Giáo dục nghề nghiệp thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Cần tháo gỡ vướng mắc từ chính sách

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/12/2023 | 7:52:53 AM

YênBái - 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới (NTM) đều có tiểu dự án về giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Mục tiêu là hướng tới nâng cao chất lượng GDNN, mở rộng quy mô, trình độ..., từ đó nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.

Học sinh Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái thực hành sửa chữa máy lạnh.
Học sinh Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái thực hành sửa chữa máy lạnh.

Để làm tốt nhiệm vụ này, UBND tỉnh  Yên Bái đã chủ động lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác và cân đối, bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh để đầu tư xây dựng các công trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ xây dựng NTM, hỗ trợ thực hiện các cơ chế, chính sách của tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố chủ động cân đối, bố trí nguồn vốn từ nguồn ngân sách cấp huyện để hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng NTM, NTM nâng cao. 

Ngoài ra, UBND các cấp còn vận động, huy động đóng góp bằng tiền, ngày công, hiến đất để thực hiện các nội dung, dự án của các chương trình mục tiêu quốc gia. Việc lập kế hoạch, thẩm định, phê duyệt, giao dự toán hàng năm và trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của các chương trình mục tiêu quốc gia được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc đã được quy định trong Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14, ngày 08/7/2020 và Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15, ngày 01/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. 

Việc giao vốn từng chương trình bảo đảm tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 quy định tại các nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và nghị quyết của HĐND tỉnh.

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, đối với Tiểu dự án 1, Dự án 4 "Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Yên Bái đã giải ngân 39,1 tỷ đồng/44,3 tỷ đồng, đạt 88,2%. 

Dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cho 5 cơ sở GDNN là: Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ, Trường Trung cấp Lục Yên, Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên (GDTX) huyện Trạm Tấu và Trung tâm GDNN - GDTX huyện Mù Cang Chải. 

Nguồn vốn sự nghiệp trên 56 tỷ đồng (năm 2022 giao 20,1 tỷ đồng, năm 2023 giao 35,9 tỷ đồng) đã thực hiện và giải ngân 9,5 tỷ đồng/56 tỷ đồng, đạt 20,6%; đã và đang thực hiện nội dung phát hành 6.000 tờ rơi, tổ chức 4 hội nghị truyền thông về GDNN tại 4 huyện thị miền tây của tỉnh; xây dựng 1 mô hình gắn kết GDNN với doanh nghiệp, hợp tác xã... Trung tâm GDNN - GDTX huyện Văn Chấn triển khai hoạt động mua sắm thiết bị, phương tiện đào tạo, sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất của nhà trường. 

Đối với Tiểu dự án 3, Dự án 5: "Phát triển GDNN và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: nguồn vốn sự nghiệp đã phân bổ 7,3 tỷ đồng. Đã thực hiện và giải ngân gần 2,2 tỷ đồng/7,3 tỷ đồng, đạt 30%; đã và đang thực hiện những nội dung hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động người dân tộc thiểu số… 

Mặc dù đã đạt được kết quả khá tích cực, song công tác giao kế hoạch vốn trung hạn, phân bổ vốn của một số nội dung còn chậm; việc triển khai thực hiện một số nội dung, dự án, tiểu dự án chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch; tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp của các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 còn thấp; nguồn kinh phí chuyển nguồn vốn sự nghiệp từ năm 2022 sang năm 2023 và nguồn sự nghiệp năm 2023 là rất lớn, khả năng giải ngân nguồn vốn này trước 31/12/2023 là rất khó khăn. Công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt nội dung các chương trình mục tiêu quốc gia còn có địa phương thực hiện chưa thực sự toàn diện, sâu rộng, hiệu quả chưa cao. 

Theo quy định tại Luật GDNN năm 2014, cơ sở GDNN bao gồm: "Trung tâm GDNN, trường trung cấp, trường cao đẳng". Từ năm 2015 trở lại đây, thực hiện hướng dẫn của trung ương, tỉnh đã thực hiện việc sáp nhập Trung tâm Dạy nghề với Trung tâm GDTX thành Trung tâm GDNN - GDTX. Sau khi sáp nhập, các trung tâm vẫn hoạt động dạy nghề theo quy định của Luật GDNN; trong khi đó, theo quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg và Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng hỗ trợ của các dự án, tiểu dự án thành phần phát triển GDNN thuộc 2 chương trình là "Cơ sở GDNN". 

Như vậy, các trung tâm GDNN - GDTX không có tên trong danh sách, hiện không có đủ căn cứ pháp lý để hỗ trợ kinh phí phát triển GDNN. Trong khi đó, trên thực tế các trung tâm này đang đảm nhận việc đào tạo nghề ngắn hạn cho phần lớn lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh. 

Định mức hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg, trong đó mức hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng bình quân đối với các nhóm đối tượng thấp nhất là 2 triệu đồng/người/khóa học; cao nhất là 6 triệu đồng/người/khóa học. Như vậy, bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/khóa học 3 tháng và mức hỗ trợ tiền ăn là 30.000 đồng/người/ngày thực học. 

Mức kinh phí này không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay, khi từ năm 2016 đến nay, mức lương cơ sở đã tăng từ 1,21 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng (năm 2023 tăng gần 50% so với năm 2016). 

Cùng với đó, mức thu học phí đối với các nghề đào tạo sơ cấp (3 tháng/khóa học) là từ 4,5 triệu đồng đến 12 triệu đồng/người/khóa học tùy theo từng ngành, nghề đào tạo; các lớp học lái xe từ 17 triệu đồng đến 20 triệu đồng/khóa học. 

Những hạn chế này dẫn đến việc khó thu hút các học viên là đối tượng của 2 chương trình theo học. Tại Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững quy định đối tượng "Người lao động có thu nhập thấp” được hỗ trợ đào tạo nghề. Tuy nhiên, đến nay các bộ, ngành liên quan chưa quy định hoặc giải thích khái niệm "thu nhập thấp”, vì vậy các địa phương chưa có căn cứ để hỗ trợ đào tạo cho đối tượng này…

Quang Thiều

Tags giáo dục nghề nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia

Các tin khác
Ông Cháng A Sai, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên thăm mô hình nuôi tằm của hộ nghèo trên địa bàn.

Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp huyện Trấn Yên đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ, tạo sinh kế cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống , góp phần đưa tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 1,75%.

UBND huyện Văn Yên hỗ trợ lợn giống cho các hộ nghèo thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp.

Tiếp nối nhiều cách làm sáng tạo đã thực hiện thời gian qua, năm 2024, huyện Văn Yên tiếp tục phát động phong trào thi đua “Dòng họ, thôn không còn hộ nghèo”, hướng tới xã không còn hộ nghèo để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo bền vững.

Lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Trấn Yên và UBND xã Quy Mông tham quan mô hình kinh tế của bà Phùng Thị Ý.

Nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Trấn Yên đã mạnh dạn thay đổi tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm trong phát triển sản xuất, làm chủ kinh tế gia đình, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương.

Mô hình nuôi dê núi của anh Sùng A Lâu, thôn Cang Dông và 2 thành viên trong tổ hợp tác nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao.

Bằng việc xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trong phát triển kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu đã đề ra những giải pháp cụ thể. Từ chỗ độc canh một loại cây trồng, nay ở các thôn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục