữa nên bây giờ truyền đạt kiến thức cho bọn trẻ trong làng không có gì là khó khăn.

Nói là vậy, Tuyến không chỉ chống chọi với bệnh tật mà để bắt kịp với xu hướng giảng dạy theo chương trình mới, Lý Xuân Tuyến thường xuyên tham khảo qua sách báo, mạng Interner, tìm các bài giảng hay để truyền tải, kèm hình ảnh minh họa nên học sinh rất thích thú. Ngoài dạy kiến thức trong sách vở, Tuyến còn dạy các em cách làm người, dạy các em biết yêu thương, chia sẻ với nhau trong cuộc sống.

Tiếng lành đồn xa, từ chỗ dạy thêm cho mấy đứa cháu trong nhà, đến nay lớp học của người thầy đặc biệt này đã lên tới 80 em ở các xã: Cảm Nhân, Tích Cốc, Mỹ Gia... đến theo học. Trong số đó, đã có nhiều em đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh môn tiếng Anh.

Tin rằng với nghị lực phi thường và không chịu đầu hàng trước số phận nghiệt ngã để ngày đêm "gieo" cái chữ cho học sinh giữa vùng đất còn nhiều gian khó của Lý Xuân Tuyến sẽ là bài học đầy ý nghĩa về giá trị cuộc sống, làm tăng thêm ý chí và niềm tin cuộc sống cho những người kém may mắn như Tuyến.

Văn Tuấn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục