Người Mông Hồng Ca xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/1/2020 | 11:30:11 AM

Năm 2017, được xã Hồng Ca chọn triển khai xây dựng nông thôn mới (XDNTM), toàn thôn Khuôn Bổ có đến 35 hộ nghèo; đường giao thông, ngõ xóm, nhà văn hóa thôn vẫn chưa được đầu tư đồng bộ nên việc vận động bà con XDNTM là vô cùng khó khăn. Câu chuyện của Trưởng thôn Dũng bắt đầu từ việc làm đường giao thông nông thôn.

Gia đình Cháng A Vàng phát triển mạnh kinh tế với mô hình nuôi gà đen.
Gia đình Cháng A Vàng phát triển mạnh kinh tế với mô hình nuôi gà đen.

Từng được nghe kể về sự nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và vươn lên thoát nghèo của bà con đồng bào Mông thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên nhưng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến những đổi thay kỳ diệu ở bản vùng cao này.

Thôn Khuôn Bổ thành lập năm 2000, gồm 25 hộ dân từ thôn Khe Lóng, xã Mỏ Vàng và thôn Hồng Lâu trong xã chuyển đến. Đến nay, Khuôn Bổ đã có 80 hộ dân với 387 nhân khẩu. Trưởng thôn Sổng A Dũng chỉ tay về phía những con đường bê tông phẳng lỳ, uốn lượn vào từng nếp nhà khang trang, khẳng định: "Cuộc sống hôm nay của bà con thôn mình đang khởi sắc, tất cả là từ nông thôn mới mà ra. Anh biết đấy, người Mông tập quán sinh hoạt còn lạc hậu nên để có sự đổi thay này là cả một câu chuyện dài kỳ”. 

Trưởng thôn Dũng nhớ lại, năm 2017, khi anh mới làm trưởng thôn, Khuôn Bổ được xã Hồng Ca chọn triển khai XDNTM. Khi đó, toàn thôn có đến 35 hộ nghèo; đường giao thông, ngõ xóm, nhà văn hóa thôn vẫn chưa được đầu tư đồng bộ nên việc vận động bà con XDNTM là vô cùng khó khăn. 

Câu chuyện của Trưởng thôn bắt đầu từ việc làm đường giao thông nông thôn. Trước kia, bà con người Mông chưa hiểu được bản chất của XDNTM nên họ đều trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Vì vậy, việc hiến đất, góp công, góp sức xây dựng đường giao thông là vô cùng khó khăn. 

Để bà con hiểu rõ hơn về chương trình XDNTM, huyện và xã đã có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động như đưa bà con đến thăm mô hình XDNTM ở các địa phương khác, phát huy vai trò của những người có uy tín trong thôn để vận động bà con làm theo. 

Được Nhà nước hỗ trợ xi măng, bà con trong thôn bàn nhau góp cát, sỏi, công lao động đổ bê tông. Trong thời gian thi công, các hộ gia đình liên kết theo nhóm cùng sự giúp sức của các ban, ngành, đoàn thể đổ bê tông đến từng đoạn đường đi vào khu vực của từng hộ. Đến nay, ngoài tuyến đường chính dài hơn 1 cây số, các hộ dân còn làm trên 600 m đường nhánh nối vào tận sân nhà. 

Nữ Bí thư Chi bộ Cháng Thị Nhà tiếp chuyện: "Không chỉ có đường giao thông đâu, việc chỉnh trang nhà cửa, làm nhà vệ sinh, di chuyển chuồng trại chăn nuôi xa nhà là cả một cuộc cách mạng. Giờ đi khắp thôn đố tìm thấy nhà nào nuôi nhốt gia súc gần nhà nữa đấy”. 

"Làm sao thay đổi được tập quán sinh sống của đồng bào mình?” - tôi ngạc nhiên hỏi. Cháng Thị Nhà cho hay: "Cán bộ huyện, cán  bộ xã cùng các ban, ngành, đoàn thể đã xuống tận thôn, đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn trực tiếp người dân thực hiện việc ăn ở hợp vệ sinh, tham gia vệ sinh môi trường thôn, chỉnh trang nhà ở... 

Không chỉ tuyên truyền đâu mà còn cùng làm với bà con. Ngay việc di chuyển chuồng trại chăn nuôi gia súc xa nhà, cán bộ đến khảo sát từng nhà rồi hướng dẫn các hộ vị trí đặt chuồng, cán bộ thôn làm trước, rồi mời hàng xóm sang nhà mình xem, họ thấy cách bố trí như thế hợp lý hơn nên họ làm theo. Cán bộ tận tình thế, người dân thôn sao phụ công được!”. 

Trong ngôi nhà mới được sửa lại khang trang, Sổng A Vấn phấn khởi kể chuyện nghe thôn vận động, lại được Nhà nước hỗ trợ xi măng, cán bộ các ban, ngành, đoàn thể và bà con cùng giúp sức, Vấn đã đầu tư xây dựng được hệ thống chuồng trại kiên cố, bảo đảm vệ sinh, sửa sang nhà cửa khang trang, có đủ công trình phụ phục vụ đời sống sinh hoạt. "Giờ bà con mình chỉ lo phát triển kinh tế thôi” - Vấn cười đầy vẻ yên lòng.



Trưởng thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca đi đầu trong việc đưa cây cam về trồng ở địa phương. 

Những năm gần đây, người Mông Khuôn Bổ đã biết cải tạo vườn tạp, bố trí lại cơ cấu cây trồng để tăng thêm thu nhập. Nhiều hộ đã biết tận dụng những mảnh đất nhỏ tại vườn nhà để trồng rau, quả, phục vụ cho nhu cầu gia đình và bước đầu đã có sản phẩm bán ra thị trường để tăng thêm nguồn thu nhập. 

Đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế và XDNTM phải kể đến Trưởng thôn Sổng A Dũng. Với quyết tâm bắt đất cằn nhả tiền, năm 2014, Sổng A Dũng cùng Sổng A Cơ và một số anh em sang các xã lân cận học hỏi mô hình trồng cam.

Lúc đó, cam là cây trồng mới toanh trên đất dốc nên mấy anh em vừa làm vừa học. Đến nay, vườn cam mênh mông của gia đình anh đã cho quả ngọt. Tính đến bây giờ, cả thôn có 5 ha cây ăn quả. Riêng nhà Sổng A Dũng có 700 gốc cam vinh, cam sành, cam đường canh, mỗi gốc cam vừa ăn vừa bán cũng thu về 400.000 đồng mỗi vụ. Vụ cam năm ngoái, anh Dũng có ngót trăm triệu từ cam. Ấy vậy, anh Dũng vẫn còn những 5 ha quế, 2 ha tre măng Bát độ. 

Theo Trưởng thôn Sổng A Dũng, đời sống của bà con trong thôn, trong xã về lâu dài chủ yếu vẫn trông nhiều vào quế và cây tre măng Bát độ. Đến nay, Khuân Bổ có đến 70 ha tre măng Bát độ, hơn 150 ha quế. 

Bí thư Chi bộ Cháng Thị Nhà thì phấn khởi khẳng định: "Bà con trong thôn đã đi đúng hướng rồi! Trồng cây ăn quả, nuôi gà đen, lợn rừng là nguồn kinh tế bổ trợ cho cây quế và tre măng”. Minh chứng cho khẳng định của Bí thư Cháng Thị Nhà là những mô hình trở thành điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế trong thôn với thu nhập vài trăm triệu đồng, như mô hình của Cháng A Vàng chẳng hạn. Cháng A Vàng nuôi gà đen, thu nhập thật đáng kể. 

Trước đây, gia đình Vàng cũng chỉ biết trồng lúa, trồng ngô, nghèo mãi. Năm 2017, xã vận động bà con nuôi gà đen theo chương trình bảo tồn, phát triển giống gà đặc sản của người Mông. Vàng mạnh dạn đăng ký. Sau khi được xã cấp 50 con gà đen, Vàng vay thêm vốn ngân hàng cùng với số vốn ít ỏi mà 2 vợ chồng đã tiết kiệm được để đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi gà đen theo phương thức thả vườn. 

Nhờ chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật và tuân thủ cách vệ sinh, xử lý chuồng trại cũng như phòng bệnh nên lứa nào đàn gà của gia đình cũng lớn nhanh và ít bị bệnh. "Mỗi năm, gia đình nuôi được 3 lứa gà đen thả vườn, mỗi con gà lãi 20.000 đồng. Mình vừa xuất bán được 200 con. Hiện, gia đình còn hơn 300 con, đang vỗ béo để bán tết” - Cháng A Vàng hào hứng khoe.

Thông tin từ Bí thư Chi bộ Cháng Thị Nhà, nhờ tập trung phát triển kinh tế, đến nay, số hộ nghèo trong thôn chỉ còn 8 hộ; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/năm; các ngôi nhà trong thôn đều đảm bảo 3 cứng (cứng nền, cứng mái và cứng cột), trong đó 10% nhà đã được kiên cố vững chắc; đời sống vật chất, tinh thần của bà con được cải thiện đáng kể. 

Nhờ sự chung sức, đồng lòng cùng nỗ lực vượt khó của bà con, năm 2018, thôn Khuôn Bổ được ghi tên thôn nông thôn mới. Xã Hồng Ca cũng vừa được đón nhận Bằng công nhận xã nông thôn mới. Có cuộc sống như hôm nay, người Mông Khuôn Bổ đều hiểu rằng đổi thay lớn lao ấy bắt nguồn từ Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM của Đảng, của Nhà nước và sự nỗ lực của chính bà con mình. 

Văn Thông

Các tin khác
Nhân dân xã Minh Tiến đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hoá tập trung.

Là huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh với phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) của Lục Yên những năm qua đã đạt được nhiều kết quả thiết thực với nhiều cách làm hay.

Tuyến đường liên xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến (Lục Yên) được nâng cấp giúp các địa phương trên tuyến nâng cao chất lượng tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.

Theo bộ tiêu chí mới về nông thôn mới (NTM) cấp xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 89/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 59,33%.

Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hồng Tiến, xã Y Can (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng dâu, nuôi tằm đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Y Can, huyện Trấn Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Cán bộ và nhân dân xã Minh Bảo tham gia trồng cây xanh, tạo cảnh quan dọc tuyến đường thôn Trực Bình.

Người dân thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã đoàn kết, cùng chung sức xây dựng mô hình Khu dân cư “Xanh - Hạnh phúc” để tạo điểm nhấn và “nâng chất” các tiêu chí NTM, đảm bảo cuộc sống của người dân ngày càng phồn thịnh, ấm no, hạnh phúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục