Mù Cang Chải linh hoạt cách làm giữ vững cảnh quan

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/5/2023 | 7:35:33 AM

YênBái - Chuyển sang cho thuê các địa điểm du lịch nổi tiếng để giữ vẻ đẹp cảnh quan với giá trị tương đương thu nhập thực tế hàng năm thu được của các hộ dân canh tác trên ruộng bậc thang; giao cho các bản quản lý, chăm sóc, dọn vệ sinh giữ vững cảnh quan xanh, sạch, đẹp các điểm check in nổi tiếng... đang là cách hiệu quả để Mù Cang Chải nâng cao chất lượng điểm du lịch.

Đồi Mâm Xôi, xã La Pán Tẩn mùa nước đổ
Đồi Mâm Xôi, xã La Pán Tẩn mùa nước đổ


Hiện nay, ngoài các điểm tham quan, nghỉ dưỡng như Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mu Cang Chai; Khu sinh thái Ecolodge Mù Cang Chải hay các homestay khác, Mù Cang Chải cũng có nhiều cảnh quan tự nhiên khác như đỉnh Lùng Cúng, xã Nậm Có, bãi đá cổ xã Lao Chải, rừng trúc xã Púng Luông, sống lưng khủng long xã Dế Xu Phình.

Nhiều cảnh quan được tạo ra bởi sự sáng tạo của con người hòa hợp với thiên nhiên như ruộng bậc thang đồi Mâm Xôi xã La Pán Tẩn, võng lúa Móng Ngựa xã Mồ Dề... Trong đó, đồi Mâm Xôi xã La Pán Tẩn đã góp phần quan trọng tạo nên sự độc đáo riêng có của Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. 

Tuy nhiên, những năm gần đây, dù huyện, xã đã có nhiều chính sách khuyến khích các hộ chủ quản cảnh quan tích cực chăm sóc, sản xuất duy trì cảnh quan theo đúng mùa, đúng vụ để duy trì cảnh đẹp phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách nhưng do thiếu nước tưới nên vẻ đẹp của đồi Mâm Xôi đang ngày càng không đúng mùa, đúng vụ, làm cho du khách đến với Mù Cang Chải vào mùa nước đổ thì lại không thấy được cảnh sinh động, không khí nhộn nhịp cày bừa, làm đất. Vào mùa lúa chín thì mảnh chín sớm, mảnh chín muộn không đồng đều... 

Để vừa duy trì ổn định thu nhập đồng thời duy trì tốt vẻ đẹp cảnh quan theo mùa vụ, đúng khung lịch phục vụ du khách, năm 2022, những hộ dân là chủ nhân của đồi Mâm Xôi, xã La Pán Tẩn và võng lúa Móng Ngựa, xã Mồ Dề đã chuyển sang cho thuê với giá trị tương đương thu nhập thực tế hàng năm mà họ thu được từ cảnh đẹp ruộng bậc thang của gia đình. 

Ông Hờ Vảng Giống, bản Tà Chí Lư, xã La Pán Tẩn là chủ của đồi Mâm Xôi chia sẻ: "Khu đồi Mâm Xôi có nhiều chủ, nhưng riêng chóp Mâm Xôi và mấy mảnh chạy quanh chân chóp Mâm Xôi là của gia đình tôi. Trước đây, có nước tưới đảm bảo, làm được sớm thì mỗi vụ thu hơn tấn thóc, nhưng hiện nay thì thấp hơn nhiều. Năm 2022, gia đình tôi được xã chi trả thêm 19 triệu đồng tiền mặt từ cảnh quan du lịch". 

"Vài năm gần đây, do thiếu nước tưới, các hộ trong khu Mâm Xôi ngày càng khó làm đất cùng một thời điểm, nên không tạo được cảnh quan theo khung lịch phục vụ du khách; chúng tôi đã cho thuê toàn bộ để chủ nhân thuê đất tự sản xuất cho tập trung, tạo cảnh quan cho phát triển du lịch. Riêng của gia đình tôi, cho thuê với giá 19 bao thóc và 19 triệu đồng/năm” - ông Giống nói. 


Khu võng lúa Móng Ngựa, xã Mồ Dề đang được Tổ hợp tác Võng lúa Móng Ngựa Mù Cang Chải đầu tư tôn tạo. 

Cũng như ở đồi Mâm Xôi, khu võng lúa Móng Ngựa, xã Mồ Dề là một trong những địa điểm hàng năm vào mùa lúa chín, mùa nước đổ luôn thu hút rất đông du khách tham quan, nhiều tay máy khắp nơi đến săn ảnh, nhưng mấy năm gần đây cũng chung tình trạng thiếu nước và bà con sản xuất không được đồng bộ về thời gian, nên cảnh quan cũng không được như mong muốn. 

Anh Giàng A Chinh, ở bản Háng Sung, xã Mồ Dề, Tổ trưởng Tổ hợp tác Võng lúa Móng Ngựa Mù Cang Chải cho biết: "Năm 2022, chúng tôi thuê toàn bộ khu võng lúa Móng Ngựa của 12 hộ với giá 14 tấn thóc/năm. Sau đó, chúng tôi đầu tư hơn 400 triệu đồng để mua đường ống dẫn nước, mua máy móc làm đất và làm hệ thống lán nghỉ phục vụ du khách... Song, do xã đang hoàn thiện hệ thống thủy lợi khu Móng Ngựa nên hiện chưa được cày bừa. Chúng tôi sẽ cố gắng tìm hướng khắc phục để có thể duy trì việc làm đất sớm nhất, tạo cảnh quan đúng nghĩa theo khung lịch để phục vụ khách tham quan, check in khi đến với Mù Cang Chải nói chung và võng lúa Móng Ngựa nói riêng”. 

Các điểm khác như: rừng trúc Púng Luông, đồi thông, sống lưng khủng long Dế Xu Phình, bãi đá cổ Lao Chải... đều được địa phương giao cho các bản quản lý, chăm sóc, dọn vệ sinh giữ vững cảnh quan xanh, sạch, đẹp để thu hút du khách. 

Ngoài ra, các đỉnh: Lùng Cúng, xã Nậm Có, đỉnh Tà Cây Đàng, Tháp Trời, xã La Pán Tẩn phục vụ leo núi, săn mây cũng đã được Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mu Cang Chai thường xuyên tu sửa đường đi cũng như làm các lán trại nghỉ ngơi để phục vụ du khách yêu thích leo núi được chinh phục, khám phá. 

Sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, toàn thể nhân dân trong việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng các điểm, cảnh quan đẹp trên địa bàn huyện cùng với cơ chế mở cửa thu hút du lịch, đã góp phần quan trọng đưa du lịch Mù Cang Chải có bước chuyển biến mạnh mẽ cả về quy mô dịch vụ, hoạt động và doanh số. Riêng năm 2022, huyện đã đón được trên 350.000 lượt khách du lịch, đạt 166,7% kế hoạch, tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ; mang lại doanh thu hơn 270 tỷ đồng từ du lịch, đạt 174,2% kế hoạch, tăng gấp 4,5 lần so cùng kỳ.

A Mua

Tags Mù Cang Chải nâng cao chất lượng điểm du lịch La Pán Tẩn Mồ Dề Dế Xu Phình

Các tin khác
Tạm dừng tổ chức Lễ hội Ẩm thực huyện Văn Yên lần thứ 2 năm 2024 cho đến khi thông báo lại.

UBND huyện Văn Yên vừa có thông báo số 575/TB-BTC về việc tạm dừng tổ chức Lễ hội Ẩm thực huyện Văn Yên lần thứ 2 năm 2024.

Thu hút khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và mùa du lịch hè 2024

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch định hướng và đề nghị các địa phương triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề "Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu" để đón đầu kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 và mùa du lịch hè 2024.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, thông tin về Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần 2

Không gian các đầu bếp công diễn xác lập kỷ lục 150 món ăn kèm với bánh mì được trưng bày trên một mô hình bánh mì khổng lồ là điểm nhấn của Lễ hội Bánh mì lần 2 năm 2024.

Du khách trải nghiệm và check-in tại trang trại trồng nho của Hợp tác xã Sáu không Farm, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái yêu cầu các địa phương tăng cường thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 theo Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 31/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục