Bạch Hà đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/12/2023 | 11:00:40 AM

YênBái - Những lớp đào tạo, tập huấn như: kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả có múi; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa gắn với công tác thú y; dạy nghề nấu ăn, xây dựng và làm du lịch cộng đồng; sản xuất rau an toàn, sản xuất theo chuỗi... đều dựa trên nhu cầu thực tế của người dân.

Các học viên xã Bạch Hà đang trình bày mâm cỗ đặc sản địa phương.
Các học viên xã Bạch Hà đang trình bày mâm cỗ đặc sản địa phương.

Luôn mong muốn phát huy, bảo tồn những nét đẹp văn hóa độc đáo của người Cao Lan, chị Đặng Thị Sáng ở thôn Ngòi Giàng, xã Bạch Hà, huyện Yên Bình đã tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch gắn với việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống tại các điểm đến du lịch tiêu biểu vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do huyện Yên Bình phối hợp với Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai tổ chức trong tháng 12 năm 2023. 

10 ngày học tập, chị Sáng chăm chỉ bám lớp để nắm bắt thêm kiến thức về quảng bá, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc địa phương gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Chị còn cẩn thận ghi lại những công thức, cách thức chế biến từng món ăn đặc sắc, truyền thống của đồng bào dân tộc địa phương vào sổ ghi chép cá nhân để sử dụng sau này. Dưới sự hướng dẫn tận tình của giảng viên, chị Sáng đã thành thạo trong việc làm mâm cỗ phục vụ du khách với nhiều món ăn từ những sản vật địa phương như: gạo Bạch Hà, gà Linh Môn, cá hồ Thác Bà cùng các món nộm, món canh độc đáo của người Dao, người Tày vùng hồ. 

Chị Sáng phấn khởi chia sẻ: "Tất cả đều là món ăn truyền thống, thường ngày của người dân tộc vùng đồng hồ Thác Bà nhưng đây là đầu tiên tôi được hướng dẫn cách lên thực đơn, kết hợp thêm gia vị, quy trình chế biến, trình bày mâm cơm cho đẹp, bắt mắt để phục vụ du khách. Dưới sự hướng dẫn của các giảng viên, tôi sẽ cố gắng vận dụng kiến thức đã học để chế biến được thêm nhiều món ăn, mâm cỗ kiểu mới để giới thiệu đến thực khách mỗi khi đến mô hình du lịch của gia đình. 

Qua lớp học, tôi cũng sẽ cố gắng tiếp cận với môi trường số hóa để mở rộng cơ hội quảng bá, giới thiệu mô hình du lịch của gia đình, đặc biệt là cách thức xây dựng mô hình du lịch theo hướng thân thiện, sạch đẹp, gần gũi với thiên nhiên, hình thành phong cách phục vụ chuyên nghiệp, gần gũi phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc mình”. 

Đối với anh Lương Ngọc Chang ở thôn Hàm Rồng, được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hoa màu, cây ăn quả do địa phương phối hợp tổ chức đã giúp gia đình xây dựng được mô hình trồng dưa hấu, dưa lê cho thu nhập cao. Vận dụng kiến thức được học, tìm hiểu thêm trên các hội nhóm trồng trọt trên mạng xã hội, anh Chang đã chuyển đổi 1 ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu, dưa lê theo hướng hàng hóa từ năm 2020. Mỗi năm gia đình anh thu hoạch từ 2 đến 3 vụ, xuất bán cho các địa chỉ cụ thể theo hợp đồng nên có thu nhập ổn định từ 60 đến 80 triệu đồng/năm. 

Anh Chang chia sẻ: "Việc được tham gia các lớp đào tạo, học nghề đã giúp tôi thay đổi tư duy, thay đổi hướng đi trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình mà không phải ly hương. Gia đình đã và đang mở rộng quy mô sản xuất lên 2 ha; sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ vào sản xuất đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn của các đơn hàng đã ký kết”.

Là xã thuần nông với 2.293 người trong độ tuổi lao động, từ lâu xã Bạch Hà đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp ở địa phương.  Xã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi dựa trên điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương; ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; tăng cường liên kết sản xuất giữa các hộ nông dân, doanh nghiệp, cơ sở chế biến để sản xuất, tiêu thụ nông sản và vận dụng chính sách hỗ trợ nông dân trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp qua các khoản vay ưu đãi, hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp... Đến nay, xã đã hình thành vùng trồng bưởi Diễn, trồng cây thanh long, trồng lúa đặc sản Bạch Hà cho hiệu quả kinh tế cao, người dân có việc làm ổn định, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Để duy trì và phát huy hiệu quả hơn nữa những mô hình kinh tế, giúp người dân tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp của địa phương, ông Hà Văn Thi – Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Hà cho biết: "Mỗi năm xã sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở từ 1 – 2 lớp đào tạo nghề, 4 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trở lên cho bà con. 

Những lớp đào tạo, tập huấn như: kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả có múi; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa gắn với công tác thú y; dạy nghề nấu ăn, xây dựng và làm du lịch cộng đồng; sản xuất rau an toàn, sản xuất theo chuỗi... đều dựa trên nhu cầu thực tế của người dân; được xã rà soát, tổng hợp, xây dựng kế hoạch phối hợp và có hướng phát triển. 

Các lớp đào tạo sẽ tập trung truyền đạt lý thuyết gắn với thực hành, trực tiếp "cầm tay chỉ việc” để người dân dễ dàng tiếp thu, áp dụng. Có thể khẳng định, sau mỗi lớp đào tạo nghề, người dân Bạch Hà đều mạnh dạn áp dụng, mở rộng quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm được nâng lên góp phần tăng thu nhập”. 

Ông Thi cho biết thêm, năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo tại xã Bạch Hà đạt 76%. Bạch Hà vừa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống chỉ còn 3,93%; thu nhập bình quân đầu người đạt 53,02 triệu đồng/năm, tăng gần 6 triệu đồng so với năm 2022. 

Hoài Văn

Tags Lao động việc làm giảm nghèo bền vững đào tạo nghề Yên Bình Yên Bái

Các tin khác
Ông Cháng A Sai, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên thăm mô hình nuôi tằm của hộ nghèo trên địa bàn.

Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp huyện Trấn Yên đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ, tạo sinh kế cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống , góp phần đưa tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 1,75%.

UBND huyện Văn Yên hỗ trợ lợn giống cho các hộ nghèo thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp.

Tiếp nối nhiều cách làm sáng tạo đã thực hiện thời gian qua, năm 2024, huyện Văn Yên tiếp tục phát động phong trào thi đua “Dòng họ, thôn không còn hộ nghèo”, hướng tới xã không còn hộ nghèo để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo bền vững.

Lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Trấn Yên và UBND xã Quy Mông tham quan mô hình kinh tế của bà Phùng Thị Ý.

Nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Trấn Yên đã mạnh dạn thay đổi tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm trong phát triển sản xuất, làm chủ kinh tế gia đình, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương.

Mô hình nuôi dê núi của anh Sùng A Lâu, thôn Cang Dông và 2 thành viên trong tổ hợp tác nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao.

Bằng việc xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trong phát triển kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu đã đề ra những giải pháp cụ thể. Từ chỗ độc canh một loại cây trồng, nay ở các thôn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục