Kỷ niệm 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Tây Bắc (2004 - 2014)

Đẩy mạnh liên kết, phát triển du lịch

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/11/2014 | 9:53:00 AM

YBĐT - Những năm gần đây, các tỉnh trong vùng Tây Bắc đã đẩy mạnh liên kết, phát triển du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch nội vùng và liên vùng độc đáo, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

Chương trình “Du lịch về cội nguồn” đã mở ra hướng phát triển cho 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.
Chương trình “Du lịch về cội nguồn” đã mở ra hướng phát triển cho 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.

Năm 2006, 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ đã liên kết xây dựng Chương trình “Du lịch về cội nguồn”, khai thác và phát huy các thế mạnh về du lịch độc đáo của từng vùng miền, trong đó, du lịch tâm linh, du lịch cộng là điểm nhấn quan trọng. Nhiều địa danh, sản phẩm du lịch của 3 tỉnh đã quen thuộc với du khách nội địa; góp phần quảng bá, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh; tăng cường hợp tác khai thác, tôn vinh các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh.

Việc liên kết này đã đem lại giá trị kinh tế lớn cho các địa phương. Năm 2014, Yên Bái đón gần 400.000 lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt 153 tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ đóng góp cho sự phát triển kinh tế địa phương.

Để quảng bá tiềm năng, thế mạnh cũng như đẩy mạnh việc hợp tác, phát triển du lịch với quy mô lớn hơn, năm 2008, Chương trình “Du lịch về cội nguồn” của 3 tỉnh đã phát triển thành chương trình hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng gồm: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Phú Thọ. Đây là một trong những nhóm hợp tác du lịch đầu tiên ở vùng Tây Bắc. Các tỉnh đã hình thành khung chương trình hành động, phát triển du lịch của khu vực giai đoạn 2010 - 2015, quan tâm đến các hoạt động hợp tác có chiều sâu như: cơ chế, chính sách, phát triển sản phẩm du lịch, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Từ đó, 8 tỉnh trong khu vực đã phối hợp, hình thành bộ công cụ quảng bá du lịch bao gồm: biểu trưng, khẩu hiệu du lịch với đặc điểm riêng của khu vực và các tỉnh thành viên; thiết kế và đưa vào vận hành trang thông tin điện tử về du lịch của khu vực; phát hành bản đồ du lịch và cẩm nang hướng dẫn du lịch; tham gia các chương trình xúc tiến du lịch trong và ngoài nước...

Hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh Tây Bắc đã đạt kết quả nhất định, bước đầu hình thành cơ chế chung trong chỉ đạo, khuyến khích mở rộng liên kết song phương; liên kết quảng bá, tạo sản phẩm, xây dựng các chính sách, đào tạo nguồn nhân lực. Nhờ đó, năm 2013, 8 tỉnh đã đón trên 11,7 triệu lượt khách (tăng 12,2% so với năm 2012), doanh thu đạt trên 6.000 tỷ đồng (tăng khoảng 40% so với năm trước).

Tuy nhiên, việc hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng vẫn tồn tại một số hạn chế. Chương trình chưa có cơ chế hợp tác hiệu quả, khó thành lập quỹ phát triển du lịch chung. Hoạt động liên kết mới dừng lại ở hợp tác giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, thiếu vai trò của các doanh nghiệp du lịch, hiệp hội du lịch, người dân và chưa dựa trên một chiến lược phát triển du lịch tổng thể của khu vực. Sản phẩm du lịch thiếu hấp dẫn, nhiều di tích mới ở mức trưng bày hiện vật, không có điểm nhấn đặc thù.

Sự hợp tác giữa các địa phương trong khu vực còn mang tính hình thức, các chuỗi sự kiện văn hóa du lịch diễn ra trùng lặp về nội dung, thời gian chưa hợp lý. Cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng với yêu cầu cả về số lượng và chất lượng; đội ngũ nhân sự làm du lịch chưa có tính chuyên nghiệp cao; việc huy động cộng đồng bản địa phục vụ cho du lịch còn hạn chế.

Do vậy, để du lịch vùng Tây Bắc tạo được sức hấp dẫn và thương hiệu riêng, các địa phương cần có những sản phẩm du lịch trọng tâm, đầu tư cho hoạt động xúc tiến quảng bá trọng điểm, xác định thương hiệu và các sản phẩm du lịch mang bản sắc của vùng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế liên kết rõ ràng, đưa ra các quy định cụ thể về liên kết và hợp tác; tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong hoạt động du lịch.

 Lê Thanh

Các tin khác
Nghi thức tế lễ trong Lễ hội

Ngày 25/4 (tức 17/3 Giáp Thìn), phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái tổ chức Lễ hội Giỗ Mẫu đền Bà Áo Trắng năm 2024. Dự Lễ hội có đồng chí Hoàng Thị Vĩnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.

Tour du lịch lịch sử

Những ngày này, huyện Trấn Yên đang tích cực chuẩn bị ra mắt tour du lịch “Theo dấu chân anh hùng” và chung kết Cuộc thi “Em hát về địa chỉ đỏ”, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 07/5/2024) và 79 năm thành lập Chiến khu Vần (5/1945 - 5/2024).

Cơ sở lưu trú Mộc Homestay thị trấn Mù Cang Chải sẵn sàng đón khách

Huyện Mù Cang Chải hiện có 104 dịch vụ homestay, nhà nghỉ và 70 cơ sở nhà hàng, quán ăn. Các cơ sở đã sẵn sàng đón khách kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5.

Nhu cầu du lịch nội địa dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ trong đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 và mùa hè này.

Ngày 24/4, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam ban hành Văn bản số 780/CDLQGVN-QLLH gửi Sở Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường bảo đảm an toàn trong các hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch hè 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục