Điệu dân vũ nồng say

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/2/2011 | 8:57:00 AM

YBĐT - 6 điệu xòe cổ được khôi phục là cái gốc, khởi nguồn của 36 điệu xòe dân tộc Thái miền Tây Bắc hôm nay.

Các thiếu nữ Thái biểu diễn các điệu xòe tại Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò năm 2008.
Các thiếu nữ Thái biểu diễn các điệu xòe tại Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò năm 2008.

“Đêm Mường Lò, trăng đã lên dần, vào đây anh, tay cầm tay múa xòe cùng em”... Ánh lửa xòe bập bùng, ẩn hiện đôi má em gái Thái ửng hồng, nồng thơm men rượu lá, chan hòa ánh trăng giữa mênh mông đất trời, câu hát mời bao người cùng nhập nối vòng xòe, miên man trong điệu dân vũ nồng say trên đất Mường Lò.

Bao đời nay, người Thái gửi gắm sự duyên dáng của thiếu nữ vào những áo cỏm, khăn piêu; gửi sự tinh tế khéo léo của bàn tay lao động vào đường kim mũi chỉ dệt thêu thổ cẩm; gửi thành quả lao động sản xuất vào hương cốm đầu mùa, vào sự dẻo thơm của xôi ngũ sắc và gửi gắm tình yêu cuộc sống, tình cảm yêu thương của người với người, khát vọng về lao động, chiến đấu, sản xuất vào từng điệu xòe. Chỉ một động tác, một dáng đi, dáng đứng, cách xếp đội hình, cách chuyển động tác cũng là những cung bậc, sắc thái, những ý nghĩa khác nhau mà điệu xòe mang theo.

“Không xòe không vui, không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi”. Ít cuộc vui nào, ngày hội nào của người Thái đất này lại vắng bóng những điệu xòe. Người Thái Mường Lò xưa đã thế và nay cũng vậy. Cùng những nỗ lực giữ gìn và khôi phục suốt 15 năm qua của các nghệ nhân dân gian ở Mường Lò, 6 điệu xòe cổ được coi là những điệu xòe phổ biến nhất trong đời sống của người Thái xưa kia lại có mặt trong khắp các cuộc vui bản làng Thái bây giờ. 6 điệu xòe này có thể diễn độc lập trong từng hoàn cảnh khác nhau nhưng nó cũng là những điệu xòe trong một tổng thể sống động, hoàn chỉnh.

Nếu người miền xuôi có miếng trầu làm đầu câu chuyện thì đất Tây Bắc có chén rượu để làm quen; những cô gái đất Kinh Bắc có câu quan họ để mời trầu thì ở Mường Lò, phụ nữ Thái múa điệu xòe “Khẳm khăn mơi lảu” - nghĩa là nâng khăn mời rượu. Như chính tên gọi của nó, người xòe hai tay nhẹ nhàng, uyển chuyển nâng chiếc khăn, mời chén rượu đầy với tất cả tình cảm trân trọng, tấm lòng quý khách. Chất nồng ấm trong men rượu, sự thân tình trong điệu múa... khiến không ai có thể khước từ. Mang ý nghĩa tươi vui, phấn khởi khi mùa màng bội thu, “Nhôm khăn” (tức tung khăn) là điệu xòe sôi động, rộn ràng nhất với chiếc khăn thổ cẩm sặc sỡ quàng qua cổ, hai tay tung khăn theo nhịp điệu. Chiếc khăn thổ cẩm trong điệu xòe này cũng là sự thể hiện thành quả lao động đầy tinh tế. Điệu xòe “đổn hôn” (múa tiến, lùi, lộn) lại khẳng định, dù trời đất đổi dời nhưng tình người vẫn vẹn nguyên, cuộc sống có lúc nghiêng ngả nhưng lòng người không đổi thay. Phá xí nghĩa là xòe bổ bốn.

Phổ biến nhất vẫn là điệu xòe vòng. Trong ánh lửa bập bùng nổi lên giữa vòng xòe, tay nắm tay, vai chạm vai, chân nhịp bước theo chân, nhẹ nhàng để vòng xòe cứ xoay mãi, xoay mãi... và lúc đông người trở thành đại xòe. Vòng xòe thật náo nhiệt, rộn ràng, không ai không hòa cùng vòng xòe nên vòng xòe cứ rộng mãi, rộng mãi mà vẫn ấm áp tình. Người ta nhận thấy một tinh thần đoàn kết, tính cố kết cộng đồng khi vui khi buồn có nhau ở điệu xòe vòng. Xòe vòng còn là tiền đề để phát triển những tiết mục dân vũ của dân tộc Thái như múa hái bông dệt vải, hoa suối, múa quạt... Điệu xòe “Ỏm lọm tốp mư” vỗ tay múa vòng tròn, được phát triển từ điệu xòe vòng, khác là người xòe không nắm tay nhau mà hai tay vỗ vào nhau lúc bên phải, lúc bên trái... chia sẻ niềm vui trong cộng đồng khi chiến thắng, khi mùa màng bội thu, khi mừng năm mới, khi dựng vợ gả chồng... được gửi gắm trong điệu xòe này.

6 điệu xòe cổ được khôi phục là cái gốc, khởi nguồn của 36 điệu xòe dân tộc Thái miền Tây Bắc hôm nay. Năm 2005, thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức cho gần 500 nghệ nhân tham gia tập và công diễn giới thiệu. Nhiều người dân đã thích thú với những điệu xòe này và một phong trào học xòe cổ đã nhanh chóng lan rộng ra các thôn, bản. Nhiều đội xòe đã hình thành ở các thôn, bản, thu hút nhiều nam thanh nữ tú tham gia. Giữ gìn những điệu xòe, những nghệ nhân già của đất Mường Lò vẫn đang truyền dạy lại từng cử chỉ, động tác cho con cho cháu.

Phát huy tài sản vô giá này, những người Thái trẻ hôm nay cũng đang tiếp nhận bằng tình yêu quê hương làng bản và niềm tự hào văn hóa dân tộc mình để có thể “cảm” được cái hồn dân vũ “lắng” trong từng điệu xòe để rồi xòe đẹp, xòe hay cho bao lữ khách đến Mường Lò hôm nay cùng miên man say điệu xòe hoa.

Thu Hạnh

Các tin khác
Nghi thức tế lễ trong Lễ hội

Ngày 25/4 (tức 17/3 Giáp Thìn), phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái tổ chức Lễ hội Giỗ Mẫu đền Bà Áo Trắng năm 2024. Dự Lễ hội có đồng chí Hoàng Thị Vĩnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.

Tour du lịch lịch sử

Những ngày này, huyện Trấn Yên đang tích cực chuẩn bị ra mắt tour du lịch “Theo dấu chân anh hùng” và chung kết Cuộc thi “Em hát về địa chỉ đỏ”, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 07/5/2024) và 79 năm thành lập Chiến khu Vần (5/1945 - 5/2024).

Cơ sở lưu trú Mộc Homestay thị trấn Mù Cang Chải sẵn sàng đón khách

Huyện Mù Cang Chải hiện có 104 dịch vụ homestay, nhà nghỉ và 70 cơ sở nhà hàng, quán ăn. Các cơ sở đã sẵn sàng đón khách kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5.

Nhu cầu du lịch nội địa dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ trong đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 và mùa hè này.

Ngày 24/4, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam ban hành Văn bản số 780/CDLQGVN-QLLH gửi Sở Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường bảo đảm an toàn trong các hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch hè 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục