Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/6/2017 | 8:07:41 AM

YBĐT - Cứ ao ước mãi, cuối cùng thì tôi cũng đã được đặt chân đến dải đất miền Trung - mảnh đất can trường và khốc liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - nơi mà mỗi tấc đất, mỗi nhành cây, ngọn cỏ đều thấm đẫm máu xương của các anh hùng liệt sỹ.

Thân nhân các gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái thăm Thành cổ Quảng trị.
Thân nhân các gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái thăm Thành cổ Quảng trị.

Đây - Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn. Kia - Ngã ba Đồng Lộc. Còn đó Thành cổ Quảng Trị linh thiêng… Những cái tên, những địa danh đã ghi vào tâm khảm mỗi người dân đất Việt, trở thành huyền thoại một thời hoa lửa của dân tộc trong cuộc trường chinh vệ quốc, nhắc nhở ta biết trân quý giá trị của hòa bình, tự do, độc lập dân tộc…

Có lẽ chẳng có ở nơi đâu, chẳng có một quốc gia, dân tộc nào mà nghĩa trang liệt sỹ lại nhiều như trên đất nước Việt Nam. Vẫn biết chiến tranh là đau thương, là mất mát song không khỏi lặng người khi đặt chân tới Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn. Trắng trời mộ chí. Trên 10.200 mộ phần của các liệt sỹ hy sinh trên đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đều được quy tập về đây.

Đây là nghĩa trang liệt sỹ lớn nhất Việt Nam. Tỉnh Yên Bái có trên 60 người con ưu tú của quê hương đang yên nghỉ vĩnh hằng cùng đồng đội tại đây, quanh đó là mộ phần liệt sỹ các tỉnh bạn: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lào Cai… Lặng lẽ trước hơn 10 ngàn mộ phần các liệt sỹ nằm cạnh nhau, trắng một màu tinh khôi trải dài giữa núi đồi mênh mông, bảng lảng hương trầm, lần đọc từng dòng tên trên bia tưởng niệm mà lòng trào dâng xúc động.

Mỗi tên tuổi liệt sỹ nghe sao thân thương, gần gũi. Tôi đã gặp ở nghĩa trang này liệt sỹ Nguyễn Văn Lễ, sinh năm 1944, chức vụ Thượng sỹ, quê quán: xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên, hy sinh ngày 28/11/1971; liệt sỹ Nguyễn Văn Vượng, sinh năm 1950, nhập ngũ tháng 4/1968, chức vụ Hạ sỹ, quê quán: xã Giới Phiên, huyện Trấn Yên, hy sinh ngày 27/2/1970; liệt sỹ Lê Xuân Huệ, chức vụ Hạ sỹ, nguyên quán: xã Tuy Lộc, huyện Trấn Yên hy sinh ngày 21/4/1970… và có cả những liệt sỹ chưa biết tên.

Bia trắng vô danh, tuổi thanh xuân trong sáng, máu những người con trung dũng, kiên cường đã hòa vào đất mẹ cho Tổ quốc hồi sinh, cho dân tộc trường tồn và đất nước trọn vẹn niềm vui độc lập. Gần như các anh, các chị hy sinh ở tuổi 18 - 22. Họ gặp lại đồng đội mình trong cách biệt rưng rưng, nước mắt luyến lưu, thương nhớ vơi đầy...

Đặt chân đến vùng đất lửa linh thiêng mà Thành cổ Quảng Trị là điểm đến tâm linh có ý nghĩa rất đặc biệt. Với những giá trị và chiến công đúc kết bằng xương máu của hàng ngàn chiến sỹ, Thành cổ Quảng Trị hôm nay trở thành một khu tưởng niệm để tri ân cho các anh hùng liệt sỹ. Bước rất nhẹ trên Thành cổ, khẽ đọc những lời thơ của Nguyễn Đình Lân mà lòng se sắt:

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời cũng tự trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay mạnh cành cây
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho hôm nay, tôi đến nghẹn ngào...

Thành cổ Quảng Trị được coi như người lính đi đầu trong chiến dịch xuân - hè 1972. Nơi đây, trên một diện tích chưa đầy 4 km2 đã phải hứng chịu 328 nghìn tấn bom, trên 1,2 triệu viên đạn pháo các loại và hơn 2 nghìn lượt máy bay oanh kích với sức công phá tổng cộng gấp 7 lần quả bom nguyên tử mà người Mỹ đã ném xuống Hirosima (Nhật Bản).

Các anh nằm lại nơi đây khi đang mang trong mình một khát vọng sống, có nhiều ước mơ và hoài bão. Một thế hệ thanh niên đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời cho núi sông gấm vóc một dải. Bảo tàng Thành cổ - nơi lưu giữ những kỷ vật thiêng liêng; những câu chuyện có thật mà tưởng như huyền thoại.

Giọng đọc trầm ấm, da diết của cô hướng dẫn viên khiến chẳng ai cầm được nước mắt khi nghe bức thư - di vật của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh viết cho mẹ trước lúc hy sinh. “... Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm. Công mang nặng đẻ đau.... Con của mẹ đi xa, để lại cho mẹ nỗi đau buồn nhất trên đời. Con rất hiểu đời mẹ khổ tận nhiều, nay bao hy vọng nuôi con khôn lớn. Song vì đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi, hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống đến ngày đón mừng chiến thắng...”.

81 ngày đêm giữ đất, giữ thành, giữ niềm tin sắt son với Đảng, đã có khoảng 1,8 vạn cán bộ, chiến sỹ đã nằm lại mãi mãi, máu xương trộn từng tấc đất trong Thành cổ. Họ hóa thân cùng với sông nước, cỏ cây để trường tồn trong lòng đất mẹ, sống mãi trong lòng nhân dân.

Thắp nén tâm nhang lên đài tri ân các anh hùng liệt sỹ trên Thành cổ, tôi nhớ câu nói của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn được lưu giữ tại Bảo tàng khi Người về thăm nơi đây: “Chúng ta đã chịu đựng được không phải vì chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự - những con người Việt Nam với truyền thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”...

Mặt trời hồng trên thành cổ Quảng Trị, nắng gió miền Trung chẳng còn gắt gao cháy bỏng. Tôi tự hỏi, còn bao nhiêu liệt sỹ vô danh đang yên nghỉ vĩnh hằng trong lòng đất mẹ; còn bao nhiêu gia đình, bao người thân khắc khoải tìm nhau. Lắng đọng nỗi đau, đậm sâu nghĩa tri ân, mỗi tháng Bảy về cả dân tộc nghiêng mình tưởng nhớ công ơn vệ quốc.

Phạm Minh

 

 

Các tin khác
Từ nay đến năm 2030, thực hiện tìm kiếm, quy tập được khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu từ nay đến năm 2030, thực hiện tìm kiếm, quy tập được khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ; hoàn thành việc tìm kiếm, quy tập và kết luận khu vực, địa bàn có thông tin mộ liệt sĩ tập thể; từ năm 2031 trở đi, tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến khi không còn thông tin về hài cốt liệt sĩ, mộ liệt sĩ.

Đại tá Phạm Viết Khánh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh trao giấy chứng nhận cho các thương binh.

Những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và chỉ đạo lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Đồng thời, thiết thực tri ân đối với gia đình thương binh, liệt sĩ, đối tượng chính sách và người có công trên địa bàn.

Lãnh đạo xã Lang Thíp thăm hỏi, động viên và tặng quà gia đình chính sách trên địa bàn xã nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Hiện nay, huyện Văn Yên có 801 đối tượng chính sách là người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người hoạt động cách mạng trước năm 1945, quân nhân xuất ngũ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thanh niên xung phong... đang được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải tặng quà bà Vàng Thị Pàng, vợ liệt sĩ ở bản Háng Đề Đài, xã Khao Mang.

Huyện Mù Cang Chải hiện có 25 đối tượng là gia đình chính sách và người có công; trong đó có 2 vợ liệt sĩ, 2 thương binh, còn lại là người thờ cúng liệt sĩ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục