Trấn Yên đào tạo nghề gắn với tạo việc làm ổn định

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/12/2023 | 10:18:30 AM

YênBái - Thông qua các lớp đào tạo nghề phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, mỗi năm toàn huyện Trấn Yên mở từ 30 đến 45 lớp đào tạo nghề cho trên 2.460 lao động.

Mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình chị Hà ở bản Nả, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên.
Mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình chị Hà ở bản Nả, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên.

Với mục tiêu xây dựng vùng sản xuất hàng hóa, tạo việc làm ổn định giúp người dân phát triển kinh tế, hướng tới giảm nghèo bền vững, Đảng ủy, chính quyền xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên định hướng xây dựng vùng chuyên canh, liên kết chuỗi sản phẩm gắn với thế mạnh của địa phương như: trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm... 

Công việc đầu tiên là nâng cao nhận thức, khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thích ứng với các mô hình chăn nuôi hàng hóa cho người dân nên xã đã chủ động liên kết, phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề nghiệp cho lao động ngay tại địa phương. 

Ông Triệu Khánh Thiện - Chủ tịch UBND xã Việt Hồng cho biết: "Địa phương có 90% là người dân tộc thiểu số, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp, nếp sản xuất theo hướng manh mún, nhỏ lẻ, phát triển theo hướng tự phát, canh tác dựa vào kinh nghiệm bản thân nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Toàn xã còn 5,3% là hộ nghèo. Hiện tại xã có 70% người trong độ tuổi đều đang tham gia lao động, sản xuất tại địa phương - đây là điều kiện thuận lợi để xã phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề nghiệp, giúp họ có điều kiện tiếp cận, có thêm kiến thức và chủ động hơn việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất”.

Vừa hoàn thành xong lớp đào tạo nghề chăn nuôi thú y của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện được hai tháng, bà Hoàng Thị Chín ở bản Phạ, xã Việt Hồng đã tự tin, chủ động hơn trong việc chăm sóc, phòng, chữa bệnh cho đàn vật nuôi của gia đình. Mô hình chăn nuôi của gia đình bà Chín gồm 5 con lợn nái, trên 50 con lợn thịt được hỗ trợ theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh, 1 ao nuôi cá nước ngọt rộng 200 m2, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. 

Bà Chín chia sẻ: "Tham gia lớp đào tạo nghề đã giúp tôi củng cố kiến thức thực tế để có biện pháp phòng, chữa bệnh phù hợp cho đàn vật nuôi. Các cán bộ chuyên môn cũng thường xuyên trao đổi, nắm bắt tình hình, tư vấn kịp thời giúp gia đình thêm an tâm sản xuất. Có thêm kiến thức, được sự hỗ trợ kỹ thuật của nhà khoa học, được chính quyền địa phương hỗ trợ nguồn vốn, chính sách gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất”. 

Hoàn thành lớp đào tạo nghề về chăn nuôi thủy sản cá nước lạnh và chăn nuôi lươn không bùn từ đầu năm 2023, mô hình của gia đình chị Hoàng Thị Hà ở bản Nả, xã Việt Hồng đã có thành quả bước đầu. Tận dụng nguồn nước sạch, không khí trong lành, gia đình chị Hà đầu tư trên 450 triệu đồng xây trang trại nuôi trên 2 nghìn con cá tầm, trên 3 nghìn con lươn. Đến nay cá tầm và lươn đang sinh trưởng và phát triển tốt. 

Chị Hà chia sẻ: "Nhờ được học tập và tự đúc rút kinh nghiệm nên tôi đã hiểu cá tầm và lươn là loại khá khó nuôi, đòi hỏi môi trường sống trong sạch, kỹ thuật tương đối cao. Đơn cử như phải thường xuyên dùng muối để khử trùng, tắm cho cá, lươn. Khi có những con có dấu hiệu bị bệnh phải tách đàn, chữa trị khu vực riêng, tránh lây lan sang những con khỏe mạnh khác. Mỗi khi gặp vấn đề khó, tôi đều nhờ đến giảng viên trực tiếp đến tham quan, tư vấn giúp nên việc chăn nuôi rất thuận lợi”. 

Cũng theo chị Hà, thời gian sinh trưởng của cá tầm và lươn khoảng 1 năm nên gia đình đang chuẩn bị xuất bán trong dịp Tết năm 2023, giá bán từ 250 đến 300 nghìn đồng/kg cá tầm và 150 đến 170 nghìn/kg lươn. Chị cũng mong muốn được tham gia nhiều lớp tập huấn về chăn nuôi thủy sản hơn nữa để có kiến thức chuyên sâu, nắm bắt thêm nhiều mô hình, cách thức chăn nuôi kiểu mới để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, liên kế sản xuất, tìm kiếm bạn hàng, nhà đầu tư trong thời gian tới.


Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đạt trên 75%, trong đó lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt gần 38%.

Theo ông Triệu Khánh Thiện - Chủ tịch UBND xã Việt Hồng, đào tạo nghề theo đúng tiềm năng, lợi thế của địa phương đã giúp người dân trong xã thay đổi rõ rệt tư duy sản xuất. Đến nay, xã có trên 50 mô hình chăn nuôi cá tầm, nuôi lợn, trồng rừng với quy mô lớn, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3 đến 4% mỗi năm. 

Xã cũng xác định mỗi năm sẽ mở được 2 đến 3 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung vào đồng bào dân tộc thiểu số để giúp người dân nâng cao trình độ canh tác, thích ứng với sản xuất hàng hóa, đáp ứng được với yêu cầu khi tham gia vào các quy trình sản xuất nông nghiệp để từ đó chủ động xây dựng mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập...

Thực hiện Đề án Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, Phòng LĐTB&XH huyện đã tham mưu cho UBND huyện triển khai kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng cho người lao động gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2021- 2025. Trong đó tập trung triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm nhằm nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. 

Thông qua các lớp đào tạo nghề phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, mỗi năm huyện Trấn Yên mở được từ 30 đến 45 lớp đào tạo nghề cho trên 2.460 lao động. Đến hết tháng 11 tháng năm 2023, toàn huyện đã mở được 15 lớp đào tạo nghề cho gần 500 lao động với các ngành nghề như chăn nuôi thú y, kỹ thuật xây dựng, chế biến nông lâm sản, mộc dân dụng, giao thông, điện tử, công nghệ và các ngành nghề thương mại, dịch vụ. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đạt trên 75%, trong đó lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt gần 38%. 

Ông Phan Thanh Hải - Phó trưởng phòng LĐTB&XH huyện Trấn Yên chia sẻ: "Với nhiều giải pháp trong định hướng, giáo dục nghề nghiệp, đa dạng các loại hình đào tạo, đảm bảo đầy đủ các kiến thức và kỹ năng cơ bản, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động được triển khai trong thời gian qua, Trấn Yên hiện có 80% lao động sau đào tạo nghề đã có việc làm, từng bước ổn định vươn lên trong cuộc sống. Sự nỗ lực cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương các cấp trong công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn giảm nghèo bền vững góp phần hướng tới mục tiêu giảm 176 hộ nghèo, giảm 0,74% tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện trong năm nay”. 

Để làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm ngay tại địa phương trong thời gian tới, Trấn Yên sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn việc phải cập nhật kiến thức sẽ giúp mỗi người dễ dàng hơn trong phát triển kinh tế gia đình, tham gia vào các chuỗi liên kết, các hội nhóm để tìm kiếm cơ hội, hướng đi phù hợp nhất. 

Ông Hải chia sẻ thêm: "Quan điểm của chúng tôi là sẽ tiếp tục theo dõi, quản lý, giám sát học viên sau đào tạo nghề; nắm bắt tình của các học viên để xem có việc làm hay không, việc làm như thế nào, có ổn định hay không để có hướng giải quyết kịp thời. Cùng với đó, chúng tôi sẽ kịp thời biểu dương, nhân rộng các mô hình, cách làm hay đến đông đảo các học viên đã được đào tạo. Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan, ngành chức năng cấp trên sớm phân bổ nguồn kinh phí ngay từ đầu năm để việc triển khai đào tạo nghề phù hợp với mùa vụ của người nông dân và có thể đánh giá thành quả đào tạo ngay trong năm”. 

Hoài Văn

Tags Trấn Yên Việt Hồng giảm nghèo bền vững đào tạo nghề lao động nông thôn

Các tin khác
Ông Cháng A Sai, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên thăm mô hình nuôi tằm của hộ nghèo trên địa bàn.

Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp huyện Trấn Yên đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ, tạo sinh kế cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống , góp phần đưa tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 1,75%.

UBND huyện Văn Yên hỗ trợ lợn giống cho các hộ nghèo thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp.

Tiếp nối nhiều cách làm sáng tạo đã thực hiện thời gian qua, năm 2024, huyện Văn Yên tiếp tục phát động phong trào thi đua “Dòng họ, thôn không còn hộ nghèo”, hướng tới xã không còn hộ nghèo để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo bền vững.

Lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Trấn Yên và UBND xã Quy Mông tham quan mô hình kinh tế của bà Phùng Thị Ý.

Nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Trấn Yên đã mạnh dạn thay đổi tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm trong phát triển sản xuất, làm chủ kinh tế gia đình, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương.

Mô hình nuôi dê núi của anh Sùng A Lâu, thôn Cang Dông và 2 thành viên trong tổ hợp tác nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao.

Bằng việc xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trong phát triển kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu đã đề ra những giải pháp cụ thể. Từ chỗ độc canh một loại cây trồng, nay ở các thôn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục