Những quyết sách đã đi vào cuộc sống

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/10/2014 | 9:27:56 AM

YBĐT - Cả dân tộc đã trải qua 45 năm thực hiện “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh song điều đặc biệt là những lời Bác để lại dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua vẫn vẹn nguyên giá trị. Bác viết trong “Di chúc”: “… Đảng cần phải cókế hoạchthật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Có chính sách hỗ trợ chăn nuôi, nhiều hộ dân đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao.
Có chính sách hỗ trợ chăn nuôi, nhiều hộ dân đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao.

Chỉ bấy nhiêu từ ngắn gọn nhưng là nhiệm vụ, là mục tiêu mà Đảng, Nhà nước ta cũng như các cấp ủy chính quyền địa phương vẫn luôn nỗ lực, quyết tâm thực hiện để từng bước đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh.

Là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở địa phương với chức năng quyết định và giám sát có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển chung của tỉnh, đặc biệt là lợi ích của nhân dân, trong những năm qua, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã ban hành hàng trăm nghị quyết là những chính sách quan trọng, thúc đẩy sự phát triển về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Trong đó, riêng lĩnh vực kinh tế đã có hàng chục nghị quyết được ban hành. Có những nghị quyết hết sức quan trọng, có tác động toàn diện như Nghị quyết số 26/2010/NQ-HĐND ngày 16/12/2010 về xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2020.

Cùng với đó là một loạt các cơ chế, chính sách được ban hành để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM như: chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; chính sách giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2012 - 2015; chính sách phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản… Có thể nói, đó là những chính sách cơ bản nhất đã được HĐND tỉnh ban hành cùng với các chính sách của Trung ương, sự tích cực vào cuộc của các địa phương và nhân dân trong tổ chức thực hiện đã mang lại những kết quả khả quan cho một bức tranh kinh tế toàn cảnh với nhiều khởi sắc. 

Thực hiện xây dựng NTM ở các địa phương trong tỉnh không phải không có những khó khăn: từ nguồn lực để triển khai đến việc đả thông tư tưởng cho cán bộ cơ sở và nhân dân song với sự quyết tâm cao của tỉnh cùng với công tác tuyên truyền, tập huấn được triển khai mạnh mẽ đã mang lại sự đồng thuận, thông suốt của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân. Để rồi ở khắp các địa phương, phong trào này thực sự đã trở thành tâm điểm, đâu đâu cũng xuất hiện những tấm gương điển hình tích cực đóng góp ngày công, hiến đất, tiền mặt, phá bỏ tường rào... để làm các công trình công cộng. Đặc biệt là Đề án phát triển giao thông nông thôn được nhân dân ủng hộ tích cực cả trong mở mới và kiên cố hóa, hầu hết các thôn, bản đều đề nghị được giao thêm kế hoạch.

Chính những con đường được kiên cố hóa ở khắp các miền quê, thôn cùng ngõ hẻm là hiệu quả rõ nét nhất của việc xây dựng NTM, khẳng định chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Các chương trình, đề án, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp được thực hiện hiệu quả; công tác chuyển giao tiến bộ khoa học được quan tâm đã góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn các hoạt động thể dục thể thao và chăm sóc sức khỏe cho người dân nông thôn; an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh được giữ vững. Nhờ đó, đời sống người dân khu vực nông thôn được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm.

 

Sản lượng lương thực có hạt toàn tỉnh năm 2013 đạt 282.973 tấn, tăng trên 32 nghìn tấn so với năm 2010.

Diện mạo nông thôn mới dần lộ diện. Tại hai xã thực hiện mô hình điểm của tỉnh là Tân Đồng (Trấn Yên), Đại Phác (Văn Yên) và các xã thực hiện mô hình điểm của các huyện, thị, nhiều công trình kết cấu hạ tầng như giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, nhà văn hóa… được đầu tư xây dựng theo tiêu chí NTM được hoàn thành, đưa vào sử dụng đã phục vụ đắc lực, kịp thời cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Cụ thể đã cứng hóa được 62km kênh mương nội đồng; xây dựng 63 công trình văn hóa, 62 công trình thể thao xã và thôn; tổ chức 72 điểm thu gom rác thải tại các thôn; xây dựng 3 nghĩa trang nhân dân theo quy hoạch; nâng cấp nhiều công trình vệ sinh, trạm y tế xã… Riêng lĩnh vực phát triển sản xuất, đã xây dựng được 30 mô hình tại 29 xã đăng ký đạt chuẩn NTM vào năm 2015.

Trong đó, một số mô hình khá hiệu quả như: hỗ trợ trâu cái sinh sản luân chuyển giữa các hộ, trồng tre mai lấy măng ở Lục Yên; cải tạo đàn trâu đực giống, nuôi cá nheo trong lồng trên hồ Thác Bà, trồng thanh long ruột đỏ tại huyện Yên Bình; hỗ trợ mua máy cày, bừa, nuôi trâu cái sinh sản, sản xuất giống lúa tại thị xã Nghĩa Lộ; mô hình hợp tác xã ở xã Đại Phác (Văn Yên); trồng dâu nuôi tằm ở các xã: Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành (Trấn Yên); du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa Lợi, Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ)… Đến nay, Yên Bái đã có 1 xã đạt 19 tiêu chí, 2 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 17 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí… và số xã đạt từ 5 tiêu chí trở lên là 87/70 xã, vượt 5 xã so với kế hoạch đề ra trong năm 2014.

Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ phát triển nông - lâm nghiệp, thủy sản đã được ban hành và cụ thể hóa qua kế hoạch sản xuất từng vụ, từng năm; kịp thời bố trí nguồn lực, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, lồng ghép với các chương trình, dự án khác được triển khai trên địa bàn. Các chính sách hỗ trợ phù hợp với từng vùng cụ thể đã được các cấp, các ngành và nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo ra được cơ chế, động lực và phong trào rộng khắp. Các chính sách được ban hành đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Có cơ chế hỗ trợ chăn nuôi gà, nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo; hỗ trợ cây, con giống giúp người dân yên tâm phát triển kinh tế hộ, chuyển dịch cơ cấu giống; có chính sách hỗ trợ chăn nuôi, thủy sản đã tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao, khai thác được lợi thế và đặc sản của vùng miền, góp phần nâng cao thu nhập của người dân…

Hiệu quả từ các chính sách được minh chứng bằng khởi sắc của bức tranh kinh tế nông nghiệp: diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt tăng nhanh, nếu như năm 2010 là 63.653ha thì năm 2013 tăng lên 67.221ha; sản lượng  lương thực có hạt năm 2013 đạt 282.973 tấn, tăng trên 32 nghìn tấn so với  năm 2010. Cơ cấu giống có chuyển biến tích cực theo hướng tập trung các giống có năng suất cao, chất lượng tốt; đẩy mạnh chuyển đổi trồng ngô thay thế dần lúa nương ở các huyện vùng cao. Diện tích rừng hàng năm không ngừng tăng, tỷ lệ che phủ rừng năm 2013 đạt 60,4%, tăng 4.927ha so với năm 2010. Chăn nuôi tăng mạnh cả về sản lượng thịt hơi xuất chuồng và số lượng đàn. Năm 2013, toàn tỉnh có trên 1 nghìn cơ sở chăn nuôi tập trung. Chỉ tính trong 3 năm (2011 - 2013) đã phát triển thêm 612 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung có quy mô lớn.

Mặc dù những chính sách đã ban hành vẫn còn những hạn chế không tránh khỏi song về cơ bản, đó hoàn toàn là những chủ trương đúng đắn của tỉnh, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của sự phát triển, của đời sống và hơn hết là vì lợi ích nhân dân như lời dạy của Bác. Điều quan trọng là khi triển khai, các nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Để kinh tế, xã  hội của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển; giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống nhân dân sẽ vẫn còn cần nhiều hơn những bước đột phá trên các lĩnh vực, trong đó các chính sách về phát triển kinh tế luôn là chủ lực.

 Ngọc Tú

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
TIN MEDIA