Khám phá làng nghề cổ H’Rê

  • Cập nhật: Thứ hai, 31/3/2014 | 1:55:44 PM

Cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 30km, từ ngã tư Thạch Trụ (huyện Mộ Đức) theo hướng tây quốc lộ 24 khoảng 29km, chúng tôi đặt chân đến trung tâm huyện Ba Tơ.

Bảo tàng Ba Tơ còn lưu giữ nhiều hiện vật mang đậm chất văn hóa H’Rê.
Bảo tàng Ba Tơ còn lưu giữ nhiều hiện vật mang đậm chất văn hóa H’Rê.

Trước đó tại km19, tấm bảng hiệu “Di tích quốc gia Trường Lũy, Quảng Ngãi...” đã níu chân chúng tôi dừng lại để khám phá di tích này.

Vạch rừng xem trường thành

Chỉ cần rẽ trái vào đường đất khoảng 400m, đập vào mắt chúng tôi là một đoạn trường thành cao khoảng 2m, dày 2m, phủ đầy cây rừng. Chúng tôi phải vừa vạch cây rừng vừa đi bộ khoảng 300m bên dưới trường thành, trong lòng khâm phục sự kỳ công và cảm nhận được nỗi khổ cực của người xưa.

Nằm giữa vùng rừng núi trùng điệp của tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, Trường Lũy không chỉ có vai trò phòng thủ, mà còn có ý nghĩa lớn trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa giữa người dân tộc thiểu số ở miền núi và người Kinh tại đồng bằng. Đây là công trình có giá trị văn hóa đặc biệt, cấu trúc độc đáo, gắn liền với những câu chuyện lịch sử hết sức ly kỳ.

Theo các nhà khoa học, Trường Lũy được xây dựng từ thời nhà Nguyễn bằng nguyên liệu đất và đá với chiều dài 127,4km, nhiều đoạn cao đến 4m và chân móng dày 6m. Tuy nhiên theo thời gian, do không được giữ gìn và tu bổ, thành Trường Lũy ngày nay đã bị cây xanh bao phủ và bào mòn dần.

Theo lời anh Nguyễn Đức Phong - thuyết minh viên tại Bảo tàng Ba Tơ (diện tích chừng 300m2), ngoài thành Trường Lũy, rải rác khắp rừng núi Ba Tơ còn có nhiều di tích khác có giá trị lịch sử mà du khách không thể bỏ qua. Đó là quần thể di tích lịch sử - văn hóa quốc gia gồm núi Cao Muôn, nơi đội du kích đặt căn cứ xây dựng lực lượng; khu căn cứ Giá Vụt, nơi đặt trạm liên lạc, tích trữ vũ khí, lương thực, thuốc men...

Thăm làng nghề dệt thổ cẩm

Trở lại quốc lộ 24, chúng tôi tiếp tục lên đường đến thôn Huy 32, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ. Gửi “ngựa sắt” tại nhà dân, chúng tôi tìm đến thác nước đang cuồn cuộn chảy từ độ cao hơn 10m và rộng khoảng 25m giữa một vùng rất hoang sơ. Thấy dòng thác có bến tắm lý tưởng rộng hơn 100m2, mọi người không ai bảo ai đều hòa mình vào dòng nước để giải nhiệt.

Sau khi thỏa thích đắm mình trong dòng nước mát lạnh, chúng tôi tiếp tục lên đường đến làng Teng (xã Ba Thành) nổi tiếng, ngôi làng duy nhất còn lưu truyền nghề dệt thổ cẩm H’Rê. Trao đổi với chúng tôi, một nghệ nhân dệt thổ cẩm người H’Rê cho biết trước đây tất cả công đoạn dệt thổ cẩm ở làng Teng, từ trồng bông, xe sợi, nhuộm chỉ đến khâu dệt đều làm thủ công. Còn hiện nay mọi người mua sợi về dệt nhưng cách dệt cũng như xưa, phải đan từng sợi chỉ.

“Để có một cái áo phải mất hơn nửa tháng ngồi dệt miệt mài. 20 năm trước nhà nào cũng có người dệt thổ cẩm, hiện nay còn khoảng 25 người giữ nghề. Chắc mấy năm nữa ở đây không còn ai dệt vì lớp trẻ bây giờ không ưng ngồi một chỗ” - vị nghệ nhân này nói. Dù không được mục sở thị công việc dệt thổ cẩm H’Rê của người làng Teng, nhưng chúng tôi cũng có nhiều trải nghiệm thú vị khi được giới thiệu về những tấm thổ cẩm dệt một cách tinh xảo.

Rời làng Teng, chúng tôi tiếp tục chuyến khám phá thiên nhiên an bình, lịch sử hình thành và phát triển Ba Tơ cũng như nền văn hóa của dân tộc H’Rê. Đó là Bảo tàng Ba Tơ với một khu vực trưng bày hàng trăm vật dụng cúng thần linh, trồng lúa nước, làm rẫy, mai táng người chết, săn bắn thú rừng... của người dân tộc H’Rê. Tại đây, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với ngôi nhà sàn truyền thống của người H’Rê cùng những cửa sổ hình người và nhiều bộ xương thú treo lủng lẳng.

Trước khi rời Ba Tơ, chúng tôi tranh thủ thưởng thức những đặc sản của vùng núi này như thịt trâu nấu xà bần, cá niên nướng trui, rượu cần, rồi đắm mình trong dòng nước mát lạnh của hồ Tôn Dung yên bình và tuyệt đẹp.

(Theo TTO)

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
TIN MEDIA